Án oan sai ở Việt Nam (Nguyễn Vũ Bình)
Toàn bộ các vụ án về việc người dân bày tỏ quan điểm, chính kiến, đó là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và tự do hội họp (lập hội, nhóm) đã bị nhà cầm quyền sử dụng các điều luật quy định trái hiến pháp khởi tố và kết án, và như vậy đương nhiên những người bị bắt theo các điều luật này là oan sai.
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, có phát biểu trong cuộc họp của thường vụ quốc hội, phản hồi báo cáo của chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về các trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố như sau : "Một năm cả nước có trên 120.000 vụ án hình sự, chỉ có 17 vụ như vậy thì phải cảm thấy mừng. So với năm trước là 15, năm nay là 17. Con số 2 này không nói lên được điều gì cả, bởi vì còn lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, chúng ta sẽ lưu ý, nhưng đừng đánh giá sớm quá thì tạo ra một tâm lý cho anh em trong thực thi nhiệm vụ".
Ông Huỳnh Văn Nén hội tụ cùng gia đình sau khi bị ngồi tù oan 18 năm.
Thông thường, các ngành ở Việt Nam hay có các thành tích tương tự, Viện Kiểm sát có 17 trường hợp oan sai, thì phía Tòa án cũng có khoảng tầm đó, hơn kém không đáng kể. Theo cách quy nạp như vậy, Tòa án cũng có khoảng 15 đến 20 trường hợp oan sai. Tổng cộng điều tra truy tố và xét xử khoảng 40 trường hợp oan sai. Tỷ lệ 40 trường hợp trên 120.000 vụ án hình sự, có thể nói là là một tỷ lệ cực thấp 0.00033, làm tròn số có thể bỏ qua. Như vậy, ở Việt Nam nền tư pháp gần như hoàn hảo. Cũng như tất cả các ngành các cấp khác, chỗ nào cũng hoàn hảo mà đất nước và xã hội nát bét, không còn một cái gì có thể gọi là tử tế, ra hồn người.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (giữa, ở Bắc Giang) được tuyên vô tội sau khi ngồi tù oan 10 năm.
Theo một luật sư được đào tạo thời Pháp thuộc, rất tiếc tôi không nhớ tên, có nói đã lâu rằng, án oan sai ở Việt Nam là khoảng 70-80%, tôi hoàn toàn đồng ý con số này. Nhưng chúng ta cần hiểu, oan sai so với cái gì ? Theo tôi hiểu, đó là oan sai về việc làm của họ so với pháp luật thông thường trên thế giới. Những án hình sự của Việt Nam hay của thế giới cũng không có khác biệt nhiều lắm, tức là tính chất, mức độ và phạm vị vi phạm pháp luật hầu như các nước không có nhiều sự khác biệt. Như vậy, tỷ lệ oan sai 70-80% do những yếu tố nào cấu thành lên như vậy ?
Trước hết, đó là quy định của luật pháp về việc vi phạm pháp luật. Ở Việt Nam, có rất nhiều điều luật không giống nước ngoài, tức là không đúng tinh thần luật pháp chung. Toàn bộ các vụ án về việc người dân bày tỏ quan điểm, chính kiến, đó là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và tự do hội họp (lập hội, nhóm) đã bị nhà cầm quyền sử dụng các điều luật quy định trái hiến pháp khởi tố và kết án, và như vậy đương nhiên những người bị bắt theo các điều luật này là oan sai. Ngoài ra còn vô số các điều luật ở Việt Nam hoàn toàn không theo tinh thần pháp luật chung, ví dụ người dân chống trả trộm cướp gây thương tích cũng bị đi tù… các quy định luật pháp sai trái đã làm rất nhiều người vô tội phải vào tù. Đó là căn nguyên thứ nhất.
Thứ hai, các khung hình phạt trong các điều luật có độ co dãn quá lớn, khiến cho việc trừng phạt người vi phạm phụ thuộc rất nhiều vào thẩm phán, vào phiên tòa. Ví dụ một tội danh cụ thể, đối với luật pháp nói chung, dù có nhiều tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ, thì án tù thường cố định ở một mức nào đó, nhưng ở Việt Nam, chúng ta luôn thấy khung hình phạt từ 2-7 năm. Sau đó, thêm các tình tiết tăng nặng, ở các điều khoản tiếp theo, án tù từ 10 đến 15 năm, chung thân hoặc tử hình. Hầu như tội danh nào cũng có các điều khoản tương tự như vậy, điều này dẫn tới việc tùy tiện trong xét xử và kết án. Phần lớn các án "sai" là do mức độ co dãn trong quy định án phạt tù như vậy.
Thứ ba, sự tha hóa của bộ máy tư pháp. Tất cả các ngành thuộc tư pháp như điều tra (công an), truy tố (viện kiểm sát) và xét xử (tóa án) đều tha hóa đến tận cùng. Một người vi phạm pháp luật sẽ đối mặt với sự nhũng nhiễu, yêu cầu hối lộ, đút lót từ cả ba ngành. Hố sơ điều tra, yêu cầu truy tố và kết quả xét xử luôn luôn gắn với số tiền mà người vi phạm có thể chi trả cho các giai đoạn của quá trình tố tụng. Bất kể một công đoạn nào, số tiền người vi phạm không chi đúng, đủ theo yêu cầu của các ngành đều có thể dẫn tới oan sai. Sự tha hóa của các ngành tư pháp có thể chiếm tới trên 50% án oan sai hiện nay.
Người dân ăn trộm con vịt án tù 7 năm, những kẻ tham nhũng hàng tỷ, chục tỷ, làm thất thoát hàng ngàn tỷ thì án tù cũng chỉ dăm ba năm,7 năm tù. Đó là sự tương phản điển hình, phản ảnh sự oan sai và bất công trong tố tụng ở Việt Nam.
Hà Nội, ngày 24/9/2022
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 24/09/2022