Ảnh minh họa
 AFP
Ảnh minh họa AFP
Quyết định số 588 phê duyệt ‘Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030’ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.
Chương trình vừa nêu được nói nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Cụ thể, nhiều điều chỉnh chính sách được ban hành nhằm tạo điều kiện khuyến khích nam, nữ không kết hôn muộn và sớm sinh con, kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...

Thêm vào đó là hứa hẹn hỗ trợ mỗi hộ gia đình sinh 2 con sẽ được mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình…

Dưới góc độ chuyên môn, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, nhà xã hội học hiện đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng việc lập gia đình trễ và không muốn sinh con đang là một vấn đề không chỉ riêng Việt Nam mà những nước phát triển đều phải đối mặt. Bà phân tích:

“Ở Việt Nam không muốn đẻ nhiều con chủ yếu là ở thành phố chứ ở nông thôn vẫn theo truyền thống ở Việt Nam thời xưa, theo đạo Khổng là có nhiều con mới có nhiều phúc. Còn ở thành phố vẫn có những người muốn con, còn những người bận với công việc, sự nghiệp sẽ ít có điều kiện để tập trung sinh con, cũng có những bạn trẻ bây giờ theo xu hướng của Tây là không thích kiểu ràng buộc gia đình nhiều nên không muốn sinh con nhiều. Còn một yếu tố ảnh hưởng đến việc sinh nhiều con là trước đây coi con cái như mặt an sinh cho tuổi già, khi về già sống dựa vào con. Còn bây giờ có an sinh xã hội khác, được hưởng lương hưu, có nhiều tài sản nên không phải phụ thuộc vào con nhiều quá. Nên chuyện có con chỉ là vấn đề tình cảm nên người ta sẽ bớt đi chuyện muốn có con.”

Không chỉ báo chí loan tin mà trên mạng xã hội, hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lời kêu gọi lập gia đình trước 30 tuổi và sớm sinh con được nhiều bạn trẻ chia sẻ.
Trao đổi với RFA qua Facebook Messenger, chị Hồng Ngọc, 33 tuổi, trình bày quan điểm của chị về kêu gọi kết hôn trước 30 tuổi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra:
Tại sao phải khuyến khích chuyện đó, tuổi tác không quan trọng mà hôn nhân quan trọng là phải đúng người. Nên không thích kiểu phải có tiêu chuẩn là đến lúc đó phải làm chuyện đó cho giống mọi người, không cổ súy cho những chuyện như vậy. Cứ thấy những cặp đôi sợ quá tuổi cưới nhau về sinh con sớm lúc không sẵn sàng rồi li dị, bỏ bê đứa bé lăn lóc, không ai chăm lo, không được giáo dục đàng hoàng, chỉ làm xã hội đi xuống…”

Còn theo chị Phương Thảo, lập gia đình năm 28 tuổi, hiện đang có 2 bé trai lại ủng hộ khuyến khích của chính phủ:
“Khuyến khích thời điểm đó là đúng vì con người máy móc chạy tốt là thời điểm đó, thì nói chung lập gia đình đừng sớm quá, đừng muộn quá, ngay độ tuổi đó là tốt để lập gia đình vì con người khỏe mạnh, sức khỏe tốt, không ảnh hưởng đến sinh đẻ thì nòi giống sẽ tốt hơn.”

Tuy nhiên, chị Thảo vẫn cho rằng, sinh con sớm cũng là một thử thách lớn cho những cặp vợ chồng trẻ vì bây giờ nghĩ lại, nếu kêu sinh con thứ hai chắc chắn chị sẽ suy nghĩ lại vì nuôi con không phải là chuyện dễ dàng:

Thứ nhất là đi học, điều kiện kinh tế, y tế nữa… Nếu kêu sinh con nữa chắc không sinh đâu, sợ lắm. Tiền bạc, học hành chi phí cao lắm. Nếu một gia đình 2 vợ chồng đi làm bình thường, lương công nhân 5-6 triệu/tháng/người thì không đủ điều kiện nuôi 1 đứa con nói chi 2 đứa. cho dù chính phủ hỗ trợ cũng không nuôi nổi, nhiều thứ phải lo lắm. Sinh con hạn chế nhiều thứ, đang đi làm sinh con phải nghỉ ngang, bây giờ đi làm lại cũng không được, rất khó nên phải tìm cách mưu sinh khác, không quay trở lại công việc cũ được.”

Theo quan điểm cá nhân, chị Quỳnh Trang, lập gia đình từ năm 24 tuổi hiện đang sống tại Sài Gòn lại cho rằng nếu có cơ hội, chị sẽ không kết hôn sớm. Chị giải bày:

“Chẳng hạn bản thân suy nghĩ lúc đó bản thân không có nhiều trải nghiệm cuộc sống, mọi thứ rất đơn giản nhưng thật ra cưới về xong không chỉ có tình yêu là được mà còn nhiều thứ ràng buộc, nhưng nếu trẻ tuổi quá, thiếu kinh nghiệm sẽ không biết handle (đảm đương) thế nào. Ví dụ ở Việt Nam mà lấy chồng coi như hầu như là bị mất tự do, không có nhiều trải nghiệm cho bản thân mình. Sau khi lấy chồng xong luôn nói với em gái là từ từ hẵn lấy, tận hưởng cuộc sống tự do, muốn làm gì cứ làm. Không phải lấy chồng là không làm được nhưng dù sao vẫn có những hạn chế nhất định.”

Vẫn theo chị Trang, nếu đã không ủng hộ kết hôn sớm, chuyện sinh con sớm lại càng là vấn đề cần phải suy nghĩ kĩ hơn:

Nói công bằng thì đứng về khía cạnh sinh học thì càng trẻ tuổi đẻ sẽ tốt về mặt sức khỏe, nhưng về mặt tâm lý thì không chắc vì phải chịu trách nhiệm cho một đứa trẻ. Nếu trẻ quá, chưa sẵn sàng về mọi mặt tự nhiên tạo ra một đứa bé sẽ gây rất nhiều xáo trộn trong cuộc sống. Kinh tế chưa dư dả, tự nhiên có thêm thành viên bắt đầu phải lo nhiều hơn là cuộc sống hai vợ chồng thì đương nhiên áp lực về tài chính sẽ nhiều.”

Chính phủ Hà Nội trước đây đã từng đau đầu giải quyết tình trạng dân số tăng quá nhanh bằng cách hạn chế sinh nhiều con trong các hộ gia đình.

Những bảng hiệu, áp phích với biểu ngữ “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ” được cắm nhiều trên các con đường và dán đầy trên tường. Thậm chí những cán bộ công chức nhà nước nếu có nhiều hơn 2 con phải chịu những hình thức cảnh cáo, kỷ luật.
Tuy nhiên đến năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già dân số.
Phải chăng điều này gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước và nỗi lo thiếu hụt nguồn lao động nên chính phủ tích cực khuyến khích người dân sớm lập gia đình và sinh con?

Trao đổi với RFA vào tối ngày 5/5, dưới góc độ kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện Trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương cho rằng với mức tăng trưởng dân số hiện nay vẫn bảo đảm Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu lao động trong nước và cả sang thế giới trong tương lai. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại khó khăn trong việc cân bằng tỉ lệ nam nữ.
“Tình trạng mất cân đối về dân số tức theo truyền thống Việt Nam là trọng nam khinh nữ nên một số nơi tỉ lệ trẻ con nam sinh ra 112 mới có 100 trẻ con nữ. Như vậy trong tương lai không xa sẽ có số lớn đàn ông Việt Nam không có vợ. Đấy là vấn đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quan ngại và có những khuyến khích đẻ hai con sẽ có đủ các trợ cấp, miễn giảm học phí, nhà ở xã hội.”

Còn theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, những khuyến khích mà chính phủ ban hành chỉ đỡ được phần nào cho qua giai đoạn người Việt đang già hóa đi dân số, bớt phần nào gánh nặng an sinh xã hội cho người già. Tuy nhiên, Việt Nam không thể nào cưỡng lại xu thế như các nước khi phát triển lên thì người ta lại càng có xu hướng chậm kết hôn và đẻ ít con hơn!

Nguồn tin: RFA Tiếng Việt