Người nghèo vẫn chờ tiền Chính phủ hỗ trợ do dịch COVID-19 (Cao Nguyên)
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của nhiều người dân, đặc biệt là phần đông những người nghèo khổ sống ở những thành phố lớn...làm lộ ra một khoảng trống liên đới xã hội mà một chính quyền lương thiện, đứng đắn phải đảm nhận chính. Dù cảm phục những tấm lòng từ thiện, hay tinh thần tương trợ nhau của những nhà hảo tâm nhưng những việc làm này sẽ không thể giải quyết được quy mô trên toàn xã hội. Con số người bị ảnh hưởng trực tiếp lên tới hàng triệu. Chính quyền CSVN có lẽ sẽ không thể có những biện pháp mạnh mẽ hơn một phần vì ngân sách chi thường xuyên cho bộ máy hội, đoàn, cán bộ, công chức quá cồng kềnh...đã thế còn phải chi tiền cứu những doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả và tham nhũng trong giai đoạn này. Nhà nước dân chủ đa nguyên của Việt Nam trong tương lai sẽ phải xem liên đới xã hội như là một ưu tư thường trực trong chính sách quốc gia.
Hình minh hoạ. Người nghèo nhận thực phẩm mùa dịch COVID-19 ở Hà Nội Reuters |
Để đối phó với những ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày
8/4/2020, Chính phủ Việt Nam ban hành gói an sinh xã hội trị giá 62.000
tỷ đồng, với ước tính sẽ có khoảng 20 triệu người sẽ nhận được hỗ trợ,
tuỳ đối tượng, trong vòng 3 tháng, từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay.
Có sáu nhóm chính sẽ nhận được tiền hỗ
trợ. Phát biểu về gói an sinh xã hội được cho là “chưa từng có” này, Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng mục tiêu là “không để ai bị bỏ lại phía
sau”, cũng như đốc thúc "phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân
không thể chờ đợi hơn.”
Tuy nhiên, cho đến ngày 21 tháng Tư,
nhiều người mà Đài Á Châu Tự do liên hệ thuộc sáu nhóm được hỗ trợ đều
cho biết chỉ nghe thông tin trên báo đài vậy thôi chứ chưa nhận được
tiền và nhiều người vẫn đang chờ đợi sự hỗ trợ của Chính phủ.
Ngọc Minh, nhân viên làm việc tại một
khách sạn ở Phú Quốc phải nghỉ làm không lương từ đầu tháng Ba do toàn
bộ nhà hàng khách sạn ở hòn đảo này bị ngưng hoạt động, cho biết hiện
nay chưa rõ làm sao để nhận được tiền hỗ trợ mà Chính phủ hứa:
“Chắc là mai mốt có xe về quê lại thì em mới lên xã khai báo để nhận tiền chứ giờ chưa có”
Ông Long Trần, một lao động tự do ở Sài
Gòn cho biết mình cũng không thể làm gì từ ngày có chỉ thị “cách ly xã
hội”. Dù vậy, ông Long cho rằng vẫn có thể xoay sở được nên không quan
tâm và cũng sẽ không nhận hỗ trợ của Chính phủ:
“Tôi không quan tâm, có cũng không
cần nữa, lấy làm chi mấy cái đó. Để cho người khác cần hơn chứ đối với
anh nó không đáng. Tôi xoay sở được, không có việc này mình tìm việc
khác.”
Trần Thắng, là chủ một khách sạn ở Hà
Tĩnh cho biết từ hơn một tháng nay, ông thất thoát gần 100 triệu đồng do
khách sạn không thể hoạt động. Nhân viên cũng phải nghỉ việc không
lương. Ông Thắng chỉ nghe Sở Tài chính của Tỉnh thông báo về gói hỗ trợ
này chứ cũng chưa ai nhận được tiền.
Ông Nguyễn Văn Quang là một người khuyết
tật bán vé số ở TP.HCM chia sẻ với RFA rằng cuộc sống của ông khó khăn
hơn rất nhiều kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, rồi nhà nước lại ra
lệnh tạm ngưng việc buôn bán vé số khiến ông không có thu nhập. Công ty
sổ số kiến thiết cũng chỉ hỗ trợ cho người bán vé số 750 ngàn đồng:
“Hiện tại Chính phủ đang tạm ngưng
cho những người bán vé số hoạt động, chờ lệnh mới, cũng chưa biết tới
chừng nào. Nhưng mà bây giờ ngay mùa dịch Corona này tụi mình phải chịu
chấp nhận cảnh đó để giữ gìn sự sống và đừng để lây lan chứ biết làm
sao.
Mình ở trọ, ông chủ nơi mình ở đưa
danh sách lên phường, rồi ở phường họ biết mình bán vé thì họ giúp đỡ
cho 750 ngàn đồng. Tiền đó là do xổ số kiến thiết gửi. Phường cũng cho
thêm 200 ngàn đồng với gạo và mấy gói mì.”
Còn thông tin về gói hỗ trợ an sinh xã
hội cho những người nghèo, người lao động không có hợp đồng thì ông
Quang hoàn toàn không biết:
“Cái đó thì hoàn toàn chú không biết.
Khi nào ai kêu thì mình nhận, không kêu thì thôi. Bây giờ cũng khổ lắm
ai thương cho thì ăn chứ mình cũng không đòi hỏi gì.
Hiện giờ mặc dù đã 77 tuổi nhưng chú
vẫn hy vọng mau hết mùa dịch này để còn ra đường bươn chải. Cuộc sống
của chú đã hơn 40 năm gắn liền với việc bán vé số này rồi.”
Tự giúp nhau trong khi chờ Chính phủ
Trong tình cảnh hiện tại, khi không thể
làm việc mà cũng chưa nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, người dân chỉ
biết nương tựa nhau, giúp nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thay vì đợi Chính phủ giúp đỡ, nhiều
người có lòng hảo tâm trên cả nước đã phát thực phẩm, nhu yếu phẩm, khẩu
trang… cho những ai không có điều kiện.
Những điểm phát quà với khẩu hiệu “nếu
khó khăn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường lại cho người khác”,
siêu thị 0 đồng hoặc phát kiến ATM gạo nhanh chóng được hưởng ứng khắp
cả nước.
Ông Quang chia sẻ rằng hiện giờ mình chỉ nhờ vào lòng thương của mọi người để sống qua ngày:
“Bây giờ bị đóng cửa ở nhà không làm
gì hết, người này cho gạo, người kia cho tiền có mà xài vậy thôi, cũng
ăn tạm sống qua ngày.
Nhà trọ bây giờ đang ở mà cũng không
có tiền để đóng. Chủ trọ cho thay vì mỗi lần 2 triệu thì nay giảm còn
một triệu. Gạo thóc thì người ta cũng cho ăn, nhưng có cái là không được
sung sướng như hồi đi bán vé số muốn ăn gì cũng có, còn bây giờ như vậy
thì cũng phải chịu, dịch chung mà ai cũng phải vậy hết.
Nhiều người giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn
cũng có đem đến cho chú mỗi ngày một phần cơm. Cuộc sống mình đơn giản
thì nó cũng được thôi. Nói chung là mạnh thường quân có lòng hảo tâm họ
cũng giúp đỡ mỗi người một ít thì cũng đủ sống.”
Hiện nay, ở nhiều góc phố Hà Nội có treo
tấm bảng “Hỗ trợ thực phẩm miễn phí” kèm theo số điện thoại để người
nghèo có thể liên hệ nhận quà.
Chị Trang, một người trong nhóm thiện
nguyện này cho RFA biết về nguyên do “ship quà tận nơi” là để tránh tập
trung đông người, phòng ngừa khả năng lây nhiễm chéo cho nhau:
“Thực ra bọn em không phải là từ cơ
quan, tổ chức, đoàn thể nào cả. Vì việc phong tỏa toàn thành phố Hà Nội
nên đã có rất nhiều người vô gia cư và lao động nghèo từ các tỉnh thành
khác bị kẹt lại ở đây. Mà nếu ở lại Hà Nội thì cũng phải duy trì các chi
phí sinh hoạt ví dụ như vẫn phải trả tiền thuê nhà, rồi phải lo cho
việc ăn uống mà lại không có điều kiện đi lao động bởi vì các cơ sở đều
phải đóng cửa hết.
Đó là lý do mà mấy chị em mỗi người
đóng góp một chút để đầu tiên là chỉ giải quyết tạm thời cứu trợ thực
phẩm đến với những người vô gia cư, người già neo đơn và những người lao
động nghèo. Họ làm những công việc như lao công, nhặt rác mà không được
một sự trợ cấp hoặc hỗ trợ nào từ phía Chính quyền. Bọn em đã phát động
chương trình này cách đây hai tuần trước.”
Chị Trang còn cho biết thêm rằng những
người mà nhóm tặng quà, giúp đỡ đa phần là vô gia cư, bệnh tật và chưa
ai nhận được tiền hỗ trợ từ Chính phủ. Ngoài ra, các phát biểu khác của
ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như giảm giá điện, giá thực phẩm cũng
chưa thấy gì:
“Giá điện vẫn chưa thấy được thông báo
giảm, giá xăng thì có giảm, còn thịt cá thì hôm qua em vừa đi mua là
khoảng 17 nghìn một lạng, 170 nghìn một ký.”
Trước đó, từ ngày 20/3, ông Phúc phát
biểu rằng sẽ kiên quyết đưa giá thịt xuống trong thời gian tới, còn
khoảng 60.000 đồng/kí để giảm gánh nặng cho người dân trong mùa dịch
bệnh.
Trong khi những cam kết hỗ trợ, giúp đỡ
dân vẫn chưa được thực thì vào ngày 21/4, mạng báo VnExpress đưa tin
MTTQ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã cử cán bộ
đến "gõ cửa" hộ dân kêu gọi góp tiền chống COVID -19. Các hộ nghèo, hộ
cận nghèo được miễn, các hộ dân khác ủng hộ mỗi hộ ít nhất 20.000 đồng.
Nguồn tin: RFA Tiếng Việt