Thời gian còn lại chỉ 8 tháng mà vốn đầu tư công còn tới 611.000 tỷ đồng, làm sao để giải ngân được mỗi tháng hơn 76.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức giải ngân hiện nay? 
Trong một số bài viết trước đây về các giải pháp phục hồi nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch Covid-19, tôi đã kiên trì cho rằng cần kích thích nội nhu để giúp duy trì các hoạt động kinh tế.

Với tỷ lệ xuất nhập khẩu so với GDP trên 200%, độ mở của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao bậc nhất trên thế giới. Với khu vực FDI chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào đầu tư nước ngoài, vào xuất nhập khẩu.

Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy cả chuỗi cung và cầu, tạo ra các cú sốc rất mạnh và đột ngột, làm kinh tế suy giảm, thậm chí là suy thoái. Hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới dự báo tăng trưởng âm, GDP toàn cầu thu hẹp.

Vì vậy, khi thế giới bên ngoài còn đang chịu dịch bệnh, các quốc gia và cả Việt Nam đang phải đóng biên, cắt đường bay thì không thể nói đến khả năng phục hồi nhanh và mạnh như mong muốn được.

Trong bối cảnh đó, kích thích nội nhu, như cách Việt Nam từng chống trọi qua các đợt khủng hoảng hơn mười, hai mươi năm trước là một lựa chọn tối ưu. Trong các giải pháp, không thể không nhắc đến việc thúc giục giải ngân vốn đầu tư công.
Có lẽ, cần đưa ra quy định giải ngân đầu tư công như là một tiêu chí xếp loại cán bộ để không ai liên quan trốn tránh nghĩa vụ này. Ảnh: Lê Anh Dũng/VietNamNet 

Chính phủ đã nhìn nhận trong cuộc họp hôm qua: “Thành công hay thất bại trong tăng trưởng kinh tế năm 2020 phụ thuộc nhiều vào việc giải ngân vốn đầu tư công. Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các cơ quan Trung ương phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch được giao và các nguồn vốn từ các năm trước chuyển sang”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công khoảng 700.000 tỷ đồng trong năm nay là vô cùng quan trọng. Các đồng chí phải xông vào trận, nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời, bám ngày, bám đêm để triển khai cho được, không được để ngành nào, địa phương nào không giải ngân hết số vốn”.

Đây là nhận định rất quan trọng. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 26/2016 với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng.

Thật đáng tiếc, trong 4 năm qua, tỷ lệ giải ngân ngày càng kém đi. Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, số vốn cần phải giải ngân trong năm 2020 là rất lớn, gần 700.000 tỷ đồng, bao gồm tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2020 là 470.600 tỷ đồng và cả số vốn thuộc các kế hoạch trước đây được chuyển nguồn thực hiện, giải ngân trong năm nay.

Như vậy, bốn năm vừa qua mới giải ngân được 2/3 tổng vốn đầu tư công, và còn 1/3 phải được giải ngân trong năm nay. Giải ngân chậm nghĩa là nhiều công trình hạ tầng đường xá, cầu cống, kênh mương, điện,… thiếu hụt, không đảm bảo kế hoạch phát triển. Dự án sân bay Long Thành được duyệt mà mấy năm nay vẫn dẫm chân tại chỗ.

Nhưng có cái may, trong năm 2020 đầy khó khăn này còn một lượng vốn khổng lồ 700.000 tỷ đồng để thúc đẩy phát triển, kích thích nội nhu.

Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổ chức vào ngày 10/4 vừa rồi là một cú huých lớn. Dù ¾ của tháng Tư thực hiện cách ly xã hội, nhưng giải ngân đạt gần 28.000 đồng, tăng 25% so với bình quân giải ngân 3 tháng đầu năm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Rõ ràng, hội nghị của Chính phủ đã làm cho các lãnh đạo địa phương quyết liệt hơn với giải ngân vốn đầu tư công.

Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trong 4 tháng đầu năm nay khoảng 89.000 tỷ đồng, đạt gần 19% kế hoạch năm. Kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 có xu hướng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Để thúc đẩy giải ngân, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thuộc đường cao tốc Bắc-Nam phía đông (08 dự án) từ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện để đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Triển khai hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương thực hiện ngay các dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và dự án đầu tư xây dựng có tính cấp bách của Luật Xây dựng; hoàn thành các thủ tục đầu tư, bảo đảm khởi công trong tháng 8-9 năm 2020 các dự án cao tốc Bắc-Nam ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tiến độ giải ngân 4 tháng đầu năm vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra, đặc biệt là vốn nước ngoài giải ngân khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu do:
Thứ nhất, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương chưa tổ chức họp Hội đồng nhân dân nên chưa quyết định chủ trương đầu tư của một số dự án khởi công mới trong năm 2020 dẫn đến chưa thể giao chi tiết cho các dự án.

Thứ hai, công tác hoàn thiện thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án với các nhà tài trợ nước ngoài, việc phê duyệt thiết kế dự toán, ký kết hợp đồng phải chờ sự chấp thuận hoặc thư không phản đối của các nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian.

Thứ ba, công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn chưa quyết liệt, một số chủ đầu tư chưa phối hợp với kho bạc Nhà nước thực hiện thủ tục hạch toán thu hồi vốn ứng trước, chưa mở tài khoản thanh toán.

Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2020 là 470.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay chỉ có 23 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các dự án để giải ngân vốn. Có 30 bộ, cơ quan trung ương và 57 địa phương chưa giao chi tiết hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020. Tổng số vốn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là gần 421.000 tỷ đồng, đạt hơn 89% kế hoạch đầu tư vốn Thủ tướng giao (470.600 tỷ đồng), thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Xác định được vấn đề mới có giải pháp giải quyết vấn đề đó. Chẳng hạn, với lý do thứ nhất, các tỉnh cần họp hội đồng nhân dân ngay để quyết định chủ trương đầu tư của một số dự án khởi công mới trong năm 2020. Đã xác định là “thời chiến” và cứu nền kinh tế phải là “mặt trận” thì không lẽ gì các tình không họp tiến hành họp hội đồng nhân dân khi dịch bệnh không còn căng thẳng.

Hôm nọ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nhận xét: “Phải thay đổi về cách thức quản lý đầu tư công”.
Dù Luật Đầu tư công vừa được sửa đổi, ông nói một cách thẳng thắn rằng, điểm nghẽn của dự án nằm chính ở quá trình ra quyết định, ở quy trình và thủ tục rối rắm. “Tôi không hiểu vì sao có những dự án không ai phải tranh cãi về nhu cầu, tính cấp bách… như các dự án chống ngập mặn, chống sạt lở, các dự án hạ tầng giao thông, hạ tấng số… lại mất nhiều thời gian để quyết định đến vậy. Thực tế này không thể kéo dài trong bối cảnh bình thường, càng không thể áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh”.

Ông cho rằng, tăng đầu tư công cần phải tăng giám sát qua cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để các bên, nhất là báo chí và người dân, đều có quyền giám sát các cơ quan thực thi dự án. Ví dụ, khi triển khai một dự án đầu tư công, có thể công khai danh sách những người quản lý, người có trách nhiệm trong thực hiện dự án, cùng với thông tin, tiến độ công việc… Cách này tạo áp lực phải làm đúng cho những người có trách nhiệm, các cơ quan quản lý liên quan.

Tất nhiên, không thể đầu tư vội vã mà lặp lại những tình trạng rủi ro như dàn trải, lãng phí, thất thoát và thậm chí tham nhũng mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo trước đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, “việc giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay là vô cùng quan trọng và yêu cầu không được để ngành nào, địa phương nào không giải ngân hết số vốn”.

Thời gian còn lại chỉ 8 tháng mà vốn đầu tư công còn tới 611.000 tỷ đồng, làm sao để giải ngân được mỗi tháng hơn 76.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức giải ngân hiện nay? Giải ngân được số vốn đó là tiêu thụ được sắt, thép, xi măng, điện; là giữ được việc làm; là cứu cho biết bao doanh nghiệp.

Có lẽ, cần đưa ra quy định giải ngân đầu tư công như là một tiêu chí xếp loại cán bộ để không ai liên quan trốn tránh nghĩa vụ này.
Cả hệ thống đã được huy động và rất hiệu quả ở mặt trận chống dịch. Cả hệ thống lẽ nào không phát huy tinh thần đó ở mặt trận thứ hai, cứu nền kinh tế, cứu việc làm, cứu doanh nghiệp – trong đó giải ngân đầu tư công 700 ngàn tỷ đồng được coi là “vũ khí” quan trọng nhất?

Nguồn tin: Vietnamnet