Việt Nam: Lo ngành y tế ''bỏ rơi'' các bệnh khác, nếu tiếp nhận tất cả ca nhiễm Covid

Từ hơn tháng nay, TP HCM được coi là « tâm dịch » của Việt Nam. Hàng loạt biện pháp mạnh chưa từng có đã được chính quyền áp dụng cấp tập, rầm rộ (1), với mục tiêu dập tắt đợt dịch, vào thời điểm phải nhiều tháng nữa mới có đủ vac-xin. Nhiều y bác sĩ lo ngại chính sách đưa toàn bộ người nhiễm virus vào bệnh viện khiến hệ thống y tế « bỏ rơi » nhiều người mắc bệnh khác đang cần điều trị. 

Ảnh minh họa : Khẩu hiệu phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/04/2020.
Ảnh minh họa : Khẩu hiệu phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/04/2020. REUTERS - YEN DUONG


Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 07/07/2021 có bài giới thiệu quan điểm của một số chuyên gia, lãnh đạo bệnh viện, cảnh báo là chính sách dồn hết các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 (hay « F0 » theo cách gọi trong nước) không có triệu chứng hoặc thể nhẹ vào bệnh viện là « đang “giết” hệ thống y tế ». Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, giám đốc Bệnh viện Phổi Trung Ương, việc này« sẽ gây gánh nặng rất lớn cho ngành y tế, thậm chí có nguy cơ sụp đổ hệ thống bệnh viện vì quá tải nghiêm trọng ». Khi hệ thống y tế phải gánh vác toàn bộ số người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó hơn 90% là không có triệu chứng hoặc chỉ ở thể nhẹ không cần điều trị, bệnh viện sẽ « không còn nguồn lực để chăm sóc các bệnh nhân khác đang cần hơn ».  

Kể từ đầu dịch đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn cách ly toàn bộ số người được xác nhận nhiễm virus, bất kể nặng nhẹ, và kể cả các « F1 », tức những người « tiếp xúc gần » với người nhiễm. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 6, bộ Y Tế bắt đầu thí điểm cách ly « F1 » tại nhà. Việc cách ly tại nhà với các F0, không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ đang bắt đầu được giới chuyên gia thảo luận tại Việt Nam. 

Việc cân nhắc các ý kiến đa chiều, về những lợi hại, thiệt hơn trong chính sách đối với đại dịch Covid, đặt trong tổng thể sứ mạng chăm sóc sức khỏe người dân nói chung của ngành y tế, có thể giúp chính quyền điều chỉnh sách lược với Covid phù hợp hơn với thách thức hiện nay. RFI Tiếng Việt giới thiệu góc nhìn của bác sĩ Phan Xuân Trung (Trung tâm Y khoa Medic, TP Hồ Chí Minh) về vấn đề này.  

***

Bác sĩ Phan Xuân Trung (TP Hồ Chí Minh)

RFI : Trước hết xin Bác sĩ cho biết nhận định chung của Bác sĩ về chính sách của chính quyền đối với dịch bệnh, cụ thể là với thành phố Hồ Chí Minh, nơi dịch bệnh đang có dấu hiệu diễn biến căng thẳng.

Bác sĩ Phan Xuân Trung : Dịch Covid này đã xảy ra từ 18 tháng rồi. Lúc ban đầu, nó tạo ra sự hoảng loạn bởi người ta chưa hiểu nó là cái gì, cho nên siết chặt bằng mọi phương pháp, để chống lây lan. Bởi vì người ta nghĩ là khi nó lây lan, nó sẽ làm tăng số người chết, và vượt quá sức chịu đựng của hệ thống y tế, dù cho cái tỉ lệ tử vong có thể thấp, nhưng nếu số lượng bị lây lan nhiều, thì khi nhân lên, số lượng tử vong sẽ cao. Tuy nhiên có nhiều chính sách đã được đưa ra mà tôi cho là quá đà, quá tay, quá đáng. Trong lúc nhằm mục đích để trấn áp bệnh do Covid gây ra, các chính sách đó lại gây ảnh hướng đến các loại bệnh khác.

RFI : Xin Bác sĩ cho biết cụ thể.

Bác sĩ Phan Xuân Trung : Có những biện pháp như đóng cửa cơ sở y tế, như với Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo chẳng hạn. Khi tình cờ phát hiện ra một ca bị nhiễm, thì lập tức báo động, và đóng cửa luôn và tất cả nhân viên y tế người ta đánh giá là « F1 » (tức người được coi có tiếp xúc gần với người nhiễm) lập tức bị đưa đi cách ly 21 ngày. Trung tâm Medic Hòa Hảo phục vụ mỗi ngày 3.000 đến 4.000 bệnh nhân. Ngoài ra còn nhiều bệnh viện khác. Đầu tiên là bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), sau đó là một số bệnh viện ngoài bắc, và sau đó là ở miền nam. Mục đích của ngành y tế là chăm sóc sức khỏe. Bây giờ vì lý do Covid mà những bệnh nhân khác không được điều trị.

Cái thứ hai nữa là, dường như người ta đã quan trọng hóa quá bệnh Covid, đến mức mà với Bệnh viện Nhiệt Đới thành phố, nơi chuyên môn điều trị các bệnh truyền nhiễm, hiện nay Nhà nước dẹp hết việc điều trị tất cả các loại bệnh truyền nhiễm khác, để dành riêng cho điều trị Covid. Chẳng lẽ tất cả các bệnh từ trước tới giờ không bằng bệnh Covid hay sao ? Và có ai so sánh tác hại của bệnh Covid với tất cả các bệnh còn lại, xem bên nào quan trọng hơn không ?

Một cái tai hại nữa là về mặt tâm lý, hiện nay, có tình trạng là người ta tin là khi đến bệnh viện là Covid sẵn sàng lây vào họ. Cho đến bây giờ có rất, rất, rất nhiều bệnh nhân có những bệnh nặng, mà vì nghe thông tin về Covid mà họ không dám đến bệnh viện điều trị, và trong số họ có nhiều người chết, có nhiều người chịu đựng không nổi. Rồi không chỉ có vậy. Giữa các tỉnh lại làm khó lẫn nhau, nên nếu người nào đi (khám bệnh…) TP Hồ Chí Minh về, họ sẽ bị cách ly 21 ngày, như vậy họ không dám đi chữa bệnh nữa. 

Có nhiều trường hợp như vậy xảy ra, tuy nhiên không được nêu lên về mặt báo chí hay số thống kê. Bình thường luôn có một lượng bệnh nhân, bị viêm ruột thừa, bị các bệnh cấp cứu, nhồi máu cơ tim, có các bệnh khẩn cấp, nhưng khi có Covid rồi, thì các bệnh nhân đó hầu như là « biến mất ».  Không thể nào nói rằng họ không có bệnh, mà là những bệnh đó không được điều trị.

Còn một thực tế nữa là người ta dồn « các bệnh nhân » gọi là « F0 » (tức người mang virus) vào các cơ sở điều trị, trong khi đó là « các bệnh nhân » không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ chiếm từ 80% đến 95%.  Các « bệnh nhân » đó vào nằm viện chiếm chỗ của các bệnh nhân thực sự trước đây, tạo thành tình trạng quá tải giả tạo. Và trên thực tế lại không có điều trị gì đặc hiệu cả. Có thể chỉ vài viên thuốc giảm đau, hạ sốt hay vitamin C gì đó, sau khoảng 7 đến 10 ngày xét nghiệm lại thấy hết rồi thả ra cho về, và xem rằng đó là điều trị thành công một ca Covid.

Đó là điều sai ! Vì người bị nhiễm (không triệu chứng) là « người lành mang trùng », chứ không phải là « bệnh nhân ». Nếu đem người lành mang trùng đó vào để điều trị như một bệnh nhân là không đúng, trong khi bệnh nhân khác đang cần giường bệnh. Chúng ta biết hệ thống y tế ở TP Hồ Chí Minh đã sẵn quá tải rồi, đang phải nằm ghép, nằm đôi, nằm ba. Bây giờ không biết những bệnh nhân đang điều trị đi đâu, khi nhường chỗ cho các « bệnh nhân » Covid này. Trên thực tế, hầu như các bệnh viện đang trống vắng, vì bệnh nhân không dám đến bệnh viện.  

RFI : Ở Sài Gòn vừa có chính sách mới, với việc áp dụng mô hình điều trị « Tháp ba tầng » (« tầng cao nhất » điều trị hồi sức, « tầng thứ hai » điều trị trường hợp nặng, và « tầng ba » là dành cho người bệnh nhẹ và không có triệu chứng, sử dụng cơ sở là các trường học, ký túc xá, bệnh viện dã chiến…). Phải chăng đây là một điều chỉnh chính sách của chính quyền để phù hợp hơn với tình hình mới ?

Bác sĩ Phan Xuân Trung : Lúc ban đầu người ta chỉ chia ra làm F0 và F1 thôi (FO là người nhiễm, và F1 là người ở gần người bị nhiễm). Nhưng sau chúng tôi nói là, F0 có phải ai cũng là bệnh nhân đâu. Từ chỗ đó người ta mới phân loại ra F0 loại 1, F0 loại 2, F0 loại 3. Từ đó mới có cách đối xử riêng với từng nhóm. Hiện nay, sau khi chúng tôi lên tiếng, nói đi nói lại nhiều lần, thì người ta thấy rằng ở những khu chế xuất, những khu công nghiệp, cái lượng công nhân lên đến mấy ngàn, nếu đưa vô trại cách ly nó tạo ra sự lây lan kinh khủng. Khoảng 70% là bị chuyển từ F1 thành F0 trong các khu cách ly. Từ đấy người ta mới phát hoảng ra, thấy là không nên tập trung cách ly F1 lại với nhau. Và người ta nghĩ đến cách trả về cho gia đình, địa phương. Hiện tại, đang thực hiện theo hướng đó. Sắp tới, những F0 nào không có triệu chứng thì chắc là cũng cho về gia đình, quản lý như F1.

RFI : Hệ thống y tế Việt Nam, trên thực tế, đã ghi nhận việc có đến ít nhất 80% người nhiễm virus là không có triệu chứng và thể nhẹ, đã từ tầm nửa năm nay thậm chí trước nữa, nhưng phải đến bây giờ mới áp dụng mô hình « tháp ba tầng ».  Phải chăng mô hình « tháp ba tầng » này cũng chỉ là một bước đệm, để đi đến bước tiếp theo là đưa những người F0 không có triệu chứng, hay bệnh nhẹ, trở về hẳn với gia đình để nhằm giảm tải gánh nặng cho hệ thống bệnh viện ?

Bác sĩ Phan Xuân Trung : Đấy chính là mô hình thế giới đã làm. Bên Mỹ người ta đã làm ngay từ đầu. Mình thì trước đây khá là hào phóng, bởi nghĩ rằng F1, F0 ít. Nhưng càng ngày khi dịch bùng phát, thì không thể nào bảo đảm được việc cách ly (với số lượng lớn) như vậy. Không thể nào làm cho xã hội sạch virus được. Đến lúc nào đó phải chấp nhận xã hội chung sống với virus, phải bỏ đi mục tiêu truy đến cùng tiêu diệt hoàn toàn virus.

Tôi nghĩ rằng phải giải tỏa cái tâm lý ấy cho người dân. Bởi vì hiện tại, báo chí, phương tiện truyền thông, làm cho hình ảnh Covid trở nên kinh khủng, bệnh nhân không dám đi khám bệnh. Cho nên chuyện cho F1 và F0 về « điều trị » tại gia đình giúp cho việc giảm tải gánh nặng cho Nhà nước, đồng thời làm như vậy là phù hợp với thực tế.

Tuy nhiên, còn một chuyện nữa là cần phải nhìn bệnh Covid này như các bệnh thông thường khác : ai bệnh thì điều trị, không thì thôi, chứ không thể duy trì Covid như một thứ bệnh ghê gớm, khiến bệnh nhân sợ hãi. Rồi cứ nghĩ là hễ bước đến bệnh viện là sẽ bị dính Covid, khiến người ta hoang mang, sợ hãi, không dám đến bệnh viện để điều trị.  

RFI : Bác sĩ có thêm ý kiến bổ sung nào không, đặc biệt liên quan đến tình hình dịch bệnh được coi là sẽ trở nên căng thẳng trong những ngày tới ?

Bác sĩ Phan Xuân Trung : Với tư cách là một bác sĩ điều trị, tôi quan tâm trước hết đến các bệnh nhân của tôi. Mỗi ngày tôi khám bình thường như vậy, mà bây giờ họ không có chỗ để khám. Hàng ngày tôi nhận được rất nhiều lời nhờ vả, những than phiền. Có câu chuyện về hai chị em bị cách ly nên bà mẹ không ai chăm lo, cấp cứu rất nặng nhọc… Ở Việt Nam, chúng ta biết người già, trẻ em sống chung một gia đình, cho nên chỉ cần một người trong đó bị cách ly là ảnh hưởng tới hệ thống gia đình. Mà cách ly đâu phải một hai ngày, mà có khi tới cả ba tuần lễ, và nhiều khi còn nối tiếp thêm nữa.

Tôi muốn nói thêm rằng, cái mục tiêu của chúng ta là cứu bệnh nhân, cứu hệ thống y tế. Nhưng trên thực tế, thì đang xảy ra việc đánh sập hệ thống y tế, tức là làm « bất hoạt » hệ thống y tế, chuyển hết các nhân sự đang làm việc bình thường đó vào trong các công việc tập trung cho Covid, như xét nghiệm (2)…, bỏ rơi các bệnh nhân khác. Điều đó có nghĩa là đang đánh sập hệ thống y tế. Đây là một tai họa cho những bệnh nhân mắc các bệnh khác, không chỉ là Covid. 

RFI : Xin cảm ơn Bác sĩ Phan Xuân Trung.

***

Ghi chú 

1/ Hàng loạt biện pháp mạnh được áp dụng tại Sài Gòn, như cấm tụ tập quá ba người, phong tỏa hàng trăm điểm, tiêm chủng cho khoảng 1 triệu trên hơn 10 triệu dân cư trong vòng một tuần lễ, hay xét nghiệm 5 triệu người với tốc độ 500 nghìn người/ngày… Và kể từ ngày mai, 09/07/2021, chính quyền áp dụng chính sách « giãn cách toàn thành phố » theo Chỉ thị 16 của chính phủ, được coi là nhóm biện pháp chống dịch ở mức cao nhất. Thành phố HCM gần như bị phong tỏa. Giao thông đi lại giữa Sài Gòn với toàn bộ phần còn lại của cả nước bị kiểm soát chặt. Người có nhu cầu ra vào thành phố phải trình giấy xét nghiệm. Xét nghiệm cứ vài ngày phải làm lại một lần, thời gian dài ngắn tùy theo quy định của tỉnh nơi đến.

2/ Chính sách xét nghiệm virus quy mô lớn, cấp tập, và quy định bắt buộc phải có « giấy thông hành » âm tính với Covid mỗi khi ra vào thành phố vừa được đưa ra cũng bị chính nhiều tiếng nói trong nước chỉ trích là gây khổ cho dân, cũng như tạo thêm môi trường cho dịch bệnh tại các nơi làm xét nghiệm (Bài « Dân “kêu trời” vì bị giấy xét nghiệm Covid-19… hành », VOV, ngày 07/07/2021).

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt