Trí thức, văn nghệ sỹ Việt Nam và trách nhiệm xã hội

Chẳng phải chỉ những con người cùng khổ mới thiếu hiểu biết, mà đại đa số người Việt Nam cũng vậy, hoặc họ buộc phải giả vờ như vậy.

Việt Nam là một địa chỉ có nhiều khẩu hiệu

Nhìn hàng đoàn người nheo nhóc, cả gia đình bốn năm sinh mạng thậm chí cả trẻ nhỏ mới sinh vài ngày cùng hành lý chồng chất trên những cái xe máy cà tàng, đói khổ rách nát chạy đói chạy nạn khỏi vùng dịch một cách tự phát, mà miệng vẫn hát vang những bài hát được đặt hàng của tuyên giáo kiểu tự hào quá Việt Nam ơi một cách chân thành và cuồng nhiệt, tôi chỉ thấy vừa ê chề vừa xót xa cho những phận người thật đáng thương bởi sự mông muội.

Chẳng phải chỉ những con người cùng khổ mới thiếu hiểu biết như thế, mà đại đa số người Việt Nam cũng vậy, hoặc họ buộc phải giả vờ như vậy. Bạn thử chạm đến niềm tin mù quáng vào vị thánh lãnh tụ tối cao của họ mà xem? Bạn sẽ bị ném đá đến chết như thời trung cổ.

Nếu việc đó xảy ra ở Bắc Triều Tiên, Cuba hay Nga và Trung Quốc... Bạn và tôi có thể cười nhạo và bình luận: "Âu cũng là dân trí thấp, ngu thì chết". Nhưng thật buồn nó vẫn xảy ra quanh ta đó thôi, nhưng chẳng ai dám lên tiếng, thậm chí chỉ là thì thầm."

Trí thức, văn nghệ sỹ không vô can

Hơn bốn chục năm sau 1975 nông dân Việt Nam vẫn đối mặt tình trạng lạc hậu, nghèo đói

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hơn bốn chục năm sau 1975 nông dân Việt Nam vẫn đối mặt tình trạng lạc hậu, nghèo đói

Dân trí từ đâu mà có? Nếu không phải là trách nhiệm của trí thức? Trí thức Việt Nam thì sao? Chúng ta không vô can!

Bằng cuộc cách mạng vô sản, những người cộng sản đã đẩy cả dân tộc này vào sự hận thù giai cấp không nguôi với những: đấu tố trong cải cách ruộng đất, vụ án nhân văn giai phẩm cải tạo tư sản rồi đốt sách.... Đó là những đòn đánh dập đầu giới trí thức Việt, buộc họ phải khom lưng cúi mình co quắp cho vừa vặn cái tấm áo dân trí chật hẹp mà chính quyền ban phát.

Thế mãi thành quen, thành lẽ sống để tồn tại cùng cơm áo gạo tiền. Rồi một ngày họ tự biến mình thành những con người dị biệt, tàn tật cả về thể xác và tâm hồn.

Tôi chơi với nhiều bạn là văn nghệ sĩ, giờ họ có thể mở mồm để chửi vu vơ ngoài quán bia quán rượu hay trà đá vỉa hè... Họ đã biết nói và đòi hỏi về tự do dân chủ, nhưng Khổng Nho vẫn là thước đo đạo đức và trí tuệ của họ. Thật khôi hài!

Một đám khác có vẻ tây học hơn thì luôn hoa mỹ, dẫn chứng sách vở đông tây thuộc làu làu. Nhưng chỉ an tọa trong những salon nghệ thuật sang chảnh. Tất cả họ chẳng ai rõ ràng chính kiến của chính mình, mà luôn mập mờ uyển ngữ, nấp sau những trang sách mà họ mới đọc.

Chẳng thể trách họ. Chuyên chính vô sản chẳng phải trò đùa! Khi nỗi sợ đã trở thành thức ăn tinh thần của giới trí thức Việt !

Hàng ngày tôi quan sát rồi ghi chép lại tất cả những gì xảy ra xung quanh mình một cách cẩn trọng và tế nhị để những người bạn mình không bị tổn thương và xấu hổ. Nó chỉ như đưa ra một cảnh giới để đánh thức cái tri thức nguyên bản tử tế trong mỗi con người, mà biết tự dọn mình để cùng nhau từng bước khai dân trí, rồi cải thiện xã hội ngày một tốt hơn. Chứ tuyệt đối không bao giờ là bới móc, hay chỉ trích cá nhân bất kì ai.

"Trại súc vật"

Nguồn hình ảnh, Le Quang Ha

Chụp lại hình ảnh,

"Trại súc vật", sơn dầu trên toan

Vậy mà mỗi bài tôi đăng lên, ai đó đều nhận thấy hình bóng mình trong đó. Rồi họ dỗi bỏ, giận hờn thậm chí cả thù hằn. Vài người đồng cảm hơn họ an ủi tôi bằng cái lý thuyết: mọi thứ chỉ là tương đối như liều thuốc an thần cho mọi bế tắc của xã hội.

Không thể phủ nhận sự sắc sảo của trí thức Việt Nam với những lập luận sâu sắc khúc chiết, rồi những bài dịch công phu từ sách báo nước ngoài để mở mang dân trí. Nhưng nhiều khi nó quá dài và khó đọc so với mặt bằng dân trí chưa cao. Hơn nữa họ luôn bị ném đá, đấu tố tục tĩu và cả đe dọa của nhóm dư luận viên ăn lương và cả bọn đâm thuê chém mướn theo thời vụ.

Rồi một số chán nản bỏ cuộc nhường sân chơi đông đảo nhất trên không gian mạng như Facebook và YouTube cho lũ du côn mạng và đám showbiz nửa mùa thành cái chợ với đủ loại rác rưởi. Dân trí đã thấp lại càng thấp.

Từ lâu chính trị đã trở thành một từ bẩn thỉu và xa vời với giới trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam. Họ mũ ni che tai bỏ mặc nhân tình thế thái sống chết mặc bay, nhường sân cho lũ quan tham ác. Một số quay ra tận dụng kiến thức học được chỉ để đánh quả cho vinh thân phì gia. Một số thì cao ngạo sống cầm hơi để mà đọc sách thánh hiền, lâu lâu nói bâng quơ trong vài cuộc hội thảo mang tính chuyên ngành, như chỉ sợ không ai thấy sự tồn tại vô nghĩa của mình.

Những lúc thiên tai dịch bệnh thế này người dân chẳng biết trông chờ vào đâu, chỉ biết tự đùm bọc nhau rồi trông chờ vào những gói cứu trợ từ trên trời rơi xuống. Mà phần nhiều trong đó là những trò đánh bóng để giảm bớt sự ăn năn tội ác của những nhà tư bản đỏ. Tôi đã từng thẫn thờ khó hiểu khi đứng trước những cái cây đa do những lãnh đạo của cái đảng vô thần được trồng lưu niệm trong những ngôi chùa. Một sư thày nhỏ nhẹ nói: "Báu gì đâu, họ chia tội với chùa đấy mà!"

Vận mệnh và trách nhiệm

Cái gì rồi cũng đến giới hạn của nó. Con giun xéo mãi cũng quằn, tức nước thì vỡ bờ. Đó là quy luật tự nhiên muôn thuở! Nếu ngay bây giờ trí thức Việt Nam không đứng ra nhận lấy trách nhiệm khai dân trí thì khi có biến cũng chỉ là thay đổi một thể chế độc tài này bằng một thể chế độc tài khác mà thôi. Bài học nhãn tiền cho dân tộc này luôn có rồi đấy!

Những điều tôi nói chẳng mới, đó chỉ là phân tích và mô phỏng tư tưởng của cụ chí sĩ Phan Châu Trinh với cương lĩnh Tam Dân: "Khai dân trí, Trấn dân khí, Hậu dân sinh". Từ cả trăm năm trước.

Chợt ước nếu phong trào Đông Du do cụ Phan với cương lĩnh như vậy mà thành công. Chứ không phải cái đảng của những người vô sản gieo hận thù đấu tranh giai cấp làm động lục cách mạng thì Dân Tộc này chắc đã khác xa

Vẫn biết lịch sử là không thể thay đổi, nhưng có thể học hỏi để rút kinh nghiệm mà sửa chữa .

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của Họa sỹ Lê Quảng Hà. Tác giả từng có nhiều tác phẩm triển lãm và đoạt giải trong nước và nước ngoài, hiện sống và làm việc tại Hà Nội.

Nguồn tin BBC Tiếng Việt