‘Thùng nhân’ Việt và giấc mơ đổi đời nơi trời Âu - 2
Phần IV
Chính quyền Đức và cuộc truy lùng tội phạm buôn người
dõi báo chí Đứctrong thời gian gần đây, người đọc có thể nhận thấy Cảnh sát Cộng Hòa Liên Bang Đức nỗ lực tiến hành hàng loạt những cuộc bố ráp nhắm vào đường dây buôn người Việt Nam.
Cảnh sát Đức bố ráp, phá đường dây buôn người tại Frankfurt hôm 18/4/2018. Hình minh họa. Reuters
Điển hình như hôm 14/9 tại Berlin, hơn 120 cảnh sát đã bố ráp băng nhóm chuyên làm dịch vụ "cha giả nhận con" để phụ nữ Việt được cấp giấy định cư, theotin từ BZ Berlin . Hôm 28/6, cũng tại Berlin, lực lượng cảnh sát tiến hành bố ráp trụ sở một công ty xây dựng và một số nhà do người Việt Nam thuê, vì nghi vấn có hành vi tội phạm buôn người. Trước đó một tháng, 700 Cảnh sát Đức và Liên Âu (Europol) đã đồng loạt kiểm soát hàng loạt cơ sở kinh doanh, nhà hàng, tiệm nails (tiệm làm móng tay) tại một số tiểu bang Đức và Bratislava, thủ đô Slovakia. Cơ quan chức năng đã bắt quả tang một số nghi phạm có quốc tịch Việt vì nghi vấn là chủ mưu đường dây buôn người.
Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức ghi nhận từ khoảng 10 năm nay hiện tượng buôn người do đường dây người Việt hoạt động tại Châu Âu ngày càng phổ biến, thậm chí tại Berlin, cảnh sát đã lập ra một đơn vị đặc biệt tập trung vào việc này.
Một mảng tối tội phạm rất lớn
Người Đức đánh giá tội phạm buôn người rất nặng và họ xem vi phạm nhân quyền, bóc lột sức lao động là một dạng nô lệ hiện đại, nên Cảnh sát Đức sẵn sàng bỏ ngân sách đề điều tra các đường dây buôn người. Đó là nhận định của ông Trần Hoàng Việt, một cộng sự viên của Văn phòng Điều tra Cảnh sát Đức trong hơn 25 năm qua. RFA đã đổi tên ông để đảm bảo an toàn. Ông Việt nói :
"Đối với họ chuyện này rất là nặng, và họ sẵn sàng bỏ ra nửa triệu Euro để mở một vụ án điều tra. Nhất là điều tra đối với những băng đảng chuyên nghiệp đưa người.
Họ (chính quyền) có thể theo đuổi một vụ án có thể một năm, hai năm trời bằng mọi cách, từ giám thoại, theo dõi cho tới khi nào mà họ bắt được quả tang. Những việc đó tốn kém cho nhà nước vô cùng nhưng đó là một loại đại hình cho nên họ sẵn sàng chi phí cho những trường hợp đó".
Cổng vào của Trung tâm Đồng Xuân ở Berlin, Đức. Ảnh : Reuters.
Hoạt động của đường dây buôn người tập trung vào Berlin, vừa là điểm đến và điểm trung chuyển của nhiều người Việt di cư bất hợp pháp. Ông Việt nói :
"Berlin là một nơi ‘đặt hàng’ và nơi ‘nhận hàng’ cũng ở đó. Ở đó họ có rất là nhiều cò mồi, họ sẵn sàng núp bóng ở dưới những dịch vụ, văn phòng môi giới v.v. Ở Berlin, người Việt cũng có cư trú ở đó nên cảnh sát có lập những nhóm chuyên nghiệp để theo dõi và nhận dạng, điều tra ra những đường dây này".
Theo Báo cáo về Tình hình Liên bang của Văn phòng Cảnh Sát Hình sự Đức, năm 2019 có chín tổ chức buôn người do người Việt Nam cầm đầu, trá hình dưới những tội phạm khác như buôn ma túy, cướp bóc, bóc lột lao động v.v. Báo cáo năm 2019 ghi nhận có 56 nghi phạm người Việt, trong khi năm 2018, có sáu tổ chức tội phạm Việt và 45 bị cáo.
Tuy con số không lớn nhưng theo Đại úy Nicole Baumann, thuộc Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức (BKA), trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do thừa nhận, rất khó để có được con số tổng quát và chính xác về nạn buôn người tại Đức, đặt biệt đối với nhóm tội phạm là người Việt Nam.
"Nếu chỉ dựa trên số liệu thống kê, thì có vẻ như nguy cơ từ các nhóm tội phạm người Việt Nam không quá cao. Tuy nhiên, số liệu cho thấy, tỷ lệ các nghi phạm Việt Nam vi phạm quy định về luật nước ngoài đã tăng 40% trong giai đoạn từ 2018 đến 2020, từ 1.734 lên đến 2.887 bị can người Việt.
Theo Bản báo cáo Tình hình Liên bang về hoạt động buôn người, các nghi phạm hoặc nạn nhân người Việt Nam có vẻ như chưa đóng vai trò nổi bật. Nếu nhìn như vậy thì tầm quan trọng của nhóm người Việt Nam có thể được đánh giá là rất thấp. Nhưng phải nói rằng những tình huống chúng tôi biết được chỉ là mảng sáng của tội phạm, và đặc biệt là với các thủ phạm và nạn nhân Việt Nam, chúng tôi chắc chắn còn một mảng tối rất lớn".
Bà Nicole Baumann cho biết thêm, nếu như trước đây thủ phạm tập trung hoạt động tại thủ đô Berlin, thì nay đường dây đã lan rộng cả nước và cảnh sát phát hiện nạn nhân buôn người trên nhiều tiểu bang của nước Đức như Niedersachsen, Rheinland-Pfalz, Thueringen, v.v...
Nhận làm hôn thú giả, nhận làm cha giả
Hành vi buôn người không đơn thuần là đưa, rước người từ nước này qua nước khác, mà nó kéo theo hàng vạn hình thức tội phạm. Ông Hoàng Việt nói :
"Chuyện buôn người đa dạng ở chỗ là có những người họ tìm cách mai mối cho những người đang ở lậu ở Đức này, không có giấy tờ, bằng cách cưới giả hay nhận con giả, hay còn nhiều cách khác nữa.
Dạng cưới giả rất thịnh hành. Là nhờ người ta mai mối rồi hợp tác với nhau để trước sở ngoại kiều, khi bị phỏng vấn đối chiếu, thì làm sao cho nó ăn khớp. Đó là một dạng. Dạng cưới hỏi bằng giấy tờ là từ khoảng 35.000 Euro trở lên. Nếu may mắn có người nhẹ tay thì ít hơn".
Người nhận làm hôn thú có thể là người Đức, hoặc người Việt Nam có quốc tịch Đức, có giấy tờ cư trú, nhưng theo lời ông Việt, người "chồng giả" không nhận được bao nhiêu, mà đa phần tiền thu về thuộc về tay môi giới. Ông nói tiếp :
"Dạng thứ hai là dạng nhận con khi có bầu. Tụi môi giới sẽ đòi còn cao hơn nữa. Khi mà nhận con có thể lên 45.000 Euro, từ 45.000 trở lên. Và nhân vật đó, người mẹ, người bố vẫn còn độc thân, họ còn có cơ hội đi một bước nữa".
Nghĩa là những người này trả tiền cho môi giới để được qua định cư tại Đức, sau đó họ lại làm giấy tờ hôn thú giả với người khác ở Việt Nam để bù đắp vào số tiền đã mất.
"Đó là hai dạng chính, xảy ra thường xuyên nhất". -Ông Việt nói.
Nhà báo độc lập Marina Mai, thường viết về cộng đồng người Việt tại Đức, nói điều này thể hiện trong số liệu thống kê riêng tại Berlin :
"Trong số người Việt Nam chính thức cư trú tại Berlin, 60% là phụ nữ và 40% là nam giới. Nhưng nếu nhìn kỹ thì chúng ta thấy thành phần trẻ em và lứa tuổi trên 40 tuổi, tỷ lệ nam-nữ cân bằng, 50-50. Nhưng thành phần phụ nữ ở vào lứa tuổi sinh đẻ thì có sự trên lệch rõ rệt".
Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc và nếu như trước đây, pháp luật Đức không cho phép cảnh sát thử ADN để kiểm tra tư cách làm cha, ông Việt cho biết, nay họ đã uyển chuyển :
"Trước đây thì Đức rất là nhân đạo và không cần biết người tuyênbố tôi là bốcủa đứa bé sắp sanh đó, họ không cần thử ADN, không cần thử máu, không cần gì hết. Đó là vì nhân đạo,vì đứa con lớn lên không phải mồ côi. Về đạo đức đó là chuyệnrất tốt. Nhưng mà bây giờ nó đại tra, quá nhiều rồi nêncách đây khoảng từ một năm trở lại tôi thấy họ bắt đầu dùng biện pháp thử máu, thử ADN.
Khu vực góc chợ Đồng Xuân, nơi thả người di dân lậu vào Đức. RFA
Bóc lột tình dục
Báo cáo Tình hình nước Đức về Buôn người và Bóc Lột 2020, mới được công bố hôm 28/9/2021 cho thấy trong năm đại dịch Covid-19 bắt đầu lan truyền trên khắp thế giới, nạn buôn người, đặc biệt là hành vi xúc phạm hoặc bóc lột tình dục mà nạn nhân là người Việt Nam, đã trở nên đáng quan ngại hơn.
Năm 2019, báo cáo ghi nhận có ba người Việt Nam được công nhận là nạn nhân buôn người. Đến năm 2020, con số nạn nhân tăng hơn gấp bốn lần, lên 13 người. Tuy nhiên, chưa đủ dữ liệu để có thể xác định nguyên nhân cho sự gia tăng này. Đại dịch có thể đã ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người vốn đã dễ bị tổn thương, như phụ nữ nghèo, đưa họ vào những con đường đầy hiểm nguy. Cũng có thể Cảnh sát Đức đã gia tăng nỗ lực kiểm soát.
Đại úy Nicole Baumann nói :
"Nạn buôn người và nạn nhập cư lậu thực ra được phát hiện từ việc kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật khác. Càng kiểm tra nhiều thì khảnăng phát hiện tội phạm và nạn nhân càng cao.
Hiện nay chúng tôi đã bắt đầu tiến hành những vụ án đầu tiên có phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của bóc lột tình dục. Thủ phạm lợi dụng hoàn cảnh dễ bị tổn thương của những người cư trú bất hợp pháp hoặc không có giấy phép lao động. Họ đe dọa sẽ đưa nạn nhân ra cảnh sát, đểgây áp lực lên nạn nhân có thể tiếp tục cưỡng chế họ".
Cộng sự viên điều tra của cảnh sát, ông Hoàng Việt bổ sung :
"Rất nhiều người đi qua được tới đây sẵn sàng chui ở trong nhà của những người chịu chứa chấp họ. Họ làm những việc nội trợ, họ là một người ở đợ cho gia chủ có thời gian đi làm việc. Gia chủ, có rất nhiều người sẽ lợi dụng tình thế và khó khăn của những người này. Họ sẽ lạm dụng. Chuyện đó xảy ra rất thường. Và cho dù họ làm sai cách nào thì những nạn nhân này không bao giờ dám đi ra cảnh sát, không bao giờ dám thưa".
Nguy cơ bị xúc phạm tình dục, ngay cả bị sát hại, không chỉ xảy ra khi các nạn nhân đã đến Đức, mà là rủi ro lớn trên cả hành trình từ Nga sang các nước Đông Âu đến đây. Thế nhưng nhiều người, và chính người bị lạm dụng cũng không thấy họ là nạn nhân buôn người, chỉ cho rằng đây là những người đi vì muốn "đổi đời". Ông Việt nói :
"Trên đường đi có rất nhiều nguy cơ. Đặc biệt là phái nữ. Khi lên đường đi như vậy thì đã có rất nhiều người mất tích. Chuyện đó có thể xảy ra vì bị đánh cắp nội tạng. Phái nữ có nhiều người cũng bị xé lẻ ra để những người đưa đường ở những mắt xích dọc đường có thể hãm hiếp, có thể làm đủ chuyện với những người đó. Nhưng họ vẫn chấp nhận nguy cơ đó để mà họ lao vào.
Số mà bị hãm hại, bị xâm phạm tình dục nhiều chứ không ít đâu".
Mại dâm "tại gia"
Nhóm chuyên gia về Buôn người của Hội đồng Châu Âu trong báo cáo 2020 nhận xét, sau khi Đức lấy quyết định tạm đóng cửa các doanh nghiệp mại dâm ngày 16/3/2020 để phòng, chống Covid-19, xu hướng mại dâm bất hợp pháp đã gia tăng, kèm với những điều kiện làm việc bóc lột và bạo lực hơn.
Nhà báo Marina Mai đã len lỏi vào các diễn đàn trao đổi về mại dâm cho một phóng sự điều tra trên tờ báo TAZ, viết (RFA tạm dịch) :
"Nếu bạn tìm kiếm trên các diễn đàn dành cho người dâm, bạn sẽ phát hiện ra rằng có rất nhiều gái mại dâm Việt Nam tại Berlin. Họ làm việc trong các nhà chứa hoặc tiệm massage, thường nói tiếng Đức rất kém và đôi khi rõ ràng có thai. Người tìm dịch vụ này thích giá rẻ của các phụ nữ Việt Nam".
Phải nói ở đây ngành mại dâm là một nghề hợp pháp được chính phủ chấp nhận. Tuy nhiên, bà Marina Mai nhấn mạnh, đa số các phụ nữ này không có giấy tờ cư trú. Họ làm việc tại gia, và thường xuyên di chuyển để tránh né sự kiểm soát và quản lý của cơ quan chức năng.
"Ở đó xảy ra nhiều điều vô cùng hèn hạ, theo lời kể của các người đàn ông. Ví dụ, họ trả 50 Euro cho một nửa giờ. Người phụ nữ thực sự phục vụ các đàn ông theo nhịp cứ nửa giờ một người. Một người đàn ông khi anh ta vừa kết thúc, là đã có người kế tiếp ngồi sẵn trước cửa hoặc vô phòng khi anh ta đang còn tắm rửa. Những điều này thể hiện rất sâu sắc sự tuyệt vọng của những người phụ nữ đó".
Nạn nhân được ‘huấn luyện’ để giữ im lặng
Vì sao trong những hoàn cảnh vô nhân đạo như vậy, nạn nhân Việt Nam vẫn ít khi tìm đến cảnh sát hoặc các tổ chức hỗ trợ nạn nhân để khai báo tội phạm hoặc được giúp đỡ ?
Ông Kevin Hyland là một chuyên gia về buôn người đã từng nghiên cứu về vấn nạn này tại Việt Nam, đồng thời là thành viên Nhóm chuyên gia về hành động chống buôn người (GRETA) của tổ chức nhân quyền với tên gọi là "Hội đồng Châu Âu" (Council of Europe). Từ Ái Nhĩ Lan, ông ghi nhận, các nạn nhân Việt Nam phải chịu áp lực tinh thần ghê gớm :
"Khi đến Châu Âu, vì người Việt Nam thường không có giấy tờ tùy thân, họ không biết bất kỳ ngôn ngữ Châu Âu nào, và một điều rất rõ ràng là đi càng xa trên hành trình đó, sự bóc lột của họ càng tồi tệ hơn. Vì vậy họ bị tổn thương rất nặng về mặt tình cảm và tâm lý. Nhưng họ vẫn không muốn tiếp cận bất cứ một sự giúp đỡ nào vì áp lực hoặc sự kiểm soát đến từ người cho vay ở Việt Nam quá lớn khiến họ không muốn tiếp cận với các cơ quan chức năng".
Ông Việt cũng xác nhận điều này, rằng khi đi qua những nước Đông Âu, lạ nước lạ cái, mạng sống họ hoàn toàn tùy thuộc vào kẻ đưa đi. Người cầm đầu sẽ giữ hộ chiếu của họ, và sẽ không dừng ở những biện pháp kiểm soát đó. Ông cho biết :
"Trước khi lên đường nạn nhân đã có những khóa huấn luyện rất kỹ và họ biết khi bị bắt họ phải phản ứng như thế nào và có những lời khai như thế nào, tùy vào những trường hợp thỏa thuận".
Theo sự tìm hiểu của Đài Á Châu Tự Do, giữa băng nhóm buôn người và người di cư lậu có những thỏa thuận tùy theo mức kinh phí đảm bảo đưa ‘thân chủ’ đến điểm hứa hẹn, nếu lần đầu đi không lọt.
Thêm vào đó, theo ông Việt, người Việt Nam không đến các cơ quan chính quyền hay tổ chức phi chính phủ (NGOs) để nhờ hỗ trợ vì ngay từ đầu họ đã có những khuất tất, mâu thuẫn hay gian dối trong lời khai, và vì vậy rất sợ bị lộ những gì họ giấu diếm. Nếu họ thật sự chịu cộng tác, khai về đường dây đưa người thì Chính quyền Đức sẽ sẵn sàng cho người đó vào "Chương trình bảo vệ nhân chứng", ông Việt nói, và họ có cơ may dễ dàng được ở lại Đức hơn. Tuy vậy, chuyện này rất hiếm khi xảy ra.
Thêm một lý do vì sao nạn nhân giữ kín cho kẻ buôn người, theo sĩ quan điều tra Nicole Baumann là có quan hệ mật thiết, nhiều khi là người thân, người cùng làng với nạn nhân :
"Chúng tôi nhận thấy rằng thủ phạm và nạn nhân thuộc cùng một cộng đồng, họ đều quen biết nhau và do đó họ sợ tiết lộ thông tin ra ngoài. Họ không có sự tin tưởng vào cơ quan chức năng nên thường họ cũng ít khi sẵn sàng khai báo với cảnh sát hoặc tìm đến các cơ quan cố vấn chuyên môn khác, như các tổ chức phi chính phủ chẳng hạn".
Điều này không có nghĩa là đường dây buôn người chỉ có người Việt Nam điều hành, mà đây là những băng nhóm, hoạt động theo từng đoạn đường, hợp tác với các băng nhóm của nước khác.
Chống buôn người liên quốc gia và liên ngành
Văn phòng Cảnh sát Liên bang Đức đã nhận thức rằng, để thực sự chống nạn buôn người, cơ quan chức năng phải tập trung gia tăng kiểm soát những tội phạm liên quan. Qua nhiều năm quan sát, họ đã nhận ra rằng hành vi buôn người thường đi đôi với những tội phạm khác như lao động lậu, buôn bán ma túy, buôn bán thuốc lá trên đường phố, v.v.
Bà Baumann nói :
"Để ngăn chặn nạn buôn người Việt Nam tại Đức và Châu Âu, chúng tôi phải hành động trên phạm vi quốc gia và quốc tế, có sự hợp tác của nhiều cơ quan để tấn công đường dây phạm.Chỉ khicó sự hợp tác chặt chẽmới tác động được lâu dài đến lãnh vực phạm tội này".
Cảnh sát Đức nói trong nỗ lực này, họ cũng làm việc với những tổ chức bảo vệ nạn nhân buôn người, như tổ chức thiện nguyện Vòng Tay Thái Bình (Pacific Links), trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên giúp phụ nữ và trẻ em Việt Nam, để nhân viên cảnh sát có thể học hỏi và hiểu thêm về văn hóa và đời sống của nạn nhân.
Sự hợp tác cũng bao gồm Chính quyền Việt Nam thông qua Đại Sứ quán Việt Nam tại Đức, bà Baumann cho biết.
Tuy nhiên, nhiều người từng làm việc với Đại Sứ quán Việt Nam ở Đức và nhiều quốc gia khác, đánh giá rất kém sự ‘giúp đỡ’ của nhân viên Đại Sứ quán đối với những người đồng hương gặp .
Khi đời sống tại Đức trở nên khó khăn, hoặc món nợ cho chặng đường này đã trả được xong, những người Việt Nam ở lậu tại Đức lại tìm đường đi tiếp đến nước Anh.
***********************
Phần V
Thuyền nhân Việt Nam trong thời đại mới
Vào giữa tháng 5/2021 tại eo biển Manche, lực lượng tuần duyên Vương Quốc Bỉ nhận được tin kêu cứu của một chiếc thuyền gặp nạn ngoài khơi bờ biển Bỉ. AFP đưa tin, khi tàu tuần duyên Bỉ đến gần, nước đã tràn vào thuyền và lực lượng tuần duyên vừa đến kịp thời để cứu cả 49 người trên tàu. Cơ quan chức năng cho biết đại đa số những "thuyền nhân" này là người Việt Nam, khởi hành từ bờ biển Pháp tìm đường đến Anh.
Người di cư lậu từ các quốc gia bao gồm Việt Nam, Iran và Eritrea được cứu vớt ở eo biển Manche, sau khi họ rời khỏi miền Bắc nước Pháp, ở Dungeness. Hình chụp hôm 4/8/2021. Reuters
Vương Quốc Anh từ nhiều thập niên và đến ngày hôm nay vẫn là "thiên đường" và điểm đến mong ước đối với hàng trăm, hàng nghìn người Việt Nam tìm đường bỏ nước ra đi. Vụ 39 người Hà Tĩnh, Nghệ An bị phát hiện chết ngộp trong thùng đông lạnh của xe vận tải tại Essex ngày 23/10/2019 đã cho thế giới thấy thảm kịch của người dân Việt Nam chấp nhận liều mạng vì một ước mơ đổi đời.
Thuyền nhân hiện đại
Ông Tim Trần (không phải tên thật), một tư vấn cho cảnh sát và Bộ Xã hội Anh trong các vụ buôn người mà nạn nhân là người Việt Nam, nhận địnhnhư sau - vì lý do an ninh, chúng tôi đọc lại lời của ông Tim Trần :
"Từ năm 2019 khi vụ 39 người chết thì chính quyền Anh ráo riết hơn trong việc truy lùng. Bằng cớ là một thanh niên 17 tuổi, người Việt, dính dáng vào vụ đưa 39 người từ Bỉ qua bên Anh trong chiếc xe thùng. Dù anh ta trốn từ Bỉ qua Anh đến một thành phố khác mà vẫn bị Chính phủ Anh bắt và xét xử.
Riêng trong vụ 39 người thanh niên chết, Chính phủ Anh xét xử rất là nặng và họ cũng còn tiếp tục truy lùng những người thủ phạm ở phía sau đường dây đó nữa".
Bị can mà ông Tim Trần nhắc đến là thanh niên Ngô Sỹ Tài, một người mới 16 tuổi khi bị cáo buộc đã điều hành những ngôi nhà tạm trú tại Bỉ, nơi 39 nạn nhân đã ở trước khi họ lên xe thùng đông lạnh để nhập cư lậu vào Anh. Ngô Sỹ Tài bị Bỉ truy nã, trốn qua Anh, và bị bắt hồi tháng 12/2020. Ngày 17/6/2021 Cảnh sát đã bắt thêm một người cũng bị cáo buộc đã điều hành các ngôi nhà tạm trú tại Bỉ.
Ngày 3/9/2021, một bị can người Ý, cũng liên quan vụ 39 người, đã hầu tòa tại Anh về tội âm mưu hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp và khuyến khích hoặc hỗ trợ thực hiện hành vi phạm tội.
Cảnh sát Anh đã gia tăng chiến dịch chống nạn buôn người. Tháng 11/2020, hai chính phủ Anh và Pháp đã ký thỏa thuận tăng cường tuần tra nhằm ngăn chặn di dân bất hợp pháp vượt qua eo biển Manche.
Thế nhưng trong hai năm qua, hiện tượng vượt biển bất hợp pháp đến Anh đã không giảm, mà còn gia tăng kỷ lục. Theo Thông Tấn Xã (Press Association) của Anh, riêng năm nay đã có hơn 14.000 người vượt eo biển Manche, trong khi cả năm 2020 Bộ Nội Vụ Anh ghi nhận 8.000 người sang Anh qua con đường này.
Người Việt Nam thường xuyên được Cơ quan Chức năng Anh liệt kê là một trong ba, bốn nhóm vượt biển lớn nhất, bên cạnh người Albania, Sudan và Iran.
Đáng lo ngại là mới đây phương tiện họ chọn cho cuộc hành trình này ngày càng nguy hiểm, nhiều lúc chỉ là một thuyền phao, thuyền ca-nô (canoe) chèo bằng tay, khởi hành từ bờ biển Bỉ hoặc Pháp. Eo biển Manche được biết nguy hiểm vì giao thông hàng hải đông đúc, vùng biển băng giá và có dòng chảy mạnh.
Người di dân lậu từ Sudan vượt eo biển Anh trên một chiếc thuyền phao gần Dover, Vương Quốc Anh, hôm 4/8/2021. Ảnh : Reuters
Từ Pháp, cô Nadia Sebtaoui, chuyên gia về nạn buôn người đã nhiều năm làm việc với nạn nhân buôn người Việt Nam tại các trại tị nạn ở Calais, nói sau vụ 39 người chết bên Anh, người Việt Nam đã tìm mọi cách để không bị phát hiện :
"Sau sự cố 39 người, cộng thêm đại dịch năm ngoái, mọi thứ đã thay đổi. Trước đây người di dân thường nhảy lên xe tải như chúng ta đã thấy với vụ ở Essex. Họ đi trong các nhóm lớn, mặc dù cũng có trường hợp đi theo các nhóm nhỏ hơn. Bây giờ những gì chúng ta thấy trong những tháng qua là họ đã chuyển sang những chiếc thuyền nhỏ để qua eo biển đến nước Anh. Đây là những chiếc thuyền rất nhỏ, rất nguy hiểmvà không an toàn".
Pháp, Anh tuyên bố "giai đoạn mới" trong cuộc đấu tranh chống vượt biển
Chính quyền Pháp, với sự tài trợ của Anh, trong năm qua đã tăng gấp đôi số cảnh sát tuần tra dọc bờ biển Pháp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ hai nước hôm 20/7/2021 đã ký thỏa thuận, một lần nữa nhân gấp đôi số cảnh sát tuần tra, mở rộng khu vực kiểm soát, triển khai kỹ thuật tối tân như máy bay không người lái, và đầu tư vào các trung tâm tỵ nạn tại Pháp. Vương Quốc Anh cam kết 62,7 triệu Euro cho nỗ lực này trong năm nay.
Tuy nhiên Bộ Nội vụ Anh thừa nhận việc gia tăng kiểm soát đã khiến các băng nhóm tội phạm có tổ chức thay đổi chiến thuật, khởi hành từ xa bờ biển Pháp nên buộc những di dân đi trên biển lâu hơn, rủi ro nhiều hơn.
Điều này cũng được xác nhận qua những dữ liệu mà các quốc gia châu Âu khác như Đức thu thập được.Trưởng Văn phòng Cảnh sát Hình sự Cộng Hòa Liên Bang Đức-bà Nicole Baumann, trong một cuộc phỏng vấn với Đài RFA, xác nhận hiện tượng "thuyền nhân thời đại mới" đối với nhiều người Việt Nam :
"Nói đến các tuyến đường di cư, chúng tôi biết đa số các di dân Việt Nam bị buôn lậu bằng máy bay qua Nga. Sau đó họ đi tiếp qua các nước Đông Âu bằng ô tô hoặc đường bộ đến EU. Hành trình tiếp theo thường hướng đến Vương quốc Anh, đi bằng xe tải qua Pháp, hoặc từ Hà Lan đi phà đến Anh.
Gần đây họ thực sự dùng thuyền phao để đến Anh. Đây là một phương tiện rất mới, trong đó nước Đức chỉ đóng vai trò là quốc gia trung chuyển đểhọ đitiếp đếnHà Lan,Bỉhoặc Anh.
Chúng tôi không biết liệu điều này có liên quan đến đại dịch hay đây chỉ là một cách mớimẻ của kẻ buôn người. Các tổ chức buôn người thường rất sáng tạo".
Động lực mới do đại dịch, hành trình trên những tuyến đường cũ
Trưởng Văn phòng Cảnh sát Liên Bang Đức nói, tác động từ dịch Covid-19 còn cần phải được nghiên cứu thêm, nhưng rõ ràng số người từ Việt Nam trong những năm tháng qua đã không giảm, bất chấp các hạn chế di chuyển và đóng cửa biên giới do đại dịch :
"Ở Đức chúng tôi cũng có thời gian có lệnh đóng cửa. Người ta không thể làm việc trong các tiệm móng tay (nail) nữa. Khi đó chúng tôi thật bất ngờ khám phá ra rằng người Việt Nam đã phải chuyển qua làm việc trên công trường. Điều đó rất mới đối với chúng tôi, đó là một tình huống mà có thể gắn liền với dịch Corona. Nhưng điều mà chúng tôi cũng nhận thấy là số lượng nhập cư vào nước Đức không hề giảm trong mùa dịch. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm hiểu thêm chi tiết liên quan nên tôi chưa thể cung cấp số liệu chính xác".
Người di cư lậu từ các quốc gia bao gồm Việt Nam, Iran và Eritrea được cứu vớt ở eo biển Manche, sau khi họ rời khỏi miền bắc nước Pháp, ở Dungeness. Ảnh chụp hôm 4/8/2021, Reuters.
Bà Marina Mai, một nhà báo tự do tại Berlin thường xuyên viết về cộng đồng người Việt ở Đức nói, số liệu chính xác, ngay cả nếu như cảnh sát có, cũng không thể nói lên toàn bức tranh của người Việt sống bất hợp pháp tại đây, vì họ hoàn toàn tránh xa bất cứ mọi tiếp xúc với cơ quan chính quyền và đa phần họ không ở lại nước Đức. Bà Mai cho biết :
"Thường thường họ ở vài tuần, vài tháng, hoặc thậm chí một năm rưỡi. Điều đó tùy thuộc vào khả năng tài chính của họ. Nếu họ chỉ đủ tiền cho đường dây buôn người đưa tới Đức thôi thì họ sẽ dừng ở đây, làm việc và để dành tiền để đi tiếp đến Anh".
Một nhân chứng đi lậu từ Nga qua Đức, trong một cuộc phỏng vấn với mạng báo thoibao.de hồi năm 2019 nói thêm :
"Nhiều người trước khi đi, họ phải cầm cố cả nhà của họ cho ngân hàng. Như ở Việt Nam hay dùng từ là 'vay nợ nóng' tức là để có một số tiền lớn và nhanh để họ có thể đóng bên dịch vụ để được đi. Cho nên khi họ sang Đức rồi, họ muốn kiếm tiền rất nhanh để họ trả nợ nóng đó cho ngân hàng. Chứ nếu để càng ngày càng lâu thì tiền lời ngày càng lên cao. Có khi lúc đi thì hết 500 triệu, nhưng tính tiền nợ nóng, tiền lời thì số tiền lên sáu, bảy, tám trăm triệu".
Theo người lao động này, thu nhập bên Anh lớn hơn nhiều so với Đức, và Bảng Anh có giá trị hơn nên vì áp lực từ ngân hàng, gia đình ở quê nhà, họ phải đi tiếp như trường hợp của "em Nhung, em Hiệp", những nạn nhân đã chết trong xe tải tại Essex :
"Một số người họ đã sang Đức rồi, làm một thời gian, có khi làm hai, ba tháng, một năm. Nhưng cuộc sống ở Đức ngày càng khó khăn, bởi vì vốn dĩ họ không có giấy tờ. Trong đó có Nguyễn Đình Tứ, người Nghệ An, có em Nhung, em Hiệp… Họ thấy cuộc sống quá vất vả. Để có một số tiền lớn để trang trải, khi số vốn họ bỏ từ Việt Nam đi là tầm 500 triệu, một nửa tỷ đồng mà với công việc ở Đức, tầm một nghìn, nghìn Euro/tháng thì không thể trang trải nợ, nên buộc họ phải đi sang Anh để tìm việc có tiền nhanh và lớn hơn để họ gửi về Việt Nam, trả số nợ đã bỏ ra".
Chặng đường cuối cùng trên hành trình xuyên Châu Âu trước khi qua Anh có thể là đoạn đường định mệnh, nhưng điều đó không có nghĩa là đoạn đường từ Nga, Đông Âu đến Tây Âu trước đó không kém gian nan và nguy hiểm, như RFA đã tìm hiểu trongnhững bài trước.
Người dân Việt Nam đi xuyên qua các nước Tây Âu như Đức, Pháp, Bỉ, đôi khi không hề biết họ đi qua thành phố nào. Những cánh rừng họ đi ngang vô tên. Họ hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ đưa người.
Đây là giai đoạn họ dễ bị bóc lột nhất : từ một người tự nguyện rời khỏi nước, họ trở thành nạn nhân buôn người bị bóc lột sức lao động hoặc tình dục.
Anh Trần Mạnh Tuấn, quê Nghệ An, đã bay qua Nga, từ đó đi đường bộ qua Ukraine, Ba Lan, rồi đến Đức. Anh mô tả hành trình anh đi, cũng giống y như 39 nạn nhân đi xe tải đến Essex :
"Đi từ Nga qua Ba Lan thì dừng chân một, hai ngày. Em thì hai ngày. Qua Đức là một chặng tiếp. Qua đó cũng là một, hai ngày. Ở Đức em chỉ biết là ở Đức chứ cũng không biết là chỗ nào. Chặng đường từ Đức qua tận Pháp thì họ cũng dùng xe taxi để chở tiếp"…
Tại Pháp thì anh còn nhớ địa danh Quận 13, vì có nhiều đồng hương. Nhưng anh cũng chỉ dừng chân một vài ngày, trong khi có nhiều người sẽ ở lại một vài tháng để làm lậu trong các tiệm ăn, doanh nghiệp của người Việt Nam đi trước.
Anh Tuấn kể lại cảm giác khi bước vào thùng đông lạnh của một xe vận tải dừng tại biên giới Pháp :
"Em sợ hãi vì khi đi vào, đóng trong container, rất sợ. Vào trong đó không biết gì cả. Bốn bức tường sắt mà. Container cũng giống như của 39 nạn nhân. Trên đường, đi đường rừng, trời lạnh, đi cũng rất là vất vả, rất khổ sở.
Khi nghe tin 39 người mất trên xe đó con người em lúc đó rất là bàng hoàng vì rất là thương họ. Họ cũng đi giống hoàn cảnh như mình mà họ thì lại bỏ xác ở trên một chuyến xe trên đường tìm tự do. Mà em thì lại an toàn. Rất là thương họ".
Những chiếc thuyền phao được sử dụng trong các cuộc vượt biển của người di cư. Hình chụp tại Dover, Anh hôm 12/10/2021, Reuters.
Chuyên gia về nạn buôn người, cô Nadia Sebtaoui, ghi nhận rằng người Việt Nam có một điểm khác biệt với các di dân từ những nước Đông Âu hoặc Trung Đông là họ xa lánh tất cả mọi cơ quan chức năng, kể cả các tổ chức thiện nguyện muốn giúp đỡ họ.
"Chúng tôi không thấy những người bất hợp pháp Việt Nam ở Paris (mặc dù biết là có). Họ không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức làm việc với người xin tị nạn hoặc người di cư. Nếu chúng ta gặp họ, thì chỉ ở Calais. Có thể là do họ không muốn liên hệ với chính quyền Pháp hoặc các tổ chức hỗ trợ của Pháp, vì thực sự họ chỉ muốn quá cảnh đến Anh".
Những khu rừng ở miền Bắc nước Pháp trước đây được biết đến như là những trại tị nạn tự phát, với tên như "Camp Vietnam City" tại rừng Angres đã bị cảnh sát Pháp tháo dỡ từ năm 2018. Tuy nhiên người di dân Việt vẫn tụ tập ở đây, nhưng trong những nhóm nhỏ để tránh bị phát hiện.
Điều đó làm công việc giúp nạn nhân buôn người càng khó khăn, cô Nadia nói, trong khi xu hướng vượt biên ngày nay càng thêm nhiều rủi ro.
Khác với thuyền nhân Việt Nam của những năm sau 1975, thuyền nhân của thời đại này là do giới buôn người tổ chức. Dường như di dân bất hợp pháp sẽ tiếp tục chấp nhận liều mạng để đến được "thiên đường" nước Anh. Nếu họ thành công, điều gì chờ đợi họ bên kia bờ biển ?
************************
Phần VI
Anh Quốc, thiên đường và điểm đến của người Việt Nam mong muốn đổi đời
Vào nửa đêm khuya cách đây sáu năm, điện thoại reo tại một căn nhà nhỏ ở ngoại ô London, đánh thức ông Tim Trần. Lúc đó ông đang mê man trong giấc ngủ nhưng cú điện thoại đã làm ông tỉnh ngay.
Thợ làm móng phục vụ khách hàng tại một tiệm nail ở Bletchley, Vương Quốc Anh hôm 13/7/2020. Reuters
Ông Tim là người Anh gốc Việt sinh sống tại Vương Quốc Anh hơn mấy chục năm. Trong bảy năm qua ông đã làm tư vấn cho Bộ Xã hội và cảnh sát Anh trong những trường hợp nạn nhân buôn người Việt Nam bị khám phá và bắt được. Ông yêu cầu không tiết lộ tên thật của ông vì quan ngại đường dây buôn người tại Anh sẽ tìm đến nếu biết ông đã tiếp xúc với truyền thông.
Sáng hôm đó, ông được Bộ Xã hội Anh cho hay, hai cậu bé Việt Nam đã bị bắt tại sân bay Heathrow của London :
"Hôm đó tôi đang ngủ. Lúc nửa đêm thì tôi nhận được điện thoại của Bộ Xã hội mời tôi sáng sớm phải tới trụ sở Xã hội để họp về một vụ người di trú bất hợp pháp. Tôi đến thì ở đó có cảnh sát, có cán bộ xã hội và những vị liên quan. Thì có aie m bé, aie m thấy tôi bước vào thì mừng lắm bởi vì thấy tôi là người Việt Nam. Hai em chưa có nói được tiếng Anh, nói được rất là ít, hai ba chữ thôi".
Hai cậu bé độ 15 tuổi, khôi ngô tuấn tú và vui tươi, ông Tim kể lại. Nhờ ông thông dịch, cảnh sát Anh đã lấy lời khai báo đường đi nước bước của aie m đến Heathrow, London :
"Họ nói rằng đêm hôm qua aie m bé này tới phi trường Heathrow, rồi không ra cửa checkout, cứ ở đó, cả lúc nửa đêm không còn chuyến bay nào đến. An ninh phi trường thấy aie m bé cứ đi tới, đi lui, hoặc là ngồi đó mà không đi ra. Họ tới hỏi, aie m lớ ngớ, cũng không nói được tiếng Anh, không biết gì cả. Thì họ gọi Bộ Xã hội đến bởi vì aie m dưới tuổi vị thành niên".
Ông Tim nói, trong lời khai báo của aie m, có một chi tiết đáng chú ý : Hai cậu bé đã không đi một mình.
"Hai em nhận là con của một nhà ngoại giao Việt Nam đi trên máy bay để tới nước Anh.
Cả ba người đều được chính quyền Anh cấp visa đi đàng hoàng bằng máy bay đến phi trường Heathrow. Khi tới đó rồi aie m mới khai người dẫn là nhà ngoại giao đã dẫn aie m đi, đóng vai là cha của aie m, lấy tất cả giấy tờ từ trên tay các em rồi họ đi mất. Nửa đêm sự việc xảy ra thì cảnh sát với Bộ xã hội đưa về".
Người di cư lậu được tàu của Viện Cứu Hộ Quốc Gia Hoàng Gia (RNLI) cứu vớt. Hình chụp ở cảng Dungeness, Vương Quốc Anh hôm 13/9/2021, Reuters.
Chính sách với trẻ tuổi vị thành niên
Năm 2009 Vương Quốc Anh đã thông qua đạo luật về Biên giới, Quốc tịch và Nhập Cư, trong đó quy định hướng dẫn rõ ràng rằng Cơ quan biên phòng Anh có nghĩa vụ pháp định là "bảo vệ và thúc đẩy phúc lợi của trẻ em" không có người đi cùng. Trường hợp của hai bé trai này được Bộ Nội vụ Anh xét là nạn nhân buôn người và như vậy hai em đã được đưa cho Nhà nước nuôi và được quyền thường trú trên đất Anh.
"Đạo luật về trẻ em của nước Anh quy định rất rõ là không cần biết các em đó là gì, là nạn nhân của buôn người, nạn nhân của bạo hành gia đình hay là nạn nhân bất cứ chuyện gì. Việc bất hợp pháp là người lớn làm ra chứ trẻ em không làm cho nên chính phủ Anh coi các em là vô tội. Đó là cái tiến bộ của nước Anh, rất đáng khâm phục chứ không phải là không".
Ông Tim cho biết, tất cả trẻ em trên đất Anh không có thân nhân đều được chính phủ Anh cưu mang theo quy định pháp luật. Các em được giao cho những gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng, nuôi nấng cho em ăn học đến khi 18 tuổi. Chính phủ chỉ định một số tổ chức từ thiện trong việc theo dõi các em và các gia đình nuôi dưỡng.
"Có lẽ là vì đạo luật này mà người ta thích tới nước Anh không chừng" - ông nói.
Theo số liệu từ Bộ Tư Pháp Anh nạn nhân buôn người ở tuổi vị thành niên vào năm 2010 là 187 em, chiếm khoảng 25% của tổng số nạn nhân buôn người (710 người) bị đưa vào Anh. Đến năm 2018, số trẻ em lên đến 3128, chiếm gần 45%, tức gần phân nửa tổng số nạn nhân buôn người (6.985 người). Các chuyên gia cho rằng trên thực tế số nạn nhân cao hơn gấp nhiều lần vì nhiều trường hợp không được báo cáo.
Nhóm chuyên gia về hành động chống buôn người (GRETA) của tổ chức nhân quyền với tên gọi là Hội Động Châu Âu (Council of Europe) trong bản đánh giá nỗ lực chống buôn người của nước Anh thực hiện hồi năm 2016 ghi nhận một hiện tượng đáng quan ngại là nhiều trẻ em bị kẻ buôn người bỏ lại ở phi trường. Nhưng sau khi được cơ quan chức năng cứu vớt và về nơi an toàn, thì đường dây buôn người lại cho người đến ‘bóc' các em đi.
Người di cư lậu từ các quốc gia bao gồm Việt Nam, Iran và Eritrea được cứu vớt ở eo biển Manche, sau khi họ rời khỏi miền bắc nước Pháp, ở Dungeness. Ảnh chụp hôm 4/8/2021, Reuters.
Nạn nhân buôn người lại bị truy thành tội phạm
Không phải trường hợp nào đối tượng trong các doanh nghiệp của môi giới cũng được xác định ngay là nạn nhân buôn người. Ông Kevin Hyland, thành viên của Nhóm chuyên gia GRETA và là cựu Uỷ viên độc lập chuyên về chống nô lệ của chính phủ Anh cho biết :
"Khi công dân Việt Nam được phát hiện, ví dụ như làm việc ở trong trại trồng cần sa, họ thường bị bắt giữ như kẻ tội phạm. Điều này xảy ra ở khắp Châu Âu và đặc biệt nó là một vấn đề lớn ở Anh".
Ông nhắc lại trường hợp điển hình của một người phụ nữ quốc tịch Việt Nam bị bắt tại một trại trồng cần sa tại Dublin, Ireland hồi năm 2012. Bà không biết nói tiếng Anh, chỉ chấp hành nhiệm vụ được giao là tưới cây. Nhà trại bị khóa cửa từ bên ngoài. Trong quá trình điều tra, bà bị truy tố và bị giam hai năm rưỡi vì tội buôn bán ma túy.
Sau này, tòa án tối cao của Ireland mới xét xử lại và khẳng định bà chính là nạn nhân của tổ chức buôn người.
Sự việc cho thấy sự bất cập trong hệ thống xác định ai là nạn nhân. Cơ chế Tham khảo Quốc Gia (NRM) của Anh được thành lập vào năm 2009 với mục tiêu phát hiện và xác định nạn nhân buôn người nhằm đảm bảo họ được chính phủ hỗ trợ và bảo vệ.
Ông Hyland nhận định :
"Vâng nó thành công, vì càng ngày càng nhiều trường hợp được các cơ quan chức năng giới thiệu đến. Danh sách những trường hợp đang chờ được xác định lên tới 22.000 người, trong đó nhiều người là người Việt Nam. Những người này đã chờ rất lâu, có khi cả một, hai năm hoặc hơn nữa.
"Nghĩa là trong lúc các nạn nhân vẫn chưa được xác định thì những tên tội phạm vẫn có thể hoạt động mà không phải đối mặt với bất kỳ một sự trừng phạt nào. Và họ có thể tiếp tục kinh doanh vì có rất nhiều lợi tức từ việc buôn người, và công dân Việt Nam được coi là một nguồn thu nhập tốt".
Sự thu hút của Vương quốc Anh
Theo ông Tim Trần, điểm tiến bộ của nước Anh, cái nhân phẩm được tôn trọng, là một trong nhiều lý do khiến hàng năm người Việt Nam rời bỏ quê hương để tìm một cuộc sống mới tại đây.
Đơn cử như anh Trần Mạnh Tuấn, quê ở Nghệ An, nay sống ở Anh và đang được chính phủ Anh xem xét đơn xin tị nạn chính trị. Anh nói, ông nội của anh đã từng đi tù Cộng Sản Việt Nam vì những hoạt động tôn giáo. Đến đời con cháu, mọi việc vẫn bị chèn ép từ quyền tự do biểu đạt đến đời sống kinh tế, anh nói :
"Có những người ở nhà họ sinh sống ok, nhưng họ vẫn muốn tìm một con đường tốt hơn. Như 39 người (chết ngạt tại Essex) đó, không phải trong số họ ai cũng nghèo khó cả. Mà có những người vì lý do ở nhà, trong một đất nước mà họ khó sống, khó làm ăn, họ muốn cất lên tiếng nói thì họ phải tìm đường ra đi".
Họ là những người tự nguyện tham gia đường dây buôn người, nhưng trên đường đi, họ thường trở thành nạn nhân của kẻ buôn người (như RFA đã ghi nhận trong phần 3, 4 của loạt bài về nạn buôn người). Sự việc này đã đặt các cơ quan chức năng vào tình trạng khó xử vì lằn ranh không rõ ràng giữa nạn nhân và kẻ phạm tội.
Những người di cư được Lực lượng Biên phòng Vương Quốc Anh giải cứu khỏi eo biển Manche, cập bến cảng ở Dover hôm 13/9/2021. Ảnh : Reuters
Ông Tim Trần nhận định :
"Đây là những nạn nhân buôn người đặc biệt là tự nguyện. Tức là họ đi tìm bọn buôn người, họ đưa mình vào trong tay của bọn buôn người để nó đưa đi. Nếu người nào trả đủ tiền thì qua nước Anh nó thả ra, người nào chưa trả được số tiền thì nó bắt làm những công việc bất hợp pháp để lấy đủ số tiền trả lại cho nó".
Như anh Trần Mạnh Tuấn, khi tìm đến nước Anh, chỉ biết là "nhân quyền ở Anh cao hơn các nước". Thêm nữa, tại quê nhà, anh bị nợ nần chồng chất. Cuối cùng chính người chủ nợ đã sắp xếp cho anh đi, và từ giờ phút đó, bên phía "đưa người" lo hết.
"Mình đưa ảnh, họ làm hộ chiếu, thế nào thì em không biết. Đi với người của họ, mình cầm (hộ chiếu) của mình, chỉ đi theo họ thôi".
Trước khi đi thì biết có những chuyến vượt biên sang Nga để đến Ba Lan, nghe tin họ cũng bị chết trên xe. Có những xe container, họ chết trên rừng. Nghe như thế, nhưng em vẫn quyết định đị".
Suốt con đường, anh chỉ biết cầu nguyện Chúa. Anh kể lại, hành trình của anh y như của 39 người đã thiệt mạng hồi tháng 10/2019 trên xe tải tại hạt Essex.
Khai thác vụ 39 người chết để kiếm thêm tiền
Trong vụ này, người cung cấp chiếc xe tải chở 39 nạn nhân, bị can người Romania, Stefan Damian Dragos, mới hầu tòa tại Anh hôm 3 tháng 9 về tội "nhập cư bất hợp pháp và khuyến khích hoặc hỗ trợ thực hiện hành vi phạm tội".
Cảnh sát hạt Essex từ chối trả lời phỏng vấn của RFA, nhưng có cho biết trong cuộc điều tra liên quan vụ 39 người chết, cảnh sát chỉ điều tra về tội "tổ chức nhập cư bất hợp pháp" chứ không quy họ vào tội "buôn người".
Chuyên gia về buôn người ông Kevin Hyland cho biết, các băng nhóm buôn người đã khai thác thảm họa này để tiếp tục đưa người với giá cao hơn :
"Những người trong đường dây môi giới ở Việt Nam, họ đã thực sự sử dụng cái chết của 39 người này như một kiểu quảng cáo. Họ nói, "Đó là những kẻ đưa người ẩu. Họ là những người xấu đã đưa người sang Anh. Chúng tôi làm đàng hoàng, vì vậy chúng tôi sẽ tính phí cao hơn một chút nhưng bạn sẽ đến nơi an toàn".
Hài cốt của một số trong 39 nạn nhân xe tải ở Vương quốc Anh được chở trên xe cấp cứu từ sân bay Nội Bài, Hà Nội 27/11/2019. Ảnh : AFP
Trường hợp đưa người lậu vào Anh có vẻ như gia tăng trong hai năm qua. Số liệu của Bộ Nội vụ Anh cho thấy, trong Quý II năm nay, 910 trường hợp được các cơ quan chức năng các cấp báo cáo có thể là nạn nhân buôn người, và là con số kỷ lục được phát hiện trong một quý đến nay.
Trong đó, ba nhóm người có tỷ lệ cao nhất có quốc tịch Albania (119 người) và Việt Nam (118 người). Nhóm thứ ba là người có quốc tịch Anh, nghĩa là người Anh bị buôn bán trong lãnh thổ nước Anh, ví dụ như cho mục tiêu mại dâm hay buôn lậu.
Ông Tim ước tính :"Người Việt Nam tại Anh, ít nhất bây giờ, số người đến nước Anh bất hợp pháp, từ khoảng 15 năm, 20 năm trở lại đây, con số có thể lên gần 100.000 người".
Đối với những người không đi thẳng bằng máy bay như hai cậu bé ở đầu câu chuyện, ông Tim ghi nhận :
"Họ nói, có khi từ ở bên Pháp, họ dẫn đến một bãi rất nhiều xe thùng đậu. Họ chỉ vào một xe, rồi họ mở cửa leo lên, chui vào trong đó... Khi xe đó đi qua đường hầm, qua bằng phà tới nước Anh, tới một cái chỗ nào hoang vắng, xe đó ngừng. Họ bảo xuống thì họ xuống. Họ bảo tự lo liệu, tự chạy đi.
Tôi hỏi họ làm sao lo liệu, họ nói đi gặp những nơi mà đông người, có người khuôn mặt giống Việt Nam thì họ vào hỏi thì những người Việt này chỉ. Rồi những người đó nhiều khi họ chạy tới thẳng cảnh sát để họ trình diện, họ nói bị buôn người đưa qua.
Có những người thì được những gia đình Việt Nam quen biết cưu mang. Họ có thể ra thẳng tới Bộ Nội vụ nộp đơn xin tị nạn.
Có muôn hình vạn trạng, rất nhiều…".
Theo ông Tim Trần nhận định, chính quyền Anh chỉ nắm được khoảng 2/3 số người Việt sang Anh bất hợp pháp. Nếu trên đường sang Anh họ không bị bắt, đến đây họ lao động lậu không bị bắt, nếu họ không tự nguyện ra trình với cơ quan chức năng, thì chính quyền Anh không thể nào nắm bắt được con số nhập cư vào Anh lậu.
Đại diện Nhóm chuyên gia về hành động chống buôn người (GRETA) ông Kevin Hyland lập luận rằng các chính phủ Anh cũng như Châu Âu cần đánh vào cơ sở kinh doanh của các đường dây buôn người, bao gồm trại trồng cần sa, ngành mại dâm, cả các casino, nơi tiêu thụ ‘hàng buôn lậu" là người Việt Nam. Ông nói :
"Có những thị trường rất sinh lợi trên khắp Châu Âu đã được thành lập cho những người sẵn sàng làm việc với lương cực kỳ thấp, hoặc không lương để trả nợ và cho đến nay vẫn chưa đủ nỗ lực được đầu tư vào việc phá vỡ các thị trường đó.
Nếu chúng ta thực sự muốn giải quyết nạn buôn người, chúng ta cần bắt đầu tấn công các doanh nghiệp, chủ nhà, công ty vận tải cho dù họ là ai, họ thuộc quốc gia nào. Chúng ta cần đánh vào số tiền họ kiếm được từ kinh doanh này. Đã có các vụ truy tố và kết án về tội buôn người Việt Nam. Nhưng nếu so sánh với vùng ánh sáng đã được rọi vào, và mức độ phổ biến của nó, thì tỷ lệ kẻ buôn người bị kết án thấp một cách đáng kinh ngạc".
Người Việt Nam sẽ tiếp tục đến Anh bằng "muôn hình vạn trạng" như ông Tim nói, vì bên này, đồng lương vẫn cao hơn ở Việt Nam, tiệm nail, trại trồng cần sa vẫn cần người. Cầu vẫn còn và theo ghi nhận của RFA qua nhiều cuộc phỏng vấn với người di dân tại khắp Châu Âu, làn sóng người Việt Nam cầm cố nhà, gánh nợ, bỏ lại cha mẹ, vợ con sẽ vẫn tiếp diễn. Họ vẫn chấp nhận mọi hiểm nguy, kể cả rủi ro bị bóc lột về thể xác, sức lao động hay tình dục để tìm cuộc sống mới.
Các chuyên gia chống buôn người cho rằng, vấn nạn này sẽ vẫn tiếp diễn cho đến khi các chính phủ thực tâm giải quyết nó bằng cách cho người dân những chọn lựa tốt hơn qua giáo dục, qua các chương trình đào tạo nghề nghiệp, qua việc tạo công ăn việc làm đủ sống.
Nếu không, thành phần nghèo khó, dễ bị tổn thương, ngày càng bị loại bỏ ra ngoài xã hội tạo ra những cộng đồng không bền vững, trong khi các băng nhóm tội phạm càng thêm quyền lực.
*******************
Phần VII
'Thiên đường' Châu Âu : 'Biết vậy không đi' và những giấc mơ còn dang dở !
"Biết vậy, không đi !"
"Bạn bè bên đó bảo sang làm ăn thế này, thế kia…Nghe vậy, thế là tôi đi. Nói chung, tôi không biết bị rủi ro như vậy. Nếu biết thì chả đi làm gì".
Cảnh sát Essex ở London, vào ngày 22/1/2021, công bố hình ảnh 39 nạn nhân Việt Nam chết trong container xe tải ngày 23/10/2019. AFP
Trên đây là chia sẻ của một bà mẹ đơn thân, đành để lại hai đứa con thơ nhờ bà ngoại chăm sóc và rời bỏ làng quê ở vùng nông thôn Bắc Trung bộ đến Châu Âu, với giấc mơ đổi đời.
Tuy nhiên, ước mơ của chị không thể thành hiện thực. Bởi vì, chị bị đưa vào một trại giam di trú ở Ba Lan và chị rất lo lắng trước thông tin bị trục xuất về nước vào cuối năm 2016.
Mùa hè năm đó, người mẹ trẻ đã liên lạc với RFA để kêu cứu. Và sau lần tiếp xúc đầu tiên qua điện thoại, chúng tôi bặt vô âm tín của chị cho đến tận bây giờ.
Người phụ nữ vô danh này thuộc trong số hàng ngàn phụ nữ Việt Nam trong làn sóng ‘thùng nhân’ vượt biên đến Châu Âu những thập niên qua, mà số phận của họ như thế nào thì không mấy ai biết được, cũng như chưa có bất kỳ số liệu thống kê chính thức nào được công bố.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoa, một người Việt vừa được giấy tờ hợp pháp sau hơn một thập niên nhập cư lậu vào Anh, lại nói với RFA rằng :
"Thật ra, nói thẳng là cuộc sống ở đây chẳng có gì là thú vị cả. Buồn chết được. Có giấy tờ hay không có giấy tờ thì cũng thế. Tức là, nếu như không có giấy tờ thì mình nghĩ sẽ có ngày quay về để lập nghiệp. Bây giờ tự dưng có giấy tờ thì mình lại nghĩ đi về, hơi tiếc nhỉ !"
Hầu hết những ‘thùng nhân’ Việt ở Châu Âu, Đài RFA tiếp xúc, đều nghĩ rằng đã là người Việt Nam thì ai cũng mong rồi một ngày về quê lập nghiệp, với một số vốn có trong tay sau thời gian bôn ba nơi xứ người. Cũng có một số người bày tỏ nếu được chọn lựa lại, có lẽ sẽ không ra đi ; như chàng thanh niên trẻ, quê ở Nghệ An, hiện đang cư trú lậu tại Pháp :
"Nếu mà được chọn lại thì chắc không đi. Đi làm chui như thế này thì thật ra sang đây rồi mới biết. Chứ còn ban đầu thì ảo tưởng theo giấc mơ, vậy thôi ! Bây giờ sang đây thì mới biết là khó khăn, chứ không phải như ở nhà được nghe nhiều người kể lại rằng sang Tây làm ăn dễ dàng".
Mặc dù vậy, ông Tim Trần, từng làm tư vấn cho Bộ Xã hội và Cảnh sát Anh liên quan các trường hợp nạn nhân buôn người trong bảy năm qua, nhận định rằng tình trạng người di dân bất hợp pháp từ Việt Nam đến Châu Âu nói chung và Anh quốc nói riêng vẫn tiếp diễn.
Ông Tim Trần nhấn mạnh bởi vì những tiệm nails và các trại trồng cần sa vẫn rất cần người làm việc.
‘Thiên đường’ Anh Quốc
Đài truyền hình ABC News, hồi tháng 2/2020, loan tin Anh Quốc được xem là điểm đến hàng đầu của người Việt Nam di dân.
ABC News dẫn chứng dựa theo kết quả của một cuộc khảo sát, do Đại Sứ quán Anh tại Hà Nội hỗ trợ, được thực hiện hồi năm 2014.
Qua đó, trong số 346 người Việt Nam di dân bất hợp pháp đến Anh và đã trở về nước thì hầu hết đều cho rằng Anh quốc là một ‘thiên đường’, từ cơ hội công ăn việc làm và thu nhập cho đến chăm sóc sức khỏe và hệ thống pháp luật ; kể cả bị ở tù cũng rất là ‘thú vị’.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh, số lượng người gốc Việt sinh sống tại Anh, hồi năm 2018, được ước tính là 23.000 người. Thế nhưng, có những ước tính khác cho thấy con số thực tế cao hơn nhiều, với hàng chục ngàn người được ghi nhận ‘không có giấy tờ’.
Hai trong số 39 nạn nhân Việt Nam trong vụ xe container đưa lậu người vào Anh hôm 23/10/2019. Courtesy of FB, Reuters, RFA edited.
Người Việt di dân lậu bị "mất tích" ở Anh
Theo thông tin từ tờ Telegraph, đăng tải hồi tháng 8/2021, những người di dân Việt Nam thường "biến mất rất nhanh" khi họ vào đến Vương quốc Anh.
Telegraph ghi nhận người di dân lậu Việt Nam bỏ trốn hoặc biến mất vào thị trường chợ đen, sau khi bị Chính quyền Anh bắt giữ, là do họ phải kiếm đủ số tiền mà gia đình vay nợ để trả cho các băng nhóm buôn người.
Cô Mimi Vũ, một chuyên gia về chống buôn người và nô lệ hiện đại, ở Việt Nam, được Telegraph dẫn lời cho biết cô đã phỏng vấn một người đàn ông làm việc cật lực trong một cửa tiệm suốt ba năm để trả số tiền 17.000 USD. Tuy nhiên, sau ba năm, người đàn ông đó vẫn chưa trả được số tiền gốc đã vay.
Bà Claire Moseley, người sáng lập Tổ chức Từ thiện Care4Calais, nói với Telegraph rằng "Quý vị sẽ không nhìn thấy họ trong các trại tị nạn như những người khác. Khi những người Việt Nam di dân bất hợp pháp đến Anh thì tất cả họ đều xin quy chế tị nạn. Tuy vậy, họ lại biến mất rất nhanh".
Chính phủ Anh và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) mặc dù gặp không ít khó khăn trong vấn đề giải quyết và giúp đỡ cho người di dân bất hợp pháp Việt Nam, thế nhưng cựu Uỷ viên Độc lập chuyên về Phòng chống Nô lệ ở Anh (The former UK Independent Anti-Slavery Commissioner-IASC) xác định được những di dân lậu đó đến từ năm tỉnh ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ của Việt Nam ; bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh. Trong đó, số người đi từ Nghệ An là đông nhất.
Ba tổ chức ; bao gồm Anti-Slavery International (Tổ chức Chống Nô Lệ Quốc Tế), Every Child Protected Against Trafficking (Tổ chức Bảo Vệ Mỗi Trẻ Em Khỏi Nạn Buôn Người) và Pacific Links Foundation (Tổ chức Vòng Tay Thái Bình), hồi năm 2019 đã thực hiện một dự án nghiên cứu về người di dân đến Châu Âu.
Trong đó, ghi nhận các yếu tố dẫn đến tệ nạn buôn người từ Việt Nam đến Châu Âu là vì người di dân muốn tìm kiếm cơ hội và và điều kiện sinh sống tốt hơn. Người di dân Việt Nam có thể bị tác động bởi tình trạng kinh tế khó khăn và các yếu tố như xã hội, môi trường, chính trị cũng tác động đến quyết định của họ.
Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, một người đồng hành với người dân ở Nghệ An, lên tiếng với RFA rằng một trong những nguyên nhân khiến cho ngày càng nhiều người dân khu vực miền Trung liều mình trong những chuyến đi may rủi đến Châu Âu là do hậu quả của sự cố môi trường biển Formosa và đại dịch Covid-19.
"Ngay trong vụ 39 người chết ở Anh thì chúng ta cũng thấy người dân sẵn sàng mạo hiểm tính mạng của mình để tìm cách mà đi. Hiện tại ở Việt Nam, xem ra sau vụ 39 người thiệt mạng đó, thì phong trào ly hương để tìm kế sinh nhai vẫn không giảm. Chỉ có điều là ở Châu Âu, chính quyền thắt chặt hơn và chắc chắn là những người đi theo kiểu bất hợp pháp gặp khó khăn hơn nhiều".
Cháu gái đứng bên di ảnh của nạn nhân Hoang Van Tiep, ở Diễn Châu, Nghệ An. Hình chụp ngày 28/11/2019. AFP
Chính phủ Việt Nam và tệ nạn buôn người
Hoa Kỳ, vào hạ tuần tháng 6/2020, phổ