Chân dung tự họa của trí thức cộng sản (Quốc Bảo)

Đẳng cấp và giá trị của một trí thức không chỉ ở những gì người đó trình bày, hay vị thế của họ mà quan trọng hơn là cảm hứng và kết quả mà họ đóng góp đã giúp nâng cao nhận thức của khán thính giả, những người tiếp thu tri thức từ họ, để trở thành như họ. Điều đó thực sự tạo ra một chuẩn mực, một văn hóa trí thức.


“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” vẫn là khẩu hiệu trọng tâm trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra, dù không ai biết quốc dân đi về đâu. Khi Đảng cộng sản tự cho mình quyền rao giảng văn hóa dân tộc, họ đã vô tình khắc họa chân dung trí thức ưu tú của mình.

Văn hóa của Đảng cộng sản

Đây mới là lần thứ ba, Đảng cộng sản tổ chức hội nghị mà họ xem là sự kiện đặc biệt. Lần đầu vào năm 1946, lần hai năm 1948. Có thể đặt câu hỏi và suy luận xem vì sao số lần tổ chức lại ít đến thế: Thứ nhất, Đảng cộng sản luôn xem trọng nên mặc nhiên thừa nhận vai trò văn hóa mà không cần nhấn mạnh hay xét lại. Thứ hai, Đảng cộng sản nhận ra lúc này phải xét lại toàn diện. Và nếu không “chấn hưng” - từ mà họ dùng - thì Đảng cộng sản đối diện sự tiêu vong. Trong cả hai ý nghĩa nội hàm đó, nghĩa nào cũng không giúp nhận diện và nâng cao các giá trị nhận thức cho dân tộc. Làm sao có thể chấn hưng, khi kết luận hội nghị, phó thủ tướng Vũ Đức Đam không định nghĩa được văn hóa là gì.

Dù có ngữ nghĩa rộng, chúng ta cũng phải cố gắng định nghĩa trước khi đánh giá hay bàn luận về văn hóa của Đảng cộng sản. Văn hóa là:

-Toàn bộ các giá trị được mỗi người hoặc cộng đồng xem là đúng và hệ giá trị ấy sẽ dẫn lối hay thậm chí quyết định tới cách suy nghĩ và hành xử của từng người hoặc cộng đồng. (Thí dụ: Văn hóa Khổng giáo).

-Là những phản xạ, thói quen trong tương tác và tìm giải pháp cho vấn đề. (Thí dụ: Văn hóa từ chức, văn hóa lợi nhuận).

-Tất cả những phạm trù không thuần tuý về chuyên môn khoa học kĩ thuật được con người cảm nhận, hiểu biết và ảnh hưởng tới tâm hồn, thái độ sống. Văn học nghệ thuật, triết học, lịch sử, địa lý, hội hoạ, âm nhạc, thể thao nằm trong số các thí dụ về văn hóa.

-Văn hóa ở thời đại dân chủ còn là thái độ, cách tiếp cận đúng đối với một lĩnh vực, một vấn đề có tính xã hội, toàn cầu. (Thí dụ: Văn hóa tranh luận, văn hóa tổ chức, văn hóa dân chủ).

khongquantam0

Văn hóa của Đảng cộng sản chỉ là một phiên bản cải tiến của văn hóa Khổng Giáo.

Ông Đam không định nghĩa được văn hóa khi bế mạc nhưng ông Nguyễn Phú Trọng cũng không làm sáng tỏ lúc khai mạc. Văn hóa đảng cộng sản nêu ra ôm đồm, luộm thuộm và tối nghĩa, nhưng vẫn có thể tóm lược đó là “những gì tinh hoa của dân tộc để đấu tranh cho độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội, lấy nòng cốt là chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm chân lý”. Chúng ta có thể hỏi ai trong số những đảng viên tham dự Hội nghị thực sự hiểu văn hóa đấy là gì và tiếp tục thực hiện thế nào với 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp mà Tổng bí thư nêu? Đảng cộng sản đã đồng hóa văn hóa với những gì họ phát biểu ra thuần mục đích chính trị.

Đó là văn hóa của Đảng cộng sản, dù Đảng cũng chỉ là kết tinh của văn hóa Khổng giáo khi nắm quyền lực. Thế nhưng, đó không phải là văn hóa tương lai của dân tộc. Văn hóa còn, thì dân tộc còn là đúng, nhưng là văn hóa nào?

Trong 4 nghĩa về văn hóa nêu trên, nghĩa thứ 1,2,3 bao trùm xã hội Việt nhiều đời, nhưng để ngẩng đầu tiến cùng nhân loại, chúng ta phải mở rộng tâm hồn và học cả nghĩa thứ 4.

Chân dung trí thức ưu tú của Đảng

Có một thước đo phổ cập để đánh giá chân dung trí thức: Văn hóa. Xã hội có thể chỉ trích một trí thức là vô văn hóa, nhưng sẽ không ai xem một người vô văn hóa là trí thức. Trí thức là một khái niệm văn hóa.

Nhưng văn hóa Khổng giáo, xiềng xích của dân tộc Việt – văn hóa phản dân chủ - đã sinh ra kẻ sĩ, những người mang tâm hồn phù thịnh và phò tá quyền lực hơn là nhận diện lẽ phải và bảo vệ sự chính trực. Và phiên bản cải tiến về tổ chức của nó là Đảng cộng sản đã đào tạo ra trí thức của Đảng, những người mang mộng ước quyền lực với ngôn ngữ dân tuý. Những gì ông Trọng và ông Đam phát biểu tại hội nghị, đã vô tình giới thiệu chân dung những trí thức ưu tú nhất mà chế độ đào tạo, những tấm gương hành xử mà họ muốn trưng bày.

Đó hẳn là những người được tiếp xúc với văn hoá Âu - Mỹ và văn hóa dân chủ. Không chỉ tiếp xúc, họ còn được ngân sách đài thọ để học kiến thức chuyên môn và nâng tầm tâm hồn trong quá trình du học. Họ trở về phụng sự tổ quốc nhưng theo chỉ đạo của Đảng cộng sản. Những gì được mở mang trở thành “tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới”. Thế nhưng tinh hoa đó là gì thì không ai nói, cũng chẳng ai hay. Làm sao có thể đón nhận những gì tinh tuý khi ta không thực sự muốn và nếu có muốn, thì làm sao lãnh hội được khi truyền thống, nền tảng của dân tộc, theo phác họa từ các trí thức của Đảng luôn là “chuyên chính vô sản”, cơ sở lý luận của chế độ độc tài Đảng trị?

Vũ Đức Đam có lẽ là một trong số các sản phẩm ưu tú của Đảng cộng sản. Phong thái và kĩ năng diễn đạt của ông rất đạt. Và ông thay mặt Đảng củng cố thêm văn hóa Đảng bằng tư tưởng Hồ Chí Minh để người dân thấy họ không chỉ vọng ngoại, bằng khẩu hiệu “Cần - Kiệm - Liêm - Chính” và “Chí – Công – Vô - Tư” từ “bác Hồ”. Ông Hồ chỉ lặp lại những điều đó. Thực sự đó là những huấn thị từ ông Ngô Đình Diệm đối với công chức và thanh niên. Ông Đam chỉ nói để vừa lòng cấp trên và bộc lộ tất cả sự hời hợt. Có lẽ cũng không thể khác đi được. Toàn bộ hệ thống xã hội theo đuổi mô hình chính trị của Marx – Lenin đã sụp đổ và văn hóa cộng sản cũng đã chết một cách bi đát. Người trí thức cộng sản được Đảng đào tạo thực tế là những con số không tròn trĩnh về văn hóa, không nhân cách và cả cá tính. Họ còn không có đủ tư cách để nói về luân thường đạo lý khi chính họ làm đảo lộn chân lý.

van-2

Trí thức cộng sản cũng chỉ là lớp người sinh ra để phục vụ cho Đảng cộng sản bất chấp lẽ phải và công chính.

Đảng cộng sản đề cao “Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển”. Ngoài ý nghĩa thậm xưng để triển lãm sự dối trá, vì con người ở đây là Đảng viên cộng sản chứ không phải người Việt. Có lẽ họ có phần nói thật lòng, dù không muốn: Từ văn hóa của Đảng, tới chân dung trí thức của họ, chính lãnh đạo Đảng cộng sản nhìn thấy sự đứt gãy về văn hóa cộng sản trong tầng lớp kế cận, lớp người sẽ ở trong Đảng để bảo vệ Đảng, những người “còn Đảng còn mình”. Những thành phần không “ưu tú”, thì còn có gì ngoài mưu cầu địa vị và gia nhập Đảng cộng sản như một quán tính trong xã hội? Không ai có thể chấn hưng thứ văn hóa mà mình không biết và chưa từng học một cách tử tế.

Trong tương lai không xa nữa, một chính quyền Dân chủ sẽ phải thực hiện khẩn cấp việc khôi phục phẩm giá cho trí thức Việt Nam. Phải nuôi dưỡng và khơi dậy tình yêu nước bằng sự chính trực. Đẳng cấp và giá trị của một trí thức không chỉ ở những gì người đó trình bày, hay vị thế của họ mà quan trọng hơn là cảm hứng và kết quả mà họ đóng góp đã giúp nâng cao nhận thức của khán thính giả, những người tiếp thu tri thức từ họ, để trở thành như họ. Điều đó thực sự tạo ra một chuẩn mực, một văn hóa trí thức.

Có một điều giản dị mà ai cũng cảm nhận dù chúng chưa thực sự hình thành: Văn hóa đối thoại. Đảng cộng sản hãy phát động và tuyên truyền cho quốc dân điều đó đi. Đảng có chấp nhận văn hóa đó không?

Quốc Bảo

(10/12/2021)