Truyện thuyết thời số hóa (Quốc Bảo)
Thế giới không chỉ đứng trước một cuộc khủng hoảng về khái niệm quốc gia. Thế giới còn đứng trước một cuộc khủng hoảng niềm tin liên kết toàn cầu. Các thể chế dân chủ đang bộc lộ nhiều nhược điểm. Quốc gia phải được người dân cảm nhận như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung mới có thể được chấp nhận (như định nghĩa của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) và thế giới cũng cần như vậy. Thế giới dân chủ cần được làm mới ở thời đại số với các bộ luật theo nguyên lí điều tiết và bảo vệ chính trị trên nền công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet vạn vật. Bằng không, những dân túy gia như Donald Trump sẽ không biến đi và tiếp tục tiến hoá. Dân chủ đứng trước rủi ro và chuyên chế sẽ đắc lợi dù trá hình dân chủ. (Quốc Bảo)
Tất cả các cuộc cách mạng công nghệ đều gây ra thay đổi lớn trật tự xã hội loài người. Những mô hình và nguyên lý trọng yếu của tổ chức chính trị các quốc gia được hình thành, đào thải, duy trì và phát triển như thể chế cộng hoà, đại nghị, quân chủ và chuyên chế đều phải trả giá đắt bằng chiến tranh qua hàng thế kỉ. Trong khi nhân loại đang đấu tranh cho quyền con người và dân chủ, có lẽ chúng ta cần cảnh giác bởi cuộc cách mạng công nghệ thông tin với Internet vạn vật (IoT, Internet of things), nó có thể làm rung chuyển các cấu trúc cơ bản của xã hội loài người. Thế giới cần tư duy mới về nguyên lý tổ chức xã hội trong thời đại này để nuôi dưỡng và giữ gìn dân chủ.
Viễn kiến của Adam
Một cách ước định, trước khi chủ nghĩa tư bản phôi thai vào đầu thế kỉ 16, các đế chế trong lịch sử luôn khẳng định lãnh thổ, quyền lực và quyền lợi bởi chiến tranh. Chủ nghĩa đế quốc là một mô thức phù hợp thời điểm đó, khi nó tập trung quyền lực bởi sức mạnh vũ trang, nhưng đồng thời cũng truyền bá văn minh đến thuộc địa. Bắt đầu từ những đế quốc ở Châu Âu, có thể kể đến đế chế Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp với sự bành trướng từ Châu Á tới Mỹ Latin.
Nhà kinh tế học người Scotland, Adam Smith viết cuốn Sự thịnh vượng của các quốc gia (The Wealth of Nations) năm 1776, một tuyên ngôn về kinh tế hiện đại. Tuyên ngôn ấy không chỉ nổi tiếng ở triết lý “bàn tay vô hình” mà nó đặt ra và thực tế đã mở ra một thời kỳ kinh tế mới là chủ nghĩa tư bản với niềm tin: Khi có lợi nhuận, lợi nhuận sẽ được tái đầu tư để sinh ra tiếp lợi nhuận. Kết quả tích cực của triết lý ấy là niềm tin về sự giàu có tập thể. Người giàu sẽ kéo theo người khác khá lên thông qua đầu tư và thương mại. Chiếc bánh sẽ được nhiều người ăn, đầu tư để nở ra, thay vì ăn một mình. Đó không chỉ là viễn kiến về chiến lược win-win chúng ta đều thuộc khi đặt vấn đề hợp tác thời nay mà đó còn là một khái niệm đạo đức trong tổ chức xã hội thông qua kinh tế.
Adam Smit cha đẻ của thuyết “bàn tay vô hình” và kinh tế thị trường.
Thực tế thì thế giới đã được thừa hưởng nhiều từ viễn kiến ấy và chủ nghĩa đế quốc bắt đầu thích nghi vì giới tài phiệt dần tin vào tầm nhìn thế kỉ đó: Đầu tư, thay vì chỉ hưởng thụ và giữ của. Thế giới loài người được tổ chức không chỉ bởi các thoả ước hay luật lệ mà còn từ sự tưởng tượng về một trật tự tốt đẹp cho các bên mà ở nơi đó, quyền lợi kinh tế phải được đảm bảo theo cách hài hoà nhất tương ứng với nhận thức. Bản chất của các cuộc chiến là để lấy lại công bằng, mà ta có thể diễn giải rằng là xung đột ý thức hệ. Nhưng ý thức hệ đến từ đâu, nếu không phải từ thực tế thông tin và tương tác con người với nhau trong cuộc sống, giữa các chính thể trong đời thực. Một cuộc chiến tranh từ xung đột tôn giáo không chỉ đến từ niềm tin mà còn là thông tin.
Nhưng sẽ như người mù lòa tìm lối, nếu chỉ nói tới viễn kiến đó mà bỏ qua công nghệ. Điều gì tạo ra sự chấp nhận dễ chịu với ý niệm của Adam Smith: Trí tưởng tượng, lòng trắc ẩn, niềm tin, tiềm lực, lòng tham? Tất cả đều đúng, nhưng chưa đủ. Công nghệ tạo ra cái bánh to hơn và nguồn lực tư bản được nhân lên, lại được tái đầu tư vào công nghệ. Một vòng xoáy dễ chịu không ai muốn thoát ra, ít nhất với những người đang hưởng lợi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần I mang tới lời giải cho chủ nghĩa tư bản trong việc nâng cấp tổ chức xã hội thông qua sự tiến bộ của tư liệu sản xuất. Gọi là tín ngưỡng tư bản cũng không quá. Không có tín ngưỡng này, Rút-sô (Rousseau) sẽ không có cảm hứng mà lãng mạn đấu tranh, Marx lẫn Lenin cũng không có đất diễn và cũng không có hậu duệ như Stalin và Mao Trạch Đông. Fidel Castro cũng không tại vị lâu đến thế. Đấy là người đi ngược với hình thái tư bản sẵn có tạo ra sự đối lập về tư duy giai cấp. Sự đối lập đó tạo ra mô hình tổ chức nhà nước theo chuyên chính vô sản, cơ sở của độc tài chuyên chế đương đại, khi sự bất công về phân chia lợi tức xảy ra trong thế giới tư bản thuở hồng hoang.
Cuộc tranh luận giữa Trump và Biden hôm 29/9/2020 đã biến thành cuộc cãi lộn…
Khi Trump và Biden tranh luận với nhau trước kỳ bầu cử Mỹ, ngày 29/9/2020, người ta thấy đó là cuộc cãi nhau để livestream hơn là tranh luận về một dự án chính trị cho người Mỹ. Chỉ ở thời mà tất cả mọi thông tin đến và đi trong một cái nháy mắt và vạn vật kết nối qua Internet thì cảm xúc con người dễ trỗi dậy hành xử thay cho lí trí. Cuộc cãi nhau giữa hai đại diện của Đảng Cộng Hòa và Dân chủ không cần một dự án cụ thể nào, Trump chỉ cãi lấy được!
Điều tưởng chừng như hài hước đó đang tồn tại, đơn giản là vì chúng ta không có thời gian kiểm soát thông tin và cân nhắc mọi việc trước các quyết định khi sống trong thời Internet vạn vật. Chúng ta dễ dãi với những vấn đề trọng đại. Dân tuý là gì nếu đó không phải là sự chiều chuộng cảm xúc tức thời của cử tri từ các chính trị gia. Chủ nghĩa tự do phóng khoáng là gì nếu nó không chỉ là làm kinh tế mà ẩn sâu trong đó là sự đáp ứng về thứ hấp dẫn và dễ ham muốn nhất của con người: tự do kiếm tiền và đặt nó trên mọi khía cạnh nhân sinh quan khác. Dân tuý và tự do phóng khoáng có điểm chung: Internet vạn vật mà mạng xã hội như Facebook, Twitter là các đại diện.
Tốc độ thông tin và thể chế chính trị
Lịch sử nhân loại chứng kiến nhiều hình thức tổ chức xã hội và nhiều hình thức chủ nghĩa. Mọi thứ đến và đi. Nhưng không gì hoàn toàn biến mất. Tiến sĩ Tymothy Pytell, Đại học California State University, nhận định rằng Trump như một dạng chủ nghĩa phát xít đang trở lại. Nhưng Trump không tồn tại vô cớ. Trump, hay các lãnh đạo dân tuý, xuất hiện và tồn tại không ít trong các chính phủ các quốc gia là vì thế giới đang đứng trước việc khủng hoảng thông tin.
Thông tin và mạng xã hội thay thế được Marx và Lenin, hai người đến từ thời đại hơi nước. Khổng giáo, Phật giáo, Platon, Aristoteles, Kito giáo thì còn xuất hiện sớm hơn khi con người chưa có cả động cơ hơi nước. Chúng ta hiện nay đang sống trong thời đại internet vạn vật và nó như là một thứ tín ngưỡng mới. Internet vạn vật khiến mọi chủ nghĩa đều bị xét lại. Donald Trump là dân tuý, là sô vanh, nhưng ông ta làm thế nào mà truyền tải ý niệm nhanh vậy: Nhờ Internet vạn vật và mạng xã hội.
Vì đâu vòng xoáy dân tuý mang tên “Donald Trump” vẫn cứ tiếp tục. Câu trả lời nằm ở cuộc cách mạng về thông tin. Tất cả các cuộc cách mạng công nghệ đều gây ra thay đổi lớn trật tự xã hội loài người. Tất nhiên là không chỉ có mỗi cách mạng công nghệ thông tin vì còn nhiều công nghệ khác như năng lượng, sinh học, vũ trụ…được phát triển phụ thuộc vào niềm tin và cảm hứng của con người. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin diễn ra từ NASA với internet những năm 1960 lan ra thế giới với tốc độ siêu thanh và tiếp đến là Internet vạn vật đầu thế kỉ 21. Vạn vật được kết nối. Nhưng vào lúc vạn vật được liên kết, con người lại rời xa nhau, các quốc gia lại tách nhau ra và thêm Covid-19, đại họa toàn cầu, khiến khoảng cách đó càng trầm trọng. Thế giới đang cần một truyện thuyết mới để liên kết với nhau.
Trump viết trên twitter mỗi chữ China thì sau chưa đến một giờ đã có đến hơn 90 nghìn lượt like và 23 nghìn bình luận! Điều gì đang xảy ra. Trump cũng chưa cần làm gì nhiều. Jesus hay Thích ca không hiện ra đầu tiên với người xem, đơn giản là họ chậm hơn mạng 4G. Những dữ liệu gần nhất, liên tục trong não con người hiện ra một cách tinh vi để ta phán xét sự việc, ủng hộ hay phản đối. Dĩ nhiên, bộ máy của các chính trị gia dân tuý nhận ra Internet vạn vật là một mảnh đất màu mỡ. Họ đã và đang chiếm lấy.
Các chính trị gia dân tuý nhận ra Internet vạn vật là một mảnh đất màu mỡ. Họ đã và đang chiếm lấy.
Các chính trị gia dân tuý không phản đối rằng có tồn tại một giới gọi là lý thuyết gia hay các nhà tư tưởng, là những người trình bày vấn đề một cách sâu sắc nhưng kết thúc vấn đề vĩ mô bằng những giải pháp khó hiểu hoặc nhức nhối tuy nhiên họ cho rằng chính họ mới là đại diện và có giải pháp thích hợp mà cử tri cần. Họ mới là lựa chọn cần thiết cho các cử tri. Rốt cuộc họ chỉ nói chứ không thể làm gì tốt hơn và họ cũng không quên chia rẽ thật sâu sắc những người chống và ủng hộ mình để tiếp tục tồn tại. Phân biệt sắc tộc không chỉ là vấn đề của Mỹ.
Loài người gây ra hai cuộc thế chiến và sau đó là chiến tranh lạnh để giải mã ý tưởng về quyền lợi được phân phối và tìm kiếm mô hình liên minh để đảm bảo công bằng. Chủ nghĩa nhân văn, sô vanh, phát xít, cộng sản, tư bản tất cả là trí tưởng tượng về sự công bằng toàn diện của con người. Có người dân nào trong các thể chế dân chủ, hoặc ngay cả chuyên chế lại không chờ đợi sự công bằng theo nhận thức của họ đâu.
Sau hai cuộc thế chiến đó, Mỹ đã bắt tay với Nhật và Châu Âu. Không chỉ vì lòng trắc ẩn, mà vì chiến tranh không có lợi bằng thương mại và hợp tác. Sự giao thoa và tài trợ sẽ là công cuộc đầu tư vĩ đại để có tài chính, có cả tiếng lẫn quyền. Nếu có Internet vạn vật đầu thế kỉ 20 biết đâu sẽ có tác chiến quy mô lớn vì các bất đồng sẽ được thoả thuận trực diện bằng xúc cảm và quan trọng hơn, chiến tranh ít có lợi. Internet vạn vật cũng dạy người ta khôn nhanh hơn.
Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đòi hỏi một viễn kiến mới trong tổ chức chính trị. Khái niệm mà Adam Smith đưa ra hơn hai thế kỉ trước không đủ để tiếp tục kiến tạo hình thái tổ chức xã hội và chính trị nữa. Thông tin len lỏi đến những ngách sâu nhất của tâm hồn con người hơn cả những gì mà các tôn giáo có thể, nhanh hơn những gì mà tiềm thức con người kịp phản ứng và duy trì ở mức thường xuyên, nhanh hơn hẳn các tín điều mọi giáo phái mang tới. Nó tạo ra một tôn giáo mới: “Thông tin giáo”. Dân tuý được hỗ trợ mạnh mẽ ở thời kì “thông tin giáo”.
Chủ nghĩa dân túy chưa dừng lại và sẽ hủy hoại nền các nền cộng hòa, dù là đại nghị hay tổng thống chế hay bán tổng thống. Nó huỷ hoại dân chủ từ trong tiềm thức. Nghe thì thật ngược đời, nhưng hệ thống dân chủ được thiết kế chậm rãi, ưu tư và luôn cân nhắc quyền con người trong khi Internet vạn vật nhanh đến mức định nghĩa lại quyền con người. Đó là những định nghĩa chiều chuộng cảm xúc, vốn nhanh và ít tư duy. Những chính trị gia dân túy như Donald Trump biết cách làm thế nào để trục lợi từ Internet vạn vật. Bạn có kiểm chứng được điều Trump nói không? Không dễ. Trump nói dối thì lời nói dối đó đến và đi nhanh tới mức bạn không kịp lắng lại mà nhận định.
Còn các chế độ chuyên chế thì hẳn nhiên là cho tự do thông tin nhưng “có kiểm soát” trên mạng xã hội. Việc hưởng lợi từ việc mạng xã hội không giúp nâng cao dân trí để đe dọa sự tồn vong của thể chế vì họ có cách để biến mạng ảo thành nồi lẩu tư duy thật.
Trong mỗi con người văn minh, để có tự do phát triển phải học kỉ luật trước. Trong nhà nước dân chủ, đạo đức là điều bắt buộc để duy trì và tồn tại. Đạo đức đến từ giáo dục. Giáo dục đến từ niềm tin về tính chân thiện mỹ phổ quát của con người. Mất đi đạo đức, nền cộng hoà sẽ bị hủy hoại, và thể chế quân chủ sẽ lên ngôi. Biden khó làm được nhiều để xây dựng lại nền cộng hoà khi sự chia rẽ sắc tộc ở Mỹ đang diễn ra trầm trọng và kéo theo là sự xuống cấp về văn minh của người dân Mỹ khi những người bầu ông hay chống ông còn không phân biệt nổi thực hư với tốc độ thông tin đa chiều.
Daniel Kahneman nghiên cứu rằng tư duy con người phân loại ra hai hệ thống nhanh và chậm. Nhờ phát hiện này, ông có giải Nobel kinh tế 2002. Tư duy nhanh, theo cảm tính và bản năng là một hệ thống. Phần còn lại là sự chậm rãi, cân nhắc và logic. Tư duy chính trị thuộc phần còn lại này. Tư duy công nghệ lại là cảm xúc và nhanh. Dân chủ được hiểu bằng những quyền cơ bản về quyền con người, quyền liên kết, bầu cử, ứng cử. Internet vạn vật không vi phạm gì các quyền đó. Mạng xã hội cũng vậy. Nó thậm chí tăng đa chiều tư duy cho cử tri. Nhưng nó rất dễ huỷ hoại nhận thức. Một lần nữa, phải nhắc lại điều mà chúng ta dễ mất cảnh giác: Dân chủ là một hệ thống chậm, kĩ lưỡng và cân nhắc. Dân chủ cần chậm, dân tuý thì nhanh. Internet vạn vật thì nhanh, Facebook, Twitter thì nhanh. Trump, Bolsonaro…cũng nhanh. Còn thực tế để xây dựng nên sự hài hoà của hợp tác toàn cầu thì cần chậm vì phải cân nhắc và thảo luận rất nhiều thứ. Xây dựng bao giờ cũng lâu hơn đập phá.
Dù rằng, nhận thức của những người bầu Trump không hẳn là tệ. Họ bầu Trump, hay Le Pen để bảo vệ chính quyền lợi của họ trước các vấn đề di dân, hay khủng hoảng sắc tộc. Brexit là một diễn biến tương tự. Nhưng vấn đề có giản đơn đến thế không và những người được bầu đã làm được gì? Chính trị là gì, nếu đó không phải là một nỗ lực đạo đức và tri kiến để giải quyết hài hoà đối nội và đối ngoại của mỗi quốc gia.
Tương lai được định hình bởi một nhóm thiểu số các nhà phát minh, các nhà tư tưởng hướng tới con người thay vì số đông quần chúng ưa hoài niệm hoặc tăng động. Một lần nữa, những thành quả vĩ đại của loài người, không đến nhanh như từ một cú tweet của Trump.
Truyện thuyết thời số hóa
Sẽ thiếu thực tế và bị quy chụp như những người ủng hộ Trump chê rằng chỉ Trump mới thực tế và trực diện trong chính trị còn các lí thuyết gia khác chỉ biết lý thuyết nếu ta bỏ qua kinh tế và suy nghĩ về một viễn kiến mới. Chiến tranh quy mô lớn Mỹ-Trung rất khó xảy ra. Một mạng lưới thương mại không biên giới khiến việc nổ súng xảy ra thì ai cũng thiệt hại. Chiến tranh không có lợi như thời tư bản mới khai sinh trừ việc Trung Quốc quyết tâm với chính sách “Một Trung Quốc” ngay lúc này giữa lúc Covid-19 chưa có lời giải toàn cầu. Đó có thể là cuộc chiến nhỏ với Đài Loan nhưng không phải ở cấp độ khu vực. Vũ khí hạt nhân xét cho cùng lại thúc đẩy hoà bình.
Mạng lưới thương mại ấy vẫn phát triển và tăng trưởng, các quốc gia không còn độc lập tuyệt đối. Chủ nghĩa tư bản tiến hoá và hài hoà với quyền lợi con người, các giai cấp không chỉ vì giới chính trị và doanh nhân trở nên đạo đức và đồng cảm hơn mà sự hoà hợp với nhau là thứ có lợi tức nhất. Khi Internet vạn vật ập tới và mạng xã hội hiện diện thì chủ nghĩa dân tuý nảy nở. Tôn giáo bị xét lại, quyền lợi bị xét lại. Di dân và sắc tộc trở nên vấn đề trầm trọng. Internet vạn vật mang lại thông tin về nơi đâu có các nguồn lực làm kinh tế tốt nhất trên toàn cầu nhưng các tỉ phú và chính trị gia mải mê với điều đó mà quên đi rằng thông tin toàn cầu, hợp tác toàn cầu thì di dân cũng toàn cầu, vấn đề con người và nhân đạo cũng toàn cầu. Thông tin mang lại cơ hội đầu tư nhanh thì vấn đề mà mặt trái của nó gây ra ập đến cũng nhanh. Người ta hay quên đi mặt còn lại của thông tin.
Internet vạn vật hay mạng xã hội không có lỗi, Internet vạn vật không giết chết dân chủ, nó sẽ hình thành một hình thức tổ chức chính trị mới của thế giới. Ngành công nghệ thông tin định nghĩa dữ liệu là sự phản ánh sự việc thô, còn thông tin thì đã được xử lý. Ai làm chủ thông tin sẽ chi phối hành vi của con người. Còn ai ngoài chủ nghĩa dân tuý hưởng lợi hơn nếu đang thao túng thông tin.
Thế giới cần một truyện thuyết mới. Phải nhắc lại rằng, không một hiệp ước hay bộ luật nào có thể liên kết và duy trì trật tự sinh tồn và hợp tác của con người được trừ khi loài người tin vào những truyện thuyết cao đẹp trong tương lai. Một truyện thuyết chữa lành, hàn gắn con người, nâng cao cả kinh tế và nâng cấp tinh thần con người là điều cần được suy ngẫm. Toàn cầu hoá về văn hóa và kinh tế sẽ chỉ diễn ra ở mức độ tương đối chừng nào các tôn giáo vẫn duy trì sự khác nhau về niềm tin và mức độ bao dung.
Thế giới có thể sẽ tiến dần đến hình thức tổ chức đế quốc toàn cầu, nơi mà giới tinh hoa nhân loại sẽ tối ưu hoá những vấn đề chung thông qua các liên minh. Nhưng ngay tại giây phút này, chúng ta cần một sự lắng đọng. Trước khi đế quốc toàn cầu hình thành thì đế quốc thông tin toàn cầu đã thành hình. Một hệ sinh thái ảo mà các cường quốc không thể không dành thời gian chăm sóc nó, vun vén và tạo dựng một thế giới dân chủ cùng nhau. Chúng ta cùng đồng thuận rằng Quyền con người bao gồm những giá trị nhân văn tốt đẹp được đúc kết và thừa nhận như vị tha và cầu tiến là những điều cần được khuyến khích.
Thế giới không chỉ đứng trước một cuộc khủng hoảng về khái niệm quốc gia. Thế giới còn đứng trước một cuộc khủng hoảng niềm tin liên kết toàn cầu. Các thể chế dân chủ đang bộc lộ nhiều nhược điểm. Quốc gia phải được người dân cảm nhận như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung mới có thể được chấp nhận (như định nghĩa của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) và thế giới cũng cần như vậy. Thế giới dân chủ cần được làm mới ở thời đại số với các bộ luật theo nguyên lí điều tiết và bảo vệ chính trị trên nền công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet vạn vật. Bằng không, những dân túy gia như Donald Trump sẽ không biến đi và tiếp tục tiến hoá. Dân chủ đứng trước rủi ro và chuyên chế sẽ đắc lợi dù trá hình dân chủ.
Quốc Bảo
(01/10/2020)