Việt Nam: Facebook kiểm duyệt bài, sau khi bị chính quyền ghìm tốc độ truy cập

Mục tiêu ban đầu của mạng xã hội Facebook là xây dựng cộng đồng và mang thế giới xích lại gần nhau hơn. Nó tôn trọng quyền tự do biểu đạt và thông tin đa chiều. Nhưng với thời gian, đằng sau những bê bối về việc thu thập dữ liệu riêng tư để bán quảng cáo, chấp nhận thỏa hiệp với các chính quyền độc tài về việc kiểm duyệt thông tin...Facebook cũng như các loại hình khác đặt ra cho chúng ta những câu hỏi về vai trò truyền thông đối với thị trường và Người dân! Người dân nói chung, hay các khán, thính giả đối với báo chí, tivi, mạng xã hội nói riêng không chỉ là những người tiêu thụ sản phẩm, họ là những người tham gia vào thị trường và tạo ra thị trường. Vì lẽ đó người dân có quyền được chia sẻ và tham dự vào đời sống chính trị, liên quan vào việc hình thành các ý kiến chính trị trung thực và đa nguyên nhất. Các phương tiện truyền thông cung cấp những nhu cầu căn bản trong địa hạt này không thể chỉ phụ thuộc vào duy nhất lợi ích quảng cáo. Không thể cứ để mặc lợi nhuận quyết định nguồn tin nào là quan trọng đến từng nhóm người. Lấy ví dụ là nước Mỹ, chúng ta có thể kiểm điểm sự chia rẽ trong đời sống chính trị của người dân Mỹ trên mạng xã hội đến đời thực từ nhiều năm qua. Nguyên nhân đến từ việc lượng thông tin được tối đa hóa theo thói quen và sở thích của người đó để khai thác tối đa lợi nhuận quảng cáo. Người ủng hộ Cộng Hòa sẽ chỉ đọc những thông tin có lợi cho Cộng Hòa, ở chiều ngược lại là Dân Chủ. Dần dần hậu quả là sự thật và tính đa nguyên không còn được tôn trọng, một văn hóa chính trị tribalism theo "chủ nghĩa bộ lạc" được hình thành và khoét sâu thêm sự chia rẽ, làm người ta bỏ qua tình đồng bào, căn cước tập thể chung để chỉ ra "phe ta, phe địch".



Một cư dân mạng xem cổng thông tin của chính phủ qua Facebook, Hà Nội, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 30/12/2015.
Một cư dân mạng xem cổng thông tin của chính phủ qua Facebook, Hà Nội, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 30/12/2015. REUTERS - Nguyen Huy Kham

Hãng tin Anh Reuters ngày 21/04/2020 tiết lộ: Mạng Facebook đã phải đồng ý kiểm duyệt nhiều bài đăng bị chính quyền Việt Nam cho là có nội dung “chống phá Nhà Nước”, sau khi việc truy cập vào mạng này tại Việt Nam đã bị chậm lại đáng kể hồi đầu năm nay.  

Theo hai nguồn tin từ tập đoàn Facebook, các công ty viễn thông Nhà Nước của Việt Nam đã để các máy chủ hoạt động ở dạng ''ngưng kết nối - offline'' trong khoảng 7 tuần, khiến việc truy cập Facebook bị gián đoạn.

Reuters dẫn một nguồn tin xin giấu tên xác định “Chúng tôi tin là động thái đó nhằm gây sức ép mạnh đối với chúng tôi (tức là Facebook) để đáp ứng những yêu cầu gỡ bỏ khỏi mạng các nội dung, mà người sử dụng Facebook ở Việt Nam có thể xem được”.

Bản thân Facebook cũng đã chính thức công nhận trong một e-mail rằng họ đã miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu của chính phủ Việt Nam đòi “giới hạn việc tiếp cận các nội dung bị coi là vi phạm pháp luật ở Việt Nam”.

Hãng tin Anh cho biết thêm là bộ Ngoại Giao Việt Nam không thấy trả lời yêu cầu xác minh của Reuters, trong lúc các tập đoàn viễn thông lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT cũng chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Tuy nhiên, tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), có trụ sở tại Anh Quốc, đã lên tiếng kêu gọi Facebook đình chỉ ngay lập tức hành động kiểm duyệt.

Trong một thông cáo công bố hôm nay, 22/04/2020, Ân Xá Quốc Tế cho rằng “việc Facebook tuân thủ các yêu cầu nói trên của Việt Nam đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Các chính phủ trên khắp thế giới sẽ xem đấy là một lời mời để ngỏ, nhằm lôi kéo Facebook vào việc phục vụ các chiến dịch kiểm duyệt của chính quyền các nước”.
 
Trong thời gian qua, Facebook đã phải đối mặt với áp lực đòi gỡ bỏ các nội dung chống chính phủ ở nhiều quốc gia.

Việt Nam bị nhiều chỉ trích về việc hạn chế thông tin, đàn áp các nhà báo và blogger. Theo báo cáo mới của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới được công bố hôm qua 21/04/2020, Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí 2020. Trong xếp hạng của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới hồi năm ngoái, Việt Nam xếp hạng thứ 176.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt