Giơ ba ngón tay, tại sao đảng thì được, dân thì không ? (Bích Trâm, Mochi, RFA)

Biểu tượng ba ngón tay khép lại lần đầu tiên xuất hiện ở Thái Lan vào năm 2014. Đây cũng là năm mà bộ phim The Hunger Games (tên tiếng Việt được dịch là Đấu Trường Sinh Tử) ra mắt. Trong phim, hình ảnh ba ngón tay khép lại là biểu tượng chim Húng Nhại, loài chim là biểu tượng của sự nổi loạn và cách mạng. 


3 ngón tay của Hoa hậu : báo đảng lại sợ "nổi da gà"

Bích Trâm, VNTB, 06/12/2021

Báo mạng Việt Nam đăng tin với lòng tự hào ngùn ngụt về một cô gái Việt Nam 23 tuổi đã đạt được danh hiệu Hoa hậu trong cuộc thi Hoa hậu Miss Grand tại Thái Lan trong ngày 4/12/2021.

Phần thi được cho là đã đem lại chiến thắng có cô Hoa hậu Thùy Tiên tại Thái Lan là màn hùng biện mà một số báo đã chạy tiêu đề " 3 ngón tay và phần thi ứng xử đẳng cấp khiến sao Việt ‘nổi da gà’ của Thùy Tiên".

Nhiều người, nhiều giới lên tiếng thán phục khả năng nói tiếng anh thông thạo và sự thông minh trong ứng xử của cô cựu sinh viên khoa Pháp trường Đại học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Một người đẹp đã chứng tỏ cho công chúng biết "hoa hậu không phải là con điên" như một bà tiến sĩ đã từng tuyên bố.

Tuy nhiên không lâu ngay sau đó, bài đăng trên báo Thanh Niên, báo Pháp Luật Online với ảnh minh họa Tân Hoa hậu đưa 3 ngón tay lên, cử chỉ của người dân Thái đấu tranh đòi dân chủ, người Myanmar phản đối chế độ quân chủ, người trẻ Hồng Kong trong phong trào Dù Vàng đã lần lượt bị gỡ xuống và xóa luôn cả nội dung trong Cache. Hình ảnh ấy chỉ còn được lưu truyền trên báo phản động và mạng xã hội.

Rất nhanh nhảu, trang mạng Cánh Cò, một trang của lực lượng bảo vệ đảng và nhà nước đã có một bài chỉ trích cô Hoa hậu với hành động được tác giả bài báo gán cho tội "can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác", "cổ súy bạo lực tại Thái Lan". Chưa hết, tác giả tin chắc đây sẽ là miếng mồi béo bở để các đối tượng núp dưới bóng "dân chủ" chính trị hóa" trong mối quan hệ Việt-Thái. 

Có lẽ các báo mạng nhà nước cũng có cùng quan điểm trên nên đều gỡ bỏ bài, hình ảnh Thùy Tiên đưa 3 ngón tay lên cao, đồng thời cắt bỏ đoạn cuối của video hùng biện với câu nói bằng tiếng Thái với cử chỉ được cho là nhạy cảm chính trị theo quan điểm của một bộ phận người "lo xa" ở Việt Nam.

gio02

Tân Hoa hậu đưa 3 ngón tay lên, cử chỉ của người dân Thái đấu tranh đòi dân chủ, người Myanmar phản đối chế độ quân chủ, người trẻ Hồng Kong trong phong trào Dù Vàng đã lần lượt bị gỡ xuống và xóa luôn cả nội dung trong Cache.

Trong khi đó cũng với một Hoa hậu khác đang dự thi Hoa hậu trên đất Mỹ, với bài thi tài năng là đàn T’rưng với bài "Cô gái vót chông". Sự chọn lựa bài nhạc để thể hiện tài năng thiếu tinh tế, nếu không nói là rất thô thiển đã bị cộng đồng mạng chỉ trích.

Người đại diện của Ban tổ chức Miss World Việt Nam lên tiếng rằng chỉ có nhạc không có lời, kết tội mạng xã hội có những thông tin hiểu nhầm tiêu cực về màn trình diễn vót chông giết Mỹ cọp beo, kêu gọi khán giả hiểu rõ vấn đề và có góc nhìn tích cực về Hoa hậu Đỗ Thị Hà.

Bài viết này vẫn hiển thị trên báo chính thống, và không báo nào bàn đến điều bất thường của việc một mặt tích cực ngoại giao vắc xin, nhận trên 20 triệu liều vắc xin ngừa Covid cùng hàng triệu triệu đô la phòng chống dịch, viện trợ, đầu tư từ Mỹ và mặt khác chơi bản nhạc kêu gọi diệt Mỹ ngay trên lãnh thổ Mỹ.

Số phận của hai cô Hoa hậu rồi đây sẽ khác lắm. Một cô với bài "còn giặc Mỹ còn cọp beo" chắc sẽ vẫn còn có chỗ làm ăn, săn đón ở Việt Nam chỉ vì cô ngoan ngoãn, hành động theo đúng lập trường, đường lối của đảng và nhà nước.

Còn cô Hoa hậu có bản lĩnh, dám thể hiện chính kiến sẽ trầy trật không ít khi muốn sử dụng hình ảnh Hoa hậu của mình lần này để làm ăn ở Việt Nam. Nhưng dù gì đi nữa cô đã chiếm được lòng yêu mến của rất nhiều người với một cử chỉ tuy đơn giản nhưng vốn dĩ đã thể hiện rất nhiều điều ở đó.

Còn báo chí cách mạng Việt Nam, bao giờ mới thoát khỏi được vòng kim cô kiểm duyệt, để được làm báo đúng nghĩa : đưa tin tức trung thực ?!

Bích Trâm

Nguồn : VNTB, 06/12/2021

********************

Phần thi ứng xử đẳng cấp khiến sao Việt ‘nổi da gà’ của Thùy Tiên

Mochi, Soha, 04/12/2021

Tối 4/12, Nguyễn Thúc Thùy Tiên tạo nên kỳ tích chưa từng có khi là đại diện Việt Nam đầu tiên chiến thắng Miss Grand International – Hoa hậu Hòa bình Quốc tế. Người đẹp được đánh giá cao nhờ nhan sắc nóng bỏng cùng khả năng tiếng Anh thành thạo, tự tin trình diễn tại đấu trường nhan sắc quốc tế.

gio03

Nguyễn Thúc Thùy Tiên thể hiện sự tự tin khi thuyết trình tiếng Anh và tiếng Thái tại Miss Grand 2021.

Trong phần hùng biện của Top 10, Thùy Tiên và các thí sinh trả lời câu hỏi : "Tại sao bạn xứng đáng chiến thắng ?", người đẹp Việt cho hay cô sở hữu ba yếu tố mọi phụ nữ cần là sắc đẹp, thân hình và trí óc.

Không những vậy, cô cũng tự tin kết thúc bằng phần hùng biện bằng tiếng Thái và nói rằng sẵn sàng ở lại đây một năm để hoàn thành nhiệm kỳ. Phần thi của người đẹp vì thế nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.

Trong phần thi ứng xử của Top 5, Thùy Tiên nhận được câu hỏi : "Thế giới hiện tồn tại nhiều vấn đề như nhân quyền, kinh tế, nếu chọn một người để thảo luận về việc thay đổi hiện trạng đó, bạn chọn ai ?".

Cô bình tĩnh trả lời rành mạch : "Nếu được chọn người để nói chuyện cùng, tôi muốn cảm ơn người phụ nữ đã phát minh ra vaccine AstraZeneca. Cô ấy không cần tiền từ những phát minh của mình, tôi rất biết ơn điều đó. Đôi khi bạn chỉ cần được làm việc chứ không quan tâm mình sẽ được gì. Cảm ơn".

Phần thuyết trình tự tin, câu trả lời ngắn gọn và thông minh của Nguyễn Thúc Thùy Tiên nhận được vô số lời khen từ khán giả. Siêu mẫu Võ Hoàng Yến cảm thán : "Tuổi trẻ bây giờ giỏi thật ! Xem màn hùng biện và 3 ngón tay đó Yến nổi da gà !". 

MC Nguyên Khang tấm tắc khen ngợi Thùy Tiên : "Không chỉ ứng xử bằng tiếng Anh trôi chảy tự tin, Thùy Tiên còn dùng cả tiếng Thái để trả lời những câu hỏi của chương trình. Tiên luôn nở nụ cười, bình tĩnh, tự tin và tỏa sáng trong bộ đầm dạ hội tuyệt đẹp.

Cơ hội là do mình tạo ra, bản lĩnh nắm bắt và chuẩn bị kỹ càng, và đêm nay cô ấy đã trở thành người đẹp nhất".

Mochi

Nguồn : oha, 04/12/2021

************************

Vì sao báo Nhà nước phải bỏ hình hoa hậu giơ ba ngón tay ?

RFA, 06/12/2021

Cô Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang cuộc thi Miss Grand International 2021 vào tối ngày 4 tháng 12 vừa qua tại Thái Lan sau khi có bài phát biểu truyền cảm hứng và động tác chào bằng cách giơ ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út, đồng thời giữ ngón cái vào ngón út.

THAILAND-PROTESTS/

Một người biểu tình giơ ba ngón tay chào trong cuộc biểu tình chống lại Điều 112, luật phỉ báng hoàng gia của Thái Lan, tại Bangkok vào ngày 31 tháng 10 năm 2021. AFP

Đây là biểu tượng được người Thái Lan và người Myanmar sử dụng trong các cuộc biểu tình phản kháng quân đội hậu thuẫn chính phủ trong năm 2021 này.

Ngay sau khi cô Thùy Tiên đăng quang, một số tờ báo chính thống trong nước đăng tin kèm hình ảnh cô hoa hậu giơ ba ngón tay, nhưng chỉ vài tiếng sau, hình ảnh này được thay bằng những hình ảnh khác. Điển hình là báo Thanh Niên với bài viết "Ứng xử thi hùng biện của Hoa hậu Thùy Tiên truyền cảm hứng cho người trẻ" ; Báo Sức khỏe và Đời sống với bài viết "3 ngón tay và phần thi ứng xử đẳng cấp khiến sao Việt 'nổi da gà' của Thùy Tiên" được đổi thành "Phần thi ứng xử đẳng cấp khiến sao Việt "nổi da gà" của Thùy Tiên". Dĩ nhiên hình ảnh cũng được thay đổi.

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định :

"Theo tôi thì hệ thống an ninh văn hóa hay tuyên giáo gì đó họ quan niệm đó là biểu tượng của những người đấu tranh ở Thái Lan, Myanmar giơ ba ngón tay trong lúc biểu tình. Đấy là biểu tượng của chống độc tài.

Cái mà nhà nước Việt Nam sợ nhất là biểu tình. Người dân biểu tình phản đối chặt cây xanh hay phản đối Formosa bị Nhà nước dẹp tơi bời bởi họ lo rằng một lúc nào đó, biểu tình bùng phát không kiểm soát nổi thì mất chế độ, mất "ngai vàng". Do đó họ phải chặn ngay từ đầu.

Trong tư tưởng như thế thì khi báo chí đưa hình ảnh đó lên sẽ lập tức nhận được chỉ đạo miệng hoặc qua điện thoại để các tổng biên tập lấy xuống. Bây giờ họ ‘khôn’ lắm rồi, họ không đưa văn bản đâu".

Ông Tạo nói thêm, báo chí như thế là hèn nhưng cũng khó mà trách họ khi các tổng biên tập đều do Đảng đưa lên, đặt vào ghế ngồi. Có chuyên môn hay không không thành vấn đề. Việc của họ là phải nghe theo sự chỉ đạo của Đảng mà thôi. Ông giải thích :

"Tôi biết nhiều tờ báo họ tuyển những người có chức có quyền bên Đảng vì càng có chức có quyền thì bổng lộc càng lớn, bổng lộc nhiều vô kể, đặc biệt nhưng tờ báo lớn. Mấy vị đó không có chuyên môn nhưng bám chặt vào Đảng để ăn tiền thôi. Đảng cho lên chức tổng biên tập mà mất thì trắng tay. Rất hiếm người còn có tư cách biết nghĩ đến cái chung của dân, của nước. Thế cho nên khi báo chí đăng lên mà có lệnh là phải lấy xuống, không ông Tổng biên tập nào dám chống lệnh cả. Chống lại là cắt ghế ngay tức khắc". 

Biểu tượng ba ngón tay khép lại lần đầu tiên xuất hiện ở Thái Lan vào năm 2014. Đây cũng là năm mà bộ phim The Hunger Games (tên tiếng Việt được dịch là Đấu Trường Sinh Tử) ra mắt. Trong phim, hình ảnh ba ngón tay khép lại là biểu tượng chim Húng Nhại, loài chim là biểu tượng của sự nổi loạn và cách mạng.

Những năm sau đó, người biểu tình ở Thái Lan, Myanmar và cả Hồng Kông đều sử dụng cách giơ ba ngón tay như một biểu tượng chống độc tài. Ngoài ra, đây cũng là cách chào của hướng đạo sinh quốc tế từ hơn 100 năm qua, như lời một hướng đạo sinh nói với RFA :

"Hướng đạo họ chào đúng như vậy. Ba ngón tay giữa giơ lên, ngón tay cái đè ngón tay út. Nghĩa là thề tuân theo ba lời hứa trong hướng đạo, đàn anh phải bảo vệ đàn em…"

gio05

Người biểu tình giơ ba ngón tay chào trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Yangon vào ngày 26 tháng 2 năm 2020. AFP

Có thể thấy, việc chào bằng ba ngón tay được sử dụng nhiều trong các cuộc biểu tình đòi tự do, chống độc tài ở Myanmar năm 2016, Hồng Kông năm 2019 hay Thái Lan năm 2021 đã ít nhiều là hình ảnh ‘nhạy cảm’ với chính quyền các nước độc tài.

Nhà báo Trần Ngọc Tuấn hiện ở Cộng Hòa Séc nhận xét, sở dĩ báo chí trong nước phải thay hình hoặc đổi tựa những bài viết liên quan cô hoa hậu vì nó chạm vào tử huyệt của chế độ. Ông phân tích :

"Hình ảnh cô hoa hậu giơ ba ngón tay biểu tượng của tự do dân chủ và cả tự do bầu cử. Điều đó chạm vào yếu huyệt của thể chế độc tài. Đưa hình đó lên thì vô hình chung họ cổ vũ cho thể chế tự do dân chủ. Đó là điều cấm kỵ của họ. Đó là lý do chính. Tôi không ngạc nhiên khi báo chí không đưa hình lên hoặc lấy hình xuống như thế.

Báo chí ở Việt Nam là công cụ của Đảng và chỉ có một tổng biên tập là Ban tuyên giáo. Tiếp xúc với đồng nghiệp trong nước, tôi hiểu rất nhiều người muốn đưa những hình ảnh như thế, nhưng vì nằm trong vòng kim cô chịu nhiều sức ép nên họ không thể đưa được.

Nói đến Ban tuyên giáo thì tôi dị ứng lắm vì đấy là những cái lưỡi gỗ trì độn không đi được với những bước chân văn minh của nhân loại. Họ không chấp nhận quỹ đạo đấy mà chỉ đi theo thể chế độc tài".

Trong khi thế giới văn minh cổ xúy cho quyền tự do ngôn luận thì ngay tại Việt Nam, nhiều người bị tù vì lên tiếng đòi hỏi cho quyền lợi chính đáng này. Dù Điều 25 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nêu rõ : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định... không ai được lạm dụng các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích Nhà nước, tập thể và công dân.

Hôm 20 tháng 4 năm 2021, Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng Tự do báo chí năm 2020. Việt Nam đứng thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia được xếp hạng, trên Trung Quốc nhưng dưới Lào.

Thống kê được đưa ra vào cuối năm 2020 của RSF cho thấy, hiện chính phủ Việt Nam vẫn giam giữ ít nhất 28 nhà báo, là những người dám lên tiếng chỉ trích chính phủ, lên tiếng về các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị ở Việt Nam. Họ cũng là những người thường xuyên bị đối xử tàn tệ trong tù, như bị biệt giam, đánh đập, không được tiếp xúc với gia đình và luật sư.

Nguồn : RFA, 06/12/2021