Đại án Vạn Thịnh Phát : Những con số kỷ lục (BBC tiếng Việt)
Hé lộ hoàn cảnh bà Trương Mỹ Lan và phu quân Chu Lập Cơ bị bắt
BBC, 05/03/2024
Trong phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát sáng ngày 5/3, một tình tiết bất ngờ được tiết lộ từ lời khai của bà Trương Mỹ Lan.
Ông Chu Lập Cơ (trái) và vợ là bà Trương Mỹ Lan (phải) tại tòa sáng 5/3/2024
Cụ thể, khi được chủ tọa phiên tòa hỏi về thời gian bị bắt giữ, bà Trương Mỹ Lan khai rằng "bị cáo bị bắt vào 8 giờ đêm ngày 6/10/2022 tại ngoài đường".
Sau khi nghe lời khai của bà Lan, chủ tọa hỏi lại rằng bà Lan bị bắt ngày 6/10 nhưng "thực hiện tố tụng ngày 8/10 phải không" thì bà Lan vẫn khẳng định mình bị bắt đêm 6/10.
Lúc này, chủ tọa đã yêu cầu Viện Kiểm sát xem lại rõ ngày giờ vì cáo trạng ghi ngày bắt giữ bà Lan là ngày 8/10/2022.
Trong một bài viết đăng tải vào ngày 8/10, báo Thanh Niên có đăng hình ảnh xe công an có mặt để khám xét nơi ở của bà Lan với chú thích thời điểm là "lúc 1 giờ sáng ngày 7/10/2022".
Trước đây, báo chí Việt Nam đưa tin bà Lan bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 8/10/2022.
Vào sáng ngày 8/10/2022, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, thông tin với báo chí rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở đối với bà Trương Mỹ Lan.
Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan bị bắt với chiếc áo hoa, tóc còn quấn lô cũng được công an tung ra vào ngày 8/10.
Ông Xô không nhắc tới thời gian và địa điểm bắt giữ bà Lan cũng như không nói tới thời gian câu lưu, tạm giữ hành chính đối với bà Lan từ ngày 6-8/10/2022.
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Lan không phải trường hợp duy nhất mà thời điểm bắt giữ không minh bạch.
Việc bắt giữ doanh nhân Nguyễn Cao Trí, người nắm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Capella Holdings, cũng có nhiều "bí ẩn".
Theo cáo trạng, vào tháng 10/2022, sau khi nghe tin bà Trương Mỹ Lan bị bắt, ông Trí đã nhanh chóng chỉ đạo soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá, thanh lý hợp đồng chuyển nhượng chấm dứt sở hữu vốn tại Công ty Văn Lang để chiếm đoạt tài sản.
Sau đó, tên tuổi ông Trí xuất hiện trên truyền thông và mạng xã hội sau khi ông này bị Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng ngăn chặn các giao dịch liên quan đến nhà đất.
Lúc bấy giờ, vẫn chưa có thông tin bắt giữ ông.
Tại tòa sáng 5/3/2024, ông Trí khai mình bị bắt ngày 15/1/2023, nhưng tới tận tháng 8/2023, Bộ Công an mới thông báo đã khởi tố, bắt tạm giam ông này từ 15/1/2023. Tức là suốt khoảng thời gian hơn nửa năm không có thông tin gì về ông, mãi tới khi Bộ Công an thông báo thì dư luận mới biết ông Trí đã bị bắt.
Toàn cảnh phiên tòa xử vụ án Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB sáng 5/3
Ông Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee, 68 tuổi), người mang hộ chiếu Hong Kong và là chồng bà Trương Mỹ Lan, cũng là một trường hợp bất ngờ.
Tại tòa, ông Chu Lập Cơ nói ông bị bắt ngày 1/11/2022 và hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam.
Trong khi đó, báo chí trong nước lần đầu tiên đề cập tới thông tin trùm tài phiệt Hong Kong bị bắt giữ là vào tháng 11/2023, theo sau thông báo của công an trong cùng tháng.
Trao đổi với BBC News tiếng Việt, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, cho biết luật pháp Việt Nam không buộc cơ quan điều tra phải công bố thời điểm bắt bị can, bị cáo cho cơ quan truyền thông.
Để đảm bảo nguyên tắc bí mật, bất ngờ trong việc phá án thì càng tiết lộ ít thông tin càng tốt để tránh việc "bứt dây động rừng".
"Cái quan trọng là cơ quan điều tra phải thông báo cho người nhà biết trong thời hạn luật định để người nhà thuê luật sư tham gia kịp thời," ông Sơn nói.
Nguồn : BBC, 05/03/2024
***************************
Cần biết gì khi bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo hầu tòa
BBC, 05/03/2024
Bà Trương Mỹ Lan xuất hiện tại tòa, sau hơn một năm bị bắt tạm giam, trong áo sơ mi trắng và được mô tả là "tinh thần ổn định" và "tươi tỉnh".
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa sáng 5/3
Khi trời còn chưa sáng rõ, một số xe của lực lượng cảnh sát đã có mặt tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trên đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1.
Một số người cho BBC biết an ninh quanh khu vực tòa án đã được thắt chặt, các cổng của tòa án đều bị phong tỏa và các tuyến đường tiếp giáp cũng bị hạn chế lưu thông.
Hàng chục xe đặc chủng chở bị cáo từ trại tạm giam đến tòa trong sáng 5/3 và hàng trăm cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông đã được huy động để giữ gìn an ninh, trật tự.
Một số phóng viên có mặt tại hiện trường cho BBC hay việc tác nghiệp cũng bị hạn chế.
Tóm tắt phiên tòa
Trong số 86 người bị truy tố, chỉ có 79 người có mặt tại phiên tòa, năm bị cáo khác đang bị truy nã và xét xử vắng mặt.
Các bị cáo trên bị xét xử tám tội danh gồm : tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Bộ luật Hình sự 1999), vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng (Bộ luật Hình sự 2015), lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Trương Mỹ Lan bị xét xử ba tội : tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Riêng ông Nguyễn Cao Trí (chủ tịch Công ty Capella) bị cáo buộc về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Năm người trốn truy nã đều là cựu lãnh đạo, cán bộ của ngân hàng SCB : Đinh Văn Thành và Nguyễn Thị Thu Sương (cùng là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB), Trầm Thích Tồn (thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Bến Thành).
Thành phần hội đồng xét xử gồm : thẩm phán Phạm Lương Toản - chánh Tòa hình sự TAND Thành phố Hồ Chí Minh - chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Lê Công Huân và ba hội thẩm nhân dân.
Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 5/3 đến 29/4.
Những con số kỷ lục
Phiên tòa Vạn Thịnh Phát mang tính kỷ lục với khoảng gần 3.000 người được triệu tập. Trong đó có 86 người là bị cáo, khoảng 200 luật sư và ít nhất 2.400 người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Bức hình chụp kho lưu giữ hồ sơ vụ án cũng gây chú ý vì vụ án được đánh giá có hồ sơ "khủng", với khoảng một triệu bút lục, 2.500 tập tài liệu đựng trong 104 thùng hồ sơ, nặng khoảng sáu tấn. Phòng lưu giữ hồ sơ phải mở điều hòa hoạt động liên tục.
Bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị cáo buộc đã rút của ngân hàng SCB số tiền là một triệu tỷ đồng trong khoảng thời gian 10 năm từ 2012 đến 2022.
Để so sánh, GDP của năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 10.221.800 tỷ đồng, tức số tiền bà Lan và cộng sự đã rút từ SCB tương đương hơn 10% GDP năm 2023.
Con số này cũng gấp gần hai lần tổng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 (gần 580.000 tỷ đồng), hay gấp hơn ba lần tổng mức đầu tư xây dựng sân bay Long Thành (được coi là "siêu dự án" hạ tầng đắt tiền nhất lịch sử Việt Nam).
Biểu đồ giải thích hai giai đoạn gắn với hành vi mà bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc và số tiền thiệt hại
Sau khi đã trừ đi các tài sản đảm bảo, bà Lan và các cộng sự bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 498.000 tỷ đồng (20 tỷ USD). Đây là số thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay trong một vụ án.
Con số này gấp hàng ngàn lần số tiền trong vụ các vụ đại án gần đây như "Chuyến bay giải cứu" (gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng) hay vụ Việt Á (thiệt hại 430 tỷ đồng).
Ngoài con số gây thiệt hại lớn, vụ án Vạn Thịnh Phát cũng đứng đầu về số tiền mà một cá nhân bị cáo buộc nhận hối lộ.
Bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước tại SCB, bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỉ đồng).
Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên trong một cuộc họp báo đã khẳng định đây là số tiền "lớn nhất từ trước đến nay" mà một cá nhân nhận hối lộ.
Theo cáo trạng, từ năm 2011, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm ba ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Với 91,5% tỷ lệ sở hữu cổ phần tại SCB, bà Lan đã khuynh đảo mọi hoạt động của ngân hàng này như một công cụ tài chính để huy động vốn cho các mục đích cá nhân. Đây cũng là con số kỷ lục mà một cá nhân nắm giữ cổ phần của một ngân hàng.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 5/3
Một bài báo của Nhật từng đánh giá tác động của vụ bắt giữ với nền kinh tế Việt Nam. Tờ Nikkei Asia viết rằng, việc bắt giữ bà Trương Mỹ Lan cùng các vụ bắt giữ một số lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng trước đó, như các vụ án Tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã "gây hỗn loạn giữa các ngành công nghiệp và đe dọa nền kinh tế" Việt Nam.
"Có lo ngại rằng các doanh nghiệp lớn sẽ trì hoãn việc huy động vốn lớn trong tương lai gần để tránh bị trở thành mục tiêu".
"Các cơ quan chính phủ cũng đang trì hoãn các quyết định liên quan đến những khoản đầu tư mới như một cách để giảm thiểu tác động của chiến dịch chống tham nhũng".
Bài báo cũng nêu thêm một lo ngại khác đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh "hỗn loạn" trước các vụ bắt giữ kinh tế.
"Các án nhằm vào các nhân vật doanh nhân chủ chốt có liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực chính trị" trong Đảng cộng sản vốn đang kiểm soát Việt Nam, bài báo trích dẫn một nguồn tin trong ngành bất động sản cho biết.
Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh nhất thế giới - 125% trong thập niên tới với tỷ lệ triệu phú mới cao nhất thế giới. Và khi khối tư nhân ngày càng có tiếng nói, Đảng cộng sản có thể sẽ thấy bị đe dọa.
Bà Trương Huệ Vân, cháu ruột của bà Trương Mỹ Lan, tại tòa
Trong bài viết cho BBC, tác giả David Hutt, nhà nghiên cứu từ Central European Institute of Asian Studies (CEIAS), cho rằng Đảng cộng sản vẫn kiểm soát mọi lĩnh vực của đời sống chính trị.
"Một đảng độc tài chỉ cần làm đúng một điều : phải diệt trừ bất kỳ không gian nào cho các lựa chọn thay thế về mặt chính trị.
"Như nhiều nhà bình luận đã chỉ ra, công cuộc đốt lò của Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Câu hỏi đặt ra khi Đại hội toàn quốc năm 2026 đến gần là liệu Đảng cộng sản có gây nguy hại cho sự tăng trưởng kinh tế nhiều hơn nữa vì mục đích nắm giữ quyền lực của chính mình hay không.
"Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu khu vực tư nhân có thể bị hạn chế hay không, trong khi vẫn có một số người trong Đảng nhìn có cách nhìn trìu mền về thời ông Dũng, khi cuộc sống dễ thở hơn về mặt tư tưởng hơn, khi Đảng cộng sản không quá hà khắt và khi có kiếm tiền dễ dàng," ông David Hutt viết.
Nhà báo Hutt cũng đặt vấn đề là, ông Trọng, hiện đã 79 tuổi, người đã gạt bỏ các điều lệ của Đảng để nắm quyền liên tiếp ba nhiệm kỳ, sẽ kỳ vọng rằng lần này ông có thể tìm được người kế nhiệm được lòng dân.
"Nhưng điều đó có vẻ cam go. Và nếu không thể, chiến dịch chống tham nhũng kéo dài hàng thập kỷ của ông có thể mờ nhạt sau khi ông rời chính trường," ông Hutt viết.
Nguồn : BBC, 05/03/2024