Điện hạt nhân của Việt Nam: Làm hay bỏ? (BBC Tiếng Việt)
"Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong báo cáo giám sát có sự luyến tiếc nên đưa ra đề nghị tạm giữ quy hoạch này, còn tôi đề nghị xóa," Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói tại Quốc hội ngày 30/5.
Một đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị xóa quy hoạch làm nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, truyền thông Việt Nam đưa tin.
"Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong báo cáo giám sát có sự luyến tiếc nên đưa ra đề nghị tạm giữ quy hoạch này, còn tôi đề nghị xóa," Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói tại Quốc hội ngày 30/5.
'Không luyến tiếc'
Ông Nghĩa nói rằng Đảng, Nhà nước và Quốc hội khoá XIV đã cân nhắc rất kỹ lưỡng khi đưa ra chủ trương tạm dừng làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2016 nên theo ông "10-20 năm tới có làm điện hạt nhân hay không thì lúc đó sẽ xây dựng, lập quy hoạch mới, tính toán vị trí làm ở đâu.
"Với năng lực tự chủ, quản lý rủi ro về điện hạt nhân ở Việt Nam hiện ở mức rất thấp chúng ta không nên luyến tiếc nữa," Đại biểu Nghĩa nói khi dẫn chiếu tới sự cố điện hạt nhân Fukushima mà Nhật Bản sau hơn 10 năm vẫn chưa giải quyết xong.
Trong khi đó Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói không có cơ sở để xoá quy hoạch địa điểm làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
"Nghị quyết của Quốc hội trước đây là dừng chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, chứ không phải huỷ bỏ."
"Điện than đã không còn điều kiện phát triển, thuỷ điện cũng hết dư địa, nên tương lai muốn đạt mục tiêu cam kết tại COP 26 thì phải phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo", ông Nguyễn Hồng Diên nói.
"Giờ chưa nên xem xét thêm mà chờ tới khi cấp có thẩm quyền quyết định việc tiếp tục hay không thì sẽ tính.
"Nhưng địa điểm làm nhà máy điện hạt nhân đã được các đối tác nghiên cứu rất kỹ và họ khẳng định không nơi nào phù hợp hơn Ninh Thuận," ông Diên nói thêm.
Bộ trưởng Công Thương cũng liên hệ tới một số nước thế giới hiện nay cũng phải quay lại phát triển điện hạt nhân do những "biến động của địa chính trị".
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong báo cáo mới đây đề nghị cần xem xét, nghiên cứu điện hạt nhân nhằm giảm phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức.
'Chờ Bộ Chính trị'
Trong khi đó Thủ tướng Phạm Minh Chính được Vnxpress dẫn lời nói bên hành lang Quốc hội ngày 27/5 rằng đây là vấn đề "phải nghiên cứu kỹ và ông cho biết sẽ chờ chủ trương tiếp theo của Bộ chính trị, Trung ương".
Một nội dung được các đại biểu quan tâm là việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2016 đã và đang có ảnh hưởng tới cuộc sống người dân vùng dự án cũng như khả năng thu hút đầu tư của địa phương.
"Các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh rất lo ngại. Cử tri vùng dự án nghe tin này cũng đang rất lo lắng về việc kéo dài quy hoạch sẽ tiếp tục gây khó khăn cho đời sống kinh tế, ảnh hưởng tới chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Thuận", Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nói tại Quốc hội.
Bà Hương mô tả việc "người dân bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được mua bán, không được chuyển nhượng hay thế chấp đất để vay vốn sản xuất; không được xây dựng, cải tạo nhà ở, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi không được đầu tư hiện đang bị hư hỏng xuống cấm nghiêm trọng và thực trạng này gây lãng phí nguồn lực đất đai trong khu vực".
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng được báo Lao Động dẫn lời nói bên hành lang Quốc hội rằng việc dừng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận là "rất phù hợp, bởi để dồn lực cho các dự án trọng điểm khác, đồng thời phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, không an toàn thì không làm".
"Tôi đồng tình, ủng hộ thực hiện dự án điện hạt nhân sau năm 2040" - ông Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, nói.
Nguồn: BBC Tiếng Việt
30/5/2022