Kịch bản Nga – Trung liên thủ hành động : Một cơn ác mộng cho Mỹ ?

Cuộc gặp thượng đỉnh Biden – Putin tại Geneve, Thụy Sĩ, khép lại vòng công du châu Âu của tổng thống Mỹ Joe Biden, kéo dài từ ngày 11-16/06/2021. Mục tiêu cuộc gặp là làm sáng tỏ những bất đồng trong một số hồ sơ và hạ nhiệt căng thẳng. Nhưng theo giới quan sát, « làm thế nào kéo Nga ra khỏi vòng tay của Trung Quốc » mới là mục đích tối hậu. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) và nguyên thủ Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh Geneve, Thụy Sĩ ngày 16/06/2021.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) và nguyên thủ Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh Geneve, Thụy Sĩ ngày 16/06/2021. AP - Patrick Semansky


Như dự đoán, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga đã không có những thông báo bất ngờ nào. Thông cáo chung của Vladimir Putin và Joe Biden sau cuộc họp chỉ vỏn vẹn có một chủ đề : « Đối thoại song phương về ổn định chiến lược ».

Nước Nga tìm lại vị thế cường quốc thế giới

Kết quả cuộc gặp có thể là khiêm tốn, nhưng chí ít tổng thống Mỹ cũng đã thực hiện được hai điều : Thứ nhất, trấn an các đồng minh châu Âu về vấn đề Nga và thứ hai, sửa chữa những tuyên bố vụng về trong quan hệ với Nga dưới thời tổng thống Barack Obama, theo như giải thích của chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Alexandra de Hoop Scheffer, thuộc tổ chức nghiên cứu, tư vấn của Đức, German Marshall Fund of the United States (GMF) trên đài RFI.

« Vào thời điểm đó, tổng thống Obama có những lời lẽ nặng nề nhắm vào ông Putin, đại khái cho rằng "ông chỉ đứng đầu một cường quốc khu vực". Thật chẳng còn gì tệ hơn việc quý vị đến nói với tổng thống Putin là nước Nga chỉ là một cường quốc khu vực. Thế nên, khi mở một cuộc gặp thượng đỉnh với Nga, chính là người ta thừa nhận vị thế cường quốc thế giới của nước này. Trên thực tế, điều đó cho phép tạo ra một địa bàn đối thoại tích cực. (…)

Chúng ta thấy rõ có một ván cờ cân bằng chiến lược, giữa một bên là ý muốn của ông Biden, tìm cách tỏ sự khác biệt với người tiền nhiệm, rằng ông có một đường lối cứng rắn với Nga trong nhiều vấn đề, đầu tiên là an ninh mạng, sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các vấn đề nhân quyền cũng như là vai trò của Nga tại những khu vực mang tính địa chính trị và bên kia là việc duy trì những kênh ngoại giao công khai. Ở đây chỉ có một vấn đề duy nhất có liên quan đến châu Âu chính là việc kiểm soát vũ khí. »

Chiếc bóng Trung Quốc tại Geneve

Đây cũng là lĩnh vực duy nhất còn lại mà đôi bên có thể hợp tác. Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New Start – hiệp ước song phương cuối cùng vẫn còn chưa bị Mỹ xé bỏ – có thể sẽ được triển hạn. Theo giải thích của ông Oleg Kobtzeff, giáo sư ngành địa chính trị trường đại học Mỹ tại Paris (AUP) với báo mạng Nga Sputnik, Nga và Mỹ rất có thể sẽ thiết lập một cơ chế bao gồm các chuyên gia « quân sự và ngoại giao » của hai nước nhằm kiểm soát « những loại vũ khí mới, tinh vi và nguy hiểm ».

Tuy nhiên, có một điểm được hầu hết giới chuyên gia đồng chia sẻ : Giống như các cuộc họp G7, NATO và Mỹ - Liên Hiệp Châu Âu trước đó, chiếc bóng Trung Quốc một lần nữa lởn vởn trên thành Geneve. Trong cuộc họp báo, tổng thống Mỹ Joe Biden lại đề cập ngắn gọn đến ông khổng lồ châu Á, khi nói về đường biên giới dài mà Trung Quốc chia sẻ cùng với Nga và nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Nga.

Đối với Mỹ, một trong những thách thức lớn là làm cách nào tách rời Nga ra khỏi Trung Quốc. Điều này giải thích vì sao cuộc gặp Nga – Mỹ vừa qua cho một kết quả khiêm tốn như nhận định của ông Martin Quencez, chuyên gia về quan hệ quốc tế, quỹ GMF trên đài RFI.

« Đúng là những tiến bộ đó chỉ mang tính biểu tượng, bởi vì điều quan trọng ở đây là đưa ra những lằn ranh đỏ đối với Hoa Kỳ, giải thích rõ quan điểm của chính quyền Biden về quan hệ Nga – Mỹ. Thuật ngữ được sử dụng nhiều lần là "mối quan hệ ổn định và có thể lường trước". Bởi vì ông Biden thật sự muốn tập trung nhiều vào mối quan hệ với Trung Quốc và ông không muốn Nga gây ra chút rắc rối nào ở bên cạnh, đồng thời cản trở Nga can dự vào hồ sơ Trung Quốc ».

Nga – Trung : Liên minh tình thế ?

Nước Mỹ giờ đây có lẽ chợt nhận ra rằng « thái độ bài Nga dường như đã đi quá đà », như lời nhận xét của ông Pierre Lorrain, nhà báo chuyên về thế giới hậu Xô Viết và Nga với trang mạng Sputnik. Hoa Kỳ và phương Tây giờ cảm thấy lo lắng khi thấy rằng nước Nga của ông Putin mỗi lúc xích lại gần hơn với Trung Quốc kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước nhanh chóng được bình thường hóa khi đôi bên đúc kết một « đối tác chiến lược » năm 1996. Năm năm sau đó, một hiệp ước hữu nghị được ký năm 2001, công bố tầm nhìn chung của hai nước về quan hệ quốc tế. Và sau cùng, Bắc Kinh và Matxcơva quyết định chấm dứt những tranh chấp lãnh thổ trong năm 2004.

Theo phân tích của ông Thierry Fortin – cựu sĩ quan, chuyên gia về quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế, giữa Nga và Trung Quốc có một kiểu « Liên minh khách quan ». Mối liên minh này ngày một được củng cố kể từ sau những cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại Kosovo (1999) và tại Irak (2003).

Trước thế bá quyền chính trị đơn phương của Mỹ ngày càng lớn, Nga và Trung Quốc tin rằng cần phải có một đối trọng « không phương Tây » nhằm duy trì một sự cân bằng đa phương và ngăn cản Hoa Kỳ sở hữu thế độc quyền quân sự, kinh tế và văn hóa mà không có đối lập. Thế đối trọng này còn được khẳng định rõ trong việc thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải năm 1996, một chương trình hợp tác an ninh, với sự tham gia của Trung Quốc, Nga, các nước vùng Trung Á, Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước quan sát viên khác.

Đáng lo hơn nữa là tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga thường xuyên dựa vào Trung Quốc để phản đối các dự thảo do Mỹ hay phương Tây đề xuất. Từ năm 2007 đến nay, Bắc Kinh đã bảy lần sử dụng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An và lúc nào cũng đi cùng với Nga. Tương tự, cả hai nước cùng có chung một đường lối trong nhiều hồ sơ quốc tế khác như Iran, Syria hay như khủng bố Hồi giáo quốc tế.

Vẫn theo nhận định của ông Thierry Fortin với trang mạng Diploweb, kiểu « liên minh khách quan » này giữa Nga và Mỹ càng được thắt chặt hơn qua việc Matxcơva chỉ định NATO như là một mối họa cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga và Bắc Kinh xem Mỹ là mối đe dọa cho sự tự do hành động của Trung Quốc, nhất là tại khu vực Biển Đông.

Nga – Trung liên thủ : Kịch bản tồi tệ cho Mỹ ?

Điều này giải thích vì sao Nga và Trung Quốc tìm cách tạo ra mọi áp lực để ngăn ngừa Hoa Kỳ tiến quá xa trong tham vọng bành trướng như cho mở rộng NATO bằng cách kết nạp thêm nhiều nước Đông Âu hay vùng Balkan và tăng cường các hoạt động quân sự như tập trận hải quân Nga – Trung tại biển Baltic (2017), cuộc tập trận quy mô lớn Vostok tháng 9/2018…

Liệu rằng những khác biệt về quan điểm chiến lược giữa ba cường quốc hàng đầu thế giới – Nga, Mỹ và Trung Quốc – có sẽ củng cố hơn nữa mối liên minh khách quan Nga – Trung trong những năm sắp tới ? Phải chăng Matxcơva và Bắc Kinh hiện đang hiệp sức đối đầu Mỹ cùng lúc trên nhiều mặt trận ?

Theo chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer, những câu hỏi này tuy chưa có lời đáp, nhưng đang khiến chính quyền Biden lo lắng.

« Chính quyền Biden xem liên minh Nga – Trung như là một liên minh chiến lược, được thành lập dựa trên một nền tảng cơ bản : Có cùng tầm nhìn trật tự thế giới và cùng phản đối mạnh mẽ nước Mỹ. Do vậy, ở đây, có thể có một mối lo lắng về một kịch bản tiềm tàng, bởi vì người ta nhận thấy có chút bắt đầu.

Theo đó, Nga và Trung Quốc dường như cùng tổ chức các cuộc tập trận giả định, những cuộc tấn công quân sự, trong các khu vực lân cận tương ứng của mình. Cụ thể là Nga với Ukraina, cùng lúc nhiều căng thẳng tại Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Đây chính là những mối lo của Hoa Kỳ hiện nay, về những kịch bản Nga và Trung Quốc rất có thể liên thủ hành động để làm bất ổn nước Mỹ. Rõ ràng là Nga và Trung Quốc đang trắc nghiệm năng lực của Hoa Kỳ và điều này khiến Washington lo lắng rất nhiều. »

Tổng thống Mỹ có lôi kéo được Nga ra khỏi vòng tay Trung Quốc hay không ? Thời gian sẽ cho câu trả lời. Như một sự cười nhạo, mười hai ngày sau cuộc gặp với đồng nhiệm Mỹ, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc họp trực tuyến tuyên bố triển hạn hiệp ước hữu nghị thêm 5 năm nữa. Đây cũng là cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến thứ hai giữa hai nước chỉ trong vòng có 30 ngày.

Và như một sự trùng hợp, một báo cáo do Tổ chức South China Sea Strategic Situation Probing Initiative (Sáng kiến Thăm dò Tình hình Chiến lược Biển Đông/SCSPI) công bố gần đây cho biết số phi vụ thám sát trên Biển Đông của Mỹ trong tháng Sáu giảm đến một nửa so với tháng Năm (72 vụ) và chuyển hướng sang Biển Hoa Đông.

Tổ chức này giải thích rằng hoạt động quân sự Mỹ giảm hẳn trên Biển Đông được cho là do Nga tập trận quy mô ngoài khơi Hawai hồi tháng Sáu, thu hút một phần lực lượng trinh sát của Mỹ. Các quan chức Nga nói rằng đây là cuộc tập trận lớn nhất tại Thái Bình Dương kể từ thời chiến tranh lạnh.

Quan hệ Nga – Phương Tây ngày càng xuống cấp nhất là kể từ sau những căng thẳng về Ukraina năm 2014. Cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneve giữa Biden và Putin vẫn chưa cho phép giải tỏa tình thế này.

Tờ L’Opinion tự hỏi : « Làm thế nào Nga và Trung Quốc không ngừng tiếp tục xích lại gần nhau trong khi mà Hoa Kỳ và các đồng minh vẫn sẵn sàng tiến hành một chiến lược kềm hãm họ trên trường quốc tế ! »

Nguồn tin RFI Tiếng Việt