Chính sách Biển Đông của Trung Quốc : Việt Nam khó thoát ? (Hoàng Trường Sa - Benoît de Tréglodé)

Lời tòa soạn : Chúng tôi vừa nhận dưới đây điện thư của Trung tâm Văn hóa và Thông tin Hàn Quốc trực thuộc Bộ văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc, yêu cầu bổ túc thêm tên : "Biển Đông (Mer de l'Est)" trong phần chỉ ghi "Biển Nhật Bản (Mer du Japon)" mà biểu thị vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong bản đồ của bài viết : "Chính sách Biển Đông của Trung Quốc : Việt Nam khó thoát ?" của tác giả Hoàng Trường Sa ngày 25/05/2020.

bien3

Nguyên văn nội dung thư yêu cầu sửa đổi như sau :
Thư đề nghị sửa đổi cho biên tập viên
Ngày 09/06/2020, 12:37:04 am
Trung tâm Văn hóa và Thông tin Hàn Quốc trực thuộc Bộ văn hóa, thể thao và du lịch là cơ quan làm cho người nước ngoài biết về thông tin Hàn Quốc chính xác. Và giúp cho thế giới hiểu văn hóa, con người và chính sách của Hàn Quốc.
Chúng tôi kính mong quý cơ quan bao gồm tên "Biển Đông (Mer de l'Est)" trong phần chỉ ghi "Biển Nhật Bản (Mer du Japon)" mà biểu thị vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong bản đồ của bài viết sau đây.
https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/17511-vi-t-nam-trong-chinh-sach-vung-d-m-c-a-trung-qu-c

Hàn Quốc và Nhật Bản chưa đạt được thỏa thuận đến tên gọi dùng cho vùng biển này. Tổ chức Thủy văn học Quốc tế (IHO) và Hội nghị Liên Hợp Quốc về tiêu chuẩn hóa các tên gọi địa lý (UNCSGN) đã đưa ra nghị quyết sử dụng song song các cách gọi của những quốc gia khác nhau trong trường hợp chưa thể thống nhất tên gọi dùng cho vùng biển đặc thù giữa các quốc gia.
Nhật Bản căn cứ vào nội dung cuộc hội nghị Thủy văn học Quốc tế của IHO diễn ra tại Monaco năm 1929 cho rằng, vùng biển này là "Biển Nhật Bản". Bởi vì nội dung của hội nghị Thủy văn học Quốc tế diễn ra khi ấy in trong tài liệu ấn bản đầu tiên "Ranh giới biển và hải dương" đã sử dụng tên "Biển Nhật Bản". Tuy nhiên, Hàn Quốc không đồng tình với cách gọi này. Bởi vì, thời kỳ đó Hàn Quốc đang là thuộc địa của Nhật Bản nên không thể tham dự hội nghị Thủy văn học Quốc tế. Vì vậy, sau khi giành độc lập năm 1945, chính phủ Hàn Quốc đã không ngừng nỗ lực để thiết lập lại tên gọi hải phận.

Do đó chúng tôi kính mong quý cơ quan sử dụng cả hai tên của biển này. Ngoài ra nếu có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến Hàn Quốc, xin vui lòng liên hệ với tôi để được giải đáp.
Nếu muốn biết thêm thông tin về "Biển Đông" xin vui lòng tham khảo tại các website sau đây :
http://www.mofa.go.kr/eng/wpge/m_5435/contents.do
http://www.khoa.go.kr/eng/kcom/cnt/selectContentsPage.do?cntId=31060100

Chân thành cảm ơn sự hợp tác của quý cơ quan !
Kính thư,
Onseong KIM
------------------
Chúng tôi ghi nhận đề nghị này và đã bổ túc thêm tên "Mer de l'Est" trong bản đồ chú giải về lãnh hải giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Bản đồ sử dụng trong bài trước kia được trích từ bản đồ do cơ quan GeoAtlas phát hành năm 2002 không có hai tên Mer de l'Est và Mer du Japon.
Ban biên tập Thông Luận chân thành cáo lỗi và cảm ơn KIM Onseong đã góp ý.
Kính mến,
Thay mặt Ban biên tập,
Nguyễn Văn Huy
*******************
Việt Nam trong chính sách vùng đệm của Trung Quốc
Hoàng Trường Sa, RFA, 25/05/2020
Chính sách vùng đệm của Trung Quốc
Tham vọng lớn nhất của lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là phải trở thành siêu cường, chi phối sự phát triển của toàn cầu. Để thực hiện tham vọng đó, Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh của mình. Trong các chính sách để thực hiện tham vọng đó, Trung Quốc đang áp dụng chính sách vùng đệm.
vungdem1
Hình minh họa. Áp phích với hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình tại một căn cứ hải quân ở Hong Kong hôm 30/6/2019 - Reuters
Yếu tố địa lý đã góp phần định hình vị trí địa chính trị của Trung Quốc. Và dựa trên vị trí địa chính trị đó, đã hình thành các chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Trung Quốc có biên giới trên đất liền chung với 14 quốc gia, có biên giới biển giáp với 6 quốc gia, cùng với 3 vùng lãnh thổ đặc biệt là Hồng Kông, Macao và Đài Loan. Rất nhiều khu vực biên giới này vẫn đang trong tình trạng tranh chấp.
Một học giả chuyên về Trung Quốc là Michael D. Swaine, cho biết : Chính sách vùng đệm được Trung Quốc nhắc tới lần đầu trong Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 16 năm 2002. Trong kỳ đại hội này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh chính sách đối ngoại : "Các cường quốc là then chốt ; các quốc gia láng giềng là tối quan trọng ; các quốc gia đang phát triển là nền tảng ; chủ nghĩa đa phương là diễn đàn quan trọng".
vungdem2
Hình minh họa. Biếm họa của họa sĩ Rebel Pepper về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cảnh sát chống bạo động tại một cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong hôm 26/4/2020 - Reuters
Theo giải thích của một học giả Trung Quốc là Yuan Peng (lúc đó là Phó Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế đương đại của Trung Quốc, viết tắt là CICIR, là một think-tank của cơ quan tình báo lớn nhất của Trung Quốc - Bộ An ninh Nội địa) thì vùng đệm của Trung Quốc có 3 vòng. Vòng trong cùng bao gồm 14 quốc gia có chung biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Vòng thứ 2 là các quốc gia tuy không có biên giới chung với Trung Quốc, nhưng là những quốc gia biển nằm ở vị trí mở rộng từ vòng 1. Các quốc gia này trải dài từ Tây Thái Bình Dương cho tới Ấn Độ Dương, cùng với một số quốc gia Trung Á và Nga. Vòng thứ 3 là "vòng ngoại vi" bao gồm Châu Phi, Châu Âu và Châu Mỹ.
Từ năm 2012, sau khi giữ vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã tiếp tục chính sách vùng đệm với các quốc gia cận biên. Ông ta chính thức đưa ra "chính sách ngoại giao vùng đệm", còn được gọi là "chính sách ngoại giao láng giềng", vốn được coi là trọng tâm trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc từ năm 2013 đến nay.
Sáu vấn đề trong chính sách ngoại giao vùng đệm của Trung Quốc
Trong một nghiên cứu mới đây của Jacob Stokes, có 6 vấn đề nổi lên trong chính sách ngoại giao vùng đệm này của Trung Quốc, bao gồm :
Thứ nhất, Bắc Kinh luôn khẳng định toàn vẹn lãnh thổ là "lợi ích cốt lõi", để bảo vệ các "lợi ích cốt lõi" này thì có khi phải sử dụng chiến tranh nếu cần thiết. Tuy nhiên, từ 2010 trở đi, lãnh đạo Trung Quốc đã bổ sung thêm nhiều khu vực thuộc "vùng đệm" trở thành "lợi ích cốt lõi" như Biển Đông chẳng hạn. Điều đó khiến rất nhiều quốc gia ASEAN có liên quan đến tranh chấp Biển Đông cảm thấy nguy hiểm khi lãnh đạo Trung Quốc kiên quyết không thỏa hiệp.
Như Chen Xiangyang, học giả thuộc Viện Quan hệ Quốc tế đương đại của Trung Quốc, khẳng định rằng, vùng đệm "là vùng cơ bản để Trung Quốc bảo vệ các lợi ích quốc gia, chiến đấu cho việc thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và đấu tranh chống lại việc chia rẽ đất nước.
Thứ hai, Trung Quốc đang nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế của mình thông qua sự hội nhập nền kinh tế của toàn khu vực. Điều đó rất cần các quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng của Trung Quốc. Các lãnh đạo Trung Quốc luôn sử dụng ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc với hơn 1 tỉ dân cũng như nguồn vốn đầu tư khổng lồ tứ Trung Quốc ra nước ngoài và năng lực xây dựng các công trình hạ tầng để thúc đẩy sự phát triển thương mại của toàn khu vực. Và đương nhiên, đằng sau các thúc đẩy về thương mại, đầu tư và nhập khẩu của Trung Quốc như vậy, sẽ là những tác động chính trị đến các quốc gia này.
Thứ ba, lãnh đạo Trung Quốc luôn đảm bảo với các quốc gia láng giềng về việc Trung Quốc sẽ sử dụng như thế nào đối với sức mạnh đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng đang gia tăng các hành động hung hăng, "nhe nanh múa vuốt" ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông. Chính điều này lại khiến các quốc gia láng giềng của Trung Quốc lo sợ và kết thành một "liên minh" nhằm chống lại sự đe dọa từ Trung Quốc.
vungdem3
Hình minh họa. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hôm 29/6/2019 - Reuters
Thứ tư, việc quan hệ càng ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, vốn là mối quan hệ trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đã tạo ra một môi trường đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Trung Quốc ngoài Washington. Phát triển các quan hệ này, trong đó có các láng giềng của Trung Quốc sẽ giúp Trung Quốc chống lại các ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Châu Á và sẽ khiến sự ủng hộ của các quốc gia này với Trung Quốc ngày càng lớn hơn.
Thứ năm, "chính sách ngoại giao vùng đệm" cộng hưởng với các chính sách đối ngoại quan trọng khác của Trung Quốc hình thành "chính sách đối ngoại tập trung vào các cường quốc" của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ tập trung quan hệ với Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ ưu tiên các cường quốc tầm trung như Indonesia và Hàn Quốc.
Trung Quốc sẽ tập trung phát triển quan hệ với các quốc gia này một cách tách biệt trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Thứ sáu, chính sách ngoại giao vùng đệm với mục đích dẫn tới vai trò "lãnh đạo Châu Á" của Trung Quốc, giảm bớt các ảnh hưởng từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với các tham vọng và các hành động của Trung Quốc, các quốc gia Châu Á đang "ngờ vực" thái độ của Trung Quốc bởi vì họ thấy rằng, dường như Bắc Kinh đang muốn thực hiện "chính sách bá quyền" chứ không phải thực tâm cùng giúp đỡ khu vực này cùng phát triển.
Các công cụ để Bắc Kinh thực hiện "chính sách vùng đệm"
Cũng theo Jacob Stokes, có 6 công cụ để Bắc Kinh thực hiện "chính sách ngoại giao vùng đệm", bao gồm :
Làm sâu sắc các liên hệ kinh tế, thương mại và tài chính
Kinh tế và thương mại là trụ cột chính trong "chính sách ngoại giao vùng đệm". Kinh tế và thương mại sẽ hỗ trợ cho các mục tiêu đối ngoại và chính trị bởi vì Bắc Kinh muốn cho các quốc gia láng giềng thấy rằng Trung Quốc là nguồn để phát triển kinh tế, cơ hội và người cung cấp các hàng hóa công cộng. Điển hình trong số đó là Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), do Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013. Với sáng kiến này, Trung Quốc sẽ giữ vị trí trung tâm của khu vực và trong dòng chảy thương mại toàn cầu. Mặc dù BRI vươn rộng ra toàn thế giới, nhưng địa bàn quan trọng của BRI bắt đầu với các quốc gia khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư xây dựng hạ tầng, Trung Quốc còn gia tăng các ảnh hưởng về tài chính, với việc sử dụng đồng nhân dân tệ như một đồng tiền thanh toán quốc tế theo các tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Tập trung quan hệ với các cường quốcláng giềng
Trong chính sách như vậy, Trung Quốc tập trung vào các cường quốc bao gồm Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Trung Quốc thời gian gần đây đã đạt được những thành tích quan trọng trong quan hệ Nga - Trung. Đối với quan hệ Trung - Nhật, mặc dù hai bên vẫn còn nhiều căng thẳng, ví dụ tranh chấp tại quần đảo Senkaku. Tuy nhiên, quan hệ Trung - Nhật vẫn đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh Thương chiến Mỹ - Trung. Đối với Ấn Độ, mặc dù những tranh chấp biên giới vẫn thường xuyên xảy ra những xung đột nhỏ, nhưng cả hai bên đều biết kiềm chế, và quan hệ Trung - Ấn cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng.
vungdem4
Hình minh họa. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc bên lề Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hôm 28/6/2019 - Reuters
- Khuyến khích các thể chế phi tự do
Vì là một quốc gia độc đảng, duy trì sự kiểm soát ngặt nghèo trong nước và sẵn sàng đàn áp các hoạt động phản kháng cho nên Trung Quốc khuyến khích và hỗ trợ các thể chế phi tự do, giống như Trung Quốc. Tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) trong một báo cáo có cho biết Trung Quốc đã tích cự huấn luyện và hỗ trợ giới chức Việt Nam, Myanmar và Philippines trong việc kiểm soát các "thông tin nhạy cảm" và bán các hệ thống thiết bị giám sát bằng trí tuệ nhân tạo (AI) cho các quốc gia Myanmar, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Pakistan.
Thể hiện vai trò quan trọng trong các cuộc hòa giải và đối thoại khu vực
Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng bằng cách đóng vai trò quan trọng như người hòa giải và đối thoại tại các điểm nóng khu vực như tại Myanmar, Afghanistan và Bắc Triều tiên.
Tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc vẫn đang duy trì các cuộc đối thoại cho việc tìm kiếm một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) từ năm 2002 tới nay. Mặc dù Trung Quốc phớt lờ Phán quyết năm 2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc, trong đó trực tiếp bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc, và Trung Quốc cũng bất chấp tất cả để quân sự hóa trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang kiểm soát tại Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng với việc thể hiện duy trì tiến trình tìm kiếm COC để Trung Quốc muốn cho thế giới thấy là Trung Quốc vẫn muốn "duy trì hòa bình" trên khu vực này.
Xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ với các định chế đa phương
Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các quan hệ và ảnh hưởng của họ thông qua các định chế đa phương. Có thể kể đến như Diễn đàn Vành đai Con đường để hỗ trợ cho Sáng kiến Vành đai Con đường, Ngân hàng Phát triển Hạ tầng Châu Á (AIIB), các diễn đàn đối thoại như Diễn đàn Bác Ngao, Diễn đàn Hương Sơn hay là Hội nghị Đối thoại về các về các nền văn minh Châu Á.. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực trong các tổ chức quốc tế mà Trung Quốc đóng vai trò quan trọng như Tổ chức Thượng Hải (SCO) hay BRICS…
Sử dụng các công cụ cưỡng bức
Bên cạnh các chính sách trên, Trung Quốc còn sử dụng các biện pháp cưỡng bức thông qua các chiến dịch để áp đặt lợi ích của mình đối với các quốc gia nằm trong vùng đệm của Trung Quốc. Chính sách cưỡng bức của Trung Quốc thường áp dụng là sử dụng "cây gậy" thông qua sự tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc đi kèm với các đe dọa sử dụng vũ lực khi mà "củ cà rốt" đưa ra đã thất bại. Như chúng ta đã biết, các lãnh đạo Trung Quốc thiết kế "chính sách ngoại giao vùng đệm" như là một cách để "quyến rũ" các quốc gia láng giềng chấp nhận sự gia tăng xuất hiện của Trung Quốc trong các lĩnh vực để đổi lấy các lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh.
Việt Nam trong chính sách vùng đệm của Trung Quốc
Như đã trình bày, Việt Nam là một trong 14 quốc gia có chung biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Việt Nam cũng là quốc gia nằm trong khu vực Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang muốn độc chiếm để tạo ảnh hưởng. Chính vì vậy, có thể nói Việt Nam là một quốc gia nằm ở "vùng lõi" trong chính sách vùng đệm của Bắc Kinh.
mer de l'est
Việt Nam là một trong 14 quốc gia có chung biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Việt Nam cũng là quốc gia nằm trong khu vực Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang muốn độc chiếm để tạo ảnh hưởng. (Courtesy of GeoAtlas, 2002)
Quan hệ Việt - Trung đã trải qua rất nhiều biến cố, có lúc trầm, có lúc thăng. Đối với Việt Nam, quan hệ với Trung Quốc được đặt ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Nhưng với Trung Quốc, quan hệ với Việt Nam nằm ở hàng thứ yếu. Điều đó thể hiện sự bất bình đẳng trong quan hệ Việt - Trung.
Trung Quốc, một mặt, trong chính sách vùng đệm của mình, muốn giữ Việt Nam ở địa vị như một "chư hầu" cho vai trò "bá quyền" của mình. Chính vì vậy, Trung Quốc đã tìm mọi cách để vừa lôi kéo kết hợp vừa đe dọa Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc với tham vọng thực hiện giấc mộng "đế vương" của mình, luôn muốn chiếm đoạt Biển Đông, nơi Việt Nam có những quyền lợi thiết thân. Chính vì vậy, các yếu tố trên đã đẩy mối quan hệ Việt - Trung vào những "nan đề" khó giải quyết.
Nhiều học giả ca ngợi chính sách đối ngoại "cân bằng" của Việt Nam trong việc xử lý vai trò của Mỹ và Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, "sự cân bằng" này phản ánh sự không bền vững trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trong Sách trắng Quốc phòng mới nhất được ban hành hồi tháng 11 năm ngoái, Việt Nam tiếp tục nhắc lại Chính sách Ba Không. Trong đó nhấn mạnh vào khả năng "tự lực tự cường" của Việt Nam khi đối mặt với các thách thức an ninh. Về lý thuyết, đây là một chủ trương đúng. Nhưng thực tế, điều này đòi hỏi Việt Nam phải có đủ tiềm lực tương xứng. Tuy nhiên, sự quản trị của Việt Nam đang thực sự thể hiện nhiều vấn đề yếu kém. Bộ máy chính trị thiếu động lực phát triển, chủ yếu là phe nhóm đấu đá, giành giật quyền lực, khiến cho chính trị trong nước hỗn loạn, các tiềm năng phát triển bị hạn chế.
Những vấn đề chính trị nội bộ gần đây cho thấy sự bộc lộ các điểm yếu này. Tranh cãi giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao trong vụ Hồ Duy Hải, một mặt cho thấy vụ căng thẳng này bắt đầu từ các cuộc đấu đá chính trị trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 13, nhưng mặt khác cũng bộc lộ thấy sự yếu kém của nền tư pháp, vốn dĩ cần thiết với vai trò quan trọng để góp phần kiểm soát sự lạm quyền từ các quan chức Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, những đe dọa về an ninh quốc gia, bao gồm cả an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng trước các cá nhân và doanh nghiệp từ Trung Quốc vẫn đang hiện hữu rõ ràng. Sự kiện mới đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu đích danh các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp và đất đai quốc phòng là vấn đề đáng lưu tâm. Trong khi trước đó không lâu, khi các đại biểu quốc hội chất vấn Chính phủ Việt Nam thì Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường cùng Bộ Công an khẳng định không có chuyện này.
Với sự quản trị không rõ ràng về trách nhiệm và thiếu một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Trung Quốc vốn rất có kinh nghiệm trong việc sử dụng các "biện pháp kinh tế cưỡng đoạt" cùng với các đe dọa về sử dụng sức mạnh để can thiệp vào chính trường Việt Nam. Và điều này vẫn đang xảy ra hàng ngày. Chính vì vậy, chủ trương đúng nhưng khó có thể thực hiện trong thực tế nếu không có những mạnh dạn trong cải cách thể chế, đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới.
Hoàng Trường Sa
Nguồn : RFA, 25/05/2020
********************
Biển Đông : Trung Quốc lấn, Mỹ làm căng, Việt Nam chờ thời
Benoît de Tréglodé, RFI, 25/05/2020
Từ đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với các nước láng giềng Đông Nam Á, được kỳ vọng là sẽ hoàn thiện trong năm nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch luân phiên của ASEAN. Nhưng trên thực địa, Bắc Kinh liên tiếp mở rộng yêu sách chủ quyền, tăng cường hiện diện ở những vùng biển đang có tranh chấp.
vungdem5
Tầu chở trực thăng HMAS Parramatta của Hải Quân Úc tập trận với tầu đổ bộ Mỹ USS America, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Barry và tầu USS Bunker Hill, tại Biển Đông, ngày 18/04/2020. © Reuters - Australia Department Of Defence
Những sự kiện trên, cùng với những chỉ trích, cáo buộc gay gắt lẫn nhau liên quan đến dịch Covid-19, khiến quan hệ song phương Mỹ-Trung thêm căng thẳng trên mọi phương diện. Quân đội Mỹ huy động đội tầu tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, trong đó có Biển Đông, điều đội oanh tạc cơ B-1B trở lại Guam để hỗ trợ lực lượng tại chỗ của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác trong khu vực Thái Bình Dương. Theo trang South China Morning Post ngày 19/05, Hoa Kỳ đã gia tăng hoạt động quân sự trên không và trên biển "sát cửa" Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020 nhiều gấp ba lần so với nguyên một năm 2019.
Có đúng là Trung Quốc đang lợi dụng dịch Covid-19 để thâu tóm Biển Đông ? Việt Nam đối phó thế nào trước những căng thẳng Mỹ-Trung trong khu vực ?
RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
vungdem6
Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM). © Lionel Monnier
RFI : Phải chăng Biển Đông đang trở thành khu vực thể hiện sức mạnh và đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ? Những căng này có thể đi đến đâu ?
Benoît de Tréglodé : Năm 2020, chúng ta sống trong giai đoạn rất đặc biệt. Đại dịch Covid-19 đã làm thổi bùng căng thẳng trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì lý do dịch tễ. Nhưng những vấn đề đối nội nảy sinh trong đợt dịch Covid-19 cũng phần nào đó tác động đến cách hoạt động trên trường quốc tế của hai nước.
Những yếu tố trên rất quan trọng để hiểu được những lý do đằng sau một "cuộc chiến thông tin" trong đó các bên Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ hoặc phương Tây nói chung, bảo vệ một đường lối, một lịch trình mang tính chất quốc gia của mình, cũng như để có được một cái nhìn chung về diễn biến của bối cảnh chiến lược trên thực địa. Sự căng thẳng trong quan hệ song phương giữa Washington và Bắc Kinh là yếu tố chủ đạo để hiểu những sự kiện đang diễn ra ở Biển Đông.
Yếu tố thứ hai mà tôi cho là đóng vai trò trọng tâm để hiểu được mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, đó là phải ngược trở lại bản báo cáo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương  được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trình bày vào tháng 06/2019 nhân Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Trong báo cáo gồm ba chủ đề chính này, Hoa Kỳ mô tả mạng lưới ngoại giao và những đối tác của họ ở Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á. Chủ đề trọng tâm thứ ba được nêu trong báo cáo, đó là coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh trong khu vực. Sự việc đã rất rõ ràng ngay từ thời điểm đó và đây cũng chính là điểm, về lý thuyết, định hình khuôn khổ chính sách hiện nay của Mỹ ở Đông Nam Á.
Trên đây là hai yếu tố bối cảnh quan trọng để hiểu được những gì đang diễn ra trên thực địa. Vậy chuyện gì đang diễn ra ?
Đúng là có nhiều nhà bình luận, từ vài tuần nay, nhắc đến việc Trung Quốc tái thúc đẩy những hành vi khiêu khích trong bối cảnh khủng hoảng dịch tễ quy mô toàn cầu và Bắc Kinh tranh thủ thời cơ để đẩy các quân cờ trên thực địa, trong đó phải kể đến ba sự kiện. Thứ nhất là vụ tầu cá Việt Nam bị đâm chìm  vào đầu tháng 04/2020 ở quần đảo Hoàng Sa. Tiếp theo là việc "thành phố Tam Sa" của Trung Quốc lập hai quận mới : Tây Sa (Xisha) ở Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa. Và sự kiện thứ ba là việc tầu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8  gần đây tiếp tục hoạt động trong lãnh hải của Malaysia.
Ba sự kiện trên, theo tôi, cần phải đặt chúng vào bối cảnh tổng thể hơn về quan hệ quốc tế, đặc biệt là sự cạnh tranh Mỹ-Trung. Cả ba yếu tố này không hẳn là đặc biệt trong năm 2020 này bởi chúng đều phụ thuộc vào tính chất liên tục trong chính sách hàng hải của Trung Quốc trong khu vực đã có từ khá lâu. Lấy ví dụ vụ tầu cá của ngư dân Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020, phải đặt biến cố này vào bối cảnh có từ lâu, cụ thể là từ năm 2014 khi xảy ra khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 .
RFI : Dù sao cũng có thể thấy là kiểu xung đột này xảy ra thường xuyên hơn từ đầu năm 2020. Vậy nguyên nhân là gì ?
Benoît de Tréglodé : Kiểu đối đầu, kiểu xung đột này thường xuyên xảy ra và có thể được giải thích với hai yếu tố.
Thứ nhất, phải nhắc lại rằng từ khoảng 10 năm gần đây, cả Trung Quốc và Việt Nam đều tăng cường đội dân quân biển. Năm 2009, Việt Nam đã áp dụng Luật Dân quân tự vệ biển - lực lượng phòng vệ hàng hải và loại tầu dành cho nhiệm vụ này cũng xuất hiện từ thời điểm đó. Theo tôi nhớ vào năm 2010, chủ tịch nước Việt Nam lúc đó đã khuyến khích lực lượng dân quân biển cùng với các hiệp hội nghề cá đến các khu vực có tranh chấp với Trung Quốc để tăng cường sự hiện diện của Việt Nam. Điều này rất quan trọng để hiểu được tình hình tại chỗ. Phía Trung Quốc cũng làm tương tự, vì thế thường xuyên xảy ra các vụ tranh chấp, đôi khi rất dữ dội, giữa ngư dân, dân quân biển và hải cảnh trong các vùng biển có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Yếu tố thứ hai là việc lập ra hai "quận" mới trực thuộc "thành phố Tam Sa", bao gồm cả không gian biển khu vực quần đảo Trường Sa. Trở lại bối cảnh lịch sử gần đây, chúng ta thấy truyền thông từng nói nhiều về việc Trung Quốc thành lập "thành phố Tam Sa" vào năm 2012. Đây là cách đáp trả của Bắc Kinh về việc Quốc Hội Việt Nam, vào tháng 06/2012, đã thông qua Luật Biển bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kể từ đó, Trung Quốc đòi chủ quyền về hành chính. Và yêu sách đó được cụ thể hóa bằng việc thành lập hai "quận" Tây Sa và Nam Sa mà thực ra, nằm trong kế hoạch "thành phố Tam Sa" đã có từ trước đó. Một điểm quan trọng đáng lưu ý khác, đó là "thành phố Tam Sa " khi được Trung Quốc thành lập năm 2012, bất chấp đòi hỏi chủ quyền của các đối tác và các nước láng giềng, mà đứng đầu là Việt Nam, chỉ có khoảng 400 dân cư, nhưng giờ có đến 1.800 người, chủ yếu sống ở khu vực bắc Hoàng Sa.
Đúng là chúng ta thấy rõ các chính sách như gia tăng dân số, xây dựng cơ sở hạ tầng… nhưng nên nhớ rằng chính sách đó chưa hẳn là nhân cơ hội tình hình dịch bệnh năm nay mà thực ra, là chiến lược lâu dài, mang tính chất liên tục của Trung Quốc từ những năm 2010. Tương tự như việc tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc thâm nhập vào vùng biển của Malaysia cũng giống như sự kiện đã xảy ra với Việt Nam .
Vì vậy, tôi không thấy có sự gia tăng vô cùng quan trọng nào trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19, mà thực ra, đó là sự tiếp tục trong chính sách đã có từ khá lâu của Trung Quốc.
RFI : Dường như Trung Quốc biết cách tận dụng chính sách "Bốn Không" của Việt Nam để gia tăng hoạt động ngày càng hung hăng hơn ?
Benoît de Tréglodé : Chính sách "Bốn Không" trước là chính sách "Ba Không" của Việt Nam : Không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự  hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Chính sách này được sửa đổi vào tháng 11/2019 trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam  với điểm "Không" thứ tư, đó là "không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế", trong đó có việc không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh hải trong khu vực.
Nội dung vẫn khá mang tính truyền thống, đó là việc đưa ra những tuyên bố phòng thủ để có thể bảo vệ những quyền lợi chủ quyền đang bị đe dọa vì những lấn lướt trên thực địa trong chính sách hàng hải của Trung Quốc mà chúng ta đã nêu ở trên.
Về vấn đề này, nên đề cập một điểm, mang tính rất thời sự : Hà Nội đang nêu ra khả năng đe dọa đối tác Trung Quốc  và báo với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam sẵn sàng làm như Philippines từng làm, có nghĩa là viện đến công lý quốc tế  để có thể làm nổi rõ những tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là vào năm 2014, chính quyền Việt Nam từng cho thấy dấu hiệu là có thể kiện nhưng từ đó vẫn không có chuyện gì thực sự xảy ra.
Một lần nữa, chúng ta cần chú ý rằng mọi chuyện rất phức tạp. Những mối liên hệ chính trị, kinh tế, quân sự giữa các nước láng giềng và các quốc gia khác trong khu vực không cho phép các nước xây dựng một hướng đi chung.
RFI : Việt Nam có thể thu được lợi ích gì từ việc Hoa Kỳ hiện diện thường xuyên hơn và mạnh hơn trong khu vực, đặc biệt là vào năm đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương Việt-Mỹ ?
Benoît de Tréglodé : Các kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại không giải thích hết về quan hệ quốc tế. Đúng là Việt Nam sẽ kỷ niệm một phần tư thế kỷ tái lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Đó là sự kiện quan trọng đánh dấu thời kỳ mở cửa của đất nước từ năm 1975. Nhưng cũng đừng quên là 2020 cũng đánh dấu 70 năm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Tiếp theo, cần phải xem xét thực tế hiện diện của Mỹ từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Đông Nam Á và những hoạt động của Trung Quốc trên thực địa. Chúng ta thấy là ngay từ tháng 03/2020 đã có nhiều cuộc họp  giữa bộ trưởng Y Tế các nước ASEAN với sự hiện diện của bộ trưởng Y Tế Trung Quốc. Phía Hoa Kỳ cũng tổ chức họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN, nhưng không hiện diện thực sự trên thực địa.
Về mặt quân sự, nếu nhìn vào số lượng chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải cho phép hải quân Mỹ được điều tầu đến bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế, thì rõ ràng là số lượng các chuyến hải tuần như vậy đã tăng nhiều.
Nhưng nếu nhìn vào mối quan hệ song phương thực sự diễn ra như thế nào giữa các nước, có thể thấy là rất nhiều quốc gia Đông Nam Á bảo vệ một nguyên tắc chủ đạo đối với khu vực : Đó là họ không muốn Washington buộc họ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc . Và đây cũng là một trong những nguyên tắc ngoại giao của rất nhiều nước trong vùng và đang được tái khẳng định.
Chính sách của tổng thống Donald Trump đưa đến tham vọng là thuyết phục các đối tác Đông Nam Á của Mỹ chọn một phe. Nhưng đây lại một nguyên tắc không khả thi đối với rất nhiều nước trong khu vực.
RFI : Những tác động về kinh tế từ dịch Covid-19 ảnh hưởng như nào đến hoạt động của Mỹ ở vùng Biển Đông ?
Benoît de Tréglodé : Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung từ một năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi  rõ ràng cho nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cũng không bị thiệt hại nặng nề về kinh tế do dịch Covid-19.
Một điều thú vị cần nêu lên, đó là cách đây khoảng 10 ngày, tổng thống Mỹ chính thức thông báo rằng do cách Trung Quốc xử lý dịch Covid-19, 27 công ty đã rời Trung Quốc chuyển sang hoạt động ở Đông Nam Á, nhưng lại không phải ở Việt Nam mà là ở Indonesia. Chúng ta thấy là mọi chuyện có vẻ tế nhị hơn và Việt Nam không phải là bên chiến thắng duy nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Phải hiểu việc Hoa Kỳ nhắm vào một quốc gia khác, mà không phải Việt Nam trong bối cảnh này như thế nào ? Một số nhà phân tích cho tổng thống Mỹ hẳn vẫn còn nghi ngờ về khả năng Việt Nam thoát hẳn khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vì lý do kinh tế, chính trị, kể cả lý do lịch sử lâu đời.
Vào thời điểm có thể dẫn đến chiến tranh lạnh với sự chia rẽ giữa các nước chống hoặc ủng hộ chính sách của Trung Quốc và vào lúc mà mọi việc trở nên tế nhị hơn với một số nước vừa phản đối những hành vi xâm lấn của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng vẫn cần đến sự ủng hộ về kinh tế và chính trị, tôi cho rằng khu vực Đông Nam Á vẫn muốn giữ cân bằng giữa các cường quốc.
RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 25/05/2020