George Floyd, sự bất lực của nền chính trị Mỹ ? (Đỗ Xuân Cang)

Geogre Floyd ngày hôm nay của nước Mỹ chỉ là biểu hiện sau cùng của một quá trình dài xuống cấp tư tưởng. Nhiều người không nhận ra hoặc nhắm mắt bào chữa cho sự tha hóa chính trị vì nước Mỹ vẫn vĩ đại trên nhiều mặt, vẫn là số một trên thế giới, vẫn là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của họ. (Đỗ Xuân Cang)


Cái chết của Geogre Floyd đã thổi bùng làn sóng biểu tình trên khắp nước Mỹ. Ngoài cảnh sát, chính quyền Donald Trump còn huy động thêm lực lượng đặc biệt Vệ Binh Quốc Gia. Nhưng điều đó cũng không giúp cho trật tự được tái lập. Hàng ngàn người bị bắt, thêm người chết, nhiều cửa tiệm bị đập phá, xe bị đốt.
Dường như đang có một nước Mỹ khác. Một status của một người quen mà tôi rất quý trọng. Một Việt kiều Mỹ xinh đẹp, nghị lực, tràn đầy lòng yêu thương, không mệt mỏi trong công cuộc giúp đỡ mọi người, ngay trong đại dịch cô cũng không chịu ngồi yên, vẫn luôn bận bịu chăm nuôi những người cơ nhỡ :
Nhân dân cầm súng tự vệ, tổng thống cầm quyển kinh thánh, người kia thì nhắn tin kêu mình khoá cửa và không được đến những đám biểu tình. Thời thế thay đổi có khác chứ thời kia mà ai nói vậy với mình là có chuyện lớn rồi!”.
congly-1
Khi giới chính trị bất lực thì “công lý đường phố” sẽ xuất hiện?
Thực ra nước Mỹ không thay đổi nhiều lắm trước và sau cái chết của George Floyd. Cái chết chỉ làm rõ hơn những vấn đề chìm sâu dưới cái bóng “nước Mỹ vĩ đại”.
Một người cảnh sát đã bắt ông George Floyd còng ông lại và đưa ra khỏi xe. Sau đó hai cảnh sát đưa anh ta qua đường, trước đó họ để ông ngồi một mình với cái còng. Điều đó cho thấy không có lý do để ba người cảnh sát đè ông ấy gần chín phút để dẫn đến cái chết sau đó. Cái chết của George Floyd dù không cố ý, nó vẫn là kết quả của bản tính bạo lực ngang ngược của lực lượng cảnh sát. Người thứ tư cũng không vô can khi ủng hộ hành vi bạo lực chống lại sự can thiệp của người dân.
Cảnh sát được đào tạo và trả lương để giữ an toàn trật tự cho người dân chứ không phải đàn áp người dân. Trên video, xe cảnh sát thứ hai đến dừng ngay trên đường đi bộ và không tấp sát vào lề đường mà còn tạo chướng ngại cho giao thông, trong thời điểm không có tính cấp bách. Họ không có ý thức trách nhiệm với người tham gia giao thông khác, họ nhiễm thói xấc xược, chuyên quyền. Hơn nữa họ bất chấp sự van xin phản đối của người đi đường, thậm chí có thái độ đe dọa ngược lại. Trong trường hợp không dẫn đến cái chết thì cũng cần phải trừng phạt những người cảnh sát. Không nên có trong cảnh sát những người như vậy.
Dù không phải là cảnh sát trưởng hay chính trị gia, chỉ là một người quan tâm xã hội bình thường cũng có thể biết cảnh sát da trắng làm chết người da đen là một vấn đề lớn, hơn nữa mọi diễn tiến đã xuất hiện trên mạng xã hội. Ctrong trường hợp đó, chính quyền cần có những phản ứng ngay lập tức để ngăn chặn nguy cơ tiểm ẩn trong xã hội Mỹ. Cần công khai lên án sự bạo hành, chân thành xin lỗi thân nhân và gia đình nạn nhân, thực hiện mọi hỗ trợ cần thiết cho gia đình nạn nhân, trực tiếp kiểm tra quá trình thi hành công lý…Những hành động đó chắc chắc phần nào sẽ làm dịu tình hình.
congly-3
Nếu chính quyền phản ứng nhanh chóng, trách nhiệm và văn minh thì bạo lực sẽ giảm xuống.
Rất tiếc là anh cảnh sát chỉ bị bắt sau sự kiện 4 ngày, không những thế phía cảnh sát còn ngụy tạo pháp y để chạy tội. Vấn đề không còn là bốn cảnh sát mà là cả hệ thống cảnh sát của thành phố Minneapolis. Thay vào sửa chữa lỗi lầm, thực hiện công lý họ bẻ cong công lý và nhấn sâu vào sai lầm.
Phản ứng của chính quyền đã khắc sâu nỗi lo sợ của những con người cùng thân phận như George Floyd và xúc phạm những người có lương tâm. Việc biểu tình là không tránh khỏi. Trong việc này chính quyền sáng suốt sẽ trân trọng quyền chính đáng của dân, đồng hành cùng người dân và đảm bảo an ninh trật tự cho đoàn biểu tình. Liên hệ chặt chẽ với ban tổ chức giúp họ loại bỏ, vô hiệu hóa kẻ cơ hội làm xấu bẩn mục đích của cuộc biểu tình, ngăn chặn bạo lực.
Chuỗi hành động của chính quyền không hàn gắn niềm tin công lý đã bị tổn thương của những người mong công lý, mà làm nó đổ vỡ thêm. Bắn người dân, đàn áp phóng viên. Tổng thống huy động quân đội, biến đất nước thành chiến trường với một niềm kiêu hãnh…Từ một sai lầm của một nhóm cảnh sát để dẫn đến sự tàn phá và chết chóc là trách nhiệm của giới chính trị gia Mỹ.
Geogre Floyd đã mở ra một bức tranh nội tình nước Mỹ. Một quốc gia tiên phong chống nạn phân biệt chủng tộc, nhưng sự đau nhức phân biệt vẫn âm ỉ chỉ chờ dịp bùng phát. Có một lớp người bất mãn với thực tại chỉ chờ dịp để nổi loạn. Khoảng cách giàu nghèo đã đến bờ của sự đổ vỡ. Đây là bài toán lớn cho tất cả các chính trị gia Mỹ.
Cần có một lộ trình dài, một nỗ lực bền bỉ và cái tâm lương thiện mới giải quyết được vấn đề của nước Mỹ. Nước Mỹ là một anh chàng khổng lồ có thừa khả năng vật chất để giải quyết mọi vấn đề nhưng nước Mỹ thiếu một lộ trình tư tưởng.
Không thấy giới chính trị gia Mỹ trong những ngày qua thành thực nhìn nhận trách nhiệm trước cái chết của Geogre Floyd, trước tình trạng bạo loạn, trước cái chết của những người cảnh sát. Không thấy sự can đảm đến với những những người biểu tình, lắng nghe và đáp ứng những đòi hỏi chính đáng. Hơn nữa ông Trump còn cách ly với người dân, biến White House thành pháo đài với hàng rào mới với mọi kỹ thuật bảo vệ tiên tiến nhất. Dường như bạo loạn không phải là vấn đề của Donald Trump mà dường như chết người, bạo loạn là cơ hội để diễn và tranh thủ kiếm phiếu.
Geogre Floyd ngày hôm nay của nước Mỹ chỉ là biểu hiện sau cùng của một quá trình dài xuống cấp tư tưởng. Nhiều người không nhận ra hoặc nhắm mắt bào chữa cho sự tha hóa chính trị vì nước Mỹ vẫn vĩ đại trên nhiều mặt, vẫn là số một trên thế giới, vẫn là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của họ.
Rất nhiều người Việt đặt niềm tin vào ông Trump bất chấp việc họ biết ông dối trá. Họ lý luận chính trị phải là thủ đoạn. Phải gian manh mới chống được kẻ thù. Có thể nhìn thấy hai lỗ hổng căn bản trong lập luận này. Niềm tin chỉ có thể xây dựng trên sự trung thực. Làm sao người ta có thể tin được ông Trump dối trá vì lợi ích của nước Mỹ?
Chính trị nhân loại đã chuyển từ đối đầu, triệt tiêu và thủ đoạn sang đối thoại, hợp tác và thành thực. Không một quốc gia, một thế lực nào ngày nay tin rằng có thể hủy diệt một quốc gia hay một dân tộc khác. Điều đó có nghĩa là phải chấp nhận sự tồn tại của mọi bên, hay nói cách khác là không còn kẻ thù. Trong bối cảnh đó chỉ có đối thoại, hợp tác là lựa chọn sáng suốt. Sự đối thoại hợp tác cũng chỉ xây dựng được trên niềm tin. Khi không còn niềm tin và chuyển sang đối đầu thì cũng phải có phương pháp và cách ứng xử phù hợp chứ không thể dùng vũ khí để “nói chuyện”.
Một lần nữa nước Mỹ đang đứng trước kỳ bầu cử. Một lần nữa nước Mỹ vĩ đại không có cái mới, cái tốt để chọn. Nước Mỹ chỉ có thể lựa chọn giữa hai cái dở, cái nào bớt dở hơn thì chọn. Không một chính trị gia Mỹ nào vẽ ra được một viễn cảnh mới, một đột phá mới. Họ phải tiếp tục đem những vấn đề đau nhức như phân biệt chủng tộc cùng một lực lượng lớn người Mỹ bất mãn vào tương lai.
Tôi chưa thấy một ứng cử viên Mỹ nào có dự án chính trị để giải quyết các vấn đề đó. Nước Mỹ vẫn tiếp tục mô hình tổng thống, tài phiệt cử và dân bầu…Có lẽ chính trị Mỹ đang cần một cuộc cách mạng để thoát khỏi tình trạng này?
Đỗ Xuân Cang
(09/06/2020)