Một dấu hiệu mất trí (Nguyễn Gia Kiểng)

Bắt Đoan Trang chỉ chứng tỏ chế độ cộng sản đã yếu đến độ sợ cả một phụ nữ cô đơn chân yếu tay mềm, nó chỉ quẹt thêm một vết nhơ lên khuôn mặt vốn đã rất xấu xí của chế độ cộng sản. 


 

doantrang01

Phạm Đoan Trang phải tỵ nạn vào Sài Gòn không phải vì lý do chính trị hay để sống ngoài vòng pháp luật mà để khỏi bị đánh sau khi đã nhiều lần bị công an Hà Nội, rồi bọn côn đồ do công an Hà Nội điều khiển, đánh nhiều lần khiến có thời gian phải chống nạng. 

"Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội phối hợp với một số đơn bị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an Thành phố Hồ Chí Minh…".  Đó là câu đầu của thông báo đăng trên báo điện tử của Bộ Công an và được nhiều báo đăng lại. Chuyện gì quan trọng đến thế ?

Đó chỉ là để bắt một phụ nữ đơn độc và yếu đuối, đi đứng khó khăn, không nơi nương tựa đang phải sống trong một phòng trọ tại Sài Gòn. Cô phải tỵ nạn vào Sài Gòn không phải vì lý do chính trị hay để sống ngoài vòng pháp luật mà để khỏi bị đánh sau khi đã nhiều lần bị công an Hà Nội, rồi bọn côn đồ do công an Hà Nội điều khiển, đánh nhiều lần khiến có thời gian phải chống nạng. Cô sống lây lất ở nhà các bạn. Gần đây khi không còn ai có thể chứa chấp cô phải thuê một phòng trọ. Muốn bắt cô chỉ cần một công an phường đem lệnh bắt tới dẫn đi là đủ.

Phạm Thị Đoan Trang năm nay 42 tuổi. Thời gian qua thật nhanh. Tôi vẫn có cảm tưởng Đoan Trang là một cô bé. Tôi biết Đoan Trang lần đầu trên mạng FaceBook cách đây gần mười năm. Tôi đánh giá cao những "còm" (comment, bình luận) của Đoan Trang. Chúng chứng tỏ một con người thông minh, hiểu biết nhiều và quan tâm đến các vấn đề xã hội. Chúng cũng khiến tôi coi Đoan Trang như một cô gái trẻ. Rồi vài năm sau, mùa hè 2014, tôi tình cờ gặp Đoan Trang tại Genève khi đến để theo dõi cuộc kiểm tra định kỳ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trong đó chính quyền cộng sản Việt Nam bị chất vấn. Chỉ mới nhìn đã nhận ra ngay Đoan Trang là một phụ nữ mệt mỏi vì phải phấn đấu chật vật với một cuộc sống khó khăn. Tầm vóc rất nhỏ, nước da ngăm ngăm, gương mặt đăm chiêu của một người có tâm sự băn khoăn. Một người phụ nữ không thể là một đe dọa cho bất cứ ai, chưa nói một tổ chức hay một chính quyền. Một vài ngày tiếp xúc và trò chuyện xác nhận cảm tưởng ban đầu.

Đặc tính đậm nhất của Đoan Trang là sự thông minh, kho kiến thức phong phú hơn hẳn đa số thanh niên cùng tuổi và nhất là khả năng diễn đạt. Cô tốt nghiệp đại học ngoại thương, một trong những đại học sáng giá nhất Việt Nam, rồi trở thành một nhà báo ở tuổi mới ngoài hai mươi, làm việc cho các báo Vietnamnet, VnExpress, Pháp Luật. Năm 2009 cô bị loại khỏi làng báo chính thống vì có thái độ và những bài viết ngoài khuôn phép. Từ đó hoạt động chính của Đoan Trang là những bài viết và những còm trên mạng xã hội. Đồng thời cô cũng viết sách. Và ngày càng được dư luận biết đến vì những gì cô đã viết và một phần do chính những vụ bạo hành mà cô là nạn nhân.

Đoan Trang bị "bắt giam khẩn cấp" tội "tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999 và tội "làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, phẩm vật nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại điều 117 Bộ luật hình sự 2015.

Bộ luật hình sự 2015 thay thế Bộ luật hình sự 1999, điều 117 thay thế điều 88. Như vậy có nghĩa là Đoan Trang bị truy tố vì cả những điều cô đã làm trước năm 2015. Sao bây giờ mới nêu ra, và nếu như thế thì có gì là khẩn cấp?

Thế nào là "tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ? Thế nào là những "thông tin, phẩm vật nhằm chống nhà nước xã hội chủ nghĩa" ? Chống lại nhà nước, hay bất cứ ai, bằng bạo lực hay bằng hành động cụ thể gây thiệt hại thì đúng là một tội, nhưng còn phát biểu ý kiến, phê phán những điều mình thấy là sai chỉ là quyền tự do ngôn luận. Đàng nào thì vấn đề "tuyên truyền" cũng chỉ đặt ra trong khuôn khổ một tổ chức, người ta tuyên truyền để cổ võ cho một tổ chức hay cho một lập trường và một cách gián tiếp cho tổ chức đề xướng lập trường đó. Đoan Trang không thuộc một tổ chức chính trị nào cả vậy vấn đề tuyên truyền không đặt ra với cô. Tuyên truyền cho tổ chức nào và để làm gì ? Những phê phán đối với chính quyền chỉ là sử dụng quyền tự do ngôn luận để nói lên những điều mình nghĩ.

Và tại sao lại "nhà nước xã hội chủ nghĩa" ? Cụm từ "chủ nghĩa xã hội" là một cụm từ mơ hồ vì có thể có rất nhiều nghĩa, nhưng ít ra đối với các chế độ cộng sản nó có một nghĩa rõ rệt, đó là chặng đường chuyên chính đảng trị trong tiến trình đi tới chủ nghĩa cộng sản. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ biểu quyết chấp nhận chủ nghĩa cộng sản và chặng đường xã hội chủ nghĩa của nó cả. Nó đã được áp đặt bằng bạo lực lên dân tộc Việt Nam. Ngày nay nó đã bị thế giới văn minh nhận diện như một ảo tưởng và một tội ác, ngay cả các đảng viên cộng sản, kể cả những người trong ban tuyên giáo và hội đồng lý luận trung ương cũng đều biết vậy, chỉ chưa dám nói thẳng ra thôi. Như vậy lên tiếng chống lại chủ nghĩa cộng sản và cái chặng đường xã hội chủ nghĩa của nó không chỉ là một quyền mà còn là một bổn phận của mọi người Việt Nam yêu nước.

Những điều 88 của Bộ luật hình sự 1999 và 117 của Bộ luật hình sự 2015 vừa mơ hồ vừa tùy tiện chỉ được làm ra để có thể bách hại tất cả những ai mà nhà nước cộng sản muốn bách hại, và trong thực tế hàng ngàn cuộc đời đã bị gẫy đổ dưới tay của chính quyền bạo ngược này nhân danh những "điều luật" nhảm nhí này.

Đã có luật gia nào của chế độ này đặt câu hỏi luật là gì không ? Đó là cố gắng để quy định lẽ phải, nghĩa là những gì phải được tôn trọng vì đúng, trong sinh hoạt xã hội. Cách đây 25 thế kỷ nhà triết lớn Plato đã khẳng định luật phải đúng, luật không đúng không phải là luật. Luật hình sự của chế độ này không phải là luật mà chỉ là một dụng cụ thống trị. Người ta thường nói các chế độ cộng sản vừa đá bóng vừa thổi còi. Không đúng, vì trong chế độ này không có đá bóng. Đội bóng Việt Nam bị trói chân một chỗ để đội bóng cộng sản mặc sức đem bóng thẩy vào khung thành.

Nhưng đàng nào thì vấn đề luật pháp, ngay cả luật pháp tùy tiện của chế độ cộng sản, cũng không hề đặt ra với Đoan Trang. Cô chỉ đã viết một số bài báo mà ít ai còn nhớ nội dung. Cô cũng có viết một vài cuốn sách như Chính Trị Bình Dân, Cẩm Nang Nuôi Tù, Phản Kháng Phi Bạo Lực, Cách Làm Kách Mạng, Hồ Sơ Đồng Tâm. Tùy mỗi người đánh giá các tác phẩm của Đoan Trang nhưng điều mà mọi người đều phải đồng ý là những bài và sách này tuyệt đối không kêu gọi và cũng không có ý định kêu gọi chống lại nhà nước cộng sản Việt Nam. Chúng chỉ chứa đựng những kiến thức cụ thể mà Đoan Trang nghĩ rằng những người quan tâm tới đất nước nên biết và cũng chỉ nêu quan điểm cá nhân của cô trên một số vấn đề xã hội.

Đoan Trang không hề tham gia một tổ chức chính trị nào và cũng không hề có một hoạt động chính trị nào. Cô cũng không có ngay cả ý kiến về việc thiết lập một chế độ khác thay thế cho chế độ này. Những bài và sách của Đoan Trang, kể cả cuốn Chính Trị Bình Dân, không hề chuyên chở một tư tưởng chính trị hay một dự án chính trị nào ngoài những kiến thức phổ thông mà cô thấy là có ích. Hoạt động của Đoan Trang chỉ giới hạn trong một vài nhóm xã hội dân sự nhỏ bây giờ hầu hết đã ngừng hoạt động. Hoàn toàn không có lý do nào để truy tố Đoan Trang. Cũng hoàn toàn không có nhu cầu vô hiệu hóa Đoan Trang để bảo vệ chế độ.

Sau khi Đoan Trang bị bắt, tôi đã đọc một số bài về cô trên báo nhà nước. Cảm nhận rõ ràng là các tác giả đều đã chỉ viết vì bị buộc phải viết chứ không muốn viết. Họ viết loanh quanh, thuật lại một số chi tiết về cô nhưng không hề cáo buộc gì cả. Không những thế họ còn viết để người đọc hiểu Đoan Trang là một nhà báo giỏi.  Họ chỉ nói Đoan Trang đã lầm và làm lỡ dở một sự nghiệp làm báo đáng lẽ đầy hứa hẹn. Nhưng ngay cả nếu lầm như thế thì có gì là tội ? Người ta bách hại Đoan Trang chỉ vì chế độ đã quá chao đảo đến độ sợ cả những gì không cần sợ và cũng có lẽ vì người ta đã hành hạ và đả thương cô nên nghĩ rằng Đoan Trang chỉ có thể thù hận mình. Người ta phạm tội ác chỉ vì đã lỡ phạm tội ác.

Bắt Đoan Trang không làm cho chế độ bớt đi một mối nguy vì Đoan Trang không hề là một mối nguy, trái lại nó còn gây thiệt hại lớn cho chế độ bởi vì do cố gắng thông minh của mình Đoan Trang đã tranh thủ được sự chú ý của các tổ chức bảo vệ nhân quyền và tự do ngôn luận lớn trên thế giới. Sự yếu đau và đơn độc của Đoan Trang càng khiến họ thấy chính quyền dã man một cách vô lý và phản đối mạnh hơn. Bắt Đoan Trang chỉ chứng tỏ chế độ cộng sản đã yếu đến độ sợ cả một phụ nữ cô đơn chân yếu tay mềm, nó chỉ quẹt thêm một vết nhơ lên khuôn mặt vốn đã rất xấu xí của chế độ cộng sản. Chế độ này đã mất trí.

Sắp tới có thể dự đoán trước là Đoan Trang sẽ bị đưa ra tòa. Viện Kiểm sát nhân dân sẽ xác nhận những cáo buộc của công an theo đó có đầy đủ bằng chứng là Đoan Trang đã vi phạm luật pháp vì họ chỉ là một chi nhánh của công an. Các thẩm phán vô liêm sỉ sẽ đọc những bản án đã được quyết định trước vì họ không phải là những thẩm phán. Và Đoan Trang, người phụ nữ vô tội, yếu bệnh và đáng thương, sẽ bị tuyên án từ 2 đến 5 năm tù. Đó chỉ là thêm một tội ác sau vô số tội ác của Đảng cộng sản.

Tội ác nào cũng đáng ghét, nhưng nó càng đáng ghét hơn khi đi kèm với sự ngu xuẩn.

Nguyễn Gia Kiểng

(16/10/2020)