Dân chủ là con đường rất dài
"... Các tổ chức, phong trào đấu tranh tại Thái Lan rất đa nguyên, với nhiều lập trường, khuynh hướng, và mục đích khác nhau. Nhưng họ biết không thể làm được gì nếu không có thế lực và đoàn kết. Họ biết quan trọng nhất là mạng lưới bạn biết ai (You-know-who’s network) và nỗ lực xây dựng nó. Họ vận dụng tối đa các phương tiện truyền thông xã hội để bàn bạc các vấn đề nhân quyền dân chủ, về vai trò của vương quyền, qua đó thảo luận rốt ráo và tìm sự đồng thuận. Họ vận động được nhiều xu hướng, nhiều thành phần khác nhau, nhiều nhóm xã hội dân sự khác nhau, để đứng chung với nhau trên cùng mục đích..."
Thứ Bảy 19 tháng 9 này, phong trào dân chủ tại Thái hứa hẹn một cuộc biểu tình rầm rộ, quy mô hơn các kỳ qua, để biểu dương tính chính nghĩa cho khát vọng dân chủ tại Thái Lan.
Học sinh trung học Thái Lan biểu tình ở Bangkok, 5 tháng Chín, 2020.
Phong trào Dân chủ Thái mong đợi khoảng100 ngàn người tham dự [1]. Họ dự trù tập trung tại đại học Thammasat, ngủ qua đêm, và diễn hành ngày hôm sau, đi ngang qua Tòa nhà Chính phủ.
Cũng xin được nhắc lại là vào từ giữa tháng Bảy đến cuối tháng Tám vừa qua, có hàng trăm cuộc biểu tình lớn nhỏ khác nhau do giới trẻ Thái Lan tổ chức. Nhưng hai cuộc biểu tình đáng chú ý nhất diễn ra vào ngày 18 tháng 7, quy tụ hơn 2000 người, và ngày 16 tháng 8, quy tụ hơn 10.000 người. Cuộc biểu tình ngày 16 tháng 8 là quy mô nhất, kể từ cuộc đảo chánh vào năm 2014 bởi quân đội Thái, mà người đứng đầu là ông Prayut Chan-o-cha, hiện đang làm Thủ tướng Thái [2].
Các cuộc biểu tình tháng 8 đưa ra yêu cầu một hiến pháp mới, bầu cử tại toàn hành pháp và lập pháp dựa trên hiến pháp mới, chấm dứt sách nhiễu những người bất đồng chính kiến, cải tổ nền vương quyền. Nếu không được đáp ứng, giới trẻ Thái sẽ tiếp tục biểu tình vào tháng 9. Nhưng vào cuối tháng 8, chính quyền Thái không những không nhượng bộ mà còn bắt bớ, giam tù nhiều người trong danh sách 31 nhân vật đứng đầu phong trào biểu tình. Human Rights Watch và Amnesty International, và bao nhiêu tổ chức khác như Article 19, đã lên án hành động bắt bớ và sách nhiễu các nhà hoạt động Thái Lan [3].
Có rất nhiều nguyên do mà giới trẻ nói chung, các nhà hoạt động nói riêng, bất mãn với chính quyền Prayut. Kể từ cuộc đảo chánh năm 2014, có đến 9 nhà hoạt động Thái bị mất tích. Mới đây, một người Thái trốn qua bên Lào nhưng rồi bị bắt cóc và mất tích vào tháng 6 năm nay ; trong khi đó năm ngoái, có hai nhà hoạt động bị mất tích và sau đó xác của họ được tìm thấy trên bờ sông Mekong mà tay chân thì bị trói và bụng chứa đầy bê tông [4].
Tuy vậy, một trong những lý do chính yếu dẫn đến phong trào đấu tranh trong giới trẻ tại Thái Lan hiện nay là vì Đảng Hướng Đến Tương Lai, Future Forward Party/FFP, bị giải tán vào cuối tháng 2 năm nay. Đảng FFP được hình thành vào năm 2018 bởi tỷ phú Thanathorn Juangroongruangkit, mà vào cuộc bầu cử năm 2019 đã giành được khoảng 6 triệu phiếu [5]. Chủ trương của đảng FFP là chấm dứt vấn nạn bảo kê (patronage), loại bỏ quân đội khỏi chính trị và phá vỡ độc quyền. Chủ trương này đã gây tiếng vang với các cử tri trẻ tuổi trên khắp đất nước. Nhưng lại tạo mối đe dọa lớn đối với các thành phần đang được hưởng quyền và lợi từ chính phủ này. Vì thế mà tòa án và các cơ quan giám sát đã bắt tay hành động để loại bỏ thách thức trực tiếp này [6]. Lãnh đạo và các thành viên khác của đảng FFP cũng gặp rất nhiều khó khăn với các cơ quan công quyền, và tòa án tại Thái.
Ngoài ra, các chính trị gia thuộc phía đối lập tại Thái Lan hiện nay, nhất là những khuôn mặt hàng đầu, gặp phân biệt đối xử và bị sách nhiễu. Họ có thể bị phạt, cấm đoán từ các hoạt động chính trị, và có thể bị cầm tù. Thêm vào đó, đụng đến vương quyền là chính quyền có thể dùng luật Lese Majeste để bắt bớ, bỏ tù, dập tắt các tiếng nói đối lập. Những người đấu tranh Thái hiểu rằng không thể thật sự có dân chủ, không thể có quân chủ lập hiến theo nghĩa đích thực của nó, nếu vương quyền đứng trên hoặc ngoài vòng pháp luật.
Có nhiều điều rất hay và tích cực về phong trào đấu tranh của giới trẻ Thái hiện nay. Xin liệt kê ba điều sau đây.
Thứ nhất, là thống nhất biểu tượng đấu tranh. Họ dùng 3 ngón tay giữa trong phim Hunger Games để bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với phong trào dân chủ của mình, chống lại chế độ độc tài. Trong các tất cả cuộc biểu tình, và mọi cuộc bắt bớ, tất cả đều quay hướng về phía máy hình và đưa tay lên với 3 ngón chỉ lên. Nhìn rất oai hùng. Họ cũng dùng các nhân vật trong phim Harry Potter trong các cuộc biểu tình vì đó là câu chuyện của cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa bóng đêm và ánh sáng. Ánh sáng, đối với họ, là người trẻ và thầy cô giáo [7].
Thứ hai, là xây dựng sức mạnh tổng hợp. Các tổ chức, phong trào đấu tranh tại Thái Lan rất đa nguyên, với nhiều lập trường, khuynh hướng, và mục đích khác nhau. Nhưng họ biết không thể làm được gì nếu không có thế lực và đoàn kết. Họ biết quan trọng nhất là mạng lưới bạn biết ai (You-know-who’s network) và nỗ lực xây dựng nó. Họ vận dụng tối đa các phương tiện truyền thông xã hội để bàn bạc các vấn đề nhân quyền dân chủ, về vai trò của vương quyền, qua đó thảo luận rốt ráo và tìm sự đồng thuận. Họ vận động được nhiều xu hướng, nhiều thành phần khác nhau, nhiều nhóm xã hội dân sự khác nhau, để đứng chung với nhau trên cùng mục đích. Lợi điểm tích cực nhất của phong trào giới trẻ tại Thái Lan là vì họ có một số cơ quan truyền thông đứng đắn, độc lập và phóng khoáng, với những cây bút kỳ cựu viết các bài phân tích sâu sắc và hỗ trợ tiếng nói của công lý, lẽ phải. Từ đó, hàng chục cho đến hàng trăm các cơ quan truyề n thông lớn nhỏ khác nhau trên thế giới cũng đưa lại các tin tức này, hay bình luận thêm về những diễn biến xảy ra tại Thái Lan.
Thứ ba, là có viễn kiến đấu tranh lâu dài. Và đây là một trong những đặc điểm quan trọng nhất có thể giúp cho phong trào thành công sau này. Các nhà hoạt động biết rằng, muốn thay đổi văn hóa chính trị Thái hiện nay, thì cần thời gian và sự kiên trì. Đa số dân Thái vẫn còn khá bảo hoàng. Bảy thập niên dưới quốc trưởng Vua Bhumibol Adulyadej (1946-2016), bao nhiêu cuộc đảo chánh và thay đổi hiến pháp, vai trò của vương quyền vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc lên trên đời sống của người dân Thái. Nhưng Vua Maha Vajiralongkorn kế vị năm 2016 thì phong thái khác với vua cha. Vua Vajiralongkorn thì không được lòng dân, không được sự kính trọng như vua cha. Phong trào dân chủ hiểu rằng nếu quân đội mà nối kết với vương quyền thì không thể có dân chủ đích thực. Muốn người dân ủng hộ nền dân chủ đích thực, không còn cảnh đảo chánh liên miên hay ai lên nắm quyền thì cứ tự tiện thay đổi hiến pháp, thì nó sẽ mất thời gian. Và cần có chiến lược.
Do đó phong trào dân chủ muốn tạo cho giới trẻ bắt đầu suy nghĩ về tương lai của họ [8]. Nếu muốn 10 năm nữa có thay đổi, thì phải quyết tâm và đấu tranh ngay từ bây giờ. Qua đó tạo niềm tin, hy vọng và sự tự tin trong cuộc vận động này.
Tóm lại, các bạn trẻ Thái không ảo tưởng về cuộc đấu tranh này. Họ biết cho dù có huy động được vài chục ngàn người xuống đường, nó cũng không đem lại thay đổi ngay tức khắc. Họ cần kiên trì, quyết tâm, chiến lược và thực tế. Họ biết nó mất nhiều năm trời để có thể mang lại thay đổi, nhất là thay đổi văn hóa bảo hoàng và văn hóa chính trị đã ăn sâu vào thế hệ trước, trước khi người Thái hưởng được một nền dân chủ đích thực cho Thái Lan.
Đây là điều rất đáng suy ngẫm cho trường hợp Việt Nam. Thái Lan chưa phải là một nền dân chủ cấp tiến, nhưng đã có được một xã hội dân sự rộng mở và đa nguyên, và được Freedom House đánh giá một phần tự do (32/100 điểm), còn Việt Nam thì không tự do (20/100 điểm) [9]. So với Thái Lan thì Việt Nam hiện đang bị cai trị một cách toàn diện và tuyệt đối, tức chưa có nền tảng dân chủ gì hết. Cho nên, để xây dựng được nền tảng ban đầu sẽ mất khá nhiều thời gian. Và để có được dân chủ thì đó là một con đường dài khác. Ngay cả khi có dân chủ thì không phải con đường lúc nào cũng bằng phẳng. Nó sẽ không đi lên và đi tới, mà có khi cũng lắm thử thách trước những xu hướng độc tài, tham vọng quyền lợi và quyền lực, một thứ cám dỗ mà con người không mấy khi vượt qua được [10].
(Úc châu, 14/09/2020)
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 17/09/2020
Tài liệu tham khảo :
1. Chayut Setboonsarng, Panarat Thepgumpanat, "Thai protesters plan big march on PM's office next week ", Reuters, 9 September 2020.
2. "Thai protests : Thousands gather in Bangkok to demand reforms ", BBC News, 16 August 2020 ; Dumrongkiat Mala, Wassayos Ngamkham And Wassana Nanuam, "Anti-government protesters flock to Democracy Monument ", Reuters, 16 August 2020.
3. "Thailand : More Protest Leaders Arrested ", Human Rights Watch, 27 August 2020 ; "Thailand : More peaceful activists arrested and charged amidst pro-democracy protests ", Amnesty International, 20 August 2020 ; "Thailand : Drop charges against activists, respect the right to protest ", Article 19, 27 August 2020.
4. Hannah Beech, "Thai Dissidents Are Disappearing, and Families Are Fighting for Answers ", The New York Times, 26 June 2020.
5. "DFAT Country Information Report – Thailand ", Australia Department of Foreign Affairs and Trade, 10 July 2020.
6. "Covid-19 and a Possible Political Reckoning in Thailand ", International Crisis Group, 4 August 2020.
7. "The revolution will be magical : Harry Potter-themed protest calls for monarchy reform ", The Prachatai, 5 August 2020.
8. "Young people mail their hopes and dreams to the future ", Prachatai English, 2 August 2020.
9. "Countries and Territories ", 2020 Report, Freedom House ; Accessed on 13 September 2020.
10. Warwick Mcfadyen, "Book Review : The seeds of authoritarianism ", Lowy Institute, 4 September 2020.