Huy hiệu tuổi Đảng và chuyện thời hiệu truy cứu kỷ luật Đảng

Nếu ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã được trao huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, thì dứt khoát không chấp nhận chuyện về "thời hiệu kỷ luật Đảng" đối với ông Nguyễn Văn Đua.

huyhieu1

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang trao huy hiệu 45 năm tuổi Đảng cho nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, sáng 4/9, Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 ; trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2/9. Đồng chí Nguyễn Văn Đua (Cơ quan Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.
Về đảng viên 45 tuổi Đảng Nguyễn Văn Đua, trước đó, tại kỳ họp thứ 42, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân Thành phố, gây bức xúc trong xã hội.
Các ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố, ông Vũ Hùng Việt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy, của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, vi phạm của ông Nguyễn Văn Đua, Vũ Hùng Việt đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, song đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.
Theo Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn quy định mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu này được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Cụ thể là năm năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách ; 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
Riêng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ ; vi phạm về chính trị nội bộ ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp thì không được áp dụng thời hiệu này.
Như vậy chuyện ‘co–giãn’ với thời hiệu 5 năm–10 năm trong nội bộ Đảng xem ra chính là ‘phao cứu sinh’ cho bản lý lịch chính trị của cá nhân đảng viên. Ở đây có lẽ Ủy ban Kiểm tra Trung ương quên xét đến yếu tố ‘Ban cán sự Đảng’.
Việc lập ban cán sự đảng trong cơ quan hành pháp, tư pháp được quy định tại Mục 30 Quy định 29-QĐ/TW năm 2016 thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, cụ thể như sau : Ở cấp Trung ương : Lập Ban cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng bộ, ngành quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp; Ở cấp tỉnh : Lập ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân và ban cán sự đảng cơ quan tư pháp tỉnh.
Tổ chức và nhân sự của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy trình ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quyết định. Ở Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.
Cụ thể, Quy định 29-QĐ/TW năm 2016 tại Điều 31.1 "Nhiệm vụ và quyền hạn của đảng đoàn, ban cán sự đảng", ghi như sau :
- Đảng đoàn, ban cán sự đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng ; phương hướng, nhiệm vụ chính trị, tổ chức, cán bộ của ngành, đơn vị ; lãnh đạo kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng ; quyết định những vấn đề về tổ chức, cán bộ theo phân công, phân cấp quản lý cán bộ ; phối hợp với các cấp ủy đảng để xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh ; chịu trách nhiệm trước cấp ủy về các đề xuất và quyết định của mình.
– Đảng đoàn, ban cán sự đảng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số. Khi các thành viên của đảng đoàn, ban cán sự đảng có ý kiến khác nhau, qua thảo luận không thống nhất được thì xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy : ở Trung ương báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo, xin ý kiến ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.
– Đảng đoàn, ban cán sự đảng họp định kỳ 3 tháng 1 lần, họp bất thường khi cần. Các cuộc họp đều phải ghi biên bản, có kết luận và ra nghị quyết để lưu hành, thực hiện trong nội bộ. Đồng chí bí thư chủ trì công việc chung, chủ tọa các cuộc họp, trực tiếp báo cáo hoặc ký các văn bản báo cáo với cấp ủy cùng cấp. Hằng năm, đảng đoàn, ban cán sự đảng báo cáo cấp ủy cùng cấp (ở Trung ương báo cáo Ban Bí thư, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy) về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức, cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể mình.
– Đảng đoàn, ban cán sự đảng được sử dụng bộ máy giúp việc chuyên trách của cơ quan, đơn vị để thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mình. Nếu xét thấy cần thiết thì tập thể đảng đoàn, ban cán sự đảng có thể quyết định bố trí một số cán bộ chuyên trách giúp việc.
Như vậy có thể thấy rằng bất kỳ đảng viên nào giữ trọng trách Ban cán sự Đảng của UBND Thành phố Hồ Chí Minh đều không được quyền tắc trách các nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã giao phó.
Trường hợp có sự ‘đồng bộ’ trong ‘tắc trách quản lý’ từ Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thì theo lẽ công bằng, cần kỷ luật tất cả ở mức cao nhất, vì ở đây còn là chuyện ‘tri pháp, phạm pháp’. Người dân sẽ mất lòng tin vào Đảng cầm quyền khi chính quyền nơi ấy có những đảng viên Ban cán sự Đảng toàn ‘tay đã nhúng chàm’ như Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Vũ Hùng Việt, Nguyễn Thành Tài…
Xét từ góc nhìn như trên thì việc "đồng chí Nguyễn Văn Đua (Cơ quan Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng", là một xúc phạm không dung thứ đối với tất cả các thế hệ đảng viên luôn trung thành với Điều lệ Đảng.
Nguyễn Huyền
Nguồn : VNTB, 05/09/2020