Biển Đông: Trung Quốc và ASEAN cố thúc đẩy đàm phán về COC

Trong cuộc họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN hôm qua 03/08/2021, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo là sau một thời gian dài tạm ngưng do đại dịch Covid-19, hai bên đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC), một văn bản đã được chờ đợi từ nhiều năm qua. Ông Vương Nghị còn cho biết là các bên có liên quan về cơ bản đã đồng ý với nhau về lời nói đầu của bộ quy tắc này.  

"Đường lưỡi bò": Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường 9 đoạn tại Biển Đông.
"Đường lưỡi bò": Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường 9 đoạn tại Biển Đông. UNCLOS/CIA


Theo báo chí trong nước, ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã hoan nghênh việc nối lại đàm phán COC, nhưng nhấn mạnh đến một văn bản “hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, với UNCLOS 1982 (Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển), được cộng đồng quốc tế ủng hộ”.

Sau một thời gian cố tình trì hoãn, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thúc đẩy tiến trình đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông nhằm “tránh các cuộc xung đột” trên vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. 

Nhưng mãi đến năm 2018, các cuộc đàm phán thật sự về COC mới được khởi động. ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán về dự thảo đầu tiên của bộ quy tắc trong thời gian 2018-2019. Vấn đề là từ đó cho đến nay, hai bên đã không đạt được tiến bộ nào thêm, bởi vì tình hình đại dịch Covid-19 khiến không thể tổ chức các cuộc gặp trực tiếp để đàm phán với nhau. 

Trong cuộc họp tại Trùng Khánh vào đầu tháng 6, các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc đã “nhất trí” thúc đẩy tiến trình đàm phán COC và đã chỉ đạo Nhóm công tác chung sớm nối lại đàm phán “dưới hình thức phù hợp”, nhưng lúc đó không nói rõ lịch trình. 

Thật ra Indonesia có đề nghị tổ chức một cuộc họp trực tiếp vào tháng 7 vừa qua, nhưng do tình hình đợt dịch Covid thứ hai ở Jakarta thêm trầm trọng, cho nên cuộc họp cuối cùng đã bị dời lại.

Trong tuyên bố hôm qua, ngoại trưởng Vương Nghị không nói rõ là khi nào Trung Quốc và ASEAN sẽ nối lại đàm phán về COC. Cho tới nay nội dung đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn được giữ kín. 

Vấn đề được đặt ra đó là bộ quy tắc ứng xử mà Trung Quốc và ASEAN đang cố đạt được có sẽ mang tính ràng buộc pháp lý hay không. Đó là một trong những vấn đề mấu chốt của văn bản này, theo phân tích của của giáo sư về Luật Quốc Tế Aristyo Rizka, thuộc Trung Tâm vì Chính Sách Đại Dương Bền Vững, Đại Học Indonesia, trong một bài viết đăng trên trang mạng East Asia Forum ngày 30/07/2021.

Theo tác giả bài viết, COC sẽ có hiệu quả hơn nếu tất cả các bên xem văn bản này là mang tính ràng buộc pháp lý. Đồng ý về một văn bản như vậy không phải là đơn giản, nhất là vì các bên phải lập ra một cơ chế rõ ràng để giải quyết các vụ vi phạm, đồng thời phải có một cơ chế để giám sát và bảo đảm việc tuân thủ bộ quy tắc. 

Thỏa thuận này còn phải xác định rõ phạm vi địa lý áp dụng bộ quy tắc. Theo giáo sư Aristyo Rizka, COC chỉ nên hợp pháp hóa những yêu sách chủ quyền thật sự chính đáng chiếu theo luật pháp quốc tế, chứ không nên thương lượng những yêu sách « bất hợp pháp ». Tất cả những yêu sách dựa trên cơ sở lịch sử không được công nhận chiếu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đều không thể được chấp nhận, trong đó có bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ấy là chưa kể các bên còn cần phải đồng ý với nhau về một cơ chế giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo trước một tòa án quốc tế, chẳng hạn như Tòa Trọng Tài Thường Trực, tức là tòa đã ra phán quyết năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này. 

Tóm lại, dù Trung Quốc và ASEAN có muốn đẩy nhanh tiến trình đàm phán về COC, hai bên sẽ không dễ dàng đồng ý với nhau về những điểm nói trên và việc đàm phán sẽ còn rất gay go.

Nguồn tin RFI Tiếng Việt