Hoa Kỳ và nỗi lo thường trực về "suy thoái sức mạnh"

Hoa Kỳ và nỗi lo thường trực về "suy thoái sức mạnh"

Minh Anh, RFI, 24/06/2021

Trong vòng sáu ngày từ ngày 11-16/06/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du Châu Âu để tham dự một loạt cuộc họp thượng đỉnh lớn : G7, NATO, Mỹ - Liên Hiệp Châu Âu, và sau cùng là Mỹ - Nga. Thế nhưng, từ lúc Joe Biden đặt chân đến Anh Quốc cho đến khi ông rời Geneva, có hai nỗi ám ảnh luôn luôn đeo bám nước Mỹ : Sự đối đầu với Trung Quốc và nỗi lo bị suy thoái, mất tầm ảnh hưởng cũng như thế bá quyền về công nghệ.

mytrung0

Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh giành thế siêu cường hàng đầu thế giới ? AP - Andy Wong

Đây chính là những quan sát từ nhà nghiên cứu về Mỹ, Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc tổ chức nghiên cứu, tư vấn của Đức, German Marshall Fund of the United States (GMF) được nêu trên nhật báo công gáo La Croix (17/06/2021). Chuyên gia về Hoa Kỳ còn lưu ý thêm : "Người Mỹ tin rằng, quốc gia nào sở hữu được nền công nghệ tinh vi nhất sẽ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới !".

Mối lo này của Mỹ không phải là không có cơ sở. Từ nhiều thập niên qua, đã bao lần các nhà quan sát nói đến sự suy thoái của nước Mỹ, sau mỗi biến cố lớn xảy ra. Tất cả đều đồng ý rằng "sự suy thoái – tương đối – của Mỹ là không thể tránh khỏi trong những thập niên sắp tới. Điều đó có nghĩa là vị thế tương đối của Mỹ đối với những nước lớn khác – đi đầu là Trung Quốc và trong một chừng mực nào đó là Ấn Độ – sẽ có thay đổi, gây bất lợi cho nước Mỹ".

2030 : Năm vận hạn của Mỹ ?

Đây chính là những dự báo của ông Charles Cogan, cựu quân nhân, nhà báo và từng lãnh đạo cơ quan CIA tại Paris, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Quốc tế và Chiến lược năm 2010. Theo ông, tăng trưởng của hai ông khổng lồ Châu Á về dân số này sẽ có những thay đổi vị thế kinh tế và chiến lược so với Hoa Kỳ. Thế ưu việt áp đảo của Mỹ rất có thể sẽ không còn kể từ năm 2030. Trật tự 8 nền kinh tế lớn, theo thứ tự giảm dần trong năm 2025 sẽ như sau : Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp và Nga.

Những nhận định này được đưa ra trong bối cảnh vai trò lãnh đạo hàng đầu của nước Mỹ, có được kể từ sau kết thúc Đệ nhị Thế chiến, mỗi lúc bị phản đối, nhất là sau cú sốc ngày 11/09/2001, vụ tấn công khủng bố nhắm vào tòa tháp đôi World Trade Center tại New York và Lầu Năm Góc ở Washington. Các cuộc chinh chiến nhân danh chống khủng bố tại Irak, Afghanistan còn làm cho hình ảnh Mỹ thêm phần sứt mẻ. Thế siêu cường này của Mỹ hơn bao giờ hết mỗi lúc một lung lay cùng với đà tiến của Trung Quốc.

Thế nhưng, dự phóng này của ông Charles Cogan đã không lường được việc, tỷ phú địa ốc New York Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016 và đại dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019, đầu năm 2020 lan rộng toàn cầu làm tê liệt nhiều nền kinh tế lớn.

Những cuộc chiến thương mại và công nghệ mà ông Donald Trump khởi xướng nhắm vào "đối thủ chiến lược" Trung Quốc và các đồng minh phương Tây của Mỹ, không những không ngăn cản được đà tiến lên của Trung Quốc mà còn làm chao đảo cả thế giới, các nước đồng minh hụt hẫng. Chính sách co cụm và những quyết định đơn phương của chính quyền Donald Trump không chỉ làm uy tín của Mỹ trên trường quốc tế bị sụt giảm nghiêm trọng mà dường như còn thúc đẩy nhanh hơn tiến trình suy thoái đó.

Nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ, Martin Quencez, thuộc German Marshall Fund ở Paris, trong một chương trình phát thanh của RFI hồi năm 2020, nhìn nhận rằng khả năng gây ảnh hưởng của Mỹ lên các đối tác trong việc ra các quyết định phần nào đã bị suy yếu. Đây có thể được xem như là một dấu hiệu của sự suy thoái tương đối của Mỹ, chí ít trong số lĩnh vực quan trọng.

"Điểm đáng chú ý ở đây chính là ở cấp độ những yếu tố gây ảnh hưởng rõ rệt nhất, nghĩa là sức mạnh kinh tế, quân sự, năng lực ngoại giao của Mỹ, rồi còn có vấn đề công nghệ, khoa học nữa…

Rõ ràng là có một sự suy thoái tương đối so với Trung Quốc, cụ thể là trong khoa học, công nghệ ở một số lĩnh vực quan trọng có thể làm biến đổi thế giới, nền kinh tế thế giới như công nghệ 5G, trí thông minh nhân tạo hay như máy tính lượng tử.

Trong những lĩnh vực này, nước Mỹ vẫn còn rất hấp dẫn nhưng không hẳn còn là quốc gia đi đầu về khoa học nữa. Đây chính là những yếu tố xác định tầm ảnh hưởng của Mỹ trong những năm sắp tới".

Đâu sẽ là vị thế của nước Mỹ trong tương lai ?

Trở lại với bài viết của Charles Cogan, vị cựu lãnh đạo CIA ở Paris từng cho rằng trong xu hướng suy thoái tương đối đó, nước Mỹ rất có thể sẽ phải xếp vào hàng ngũ những "cường quốc bình thường như bao nước khác". Xu hướng này dường như đã được một bộ phận người dân Mỹ, nhất là ông Donald Trump thể hiện rõ qua cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, theo như giải thích của ông Martin Quencez.

"Từ nhiều năm qua, người ta luôn nhận thấy có một sự hoài nghi trong các thăm dò dư luận và một vài điều đã để lại dấu ấn trong những năm tháng ông Obama lãnh đạo đất nước. Đích thân tổng thống Mỹ Obama thời bấy giờ từng nhiều lần giải thích tầm nhìn của ông về chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ, bởi vì phe đối lập, là đảng Cộng hòa nghi ngờ ông là một người đã phá hỏng quyền lực mềm đó của Mỹ.

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử năm 2015-2016, ông Donald Trump thường xuyên gạt bỏ ý tưởng này khi cho rằng Hoa Kỳ không chỉ đang hồi thoái trào mà còn phải xử sự như bao nước khác. Người ta còn nhớ trong một cuộc trả lời phỏng vấn, khi một nhà báo hỏi rằng Vladimir Putin có phải là một "sát thủ", Donald Trump đã trả lời như sau : Liệu ông có nghĩ rằng chúng ta cũng vô tội đến thế chăng ?

Điều này thật sự mang tính biểu tượng vì đó không chỉ là tầm nhìn của riêng Donald Trump mà cả một đại bộ phận cử tri Mỹ về những gì nước Mỹ đại diện ngày nay".

Nhà nghiên cứu Quỹ German Marshall lưu ý thêm rằng sự co cụm này của nước Mỹ trong những thời gian qua, đó là do chính quyền Donald Trump, mỗi khi nhận thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc hay từ nhiều tác nhân quốc tế khác, đã quyết định thoái lui khỏi các định chế quốc tế, những cơ quan phát huy ảnh hưởng cho Mỹ trước đây.

Động thái này của Mỹ đã gây lo ngại cho nhiều đồng minh Châu Âu và Châu Á, trở nên do dự có nên đi theo Mỹ hay không trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nhà sử học André Kaspi, cũng trong chương trình phát thanh của RFI năm 2020, nhắc lại rằng Donald Trump chưa phải là nguồn cơn duy nhất của chính sách co cụm đó của Mỹ.

"Sự co cụm của nước Mỹ không phải là một điều gì mới mẻ cả. Đây đúng hơn là một hệ quả từ việc Chiến tranh lạnh chấm dứt. Đối mặt với Mỹ không còn là Liên Xô nữa, mà giờ là Trung Quốc. Điều đó muốn nói lên rằng cuộc xung đột mà Mỹ đang nhắm tới, nó không còn là một cuộc đối đầu về ý thức hệ, mà đó là một cuộc xung đột chính trị, kinh tế, thương mại, chiến lược… Đó không còn là một cuộc chiến giữa thế giới tự do chống thế giới bị áp bức, cho dù chế độ Trung Quốc là hiện thân của một sự áp bức hoàn toàn".

Liên minh thay vì đơn phương hành động ?

Giờ đây, nước Mỹ ngỡ ngàng nhận ra rằng, cuộc mặc cả năm xưa mà Mỹ và Trung Quốc có "giao kèo", theo đó, Mỹ đổ vốn và công nghệ xây nhà xưởng, Trung Quốc sản xuất, chế biến và cung cấp ngược lại cho Mỹ hàng hóa giá rẻ, giờ chỉ có lợi cho Bắc Kinh trong nhiều mặt. Trung Quốc năm 2020 trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu, và có nguy cơ qua mặt Mỹ trong nhiều lĩnh vực chủ chốt khác, đặc biệt là những lĩnh vực công nghệ cao có khả năng áp dụng cho quân sự như mạng 5G, trí thông minh nhân tạo…

Về điểm này, nhà sử học Pierre Mélandri, trên đài RFI đưa ra một nhận định cay đắng : "Nước Mỹ không còn là một siêu cường tuyệt đối, tầm ảnh hưởng độc quyền mà Mỹ nắm giữ trong một thời gian dài nay cũng không còn. Đương nhiên, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc hàng đầu và tôi nghĩ là Trung Quốc tất nhiên cũng không muốn khoác lên vai điều mà Hoa Kỳ gọi là "gánh nặng đế chế". Tôi lưu ý một điểm, đúng là ngân sách dành cho quân sự của Mỹ đã tăng mạnh nhưng trong một hướng đi rất cụ thể : Đó chính là Trung Quốc".

Nhưng có lẽ mối lo của Hoa Kỳ bị Trung Quốc soán ngôi siêu cường quân sự cũng là lẽ thường tình. Nhịp độ bắt kịp tiến bộ quân sự của Trung Quốc tăng nhanh đến mức trong năm 2020, ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh cao gấp bốn lần ngân sách của những đồng minh mạnh nhất của Mỹ là Anh, Pháp và Đức. Chỉ riêng Mỹ và Trung Quốc đã chiếm đến 50% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu, cao gấp 6 lần so với khối 27 nước Liên Hiệp Châu Âu.

(Tạp chí Quốc tế và Chiến lược số 120/2020 với tiêu đề "Song đấu Mỹ-Trung ?")

Thế nên, vẫn theo ông Charles Cogan, thế kỷ XXI sẽ không còn là một "thế kỷ của Mỹ" như trước đây. Thế giới vừa khép lại một chương "đơn cực". Nước Mỹ sau những cuộc can thiệp quân sự với những kết quả gây tranh cãi có lẽ sẽ phải hướng đến ưu tiên ngoại giao hơn là dựa vào vũ lực như xưa.

Trong cuộc đối đầu mới này với Trung Quốc, Hoa Kỳ buộc phải chú trọng nhiều vào việc thành lập các liên minh, từ bỏ thế "đơn thương độc mã". Bởi vì, vị thế chiến lược tương đối bị suy giảm của Mỹ sẽ không cho phép một thứ chủ nghĩa đơn phương nào như vậy trong thế giới sắp tới.

Tầm nhìn này của ông Charles Cogan, một lần nữa đã được sử gia người Pháp, Pierre Grosser xác nhận, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây cho trang mạng Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS. Đây cũng chính là những gì chính quyền Joe Biden hiện nay đã và đang thực hiện, nhân chuyến công du Châu Âu vừa qua.

"Tái thiết đất nước, nỗ lực thiết lập các liên minh công nghệ trên khắp thế giới vì các nền dân chủ và đương nhiên là cả đầu tư trong những điểm yếu kém hay ngược lại trong những lĩnh vực có thể gây ra các vấn đề cho Trung Quốc trên phương diện kỹ năng, như đất hiếm chẳng hạn.

Chúng ta biết là Trung Quốc gần như độc quyền từ hơn một thập niên nay, và điều này đã đặt ra nhiều vấn đề. Do vậy, Hoa Kỳ bắt đầu đầu tư vào Canada ví dụ vậy, hay như tìm cách thúc đẩy lợi thế đã có mà hiện nay người ta đang nói nhiều về vi mạch bán dẫn khi tìm cách liên minh với Đài Loan".

Minh Anh

Nguồn : RFI, 24/06/2021