Bị giãn việc, giảm thu nhập, công nhân vật lộn mưu sinh

Thực tế của đời sống nhiều công nhân, lao động ở Việt Nam bị mất, giảm thu nhập vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Kinh tế Việt Nam sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn vì tỷ trọng ngoại thương rất cao, lệ thuộc vào bối cảnh kinh tế thế giới.
Bữa trưa đơn giản của mẹ con chị Dương Thị Mai. Ảnh: Bảo Hân
Bữa trưa đơn giản của mẹ con chị Dương Thị Mai. Ảnh: Bảo Hân

Trưa 2.7, chúng tôi tìm đến nhà trọ của chị Dương Thị Mai (thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) đúng lúc chị đang bế con sang quán tạp hoá bên cạnh mua gói mỳ trắng với giá 4.000 đồng để nấu ăn trưa. Một ít sợi mỳ, vài cọng rau mồng tơi cùng quả trứng là chị nấu xong bữa trưa của mình. “Một phần là vì ăn một mình nên tôi ngại nấu, phần nữa là vì thu nhập giảm so với trước nên phải chắt bóp, tằn tiện hơn” - chị Mai nói.

Nhiều công nhân vẫn tiếp tục nghỉ giãn việc

Chị Mai là công nhân Công ty Matsuo Việt Nam. Trước đây, khi chưa bị tác động của dịch COVID-19, thu nhập của chị Mai được hơn 8 triệu đồng. Tuy nhiên, trong tháng 5, chị chỉ được đi làm nửa tháng, thu nhập chỉ còn 6,5 triệu đồng. Đến tháng 6, công ty cho công nhân nghỉ hoàn toàn. Vào tháng 7 này, một số công nhân đã đi làm trở lại, nhưng một số người - trong đó có chị - vẫn phải tiếp tục nghỉ. Chị vẫn chưa nhận được lương của tháng 6 nên chưa biết được bao nhiêu, chỉ biết là được hưởng 70% lương thu nhập đầu vào.

“Ở nhà, tôi cũng muốn đi làm thời vụ để kiếm thêm thu nhập, chắc được khoảng 4,7 triệu đồng/tháng, nhưng do bị thoát vị đĩa đệm, không đứng làm lâu được, trong khi yêu cầu là phải đứng suốt 8 giờ, nên đành chịu, chỉ biết ở nhà trông con” - chị Mai chia sẻ.

Hai vợ chồng chị Mai có 3 người con, lần lượt 7 tuổi, 5 tuổi và 2 tuổi. Hai cháu đầu đi học lớp 1 và mẫu giáo, còn cháu út do chị trông. Chồng chị Mai làm tự do, thu nhập không ổn định. Thường là khi công trình phải thi công xong thì anh mới có tiền về đưa cho vợ. 

Theo chị Mai, bữa ăn của gia đình đã “teo” hơn trước do giá cả đắt hơn, trong khi đó, chị phải giảm chi tiêu cho bữa ăn của gia đình để tiết kiệm.

“Tối hôm qua, tôi mua hết 60.000 đồng tiền thịt gà, 5.000 đồng tiền rau để ăn bữa tối là hết sạch tiền. Lúc chồng về, tôi bảo mình “cháy túi” rồi, chồng tôi cũng than, nói mình cũng vậy. Sáng hôm nay, không biết kiếm được ở đâu mà để lại cho tôi 100.000 đồng để tôi mua đồ ăn cho ngày hôm nay. Sáng nay tôi đã mua hết 10.000 rau của bà chủ nhà, mua mỳ trắng ăn, số tiền còn lại để mua thịt cho bữa tối” - chị Mai kể. 

“Cũng ngày hôm qua, con lớn thi xong, khoe làm bài tốt, tôi muốn cho cháu đi chơi một chút để động viên cháu, nhưng chợt nhớ ra là chẳng còn đồng nào trong túi, trong khi vé vào chơi cát cũng phải 20.000 đồng/tiếng. Thế là mẹ con đành ở nhà” - chị Mai nói tiếp.  

Thu nhập của chồng không ổn định, trong khi thu nhập của vợ giảm, nên chị thường xuyên phải vay mượn của đồng nghiệp, hàng xóm, đợi khi nào có tiền rồi trả. Thu nhập giảm khi mà chị đang phải nuôi đưa con thứ 3 khiến mọi thứ càng khó khăn hơn.

“Tôi không nhớ bộ quần áo gần đây nhất mà mình mua là từ bao giờ nữa. Chắc phải 3-4 tháng nay rồi” - chị Mai nói.

Do nhà đông con, lại có bà lên trông, nên chị Mai buộc phải thuê nhà trọ rộng rãi. Căn phòng chị thuê có giá lên tới 2,5 triệu đồng/tháng. Nửa năm nay, chị phải nợ tiền thuê nhà vì quá bí bách. Cũng may, chị ở đây đã lâu; bà chủ lại tốt tính nên không nhắc nhở nhiều.

“Nợ tiền nhà thế này, tôi ngại lắm, liên tục giục chồng trả, nhưng chồng nói công trình chưa xong nên chưa nhận được tiền, phải chờ đến lúc xong, nhận được tiền mới trả được. Nếu tình trạng tạm thời nghỉ việc kéo dài như này thì sẽ rất khó khăn cho gia đình chúng tôi vì cả gia đình 5 người chỉ biết trông chờ vào thu nhập của chồng. Lương ngừng việc của tôi chắc chỉ đủ tiền ăn cho các con mà thôi” - chị Mai chia sẻ. 

Khi được hỏi về dự định tương lai, chị Mai nói rằng, hai vợ chồng đều không muốn gắn bó lâu dài ở đây, vì ở đây tuy kiếm tiền dễ hơn, nhưng chi tiêu cũng nhiều hơn. Hơn nữa, đông con cái, lại ở nơi đất khách quê người nên không có thời gian đưa đón con. Vì vậy, anh chị đang vay mượn, dồn tiền để xây nhà ở quê, khi nào xong là cả nhà sẽ về quê luôn, kết thúc sau hơn 10 năm nơi đất khách quê người,… 

Thay thịt bằng cá khô, trứng cho đỡ tốn kém

Ở gần nhà trọ của chị Mai, vợ chồng chị Hoàng Thị Nông - CN khu công nghiệp Bắc Thăng Long - cũng trong tình cảnh bị giảm thu nhập, mặc dù may mắn hơn là vẫn được đi làm. Trước đây, thu nhập của chị Nông là khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng. Nhưng từ khi ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty không làm thứ 7, chủ nhật, thu nhập của chị giảm xuống còn khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập của chồng chị - CN may ở KCN Quang Minh - cũng chỉ còn 5 triệu đồng/tháng so với trước đây là 7-8 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng có con nhỏ mới hơn 4 tuổi. “Thu nhập giảm đi nhiều so với trước, nên dĩ nhiên 2 vợ chồng phải thắt chặt chi tiêu hơn. Trừ những khoản cố định không giảm được, như: Tiền nhà (1,5 triệu đồng/tháng); tiền học mầm non cho con (1 triệu đồng); tiền thuê người đón con (1 triệu đồng); tiền gửi về cho ông bà ở quê đau ốm,… anh chị đều cố gắng tiết kiệm nhất có thể những khoản chi khác. 

Khi chúng tôi có mặt, chị Nông đang nấu bữa trưa một mình. Bữa trưa chỉ có hai món: Lạc rang và canh bầu nấu. Chị bảo, mua những đồ ăn này cho tiết kiệm, vì mua thịt lợn rất đắt. Ngày trước, một tuần gia đình thường xuyên ăn thịt (gà, lợn,…), nhưng bây giờ, 1 tuần chỉ dám chi 1,2 bữa ăn thịt mà thôi, còn lại thay thế bằng cá khô, trứng… Những thức ăn này rẻ hơn nhiều so với ăn thịt. 
“Mua đồ ăn cho các con cũng hạn chế so với trước. Ví dụ, trước đây một ngày cháu uống 2 hộp sữa, thì giờ chỉ có 1 hộp mà thôi. Trước đây 1,2 tháng tôi lại mua quần áo cho con, nhưng từ khi bị giảm thu nhập, tôi chưa mua được cho con bộ quần áo mới nào. Cháu phải mặc đồ của các đồng nghiệp cho” - chị Nông kể.

Bình thường, khi chưa có dịch, cuộc sống của gia đình chị đã khá chật vật. Nhiều lúc đóng tiền nhà xong, rồi con ốm... là hết sạch tiền, lại phải vay chị em làm cùng, từ vài trăm nghìn đến 1-2 triệu đồng. Dịch COVID-19 làm cuộc sống của chị khó khăn hơn gấp bội. Hiện chị Nông đang phải vay 5 triệu đồng, đợi khi nào có lương mới trả. Tuy vậy, theo theo chị Nông, mình còn may mắn hơn nhiều so với những người mất việc hoặc tạm dừng hợp đồng. Dù khó khăn, nhưng chị vẫn sẽ bám trụ ở đây, mặc dù xác định sẽ phải thuê nhà lâu dài, bởi lẽ, về quê anh chị chẳng biết sẽ làm công việc gì để kiếm sống,…

Qua chia sẻ của cán bộ CĐ KCN-CX Hà Nội, hiện có những Cty cũng bắt đầu tuyển dụng CNLĐ nhưng chỉ ký hợp đồng thời vụ vì thực tế, số đơn hàng, hợp đồng sản xuất mới chưa ổn định.
Sáng 2.7, ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội) cho biết hiện Cty đang tuyển dụng CNLĐ. Trước đây, trong thời gian Cty phải cho CNLĐ nghỉ giãn việc thì có khoảng 90 người nghỉ. Đến nay giai đoạn khó khăn đã qua, Cty đã có đơn hàng mới nên có nhu cầu tuyển dụng thêm người. Hiện số CNLĐ của Cty là trên 4.400 người (giảm khoảng 50 người so với trước đợt dịch). Ông Hải cho biết thu nhập của NLĐ cũng giữ tương đương như trước, ở mức người mới vào làm việc khoảng 6 - 6,6 triệu đồng/người/tháng; người làm lâu năm khoảng 7-7,2 triệu đồng/người/tháng. T.E.A
 
Quế Chi

Nguồn tin: Tiền Phong