Bài học từ Liên Xô : Vì sao cần có đối lập dân chủ ? (Việt Hoàng)

Một tư tưởng chính trị đúng đắn là nền móng để xây dựng một quốc gia. Trên nền móng đó, theo thời gian, tùy theo khả năng và sự cố gắng, một dân tộc sớm muộn cũng sẽ xây dựng được đất nước dân chủ và phồn vinh. Trong trường hợp một ngôi nhà không có móng vì không có tư tưởng hoặc dựa trên một tư tưởng độc hại thì mọi cố gắng đều sẽ thất bại. Sự sụp đổ của Liên Xô là một minh chứng. (Việt Hoàng)

19/8/1945 là ngày Cách mạng tháng 8 thành công và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 19/8/1991 cũng là ngày khai tử chế độ cộng sản Liên Xô, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên và hùng mạnh nhất thế giới. (1)

Nếu quan sát tình hình Việt Nam trước đại hội 13 thì chúng ta có thể thấy nhiều điểm tương đồng với tình hình Liên Xô hồi năm 1991. Các nguy cơ báo hiệu cho sự sụp đổ của Đảng cộng sản Việt Nam ngày càng rõ nét. (2)

Điểm nổi bật và đặc biệt nhất của cuộc đảo chính bất thành (do các lãnh đạo bảo thủ Đảng cộng sản Liên Xô phát động) và sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết sau đó là sự vắng mặt của đối lập dân chủ Nga. Từ những người đảo chính, Mikhail Gorbachev đến Boris Yeltsin đều là đảng viên cao cấp của đảng cộng sản Liên Xô.

Có hai bài học rút ra từ sự kiện này:

1. Các nước thuộc Liên Xô cũ không thể chuyển hóa thành công về dân chủ.

Ngày 25/12/1991, bốn tháng sau cuộc đảo chính thất bại ngày 19/8/1991 Liên bang Xô Viết chính thức giải thể. 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô tách ra và tuyên bố độc lập. Liên bang Nga, nước lớn nhất trong Liên bang Xô Viết đã hoàn toàn thất bại trong việc chuyển hóa về dân chủ. Sau thời kỳ hỗn loạn dưới thời Yeltsin nước Nga đã trở thành một nhà nước maphia do Putin lãnh đạo. Trước đó Gorbachev cũng đã thất bại trong việc “chuyển hóa về dân chủ một mình”. Gorbachev tin rằng Đảng cộng sản Liên Xô có thể thay đổi và cải cách từ từ. Không có đối lập nên sẽ không có ai tranh giành hay cản trở họ. Các kế hoạch như Glasnost (công khai) và Perestroika (cải tổ) đã không đi đến đâu mà chỉ khiến phe bảo thủ trong đảng bất mãn dẫn đến cuộc binh biến ngày 19/8/1991.

LX-1

Cuộc đảo chính ngày 19/8/1991 thất bại, bốn tháng sau Liên bang Xô Viết chính thức giải thể.

Chuyện này cũng xảy ra ở hầu hết các nước thuộc Liên Xô cũ. Chỉ có ba nước nhỏ vùng Baltic là Estonia, Latvia va Lithuania là chuyển đổi thành công về dân chủ. Hai nước Georgia (Gruzia) và Ukraine trải qua nhiều cuộc cách mạng màu nữa mới dứt bỏ được tàn tích cộng sản. Các nước Trung Á còn lại thì vẫn còn nguyên chế độ độc tài toàn trị. Belarus hiện đang giằng co quyết liệt giữa đương kim tổng thống Lukashenko và phong trào dân chủ. Sớm muộn thì Lukashenko cũng phải ra đi vì Belarus đã chín muồi cho sự thay đổi, tuy nhiên vì không có đối lập dân chủ nên không ai biết tương lai Belarus sẽ ra sao.

Di sản của chế độ cộng sản rất nặng nề. Văn hóa độc tài toàn trị ăn sâu vào tâm hồn những người lãnh đạo cộng sản nên khó gột rửa. Dân chủ là một phương pháp tổ chức xã hội dựa trên đồng thuận và thuyết phục nên cần đến một tư tưởng chính trị được cụ thể hóa bằng một dự án chính trị, trong khi các chế độ độc tài vì thiếu vắng tư tưởng chính trị nên chỉ còn mỗi cách là đàn áp. Đàn áp chỉ cần sức mạnh cơ bắp trong khi dùng lý lẽ để thuyết phục và xây dựng đồng thuận trong dân chúng cần phải có trí tuệ, bao dung và kiên nhẫn.

Một tư tưởng chính trị đúng đắn là nền móng để xây dựng một quốc gia. Trên nền móng đó, theo thời gian, tùy theo khả năng và sự cố gắng, một dân tộc sớm muộn cũng sẽ xây dựng được đất nước dân chủ và phồn vinh. Trong trường hợp một ngôi nhà không có móng vì không có tư tưởng hoặc dựa trên một tư tưởng độc hại thì mọi cố gắng đều sẽ thất bại. Sự sụp đổ của Liên Xô là một minh chứng.

Nước Nga là một cường quốc lớn nhưng đang ngày càng lụn bại vì ngôi nhà đó không có móng. Nước Nga cho đến giờ vẫn chưa có đối lập dân chủ thật sự vì họ không có các nhà tư tưởng chính trị nên không thể có tầng lớp trí thức chính trị. Chế độ cộng sản Liên Xô đã tiêu diệt mọi tiếng nói bất đồng vì vậy sự sụp đổ của đảng cộng sản chỉ nhường chỗ cho sự hỗn loạn và sau đó là một chế độ độc tài mới, hà khắc không kém gì chế độ cũ.

Một ví dụ nữa là trường hợp Rumania, sau khi đảo chính lật đổ nhà độc tài Nicolae Ceausescu thì đất nước này đã trải qua một giai đoạn hỗn loạn và đến nay vẫn là một trong những nước chậm tiến nhất ở Châu Âu. Trong khi đó, tại Tiệp Khắc và Ba Lan, nhờ có đối lập dân chủ là phong trào Hiến chương 77 và tổ chức Công đoàn Đoàn kết mà họ đã chuyển tiếp thành công về dân chủ. Cả hai nước đều trở thành những nước phát triển và dân chủ không kém gì các nước Tây Âu.

2. Nhiều đảng viên cộng sản là nạn nhân của chế độ mới.

Chúng ta phải hiểu một điều rằng các chế độ độc tài sẽ sụp đổ khi không còn lý do tồn tại dù có hay không đối lập dân chủ. Nga, Rumania hay các nước Trung Đông trong Mùa Xuân Ả Rập đã sụp đổ mà không có đối lập dân chủ. Nạn nhân đầu tiên của cuộc đảo chính tại Rumania là vợ chồng Tổng bí thư đảng cộng sản Ceausescu. Tại Nga thì các nhân vật bị ám sát hay thủ tiêu đều là cựu quan chức cấp cao của đảng cộng sản. Boris Nemtsov, một nhà đối lập nổi tiếng của Nga bị ám sát hồi năm 2015 từng là cựu Phó thủ tướng Nga trong thập niên 1990. Tỉ phú Nga Boris Berezovsky, cựu Phó thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia thời Yeltsin cũng bị ám sát tại Anh quốc. Hai bố con Sergei Skripal và Alexandre Litvinenko bị đầu độc tại Anh đều là cựu sĩ quan cao cấp Nga (đại tá quân đội). Nạn nhân mới nhất tại Nga là nhà đối lập Alexei Navalny nghi bị đầu độc tại phi trường Omsk (Nga). Hiện ông đang được điều trị tại một bệnh viện ở Đức…

LX-2

Tỉ phú Nga Berezovsky, cựu Phó thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia thời Yeltsin bị ám sát tại Anh quốc.

Tại Việt Nam trong thời gian qua đã có 100 cán bộ cao cấp và tướng lĩnh bị kỷ luật hoặc truy tố và mới nhất là Phó chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến và chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị kỷ luật. Danh sách này sẽ ngày càng dài hơn sau đại hội 13 khi “phe thắng cuộc” của ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chiến dịch “đốt lò”.

Khi các chế độ độc tài không còn tư tưởng và dự án chính trị thì hậu quả tất yếu là họ phải dân túy (mị dân). Cách mị dân dễ nhất, hiệu quả nhất là bỏ tù các đồng chí của mình nhân danh chống tham nhũng. Người dân mặc dù biết đấy chỉ là đấu đá phe nhóm nhưng họ luôn vỗ tay mỗi khi có quan chức nào đó bị tống vào tù. Như chúng tôi đã phân tích, kẻ thù nguy hiểm nhất của các đảng viên cộng sản chính là các đồng chí của họ chứ không phải các “thế lực thù địch”.

Sai lầm lớn nhất của Gorbachev là tin rằng Đảng cộng sản Liên Xô có thể tự chuyển hóa về dân chủ (dân chủ hóa một mình). Ông ta đã thất bại bẽ bàng và rơi vào quên lãng dù từng được xem là tổng bí thư trẻ, thông minh và có trí tuệ nhất trong Đảng cộng sản. Cuối đời ông ta phải cay đắng thốt lên rằng “chế độ cộng sản chỉ có thể xóa bỏ chứ không thể cải tổ”.

Đảng cộng sản Việt Nam có lẽ không ý thức được điều đó nên đang đi vào vết xe đổ của Gorbachev khi xem đối lập dân chủ ôn hòa là kẻ thù. Họ vẫn đang tìm cách trấn áp các tiếng nói bất đồng với hy vọng tự chuyển hóa một mình về dân chủ. Đó là điều không tưởng. Đối lập dân chủ ôn hòa chính là chiếc phao cứu sinh của họ, là sự đảm bảo an toàn cho chính các đảng viên cộng sản. Các nước Đông Âu sau khi dân chủ hóa đã không có bất cứ một sự trừng phạt hay phân biệt đối xử nào với các cựu đảng viên cộng sản. Việc cấm các đảng cộng sản hoạt động cùng với các biểu tượng của đảng cộng sản lại đến từ chính những người cộng sản như cựu tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski hay cựu tổng thống Ukraine Poroshenko…

Bài học cho người dân Việt Nam là nên tìm hiểu và ủng hộ cho một tổ chức đối lập dân chủ đứng đắn, bao dung và có viễn kiến để tiến trình dân chủ hóa đất nước được diễn ra trong hòa bình và êm thắm thay vì hỗn loạn như Nga, Rumania, Ai Cập, Libya…Chế độ cộng sản tại Việt Nam chắc chắn sẽ sụp đổ vì không còn lý do để tồn tại.

Câu hỏi đặt ra là sự sụp đổ của nó sẽ mở ra một kỷ nguyên dân chủ hay chỉ nhường chỗ cho một tình trạng hỗn loạn? Với không ít người thì chỉ cần xóa bỏ chế độ hiện nay là đủ, sau đó tính sau. Điều đó hoàn toàn sai và nguy hiểm. Năm 1945 người Việt Nam đã nghĩ như vậy nên đất nước mới rơi vào tai họa của cộng sản và đến giờ vẫn chưa thoát ra được.

Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nghĩ khác. Với chúng tôi thì mục đích cuối cùng (cứu cánh) của cuộc tranh đấu này là dân chủ hóa đất nước. Đánh bại Đảng cộng sản chỉ là một công việc trên hành trình đó vì vậy chúng tôi đã dành ưu tư cho dự án dân chủ hóa đất nước sau khi chế độ cộng sản rút lui song song với lộ trình tranh đấu để thiết lập dân chủ. Việt Nam chỉ có thể xây dựng được ngôi nhà dân chủ nếu có được một nền móng tốt dựa trên một dự án chính trị đúng và một tổ chức dân chủ mạnh.

THDCDN0

Một tổ chức chính trị chỉ có thể hình thành và xây dựng dựa trên một tư tưởng chính trị.

Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi đã trình bày bốn điều kiện cần và đủ để một cuộc cách mạng dân chủ diễn ra thành công:

- Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.

- Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.

- Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.

- Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.

Trong bốn điều kiện đó thì hai điều kiện đầu gần như đã có, điều kiện thứ ba cũng sắp đạt được chỉ còn điều kiện thứ tư là chưa xong. Đây cũng là điều kiện quan trọng nhất vì phụ thuộc vào lý do chủ quan. Tập hợp chính trị đó không thể tự nhiên xuất hiện mà chúng ta phải tự xây dựng. Một tổ chức chính trị chỉ có thể hình thành và xây dựng dựa trên một tư tưởng chính trị. Nó đòi hỏi trí tuệ, tấm lòng, kiến thức, sự viễn kiến và một quyết tâm đổi đời rất lớn.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng đề nghị mô hình chính trị cho Việt Nam trong tương lai là thể chế “dân chủ đại nghị và tản quyền” vì chế độ tổng thống đã bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết và hơn nữa, thời đại của các “minh chúa” hay “lãnh tụ vĩ đại” đã đi qua. Người dân Việt Nam chỉ cần bầu chọn cho các tổ chức chính trị có dự án hoặc cương lĩnh chính trị phù hợp với quyền lợi của mình là đ. Quốc hội sẽ bầu ra thủ tướng, người đứng đầu chính phủ và chịu mọi trách nhiệm trước quốc hội. Một thể chế chính trị càng giản dị chừng nào thì khả năng phát huy dân chủ càng cao và càng bền vững bấy nhiêu.

Mây đen của một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn do Covid-19 gây ra đang kéo đến rất gần. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không thể sống sót sau cuộc khủng hoảng này…

Việt Hoàng

(25/8/2020)

1. https://thongluan-rdp.org/component/k2/item/18478-hai-ngay-l-ch-s-19-thang-8

2. https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/18380-b-n-d-u-hi-u-suy-vong-c-a-d-ng-c-ng-s-n