Liệu ông Biden có thể chấm dứt được "thời kỳ đen tối" ?

Tóm lược các chính sách của đảng Dân Chủ từ thời Kenedy. Chủ nghĩa thực tiễn, chủ nghĩa tự do phóng khoáng lấy lợi nhuận ngắn hạn là mục tiêu, bỏ qua sự liên đới trong xã hội và không đề cập đến các giá trị nhân quyền trong quan hệ đối ngoại đã chứng tỏ sự sai lầm của nó. Nó tạo ra một khối đông đảo quần chúng bất mãn vì chỉ trong vài thập niên qua, một nhóm thiểu số giàu có ở Mỹ đã giàu thêm nhanh chóng trong khi 50% người Mỹ nghèo đi. Donald Trump - Một tổng thống dân túy, là triệu chứng của sự bất mãn có thất hiện tại. Nhiệm vụ của ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden và bà Kamala Harris sẽ chú trọng và sự liên đới, hòa giải nước Mỹ sau khi dấu ngoặc đơn về Donald Trump khép lại.



Đại hội đảng Dân chủ 2020 cho thấy tính đa dạng chính trị, văn hóa, chủng tộc và những khó khăn đảng Dân chủ đang phải đối đầu, liệu liên danh Biden – Harris có thể vượt qua các khó khăn giành thắng lợi trong kỳ bầu cử sắp tới ?
biden1
Liệu liên danh Biden – Harris có thể vượt qua các khó khăn giành thắng lợi trong kỳ bầu cử sắp tới ? Ảnh minh họa trang https://joebiden.com/
Từ chính sách xã hội…
Thời Tổng thống John Kenedy là thời kỳ vàng son của đảng Dân chủ, ông đã đưa ra những chính sách xã hội chống lại nghèo khó và bất công, thu hút được đa số cử tri lao động.
Tổng thống Lyndon Johnson tiếp tục ban hành Đạo luật Quyền Dân sự 1964, chống kỳ thị chủng tộc, giới tính… và Đạo luật Quyền Bầu cử 1965, bảo vệ quyền bầu cử của người Mỹ da đen, nên hầu hết cử tri người Mỹ da đen đều bỏ phiếu cho đảng Dân chủ.
…sang toàn cầu hóa
Tổng thống Bill Clinton tự nhận đã được Tổng thống Kennedy truyền cảm hứng khiến ông gia nhập đảng Dân chủ nhưng khi cầm quyền ông lại đi theo đường lối và chiến lược của Tổng thống Ronald Reagan, ông Clinton khai sinh Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ khiến hàng hóa từ Mễ Tây Cơ đổ vào nước Mỹ làm hàng triệu công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp, đói nghèo.
Những người lao động đã trừng phạt ông Clinton nên ngay trong cuộc bầu cử giữa kỳ 1994, đảng Dân chủ mất cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện.
Lần đầu tiên trong vòng 40 năm đảng Cộng hòa kiểm soát được Hạ Viện và liên tục giữ cả hai viện trong sáu năm còn lại của Tổng thống Clinton.
Đảng Cộng hòa nắm cả lưỡng viện nên chi phối các chính sách kinh tế và xã hội, nhờ đó kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng các chính sách xã hội cho người lao động bị giới hạn rất nhiều.
Năm 2000, Tổng thống Clinton tin rằng khi Bắc Kinh gia nhập WTO, Trung Quốc sẽ tôn trọng luật chung nên đã chấp nhận Bắc Kinh tham gia vào Tổ chức Thương mãi Thế giới (WTO) và mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc đổ vào nước Mỹ.
Nhưng Bắc Kinh thay vì tôn trọng luật chung lại tìm cách phá bỏ nó, khiến thương mại nước Mỹ càng ngày càng lụn bại, người lao động ngày càng khốn khổ.
Đảng Dân chủ mất cử tri lao động nhưng bù lại đã thu hút được thành phần cấp tiến theo tự do phóng khoáng, tự do thương mãi quốc tế và cổ vũ toàn cầu hóa.
Những người cấp tiến theo khuynh hướng toàn cầu hóa có học thức nên được giữ những vai trò quan trọng trong chính trị, giáo dục và truyền thông, dần dần họ chuyển đổi cả văn hóa và tư tưởng của người Mỹ.
Toàn cầu hóa tàn phá nước Mỹ về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa, giáo dục và với tư tưởng sống chung hòa bình không cần tăng cường quân sự.
Chính trị bản sắc bắt đầu…
Toàn cầu hóa ảnh hưởng đến từng người, từng gia đình và toàn xã hội là nguyên nhân gây phân cực nước Mỹ, trong Đại hội đảng Dân chủ năm 2004, ông Barack Obama có bài diễn văn tố cáo sự phân cực chính trị.
Từ đó, báo chí và truyền thông Mỹ bắt đầu bàn luận về một Tổng thống da đen đầu tiên cho nước Mỹ, và nhờ tài ăn nói ông Obama đã thắng cử Tổng thống một cách dễ dàng.
Nhưng điều hành một nước Mỹ không phải là chuyện dễ, dư âm ông Obama để lại là Obamacare, 8 năm kinh tế trì trệ và một nước Mỹ phân hóa hơn.
Với Trung Quốc, ông Obama quá ôn hòa đến độ nhu nhược bị giới chức Bắc Kinh xem thường, còn hàng hóa Trung Quốc tràn ngập, kỹ nghệ Mỹ hầu như phá sản, chiến lược xoay trục về Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm mục đích "bao vây" một Trung Quốc đang trỗi dậy, chỉ hoàn tất trên giấy tờ.
Nhiều người Việt ủng hộ Hiệp định TPP nhưng quên rằng người Mỹ lao động đã từ chối TPP ngay từ phút đầu soạn thảo.
Bầu cử giữa kỳ 2010 đảng Dân chủ mất Hạ viện, đến bầu cử giữa kỳ 2014 mất luôn Thượng viện. Khi ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, chính bà Hillary Clinton đã phải hứa nếu thắng cử Tổng thống bà sẽ chấm dứt tham gia Hiệp định TPP.
Sau chiến thắng của ông Obama năm 2008, báo chí truyền thông Mỹ bắt đầu nói đến chuyện một Tổng thống thuộc phái nữ, chính trị bản sắc (identity politics) dựa vào mầu da, sắc tộc, giới tính và vóc dáng bề ngoài nhằm thu hút cử tri của đảng Dân chủ đã thay cho việc tranh cử cổ điển thuyết phục cử tri bằng chính sách và chiến lược.
Trong lần tranh cử 2016, bà Clinton gần như không đưa ra một chính sách hay chiến lược nào, người bảo thủ và lao động sợ bà Clinton sẽ tiếp nối con đường của 2 ông Clinton và Obama tiếp tục đưa nước Mỹ vào con đường lụn bại nên đã bầu cho ông Trump.
Liên danh Trump - Pence…
Ông Trump là một nhà truyền thông xuất sắc, ông liên tục nêu quan điểm chính trị để thăm dò và sửa soạn dư luận.
Ông luôn nhắc nhở mọi người những việc ông đã và đang làm, ông tạo hứng thú để mọi người tiếp tục tìm hiểu, theo dõi và ủng hộ những việc ông sẽ làm.
Trong 4 năm qua ông đã hoàn thành một phần cuộc "chiến tranh tâm lý" đánh thức cả thế giới phải nhận thức lại vai trò của nước Mỹ, nhận thức lại toàn cầu hóa, nhận thức lại tự do thương mãi quốc tế, nhận thức được mối đe dọa của Bắc Kinh.
Ông Trump thường làm những việc mà các chính trị gia ít ngờ tới như vừa rồi ông ký sắc lệnh gia hạn hỗ trợ tài chánh cho hàng chục triệu người Mỹ bị mất việc do đại dịch.
Gắn bó với ông Trump là Phó Tổng thống Mike Pence, một người bảo thủ, ngoan đạo, điềm đạm, nhiều kinh nghiệm và uy tín, một chính trị gia gương mẫu của đảng Cộng hòa.
Ngày 23/8/2020, ông Trump đã công bố Chương trình hành động với 50 ưu tiên hành động cho nhiệm kỳ sắp tới dưới tiêu đề : "Chiến đấu vì bạn !".
Ngày 24/8/2020, Đại hội Đảng Cộng hòa 2020 khai mạc gợi "giấc mơ Mỹ Quốc" tương lai sẽ tươi sáng hơn quá khứ nếu đảng Cộng hòa được tiếp tục cử tri tin cậy.
Ứng cử viên Biden
Ông Biden là chính trị gia với gần 50 năm kinh nghiệm chính trường, ông đã nhiều lần ra tranh cử, nhưng thật lạ lần này ông gần như tránh mặt không tiếp xúc với truyền thông báo chí, đánh mất nhiều cơ hội cổ vũ cho đường lối và chiến lược của đảng Dân chủ.
Khi ông Biden tuyên bố ứng cử viên phó tổng thống phải là một phụ nữ da màu, mà phải là trẻ để ông có thể chuyển tiếp quyền lực, rõ ràng chính trị bản sắc đã thống lĩnh đảng Dân chủ vì có đến 90% dân số nước Mỹ là đàn ông, phụ nữ da trắng và lớn tuổi bị loại khỏi vòng tuyển cử.
Nước Úc có Đạo luật Cơ hội Bình đẳng (Equal Opportunity Act) tuyên bố như ông Biden chỉ chọn phụ nữ, da màu và trẻ, là tuyên bố kỳ thị giới tính, kỳ thị tuổi tác và kỳ thị chủng tộc.
Bà Kamala Harris, người được chọn đứng cùng liên danh với ông Biden, cũng là người đã từng công khai chỉ trích ông Biden là người lợi dụng phụ nữ và kỳ thị chủng tộc.
Ứng cử viên Kamala Harris
Bà Harris là người đã được Tổng thống Obama tạo cơ hội cho phát biểu trong Đại hội đảng Dân chủ 2012 và bà có rất nhiều gắn bó với ông Obama.
Bà ra tranh cử Tổng thống 2020 nhưng qua tranh luận bà không đưa ra được quan điểm rõ ràng nên số người ủng hộ ít dần và bà sớm bỏ cuộc.
Bà Harris có cha gốc Jamaica và mẹ gốc Ấn Độ, nhưng nguồn gốc sẽ giúp gì cho cuộc tranh cử : (1) phụ nữ và người Mỹ da đen sẽ chọn bà hay chọn chính sách của đảng Cộng hòa hay không đi bầu ; (2) trong tình trạng Ấn Trung đang chiến tranh, người Mỹ gốc Ấn sẽ chọn bà hay chọn ông Trump ; và (3) khi bà ít nói đến nguồn gốc Jamaica của cha mình, cử tri gốc Nam Mỹ sẽ nghĩ gì về bà.
Cánh tả xã hội chủ nghĩa
Trên Twitter, Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez cho phổ biến bài cô đã phát biểu trong Đại hội với phụ đề bằng tiếng Tây Ban Nha.
Cô kêu gọi đảng Dân chủ chấp nhận các giải pháp nhằm chăm sóc sức khỏe, giáo dục đại học, lương đủ sống và quyền lao động cho mọi người ở Mỹ và kết thúc bằng lời đề cử Thượng nghị sĩ Bernie Sanders làm ứng cử viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ.
Qua đó có thể thấy cô đã không đồng ý với việc đề cử ông Biden, cũng như nói rõ quan điểm muốn thắng cử đảng Dân chủ cần có đường lối và chính sách rõ ràng.
Đây một dấu hiệu quan trọng nó có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử vì cô thu hút được nhiều người trẻ và người gốc Nam Mỹ cánh tả.
Ai thắng ai ?
Bầu cử Tổng thống lần trước (2016), nhiều cử tri đảng Dân chủ không đi bầu là vì chính trị bản sắc không đủ sức hấp dẫn họ và họ không biết đảng Dân chủ sẽ đưa nước Mỹ về đâu.
Đại hội đảng Cộng hòa 2020 cũng đã bắt đầu, việc tranh cử càng ngày càng trở nên ráo riết, mong rằng sẽ có nhiều thông tin hơn về đường lối và chiến lược của cả hai đảng trong những ngày sắp tới.
Đảng Dân chủ lần này không lạc quan về một "làn sóng xanh", một chiến thắng áp đảo như hai cuộc bầu cử 2016 và giữa kỳ 2018 vừa qua.
Nếu liên danh Biden – Harris thất cử thì rõ ràng cử tri Mỹ đã chán ngấy chính trị bản sắc (identity politics) dựa vào mầu da, sắc tộc, giới tính và vóc dáng bề ngoài.
Nếu thế, đảng Dân chủ cần vượt qua "thời kỳ đen tối", quay trở lại cách thức tranh cử cổ điển, thuyết phục cử tri bằng chính sách và chiến lược cụ thể rõ ràng.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 25/8/2020
Nguyễn Quang Duy