Cờ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ảnh minh hoạ.                © AFP
Cờ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ảnh minh hoạ. © AFP
Chiến tranh lạnh Mỹ - Trung không có dấu hiệu « tan băng ». Dịch Covid-19 đang làm suy yếu thêm thỏa thuận ngừng chiến song phương trên mặt trận mậu dịch ký kết ngày 15/01/2020. Cả Washignton lẫn Bắc Kinh cùng lớn tiếng đe dọa đối phương chấm dứt đối thoại.

Mỹ dồn hỏa lực tấn công

Về mặt chính thức, cho đến ngày 08/05/2020 đôi bên cùng tuyên bố tạo « điều kiện thuận lợi thực thi thỏa thuận sơ bộ nhằm đạt được những kết quả tích cực về kinh tế và thương mại », chấm dứt cuộc đọ sức kéo dài từ tháng 3/2018. Chỉ một tuần sau đó, tại Mỹ, dịch Covid-19 đẩy thêm vài triệu người lao động vào cảnh thất nghiệp, những khó khăn kinh tế chồng chất đe dọa thêm khả năng tái đắc cử của Donald Trump, Nhà Trắng dường như đã thay đổi hẳn quan điểm.

Trên đài truyền hình Fox News, Donald Trump dọa Trung Quốc « phải mua (hàng Mỹ), nếu không chấm dứt thỏa thuận », Washington sẽ « đánh thuế vào các doanh nghiệp Mỹ nếu số này sản xuất hàng ở nước ngoài » thậm chí là cũng có thể « cắt đứt giao thương » với Bắc Kinh, tránh được thâm hụt mậu dịch « 500 tỷ đô la ». Sau nhiều lần ca ngợi « bạn hiền » Tập Cận Bình, giờ đây nguyên thủ Mỹ tuyên bố « hiện tại không muốn nói chuyện » với lãnh đạo Trung Quốc.

Cùng lúc, ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh đến sự cần thiết cấp bách để Hoa Kỳ « độc lập về mặt kinh tế », đầu tiên hết là chấm dứt sự lệ thuộc vào bạn hàng Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào khiến Mỹ dồn dập tấn công Trung Quốc ở vào thời điểm này ? Trả lời RFI Việt ngữ nhà nghiên cứu Jean-François Boittin, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) và Trung Tâm  Nghiên Cứu Về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế (CEPII) của Pháp, cho rằng Covid-19 đang đặt ra một thách thức rất lớn cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc do vậy đôi bên cùng vừa phải đối phó với khủng hoảng, vừa tìm cách đổ lỗi cho đối phương để « chạy tội » với công luận trong nước :

Jean-François Boittin : « Có hai chuyện liên hệ chặt chẽ với nhau trong câu hỏi này. Một mặt là nghi ngờ về khả năng của Trung Quốc tôn trọng những cam kết thương mại đã thông qua với Hoa Kỳ hồi tháng Giêng năm nay, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc cũng đang bị dịch Covid-19 làm chao đảo. 

Đành rằng Bắc Kinh cố gắng đưa ra những dấu hiệu cho thấy kinh tế đang từng bước phục hồi, nhưng trên thực tế, bài toán nan giải hơn nhiều. Mặt khác, về phía Hoa Kỳ, chính giới Mỹ và cả chính quyền Trump liên tục có những phản ứng gay gắt với Bắc Kinh, thành thử quan hệ thương mại song phương không được suôn sẻ. Chúng ta có thể đoán một cách dễ dàng là Washington tìm một lối thoát, chuyển hướng bực tức của công luận Mỹ sang phía Trung Quốc, để mọi người quên bớt là chính quyền Trump đã có những chậm trễ và xử lý kém cỏi dịch bệnh lần này. 

Cả hai yếu tố vừa nêu cho thấy quan hệ Mỹ - Trung, cả về chính trị lẫn thương mại, đều khá phức tạp trong ít nhất là từ nay cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11 năm nay ».

Vài ngày trước lễ khai mạc kỳ họp thứ 3, khóa 13 Quốc Hội Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng Bắc Kinh nên tranh thủ khủng hoảng kinh tế trong thời điểm này để « đàm phán lại » với Mỹ về thỏa thuận  thương mại mậu dịch bán phần, theo đó Trung Quốc đã cam kết mua vào 200 tỷ đô la hàng của Mỹ từ nay đến năm 2022 và đổi lại Washington ngừng các biện pháp đánh thuế nhập khẩu vào hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ.

Vì sao Bắc Kinh muốn đàm phán lại với Mỹ ? Chuyên gia Jean-François Boittin làm việc tại thủ đô Washington cho rằng câu trả lời của ông không sắc bén bằng các đồng nghiệp đang công tác tại Bắc Kinh, dù vậy virus corona đặt cả cỗ máy kinh tế đồ sộ của Trung Quốc trước thử thách :

Jean-François Boittin : « Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Trung Quốc khó có thể giữ được những cam kết với Mỹ trong giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại. Theo thống kê từ cả hai phía, trong bốn tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ so với phía bên kia - đều giảm sụt. 

Có hai yếu tố giải thích cho sự giảm sụt này : Một là Trung Quốc giảm mua hàng của Mỹ vì những lý do nhất thời thí dụ như giảm mua đậu tương của Hoa Kỳ mà thay vào đó là mua đậu tương của Brazil, bởi vì Brazil được mùa và bán nông phẩm với giá rẻ. Nhưng nghiêm trọng hơn là hiệu ứng về lâu về dài. Thí dụ Trung Quốc cam kết mua thêm máy bay Boeing, nhưng trong bối cảnh hiện tại, toàn bộ ngành giao thông hàng không bị tê liệt vì virus corona thì làm sao Bắc Kinh có thể đặt mua thêm máy bay Mỹ được ? »

Theo thống kê của bộ Thương Mại Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc trong tháng 4/2020 giảm 11,1%. Như vậy, Trung Quốc còn đang « đứng rất xa », mục tiêu tăng 6% kim ngạch nhập khẩu với Hoa Kỳ trong năm 2020 như tinh thần của thỏa thuận thương mại bán phần Mỹ - Trung ký kết vào tháng Giêng vừa qua.

Áp thuế : Bản cũ soạn lại ?

Cũng trong cuộc nói chuyện trên đài truyền hình được ông ưa chuộng nhất, Fox News vào tuần trước, nguyên thủ Mỹ một lần nữa lại dùng đòn thuế khóa để dọa Trung Quốc nhưng theo chuyên gia Jean-François Boittin, đây là một biện pháp khó khả thi :

Jean-François Boittin : « Đành rằng đây là một đe dọa từng được tổng thống Donald Trump nêu lên nhưng vấn đề đặt ra là cho đến nay, Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng Trung Quốc bán cho các tập đoàn sản suất của Hoa Kỳ. Washington liên tục dùng đòn này từ đầu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hiện tại, cho dù đôi bên đã đạt được thỏa thuận bán phần để tạm ngừng chiến, nhưng một số các biện pháp trừng phạt đó vẫn tồn tại.
Nếu lại dùng tiếp thủ thuật này, Nhà Trắng bắt buộc phải áp thuế trên các mặt hàng được sử dụng đại trà ở Mỹ. Những nạn nhân đầu tiên sẽ là người tiêu dùng và giới tiểu thương, các dây chuyền phân phối ở Hoa Kỳ. Có điều vì Covid-19 hàng loạt các cửa hàng đã phải đóng cửa, nhân viên bị mất việc. Do vậy, tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ đồng nghĩa với việc đánh thẳng vào túi tiền, vào sức mua của các hộ gia đình Mỹ, gây thêm khó khăn cho các cửa hàng ở Hoa Kỳ. Vài tháng trước bầu cử không chắc chính quyền Trump dám sử dụng chiêu bài này. »

Mục tiêu triệt thoái công nghệ cao của Trung Quốc

Thực ra Donald Trump nhắm tới việc « đánh thuế các doanh nghiệp Mỹ sản xuất ở hải ngoại » và theo ông, một tập đoàn như Apple chẳng hạn, hoàn toàn có khả năng « làm ra sản phẩm 100% » từ trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Tuyên bố này không hơn không kém là một « lời tuyên chiến » nhắm vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà ở đó Trung Quốc đang chiếm một vị trí « trung tâm ». Mỹ không chỉ khai mào một cuộc khẩu chiến, chính quyền Trump một lần nữa, tấn công vào « điểm nhạy cảm » nhất của Bắc Kinh là tập đoàn viễn thông Hoa Vi.
Bộ Thương Mại ngày 15/05/2020 thông báo: cấm tất cả các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn cho Hoa Vi trên thế giới sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ. Thực ra, từ một năm nay, lệnh cấm chỉ liên quan đến các nhà sản xuất Mỹ như Intel, AMD, Qualcomm... nhưng lần này quyết định nhằm « bóp nghẹt » con chim đầu đàn của nền công nghệ high-tech Trung Quốc được áp dụng luôn cả  đối với các nhà cung cấp cho Hoa Vi như Samsung của Hàn Quốc hay STMicroelectronics, Infineon của châu Âu. Mỹ đang kiểm soát 50% thị trường bán dẫn của thế giới, và phần lớn các công nghệ cũng như phần mềm các hãng của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan và châu Âu đang sử dụng đều có dấu ấn của các tập đoàn Mỹ.

Cũng cần nói thêm là từ trước khi Nhà Trắng viện lý do an ninh trừng phạt Hoa Vi, thì tập đoàn do một kỹ sư từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc sáng lập này đã tự lo thân, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn nước ngoài. Hoa Vi đầu tư cho công ty con là HiSilicon. Theo thẩm định của cơ quan tư vấn IC Insights, nhờ Hoa Kỳ, trong vỏn vẹn 1 năm, HiSilicon đang từ hạng thứ 15 đã chen được vào danh sách 10 nhà sản xuất linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới.

Đối với Nhà Trắng, việc cả Hoa Vi lẫn HiSilicon vẫn bình an và thậm chí là còn phát triển mạnh hơn so với một năm trước đây là một mối đe dọa đối với « an ninh và chính sách đối ngoại » của Hoa Kỳ như bộ trưởng Thương Mại Mỹ, Wilbur Ross đã giải thích. Đây mới là cốt lõi trong hồi thứ nhì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Đương nhiên ở góc đài bên kia, Bắc Kinh hứa hẹn « trả đũa » đích đáng những ai động chạm vào quyền lợi kinh tế của Trung Quốc. Ở đây rõ ràng là dù có dịch Covid-19 hay không thì mục tiêu của Mỹ vẫn là bóp chết đà vươn lên của công nghệ cao Trung Quốc để bảo đảm thế thượng phong của các tập đoàn Hoa Kỳ.

Điều đó không cấm cản, virus corona càng đe dọa chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump, chủ nhân Nhà Trắng càng có những tuyên bố quyết liệt nhắm vào Bắc Kinh. Tác động thực sự của những khẩu hiệu bài Trung Quốc đó ra sao ? Đấy lại là một chuyện khác. Thành phần cử tri Mỹ trung thành với Donald Trump không nhất thiết phải hiểu được rằng cả Washington lẫn Bắc Kinh vào thời điểm này chẳng có lợi ích gì khơi lại ngọn lửa chiến tranh thương mại. Rõ rệt nhất là vào lúc Donald Trump dọa « cắt đứt giao thương » với Trung Quốc, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, Larry Kudlow cũng trên Fox News, đã xoa dịu căng thẳng, qua tuyên bố « thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 vẫn còn hiệu lực và Bắc Kinh đang cố gắng tôn trọng những điều đã cam kết » với Hoa Kỳ. Để đáp lễ, Trung Quốc lập tức công bố danh sách những mặt hàng Mỹ được miễn thuế nhập khẩu.
Trên mặt trận thương mại, virus corona tạo thêm cơ hội để Mỹ - Trung gay gắt hơn với nhau nhằm ghi điểm với công luận trong nước. Dịch Covid-19 không hề làm xáo trộn chiến lược về lâu dài của cả Washington lẫn Bắc Kinh để làm bá chủ thương mại quốc tế.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt