Việt Nam có chọn bên không ? (Phạm Trần)

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tuyên bố kiên trì theo đuổi "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" đặt trên nền tảng "chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình", thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng cam kết tiếp tục dựa vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để "quá độ lên chủ nghĩa xã hội".


Ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính vội vã thanh minh : "Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải, đối với các vấn đề liên quan quốc tế thì quan điểm là vì hòa bình, hợp tác phát triển, phù hợp với đường lối, quan điểm đối ngoại của chúng ta vừa qua".

quanhe00

Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị cho ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ngày 1/11/2022

Trả lời trước Quốc hội ngày 05/11/2022, ông Chính tái xác định : "Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa ; là bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả nước trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế".

Những điều người cầm đầu Chính phủ nói không mới nhưng không thật. Bởi vì Đảng cộng sản Việt Nam làm bất cứ việc gì cũng có "cái vết" Trung Quốc trong đó qua trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tuyên bố kiên trì theo đuổi "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" đặt trên nền tảng "chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình", thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng cam kết tiếp tục dựa vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để "quá độ lên chủ nghĩa xã hội".

Họ Tập tiếp tục lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc qua nhiệm kỳ thứ 3 và Chủ tịch nhà nước không giới hạn từ năm 2012, trong khi ông Trọng cũng phá Điều lệ Đảng đế giữ chức Tổng bí thư thêm nhiệm kỳ thứ 3 từ năm 2021-2026.

Ông Trọng cũng đã kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước từ ngày 23/10/2018 đến ngày 05/04/2021, sau cái chết bất ngờ của ông Trần Đại Quang.

Sợ diễn biến hòa bình

Trong Tuyên bố chung, sau chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 30/10 đến ngày 01/11/2022 của ông Trọng, lần đầu tiên hai nước Việt-Trung đã đồng ý : "Thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chống khủng bố, chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu", tội phạm ma túy, chống lừa đảo trên mạng và viễn thông, đánh bạc qua biên giới, mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, quản lý xuất nhập cảnh, truy bắt tội phạm truy nã". Đồng thời : "Hai bên chủ trương, các nước triển khai giao lưu và hợp tác trong vấn đề nhân quyền trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền, không chính trị hóa vấn đề nhân quyền".

Ba vấn đề nổi cộm "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu" và "nhân quyền" chưa hề được viết trong các Tuyên bố chung trước đây giữa hai nước. Điều này có nghĩa Việt Nam và Trung Quốc đều đặc biệt quan tâm và phải đối phó, vì là những vấn đề có thể biến thành gai nhọn cho hai chế độ. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều bị quốc tế lên án vi phạm quyền con người nghiêm trọng và bắt giam những người đấu tranh đòi dân chủ và tự do.

Làm giống nhau

Trong chuyến thăm Trung Quốc kết thúc ngày 01/11/2022, ông Trọng đã thay mặt đoàn Việt Nam : "Bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân, Đảng cộng sản Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc nhất định sẽ tiếp tục mở rộng và làm phong phú con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, thúc đẩy mạnh mẽ công trình vĩ đại mới về xây dựng Đảng, hoàn thành đúng thời hạn các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XX Đảng cộng sản Trung Quốc đề ra, thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ hai, xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp".

Về phía Trung Quốc họ Tập cũng : "Tin tưởng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu là đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ to lớn mà Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra, sớm đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Hai bên cũng lập lại những sáo ngữ như : "Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh" hay : "Kiên trì phương châm : láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, và tinh thần : láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Những chữ màu mè trên đây được Trung Quốc đặt ra cho phía Việt Nam thi hành từ sau chuyến thăm "làm lành" năm 1990 của phái đoàn Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cầm đầu gồm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng.

Phía Trung Quốc có Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc…

Theo Bách khoa toàn thư mở thì : "Hội nghị Thành Đô (hay gọi là Mật ước Thành Đô) là cuộc hội nghị thượng đỉnh Việt-Trung trong hai ngày 3-4/9/1990, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng cộng sản của Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai Đảng. Cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố".

Biên giới và biển đảo

Nên biết, trước khi có Hội nghị Thành Đô, Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình đã đem 600.000 quân, xe tăng và trọng pháo tấn công vào 6 tỉnh cực bắc của Việt Nam gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai và Quảng Ninh. Họ Đặng gọi cuộc chiến xâm lược này là "dạy cho Việt Nam một bài học". Tuy nhiên, các học giả kết luận Trung Quốc đã thua Việt Nam trong cuộc chiến ngắn ngủi này vì không chiếm được lãnh thổ Việt Nam.

Dù vậy, cuộc chiến kéo dài 10 năm từ ngày 17/2/1979 đến năm 1999 đã gây thương vong nặng cho cả quân đội và dân thường đôi bên, nhưng với những số khác nhau.

Theo Bách khoa toàn thư mở, Trung Quốc nói có 6.954 lính chết và 14.800 bị thương. Việt Nam khoe hạ 26.,000 và gây bị thương 37.000 lính Trung Quốc.

Về phía Việt Nam nhìn nhận có 10.000 dân thường thiệt mạng, nhưng giấu số lính chết, bị thương hay mất tích. Trung Quốc tuyên bố đã giết 57.000 lính chính quy và 70.000 du kích Việt Nam.

Sau cuộc chiến biên giới, Trung Quốc lại tấn công quân Việt Nam ở Trường Sa ngày 14/03/1988, chiếm đảo chiến lược Gạc Ma và một số bãi đá. Cuộc chiến này sau đó lan qua các đá khác khiến Việt Nam mất quyền kiểm soát vĩnh viễn các bãi đá Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Xu Bi. Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, khi ấy do Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam kiểm soát.

Trung Quốc đã tái tạo và xây dựng nhiều căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng và dàn radar kiểm soát không trung và lãnh hải tại khu vực chiếm đóng bảo vệ bởi Quân Trung Quốc.

Phía Việt Nam duy trì kiểm soát tại 21 vị trí, kể cả Trường Sa lớn và Trường Sa Đông.

Nhìn chung, tuy ngoài mặt Việt Nam và Trung Quốc cắn răng sống hòa bình với nhau, nhưng vẫn hầm hừ nhau qua nhiều giai đoạn. Việt Nam luôn luôn coi Trung Quốc là "kẻ thù nguy hiểm nhất", vì từng bị "phương Bắc" đô hộ một ngàn năm.

Dù vậy, hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng vẫn phải tươi cười trong cuộc gặp ở Bắc Kinh để tuyên bố : "Hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột của quan hệ hai nước. Tiếp tục tăng cường tiếp xúc cấp cao giữa quân đội hai nước ; triển khai giao lưu, hợp tác như hoạt động Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, Đối thoại chiến lược quốc phòng, Tuần tra liên hợp trên Vịnh Bắc Bộ giữa hải quân, Đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng ; làm sâu sắc hợp tác biên phòng, thúc đẩy tuần tra chung biên giới trên đất liền giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước".

Biển Đông vẫn căng thẳng

Về xung đột ở Biển Đông, hai họ Tập-Nguyễn hứa : "Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển ; cho rằng kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông vô cùng quan trọng ; nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh lâu dài ở khu vực… Hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo hai đảng, hai nước và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

Ngoài ra : "Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hai việc trên sớm đạt tiến triển thực chất. Hai bên sẵn sàng tiếp tục tích cực triển khai hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển ; tích cực trao đổi về đi sâu, mở rộng hợp tác trên biển tại Vịnh Bắc Bộ trên cơ sở đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên".

"Hai bên đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) hiệu quả, có nội dung thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) ; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bìh, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển".

Thực tế tình hình Biển Đông vẫn âm thầm gay go và cả hai bên đều có những chuẩn bị chống đột biến như tăng cường tuần tra và tập trận. Phía Hoa Kỳ cũng tiếp tục sử dụng tầu tuần tra và hạm đội tác chiến trong khu vực như bằng chứng không để cho Trung Quốc làm "bá chủ ở Biển Đông"

Tập Cận Bình hứa

Cũng cần ghi nhận những cam kết của Trung Quốc được thực hiện sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng cộng sản Trung Quốc ngày 16/10/2022.

Trong báo cáo trước Đại hội, ông Tập Cận Bình nói : "Trung Quốc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, kiên trì các nước nhất luận bình đẳng bất kể lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, tôn trọng người dân các nước tự chủ lựa chọn con đường phát triển và chế độ xã hội, kiên quyết phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền dưới mọi hình thức, phản đối tư duy Chiến tranh Lạnh, phản đối can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, phản đối thi hành tiêu chuẩn kép. Trung Quốc thi hành chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ, sự phát triển của Trung Quốc là sự tăng trưởng của sức mạnh hòa bình thế giới, bất kể phát triển đến mức độ nào, Trung Quốc vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng" (Tài liệu Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, CRI–China Radio International).

Họ Tập cũng hứa : "Kiên trì phương châm ngoại giao với các nước láng giềng : Thân, Thành, Huệ, Dung và thân thiện với láng giềng, làm đối tác với làng giềng, sâu sắc quan hệ hữu nghị tin cậy lẫn nhau và hội tụ lợi ích với các nước xung quanh. Tăng cường đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển, bảo vệ lợi ích chung của các nước đang phát triển thể theo quan niệm : Chân, Thực, Thân, Thành và quan điểm đạo nghĩa và lợi ích đúng đắn.

Họ Tập cũng khẳng định Trung Quốc : "Phản đối chủ nghĩa bảo hộ, phản đối "dựng hàng rào, xây tường ngăn", "tách rời đứt chuỗi", phản đối trừng phạt đơn phương, gây sức ép tối đa".

Tuy nhiên không nước nào trong khu vực tin lời hứa của Tập Cận Bình vì Trung Quốc không ngừng đe dọa an ninh ở Biển Đông.

Hồng Kông – Ma Cao – Đài Loan

Về vấn đề của riêng Trung Quốc, ông Tập cũng tái khẳng định lập trường của Trung Quốc đối với Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan.

Ông nói Trung Quốc : "Kiên trì và hoàn thiện "Một nước hai chế độ", thúc đẩy thống nhất Tổ quốc "Một nước hai chế độ" là sáng tạo vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là sự sắp xếp chế độ tốt nhất cho giữ gìn sự phồn thịnh và ổn định lâu dài của Hồng Kông, Ma Cao sau khi trở về với Tổ quốc, cần phải kiên trì lâu dài. Quán triệt toàn diện và đúng đắn, kiên định bất di bất dịch phương châm "Một nước hai chế độ", "Người Hồng Kông quản lý Hồng Kông", "Người Ma Cao quản lý Ma Cao", tự trị cao độ, kiên trì quản lý Hồng Kông, Ma Cao theo pháp luật, bảo vệ trật tự chế độ lập hiến của Đặc khu hành chính được Hiến pháp và Luật Cơ bản xác định.

"Kiên quyết tấn công thế lực chống Trung Quốc, làm rối loạn Hồng Kông, Ma Cao, kiên quyết phòng ngừa và ngăn chặn thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc của Hồng Kông, Ma Cao. Giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện hoàn toàn thống nhất Tổ quốc là nhiệm vụ lịch sử không bao giờ thay đổi của đảng, là nguyện vọng chung của toàn thể người Trung Quốc, là đòi hỏi tất yếu thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Kiên trì quán triệt phương châm chiến lược chung giải quyết vấn đề Đài Loan của đảng trong thời đại mới, nắm vững quyền chủ đạo và quyền chủ động trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, kiên định bất di bất dịch thúc đẩy sự nghiệp lớn thống nhất Tổ quốc. Phương châm "Thống nhất hòa bình, Một nước hai chế độ" là phương thức tốt nhất thực hiện thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan, có lợi nhất đối với đồng bào hai bờ eo biển và dân tộc Trung Hoa".

Người lãnh đạo Trung Quốc cao giọng khi nói : "Kiên định phản đối "Đài Loan độc lập", thúc đẩy thống nhất đất nước".

Ông nói : "Giải quyết vấn đề Đài Loan là công việc của người Trung Quốc, phải do người Trung Quốc quyết định. Với thiện chí lớn nhất và nỗ lực lớn nhất, chúng ta kiên trì tranh thủ một tương lai thống nhất hòa bình, nhưng quyết không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực, bảo lưu áp dụng mọi sự lựa chọn cần thiết, điều này là nhằm vào sự can thiệp của thế lực bên ngoài và một số rất ít phần tử "Đài Loan độc lập" cũng như hoạt động chia rẽ của chúng, tuyệt đối không nhằm vào đông đảo đồng bào Đài Loan".

Hoa Kỳ - Đài Loan

Hoa Kỳ không có bang giao chính thức với Đài Loan nhưng quan hệ đôi bên vẫn khắng khít hơn bao giờ hết. Bảo vệ quyền ngoại giao của Mỹ ở Đài Loan do Viện nghiên cứu Hoa Kỳ ở Đài Loan (the American Institute in Taiwan - AIT). Đại diện cho Đài Loan ở Hoa Kỳ là Văn phòng Kinh tế và Văn hóa, đặt trụ sở ở Washington D.C. (Taipei Economic and Cultural Representative Office in the United States - TECRO).

Về phương diện quốc phòng, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành một Nghị quyết giúp Đài Loan duy trì quyền tự vệ, đồng thời cam kết sẵn sàng dùng vũ lực để chống lại những mưu toan làm rối loạn an ninh,kinh tế và xã hội của Đài Loan (1).

Lập trường của Việt Nam về vấn đề Đài Loan được ông Nguyễn Phú Trọng cam kết với ông Tập Cận Bình rằng : "Phía Việt Nam tái khẳng định kiên trì chính sách "Một Trung Quốc", ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức và nhất quán ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Việt Nam không phát triển quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan".

Như vậy, xem ra lời nói "Việt Nam không chọn bên" của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính là hoàn toàn sai với tình hình thực tế.

Phạm Trần

(07/11/2022)

Chú thích :

(1) Consistent with the Taiwan Relations Act, the United States makes available defense articles and services as necessary to enable Taiwan to maintain a sufficient self-defense capability -– and maintains our capacity to resist any resort to force or other forms of coercion that would jeopardize the security, or the social or economic system, of Taiwan - Tài liệu Bộ Ngoại giao Mỹ