Virus corona: Thuyền nhân VN ngậm ngùi với tin Galang thành nơi trị Covid-19 (Tina Hà Giang)

Galang từng được Indonesia dùng làm trại tị nạn cho những thuyền nhân người Việt chạy trốn khỏi nanh vuốt của chế độ cộng sản từ năm 1979 đến năm 1996. Đối với thế giới văn minh, cộng sản cũng là một thứ dịch bệnh gây thảm họa với hàng trăm triệu nạn nhân.

Như một sự tình cờ, ngày nay, sau hơn 20 năm đóng cửa, Galang lại được Indonesia sử dụng để dung dưỡng những nạn nhân của một đại dịch khác cũng xuất phát từ một nước cộng sản : covid - 19.

Công nhân Indonesia, hôm 20/3, tại công trình xây bệnh viện chuyên chữa trị người bị lây nhiễm COVID-19 tại trại tị nạn của thuyền nhân Việt Nam ngày xưa trên đảo Galang, Batam, quần đảo Riau.
NurPhoto/Getty Images
Công nhân Indonesia, hôm 20/3, tại công trình xây bệnh viện chuyên chữa trị người bị lây nhiễm COVID-19 ở trại tị nạn của thuyền nhân Việt Nam ngày xưa trên đảo Galang, Batam, quần đảo Riau.

Với thuyền nhân Việt Nam từng ở trại tị nạn Galang, Indonesia, tin một trung tâm chăm sóc người bị lây nhiễm COVID-19 đang được xây tại khu tị nạn ngày xưa là sự kiện gây cảm xúc lẫn lộn.

Hôm 4/3, ngay sau khi xác nhận hai trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên, chính phủ Indonesia đã lập kế hoạch chuyển trại tị nạn Galang, Batam, thuộc Quần đảo Riau, thành một bệnh viện cho bệnh nhân COVID-19, theo tin của Jakarta Post.

Ngày 9/3, giới chức Indonesia đến thăm địa điểm lần thứ hai và xác định đây là nơi thích hợp nhất để xây bệnh viện, và mọi việc bắt đầu được xúc tiến.

Tiếp xúc với BBC News Tiếng Việt qua điện thoại hôm 22/3, bà Carina Hoàng, thuyền nhân từng ở Galang một thời gian, và là người gắn bó với lịch sử người Việt tị nạn, cho biết khi nghe tin bà thoạt đầu cảm thấy khá ''buồn và lo''.

''Buồn là di tích lịch sử không ít thì nhiều cũng sẽ bị thay đổi. Lo là như vậy những cuộc viếng thăm tảo mộ của người Việt mình sau bao nhiêu năm vẫn đang xảy ra, không biết có còn được tiếp tục.'' Carina Hoàng giải thích.

''Du khách hiện đã bị cấm đến vùng này. Sau một thời gian nữa thì không biết sẽ ra sao?'' Người phụ nữ một thời từng tổ chức những chuyến giúp người Việt đi Indonesia tìm mộ người thân, bâng khuâng.

''Dù sao đây cũng là một tin tích cực, xóa bớt những u ám của nạn virus corona lây lan khắp nơi khiến bao nhiêu người chết, và dồn nhiều gia đình vào tình cảnh khó khăn.'' Bà nói.


Được hỏi cảm tưởng, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, từng ở trại tị nạn Galang 6 tháng vào năm 1984, phát biểu:

''Galang từng dung chứa những phận người buộc phải trốn chế độ cộng sản, căn bệnh ung thư của nhân loại, nay nơi này lai đang tay cứu trị một dịch bệnh khác cũng phát sinh từ một xử sở bị cộng sản cai trị. Galang luôn là phần đất lành cho những người gặp nạn.''

Đường vào trại tị nạn Galang
FB Galang Refugee Camp
Đường vào trại tị nạn Galang

'Galang luôn là phần đất lành cho những người gặp nạn'
FB Galang Refugee Camp
'Galang luôn là phần đất lành cho những người gặp nạn'

Cổng chùa tại trại tị nạn Galang
FB Galang Refugee Camp
Cổng chùa tại trại tị nạn Galang

Tin trại trại tị nạn Galang đang được biến thành bệnh viện chuyên chăm sóc người bị lây nhiễm COVID-19 không được phổ biến rộng rãi, nhưng nhà báo tự do Bùi Văn Phú, từng có thời gian làm việc ở đây, là một trong những người theo dõi kỹ tin này.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt sáng 23/3, ông Bùi Văn Phú chia sẻ:

''Hồi đầu tháng tôi có nghe tin là chính phủ Indonesia dự định dùng Galang để cách ly và chữa trị những người bị nhiễm Covid-19. Nơi này trước đây là trại tị nạn đón tiếp người tị nạn Việt Nam từ 1979 đến 1996 và nơi này đã có hệ thống nước sạch, có điện.''

''Theo những người Việt, cựu thuyền nhân trở về thăm trại trong những năm qua thì nhiều toà nhà, nơi làm việc của những cơ quan giúp người tị nạn trong đó đến nay vẫn còn trong tình trạng có thể sử dụng được. Các nhà thờ, nhà chùa cũng còn được bảo trì.''

Cho biết không ngạc nhiên khi chính phủ Indonesia chọn Galang để xây bệnh viện, nhà báo Bùi Văn Phú giải thích:

''Khi nghe tin này tôi không ngạc nhiên vì biết Galang vẫn còn những hạ tầng cơ sở để đón tiếp và săn sóc cho người bệnh nếu họ phải cách ly ở đó, như từng đón tiếp thuyền nhân vượt biển trước đây, vì ở đó đã có hệ thống nước sạch, có nhà máy phát điện và một số toà nhà còn dùng được, chỉ cần tân trang lại. Đây là một đảo có hạ tầng cơ sở tốt, con đường tráng nhựa từ cầu tầu vào Galang 1 rồi Galang 2 vẫn còn tốt. Nhiều cựu thuyền nhân đã trở lại thăm Galang trong những năm qua.''

Trại tị nạn Galang, 1986
Bùi Văn Phú
Trại tị nạn Galang, 1986

Trại tị nạn Galang, 1986
Bùi Văn Phú

Trại tị nạn Galang, 1986
Bùi Văn Phú

Trại tị nạn Galang, 1986
Bùi Văn Phú

Quyết định nhanh, thi hành chóng

Kế hoạch chuyển trại tị nạn Galang, Batam, Quần đảo Riau, thành một bệnh viện cho bệnh nhân COVID-19 được đưa ra rất nhanh, ngay sau khi chỉ mới hai trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên được xác nhận vào hôm 4/3.

Tư lệnh Không quân Hadi Tjahjanto của Quân đội Indonesia (TNI), người đứng đầu cuộc kiểm tra địa điểm, sau khi đến trại tị nạn Galang để thị sát, cho biết nơi đây được chọn làm nơi xây bệnh viện COVID-19 vì một số tòa nhà của địa điểm vẫn tồn tại sau khi được sử dụng làm trại tị nạn từ năm 1979 đến năm 1996.

Mới khởi công ngày 6/3, công trình xây trung tâm chữa trị người bị lây nhiễm COVID-19 tại trại tị nạn người Việt ngày xưa trên đảo Galang, Indonesia, đến 20/3 được cho là đã xong 40%
NurPhoto/Getty Images

Địa điểm này cũng có nước sạch và điện, trong khi hòn đảo chỉ nằm cách sân bay quốc tế Hang Nadim 50 km.

Dự tính ban đầu của chính quyền gặp phải phản ứng tiêu cực của dân quanh vùng, nhưng sau khi chính quyền gặp dân giải thích rõ tình trạng nguy kịch do virus corona gây ra trên khắp thế giới, mọi người đã bớt quan tâm.

Theo Jakarta Post, ông Tjahjanto giải thích rằng nhà thương này sẽ điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 đồng thời hoạt động như một trung tâm kiểm dịch. Một trung tâm kiểm dịch virus corona trước đó đã được thành lập tại Natuna, quần đảo Riau.

Bệnh viện, dự kiến có thể chứa 1.000 bệnh nhân, cũng sẽ được trang bị với phòng cách ly, chiếm 2% tổng công suất của bệnh viện.

Mới khởi công ngày 6/3, công trình xây trung tâm chữa trị người bị lây nhiễm COVID-19 tại trại tị nạn người Việt ngày xưa trên đảo Galang, Indonesia, đến 20/3 được cho là đã xong 40%
NurPhoto/Getty Images
Mới khởi công ngày 6/3, công trình xây trung tâm chữa trị người bị lây nhiễm COVID-19 tại trại tị nạn người Việt ngày xưa trên đảo Galang, Indonesia, đến 20/3 được cho là đã xong 40%

Nhà thương cũ trong trại tị nạn Galang
Carina Hoang
Nhà thương cũ trong trại tị nạn Galang

''Chúng tôi sẽ chuẩn bị 50 phòng cách ly vì quy trình y tế của Tổ chức Y tế Thế giới quy định rằng 2% công suất của bệnh viện phải là phòng cách ly,'' ông Tjahjanto cho biết.

"Chúng tôi sẽ cung cấp các cơ sở điều trị, bao gồm các phòng có thông khí áp lực âm, sử dụng các bộ lọc tiêu chuẩn để giúp tăng tốc phục hồi. Chúng tôi hy vọng bệnh viện sẽ sớm được hoàn thành. Việc xây dựng có thể không mất nhiều thời gian. Nguồn nước đã có sẵn, mọi thứ đã được chuẩn bị theo đúng tiêu chuẩn.'' Jakarta Post trích lời ông Tjahjanto.

Bốn ngày sau khi công bố dự án, Jakarta Post đưa tin tổng thống Joko Widodo sẽ đến Galang để đích thân kiểm tra tiến độ xây dựng của nơi sẽ được đặt tên là Cơ sở Quan sát và Kiểm dịch Bệnh Truyền nhiễm.

Được biết chính phủ Indonesia sẽ cung cấp 340 giường trong giai đoạn xây dựng đầu tiên, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3. Khi công trình hoàn tất, nơi đây sẽ được trang bị tổng cộng 1.000 giường.

Tính đến ngày 20/3, tiến độ xây dựng Bệnh viện đặc biệt Corona (COVID-19) như phác họa đã đạt tới 40% và nhắm mục tiêu sẵn sàng để sử dụng vào cuối tháng 3 năm 2020.

Công việc xây Cơ sở Quan sát và Kiểm dịch Bệnh Truyền nhiễm này của Indonesia được xúc tiến hết sức gấp rút.

Nhưng cho đến nay, virus corona dường như đang thắng cuộc đua này, vì tính đến hôm 23/3, Indonesia đã có tổng cộng 514 ca nhiễm trên 20 khu vực, với 48 tử vong. Tỷ số người chết khá cao (9.33%) so với tỷ lệ trung bình 3% của phần còn lại trên thế giới.

Đất lành chim đậu?

Hầu như những người BBC News Tiếng Việt có dịp tiếp xúc đều nghĩ về trại tị nạn Galang với nhiều thiện cảm, và cho đó là nơi mà họ hay đồng hương đã một thời gian dài được cưu mang.

Điều này dễ hiểu. Trại tị nạn Galang được sử dụng từ năm 1979 đến 1996, từng đón nhận và lo cho 250.000 [theo Jakarta Post - con số này có nơi cho là ít hơn] người tị nạn Việt Nam trốn khỏi quê hương sau hậu quả của Chiến tranh Việt Nam.

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái đã nói đến truyền thống là ''mảnh đất dành cho những người gặp nạn'' của Galang, còn ông Bùi Văn Phú cũng có vẻ đồng ý với điểm này khi vạch ra:

''Trước khi Galang được dùng làm trại tị nạn cho thuyền nhân Việt Nam, thời Thế Chiến thứ Hai nơi này đã là trại giam tù binh. Vì thế dùng Galang để cách ly và chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19 sẽ không mất nhiều thời gian cho chính quyền chuẩn bị.''

Bà Carina Hoàng, hiện là nữ diễn viên cho chương trình The Heights nổi tiếng của Úc, dùng cụm từ ''lịch sử đã lập lại'' để nói về việc một trung tâm chuyên chữa trị cho người bị nhiễm Covid-19 được xây tại trại tị nạn Galang cũ.

''Sự kiện này cho thấy, địa điểm Galang này, một lần nữa, lại là nơi nương náu cho những người gặp khó khăn nhất trong đời. Bốn mươi năm trước Galang đã đón nhận và bảo vệ 250,000 người tị nạn Việt Nam, thì bây giờ một lần nữa nơi này lại đón tiếp những người kém may mắn nhiễm phải bệnh dịch nguy hiểm giết người mà ai cũng phải xa lánh.'' Bà Carina Hoàng nói.

''Tuy nhiên tôi cũng nghĩ, bốn mươi năm trước, khi mọi việc xong rồi, đóng cửa trại rồi, thì di tích lịch sử để lại là 503 ngôi mộ của thuyền nhân. Bây giờ thì trong sau cơn dịch corona này, nhà thương sẽ đón nhiều bệnh nhân được đưa đến đây để săn sóc và chữa trị, và đương nhiên, chúng ta hy vọng là đa số sẽ khỏe mạnh. Nhưng ít thì nhiều, cũng sẽ có người phải nằm xuống, và những ngôi mộ của họ liệu sẽ có đóng góp thêm vào nghĩa địa ở đây không hay Galang sẽ phải có thêm một nghĩa địa khác?''

''Càng nghĩ tôi lại càng thấy Galang có lẽ là địa điểm lý tưởng để lập một trung tâm cách ly và nơi chữa trị cho căn bệnh dễ lây lan này.''

''Galang tuy hơi hẻo lánh, vì nó chỉ có cái trại tị nạn mở ra để phục vụ cho người tị nạn thôi chứ không có gì chung quanh đó hết. Nhưng nó cũng không phải là nơi hoàn toàn bị cô lập, vì nó nằm trong Batam, và Batam là một đảo lớn, có rất nhiều phương tiện di chuyển rất thuận lợi, một ngày có vài chuyến phà đi đi về về từ Singapore, có phi trường, có đường cho xe hơi chạy. Xuống phà rồi mình có thể đến Galang, chỉ cần đi taxi là cũng có thể tới.'' Carina Hoàng phân tích.

''Vậy thì, với lịch sử là nơi được dựng lên để cứu giúp người tị nạn Việt Nam, thì tại sao người Indonesia không nên biến nó thành nơi cứu trợ cho bệnh nhân của họ? Và mình là ai mà lại không vui vì sự kiện này, và chỉ quan tâm đến di tích lịch sử của mình có bị ảnh hưởng hay không?'' Bà kết luận.

Làm sao quên được

Vui, buồn, ngạc nhiên hay không ngạc nhiên trước tin này, quan tâm lớn nhất của thuyền nhân Việt Nam là không mất đi dấu tích lịch sử của một giai đoạn quan trọng trong đời họ.

Với Phan Minh Vũ, hiện đang sống ở Mỹ Tho, tin về công trình xây cất ở khu tị nạn Galang lập tức kéo anh về nơi đã trải qua một thời niên thiếu.

Vũ là một thuyền nhân không may mắn. Sau 6 năm sống tại Galang, anh không đủ điều kiện được đi nước thứ ba và phải trở về Việt Nam. Nhưng trong ba năm vừa qua, năm nào anh cũng ''về Galang,'' Vũ tâm sự với người viết.

Sự gắn bó của Vũ với trại tị nạn cũ được biểu hiện qua tên tài khoản Facebook của anh, rất đơn giản, nhưng bộc bạch hết tâm tư: ''Trại Tị Nạn Galang.''

''Lần cuối em ở Galang là tháng Tư năm 2019. Em về để xây lại mộ cho bà ngoại nuôi. Còn hai năm trước, em bay về đó để gặp bạn bè ở cùng trại ngày xưa từ Mỹ về thăm lại Galang.''

Năm nào hình như cũng có nhóm từ nước ngoài về thăm ''nơi chốn bao kỷ niệm,'' Vũ nói.

Phan Minh Vũ trong lần về thăm trại tị nạn Galang năm 2019
Phan Minh Vũ
Phan Minh Vũ trong lần về thăm trại tị nạn Galang năm 2019

Vũ vượt biên năm 1990, lúc 15 tuổi, và ''ở Galang 6 năm mấy, cho đến khi rớt thanh lọc, trại đóng cửa năm 1996, phải về lại Việt Nam.''

''Cả tuổi thơ ở đó, từ 15 đến gần 22. Đó là một kỷ niệm khó quên trong đời em. Em không làm sao quên được chị ơi.''

Được hỏi có người yêu ở đó không, Vũ trả lời: ''Hồi đó em nghèo chết bà luôn, ai đâu mà yêu!''

''Em cực lắm, làm đủ nghề. Làm bún, chạy bán quán cà phê, đi gánh nước đá và gánh cá thuê. Đi biển lưới cá để tìm thức ăn sống qua ngày. Cực mà vui. Bởi chị thấy nick Facebook của em là 'Trại Tị Nạn Galang' là vậy.'' Vũ tâm sự.

Phan Minh Vũ những ngày làm bún ở Galang kiếm sống
Phan Minh Vũ
Phan Minh Vũ những ngày làm bún ở Galang kiếm sống

Nghe phong phanh tin Galang trại tị nạn ngày xưa được xây nhà thương mới, Vũ lo cái nhà thương ngày xưa chữa trị cho biết bao người Việt bị đập đi mà lòng rưng rưng, thuyền nhân trẻ ngày xưa giờ đã 45 tuổi kể lại.

Tìm không thấy báo nào đưa tin ngoài tờ Jakarta Post, tiếng Anh không rành, tra Google đọc được chập chõm, không rõ nhà thương sẽ được xây ở khu nào, nhà thờ, ngôi chùa, rồi bảo tàng viện, di tích nào còn hay mất, Vũ chạy lên Facebook liên lạc với người bạn Indo ngày xưa, giờ là chủ một khách sạn ở Galang để hỏi. Anh kể lại.

Bà chủ khách sạn chỉ biết hiện giờ du lịch vào khu này đã bị cấm. Vũ lo hỏi người bạn Indo khác.

''Tìm nhau qua Facebook không chị ơi. Em tìm được bạn cũ là Waril Usman, hiện đang sống ngay gần đó. Waril cho tụi em thông tin rất chính xác.''

Theo Waril, thoạt đầu có tin sẽ xây lại Bệnh viện trong khu Galang 2, nhưng ngay hôm sau lại có tin bệnh viện Galang 2 được giữ lại, mà xây bệnh viện mới ở trường học Zone D, họ làm đường mới ngay tại khu đổ rác ngày xưa.

Vũ cho biết nghe tin từ Waril anh thở phào: ''Vậy là không ai đụng gì đến mấy di tích lịch sử của người tị nạn mình. Em hết lo rồi.''

Có lẽ không chỉ là nơi chứa nhiều kỷ niệm khó quên của người tị nạn Việt Nam, trại tị nạn Galang, từ sau khi đóng cửa năm 1996, đã dần dà trở thành một tài sản quốc gia của Indonesia.

Được cai quản bởi Liên Hiệp Quốc trong thời gian trại mở cửa, trại tị nạn Galang bây giờ do cơ quan Batam Industrial Development Authority quản trị, Đến năm 2000, cơ quan này đã biến trại tị nạn Galang thành một địa điểm du lịch.

Theo Jakarta Post, mỗi tháng khoảng 6.000 người đến thăm trại tị nạn cũ rộng 80 hecta này. Ngoài những du khách thuần túy muốn xem một địa điểm lịch sử, rất nhiều người đến đây là thuyền nhân đã từng sống ở Galang, hiện có cuộc sống thoải mái ở quốc gia thứ ba.

Carina Hoàng tại trại tị nạn Galang năm 2009 trong một chuyến đi tảo mộ
Carina Hoang
Carina Hoàng tại trại tị nạn Galang năm 2009 trong một chuyến đi tảo mộ

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái trong lần về thăm trại tị nạn Galang năm 2007
ĐQAT
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái trong lần về thăm trại tị nạn Galang năm 2007

Họ đến để thăm, tảo mộ người thân hay bạn bè, hay mang con em đến để chia sẻ và ôn lại lịch sử của một thời quan trọng trong cuộc đời, mà giống như Phan Minh Vũ, họ không thể nào quên được.

Facebook của một người bạn Indonesia của Phan Minh Vũ thông báo là vào ngày 28/3, tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ đến Galang làm lễ khánh thành Cơ sở Quan sát và Kiểm dịch Bệnh Truyền nhiễm Galang.

Sau biến cố này, chắc hẳn lịch sử của trại tị nạn Galang sẽ càng thêm phong phú.