Giải nhân quyền Vaclav Havel về tay một họa sĩ ly khai Trung Quốc

Ba Đâu Thảo là một nghệ sĩ bất đồng chính kiến người Trung Quốc đang sống lưu vong ở Úc. Tác phẩm nghệ thuật chính trị của ông đã vạch trần sự dối trá của chế độ Trung Quốc, nâng cao nhận thức về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và vạch trần hành vi kiểm duyệt của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đối với đại dịch do virus corona gây ra. Ba Đâu Thảo là người sáng tạo ra Cờ Lennon, biểu tượng phản đối mạnh mẽ đã truyền cảm hứng và huy động cộng đồng toàn cầu đoàn kết với phong trào ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông. Chính quyền Trung Quốc đã cố gắng bịt miệng Ba Đâu Thảo bằng cách đe dọa gia đình anh ở Trung Quốc”. 

Ảnh tư liệu Bản sao các bức vẽ của Ba Đâu Thảo (Badiucao) được trưng bày trong một hiệu sách nhỏ ở Hồng Kông năm 2018.
Ảnh tư liệu Bản sao các bức vẽ của Ba Đâu Thảo (Badiucao) được trưng bày trong một hiệu sách nhỏ ở Hồng Kông năm 2018. AP Photo/Kin Cheung

Giải nhân quyền quốc tế Vaclav Havel 2020 được trao tặng cho một họa sĩ ly khai Trung Quốc, chiến dịch tấn công quá lố của báo chí Nhà Nước Trung Quốc vào một sinh viên Úc, tình trạng các nước giàu thâu tóm vac-xin ngừa Covid-19 bị tố cáo: Đây là một số đề tài đáng chú ý trong tuần mà tạp chí Thế Giới Đó Đây xin được gởi đến quý vị.

Phải nói là tuần lễ giữa tháng 9 này không mấy thuận lợi cho Trung Quốc. Hội Nghị Thượng Đỉnh trực tuyến Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc mở ra hôm thứ Hai 14/09/2020 không mang lại đột phá nào cho phía Bắc Kinh. Hai hôm sau, trong một đòn phối hợp hiếm hoi, ba cường quốc châu Âu Anh-Đức-Pháp ngày 16/09 đã gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một ngày sau, hôm 17/09, đến lượt các hành vi đàn áp của Bắc Kinh tại Hồng Kông đã lại bị nêu bật trước công luận thế giới với giải thưởng nhân quyền Vaclav Havel được trao cho ba người, trong đó có họa sĩ biếm họa ly khai Trung Quốc Ba Đâu Thảo (Badiucao), đang sống tại Melbourne (Úc), người bị chế độ Bắc Kinh căm tức, đặc biệt là đã dám chế nhạo Tập Cận Bình.

Trong bản thông cáo công bố giải thưởng mang tên Giải Quốc Tế Vaclav Hacel về Ly Khai Sáng Tạo (Václav Havel International Prize for Creative Dissent), hiệp hội Human Rights Foundation HRF trong ban tổ chức giải ghi nhận như sau về nghệ sĩ Trung Quốc:

Ba Đâu Thảo là một nghệ sĩ bất đồng chính kiến người Trung Quốc đang sống lưu vong ở Úc. Tác phẩm nghệ thuật chính trị của ông đã vạch trần sự dối trá của chế độ Trung Quốc, nâng cao nhận thức về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và vạch trần hành vi kiểm duyệt của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đối với đại dịch do virus corona gây ra. Ba Đâu Thảo là người sáng tạo ra Cờ Lennon, biểu tượng phản đối mạnh mẽ đã truyền cảm hứng và huy động cộng đồng toàn cầu đoàn kết với phong trào ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông. Chính quyền Trung Quốc đã cố gắng bịt miệng Ba Đâu Thảo bằng cách đe dọa gia đình anh ở Trung Quốc”.

“Nghệ thuật là hình thức phản kháng bất bạo động nhất”

Theo thông tín viên RFI Grégory Plesse tại Úc, họa sĩ ly khai Trung Quốc luôn dùng nghệ thuật của mình để tố cáo các hành vi đàn áp của chế độ Trung Quốc, đặc biệt dấn thân vào phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, tham gia từ xa bằng cách đăng các tác phẩm nghệ thuật chính trị lên Internet.

Trả lời RFI, nghệ sĩ Trung Quốc cho rằng trong những cuộc biểu tình vì dân chủ tại Hồng Kông, nghệ thuật đóng một vai trò rất quan trọng

“Trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, nghệ thuật đã mang lại hy vọng cho mọi người… Nghệ thuật cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc định hình phong trào. Nó không chỉ là vật trang trí cho các sự kiện, nó đã trở thành những sự kiện...

Khi chúng ta nhìn thấy tất cả những người Hồng Kông đã lấp đầy không gian công cộng bằng nghệ thuật đường phố, hoặc khi họ sử dụng âm nhạc, hát bài ca ngợi Hồng Kông gần như hàng đêm, điều đó cho thấy nghệ thuật đã cho phép thổi sinh khí vào trong phong trào đó như thế nào.

Và rồi tôi cũng nghĩ rằng (nghệ thuật) là hình thức biểu hiện bất bạo động thuần túy nhất, và là hình thức có thể được nhiều người yêu thích nhất…, không chỉ ở Hồng Kông mà còn ở mọi nơi trong thế giới tự do, bằng cách tạo ra một hình ảnh rất tích cực cho phong trào.”

Khắc tinh của Tập Cận Bình

Sinh năm 1986 tại Thượng Hải, Ba Đâu Thảo đã theo học trường luật trước khi sang Úc du học vào năm 2009 và trở thành nghệ sĩ tạo hình, nghệ sĩ đường phố và nhà thiết kế. Anh là một trong số ít họa sĩ biếm họa chính trị của Trung Quốc, xây dựng được danh tiếng trên mạng xã hội, trước khi được các phương tiện truyền thống lớn như New York Times, The Guardian, BBC và CNN săn đón.

Với niềm tin vững chắc là các nghệ sĩ có khả năng dẹp bỏ thói kiêu căng của quyền lực độc tài, Ba Đâu Thảo thường xuyên chế nhạo Tập Cận Bình, được mô tả thành con gấu Winnie the Pooh, hay Mao Trạch Đông.

Nghệ sĩ cũng đã tạo ra một màn trình diễn (performance) nổi tiếng xung quanh chủ đề Tank Man, chàng thanh niên đối mặt với xe tăng trên quãng trường Thiên An Môn. Màn trình diễn Tank Man đã được biểu diễn trên khắp thế giới.

Quan hệ với Canberra gặp trắc trở, Bắc Kinh trút cơn giận lên một sinh viên Úc

Từ nhiều tháng nay, đặc biệt là từ khi Canberra dám yêu cầu mở điều tra về nguồn gốc của virus corona xuất xứ từ Vũ Hán đang tàn phá thế giới, quan hệ giữa Trung Quốc và Úc quả là cơm không lành canh không ngọt. Điều đáng nói là Drew Pavlou, một sinh viên Úc 21 tuổi sống tại Brisbane, trước đó hoàn toàn vô danh tiểu tốt, chưa từng đặt chân lên Trung Quốc, đã bất ngờ trở thành nạn nhân của cơn thịnh nộ đến từ Bắc Kinh.

Báo chí Trung Quốc đã dành, thậm chí, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong một cuộc họp báo, còn thẳng thừng lên tiếng đả kích cậu sinh viên này.

Theo thông tín viên RFI, Grégory Plesse, tại Sydney, bản thân nạn nhân cũng cảm thấy ngỡ ngàng trước phản ứng dao to búa lớn của Trung Quốc:

Chính quyền Trung Quốc lại tìm thấy thêm một kẻ thù mới tại Úc, một sinh viên trẻ. Nhiều bài báo về anh đã được đăng trên báo của đảng Cộng Sản, và người sinh viên bị tố cáo với tội danh là kẻ “bạo loạn bài Trung Quốc”.

Drew Pavlou, người bị tố cáo hết sức ngỡ ngàng: “Tôi không hiểu tại sao họ lại không phớt lờ tôi đi… Tôi không phải là một người quan trọng gì, chỉ là một sinh viên 21 tuổi, thế mà họ đã xem tôi như một mối đe dọa nghiêm trọng đến nỗi lên án tôi, nêu đích danh tôi để tấn công”.

Là một nhà hoạt động cương quyết chống đảng Cộng Sản Trung Quốc, Drew đã tổ chức vào năm ngoái một cuộc biểu tình ở khu đại học của anh. Drew lên tiếng bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ và Hồng Kông trên các mạng xã hội. Hành động dấn thân này đã giúp anh được biết đến và bị cấp cao ở Bắc Kinh đe dọa.

Nhưng chẳng những Drew không hoảng sợ mà còn lấy làm hãnh diện: “Đối với tôi đây là một hình thức thưởng công khi chính quyền đó thấy chỉ trích của tôi về chính sách mang tính diệt chủng của họ là một mối đe dọa. Điều đó có nghĩa là tôi đang đứng bên phía thiện của lịch sử”.

Tại Úc, hoạt động của Drew cũng không được đánh giá tốt. Anh đã bị đuổi khỏi trường sau khi tố cáo đại học của mình là bị chế độ Bắc Kinh khống chế.

Cách xử lý của Đại Học Queensland, nơi Drew Pavlou theo học đã bị chỉ trích là hành vi khấu đầu trước Bắc Kinh, vì giống như nhiều trường khác tại Úc, đại học Queensland cũng lệ thuộc vào nguồn học phí từ các sinh viên nước ngoài, mà số đông đến từ Trung Quốc.

Tổ chức nhân đạo Oxfam lo ngại nước giàu sẽ chiếm hữu vac-xin Covid-19

Một nhóm các quốc gia giàu có chỉ đại diện cho 13% dân số toàn cầu hiện đã mua trước hơn 50% số liều vac-xin Covid-19 sẽ được làm ra. Trong bản báo cáo công bố ngày 16/09/2020, tổ chức phi chính phủ Oxfam, trụ sở chính tại Anh Quốc đã tỏ ý lo ngại trước tình trạng trên.

Tình trạng bất công rõ nét do phân biệt giàu nghèo đó đã thúc đẩy Oxfam kêu gọi một chế độ “vac-xin cho mọi người”, miễn phí và được phân phối công bằng.

Trả lời RFI, ông Robin Guittard, phát ngôn viên chi nhánh Pháp Quốc của Oxfam trước hết giải thích tính chất bất công của việc các nước giàu thâu tóm trước những liều vac-xin :

Robin Guittard: Một ví dụ cụ thể: Anh Quốc đã đặt 5 liều cho mỗi một người dân. Nhưng Bangladesh thì chỉ đặt được một liều cho 9 người dân. Như vậy, nều căn cứ vào chiều hướng đó, thì tính toán của chúng tôi, 1/3 dân chúng thế giới sẽ không tiếp cận được với thuốc này trước năm 2022, với những hậu quả không chỉ trên mặt y tế mà cả kinh tế và xã hội nữa.

Khi một nhóm nhỏ quốc gia giàu thâu tóm vac-xin chống Covid, không quan tâm đến một phần lớn dân chúng thế giới, thì người ta có thể nói đến chủ nghĩa dân tộc vac-xin.

Tuy nhiên ở cấp OMS có sáng kiến gọi là Covax, tìm cách lôi kéo sự hợp tác giữa các quốc gia để bảo đảm một cho việc tiếp cận vac-xin một cách công bằng hơn giữa các dân tộc.

Nhưng với việc thu mua trước, người ta thấy chuyện hợp tác của OMS còn rất xa vời và bây giờ thì phải xem làm thế nào bảo đảm được quyền tiếp cận công bằng cho những tầng lớp dân chúng cần được tiêm chủng khi bắt đầu có vac-xin.

Theo Oxfam, để bảo đảm công bằng trong việc có được thuốc chủng ngừa Covid-19, các nước trên thế giới chỉ cần bỏ ra khoảng 70 tỷ euro, một con số không phải là quá đáng :

Robin Guittard: Chúng tôi ở Oxfam, đã ước tính là phải có 70 tỷ euro để bảo đảm việc tiếp cận thuốc một cách phổ quát và miễn phí cho dân chúng thế giới. 70 tỷ, con số có vẻ to tát, nhưng nếu so sánh với kế hoạch vực dậy kinh tế 100 tỷ mà Pháp thông báo, hay 500 tỷ mà nhóm G20 huy động vào mùa xuân để cứu vãn kinh tế, thì 70 tỷ chỉ là một nỗ lực giới hạn mà thôi.

Với 70 tỷ, thì vác xin có thể đến với những giới được ưu tiên như các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân, phải đứng đầu mũi trong cuộc chiến chống covid, và đến với những người lớn tuổi, những người có những bệnh nền nguy hiểm, dù ở phương Bắc hay phương Nam.

Và cũng phải quan tâm đặc biệt đến những quốc gia mà hệ thống y tế  yếu kém, không được tài trợ đúng mức, vì vây vac-xin một khi ra đời, sẽ trở thành yếu tố then chốt để giúp các nước này bảo vệ dân chúng của họ.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt