Trung Quốc gia tăng kiểm soát Hồng Kông thông qua đạo luật an ninh (Thanh Phương)

Việc chính quyền Bắc Kinh thông qua đạo luật an ninh đã dấy lên nhiều phản đối ở bên trong và bên ngoài Hồng Kong. Đây không phải là lần đầu tiên mà họ tìm cách áp đặt một đạo luật như vậy lên Hồng Kông. Điều 23 của "Đạo luật cơ bản", được xem như là Hiến Pháp của đặc khu từ gần hai thập niên qua, có dự trù là vùng lãnh thổ này phải có một đạo luật để trừng phạt các hành động "phản bội, ly khai, phản loạn và lật đổ". Nhưng điều khoản đó chưa bao giờ được áp dụng, vì đối với đa số người dân Hồng Kông, điều này đe dọa các quyền tự do mà họ đang được hưởng. Lần cuối cùng mà Bắc Kinh mưu toan áp đặt việc áp dụng điều 23 là vào năm 2003, nhưng trước các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ của dân Hồng Kông vào lúc đó, họ đã phải lùi bước. Tự do đã ăn sâu bén rễ vào ý thức của người dân Hồng Kong nên chắc chắn đa số, đặc biệt là giới trẻ sẽ tiếp tục đương đầu với chính quyền CSTQ.






Người ủng hộ dân chủ biểu tình phản đối các luật lệ mới về an ninh tại Hồng Kông ngày 22/05/2020.
Người ủng hộ dân chủ biểu tình phản đối các luật lệ mới về an ninh tại Hồng Kông ngày 22/05/2020. REUTERS/Tyrone Siu


Trước sự trỗi dậy của xu hướng chống Bắc Kinh tại Hồng Kông, Trung Quốc sẽ thông qua một đạo luật "an ninh quốc gia" riêng cho đặc khu hành chính, nhằm gia tăng kiểm soát. Theo thông báo của phát ngôn viên Quốc Hội Trung Quốc hôm qua, 21/05/2020, dự luật, mà các chi tiết chưa được công bố, sẽ được đưa ra xem xét trong kỳ họp thường niên của Quốc Hội, khai mạc hôm nay, và chắc chắc sẽ được các dân biểu Trung Quốc thông qua.




Đạo luật an ninh được đưa ra gần một năm sau khi bùng phát các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông. Ban đầu là nhằm phản đối việc Bắc Kinh can thiệp ngày càng nhiều vào Hồng Kông, phong trào phản kháng đã chuyển thành phong trào đòi quyền tự trị rộng rãi hơn cho đặc khu hành chính này. Trong các cuộc biểu tình, đã nổ ra nhiều vụ đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và những thành phần cực đoan, nhưng đồng thời, cũng từ phong trào này, đã hình thành một xu hướng đấu tranh cho quyền tự quyết, thậm chí đòi độc lập cho Hồng Kông.
Như vậy phong trào phản kháng tại Hồng Kông đã vượt qua lằn ranh đỏ mà Bắc Kinh không thể chấp nhận, nhất là vì trong thời gian qua họ đã rất bất bình khi thấy chính quyền đặc khu hành chính này không thông qua được một đạo luật chống lật đổ.

Cho tới nay, trong khuôn khổ khái niệm "Một đất nước, hai chế độ", Hồng Kông vẫn được hưởng một quyền tự trị rất lớn so với Hoa lục. Người dân ở đặc khu hành chính này được hưởng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và nền tư pháp vẫn được độc lập, các quyền mà ở những nơi khác của Trung Quốc không có.

Nhưng nay, với đạo luật an ninh sắp được Quốc Hội thông qua, khái niệm "Một quốc gia, một chế độ" kể từ nay "chính thức hình thành ở Hồng Kông", như phản ứng châm biếm của nghị sĩ theo phe dân chủ Trần Thục Trang (Tanya Chan), được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua. Một nghị sĩ khác thuộc phe dân chủ là Quách Vinh Khanh (Dennis Kwok) thì ngay tối qua cũng đã lên án Bắc Kinh "bội hứa" và tuyên bố: "Tôi chỉ muốn nói với cộng đồng quốc tế rằng điều này đánh dấu sự cáo chung của Hồng Kông".

Theo hãng tin AFP, trên các diễn đàn và trên các ứng dụng tin nhắn mà phe dân chủ đang sử dụng, đang có ngày càng nhiều lời kêu gọi dân Hồng Kông xuống đường phản đối đạo luật an ninh.

Về phần các đảng thân Bắc Kinh ở Hồng Kông, dĩ nhiên, họ ủng hộ việc Quốc Hội Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh quốc gia. Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng tuyên bố sẽ "hợp tác hoàn toàn" với Bắc Kinh để áp dụng đạo luật an ninh cho Hồng Kông.
Đây không phải là lần đầu tiên mà chính quyền trung ương Bắc Kinh tìm cách áp đặt một đạo luật như vậy lên Hồng Kông. Điều 23 của "Đạo luật cơ bản", được xem như là Hiến Pháp của đặc khu từ gần hai thập niên qua, có dự trù là vùng lãnh thổ này phải có một đạo luật để trừng phạt các hành động "phản bội, ly khai, phản loạn và lật đổ". Nhưng điều khoản đó chưa bao giờ được áp dụng, vì đối với đa số người dân Hồng Kông, điều này đe dọa các quyền tự do mà họ đang được hưởng. Lần cuối cùng mà Bắc Kinh mưu toan áp đặt việc áp dụng điều 23 là vào năm 2003, nhưng trước các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ của dân Hồng Kông vào lúc đó, họ đã phải lùi bước.

Không chỉ gây phẫn nộ trong dư luận Hồng Kông, đạo luật an ninh còn gây phản ứng mạnh từ phía Hoa Kỳ. Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Morgan Ortagus đã cảnh báo Bắc Kinh rằng việc thông qua đạo luật sẽ gây bất ổn rất lớn cho đặc khu hành chính này. Như vậy, vấn đề Hồng Kông có nguy cơ gây thêm căng thẳng cho quan hệ Mỹ-Trung, vào lúc hai nước đang cáo buộc nhau về dịch Covid-19.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt