Virus corona: Chuyện gì đang xảy ra ở Anh Quốc? (BBC Tiếng Việt)
Sự lây nhiễm và tỉ lệ tử vong tăng cao đã buộc nước Anh phải thay đổi chiến lược đối phó với covid - 19. Nhiều chuyên gia lo ngại nước Anh có thể đi vào vết xe đổ của Ý với tình trạng các cơ sở y tế tràn ngập bệnh nhân.
Getty Images
Người dân Anh từ cuối tuần phải thay đổi sinh hoạt để thích ứng với các biện pháp chống dịch Covid-19
Trong bối cảnh nhiều ca nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam gần đây có liên quan đến những người từ Anh vào Việt Nam, nhiều người Việt ở trong và ngoài nước rất quan tâm đến thực trạng dịch bệnh của Anh hiện nay.
"Tại sao nhiều người ở Anh về nhiễm thế?", "Ở Anh họ có cho xét nghiệm không?", "Chính phủ Anh sao làm chậm thế, có biện pháp gì chưa"…là những câu hỏi BBC News Tiếng Việt nhận được.
Thực trạng các ca lây nhiễm ở Anh
Cho tới cuối ngày 22/3, số ca nhiễm ở Anh được xác nhận là 5,683 với 281 ca tử vong.
Số xét nghiệm được thực hiện là 78,340.
Số ca nhiễm thực trong cộng đồng được cho là cao gấp ít nhất 10 lần số ca được xác nhận.
Anh có ca tử vong đầu tiên hôm 5/3, và số ca này tiếp tục tăng nhanh trong hai tuần qua, làm dấy lên lo ngại Anh sẽ đi vào 'vết xe đổ' của Ý.
Getty Images
Bùng binh Piccadilly Circus nổi tiếng đông đúc ở London nay vắng tanh vì người dân thực hiện 'giãn cách xã hội'
Các trường hợp nào được xét nghiệm ở Anh?
Khi chuyển từ giai đoạn cố gắng kiểm soát (containment) sang giai đoạn làm chậm (delay) sự bùng phát của dịch, Anh Quốc không còn thử hàng loạt cho những người có triệu chứng của virus corona nữa.
Theo lời khuyên chính thức của Dịch vụ Y tế Anh (NHS), những ai có triệu chứng Covid-19 (ho liên tục và sốt) sống một mình, sẽ phải tự cách ly ở nhà 7 ngày. Nếu hết thời gian này mà triệu chứng không đỡ hay nặng lên, họ có thể gọi đến tổng đài 111 để nhờ trợ giúp.
Những ai có triệu chứng mà sống cùng gia đình thì cả gia đình sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày, và nếu có thêm người trong gia đình bị lây nhiễm trong gian đó, cả gia đình cách ly thêm 7 ngày kể từ khi người mới nhiễm xuất hiện triệu chứng.
Getty Images
Khu Chinatown ở London cũng vắng tanh
Hiện nay NHS vẫn tiếp tục tăng cường số ca xét nghiệm, từ 5000 test/ngày lên 10.000 test/ngày và hy vọng sau vài tuần sẽ lên 25.000 test/ngày.
Thay vì làm test cho bất kỳ những ai có triệu chứng gọi đến, NHS giờ đây tập trung ưu tiên xét nghiệm cho người có bệnh về hô hấp, những người trong khoa cấp cứu và những người có triệu chứng Covid-19 trong các bệnh viện.
Chuyện có triệu chứng mà vẫn không được đi xét nghiệm và phải tự ở cách ly ở nhà khiến nhiều du học sinh và phụ huynh Việt Nam lo ngại, và là một trong những lý do khiến nhiều du học sinh và người Việt tìm cách trở về Việt Nam.
Các chính sách ngày một hà khắc của chính phủ Anh
Trong hơn một tuần qua, chiến lược chống dịch của Anh có thay đổi lớn, từ những chính sách bình tĩnh của giai đoạn 'delay' (làm chậm đỉnh dịch) sang các chính sách cứng rắn theo chủ trương 'suppression' (đè đỉnh dịch xuống).
George Mann
Tối 23/3, Anh Quốc ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.
Thủ tướng Boris Johnson vừa xuất hiện trên truyền hình để đưa ra thông điệp cứng rắn:
1- Mọi người dân ở Anh hãy ở trong nhà, chỉ ra ngoài nếu phải đi mua những nhu yếu phẩm, thuốc men, và ra ngoài càng ít càng tốt. Họ chỉ đi làm và về nhà nếu không thể làm việc từ nhà.
2-Người dân có thể ra công viên, ra ngoài trời để tập thể dục, một lần trong ngày, và chỉ đi một mình hoặc cùng người trong nhà mà họ sống cùng
3- Người dân không được gặp bạn bè, thân nhân nếu không sống cùng địa chỉ, trong ba tuần tới.
Thủ tướng Johnson tuyên bố từ đêm 23/03 sang sáng 24/03, mọi cửa hàng, trừ thực phẩm và dược phẩm, sẽ bị đóng.
Các dịch vụ bán hàng qua mạng sẽ hoạt động bình thường.
Cảnh sát có quyền phạt người vi phạm, và giải tán "đám đông" nhiều hơn hai người.
BBC News bình luận rằng Anh Quốc chỉ đi trước Ý hai tuần và các biện pháp hà khắc này được chính phủ Anh coi là cần thiết để "giảm lây lan" của virus corona và bảo vệ Y tế Công (NHS) không bị quá tải.
Trong tuần qua, chính phủ đã thực hiện các biện pháp sau:
-Đóng cửa các trường học và đại học trên toàn quốc vô thời hạn, trừ ngoại lệ dành cho con của những nhân viên chủ chốt (key workers) như nhân viên y tế, cảnh sát, quân đội, chăm sóc người già và người dễ bị tổn thương v.v. Con của những nhân viên trong diện trên vẫn được đến trường, dù chương trình học không như bình thường mà chủ yếu là các hoạt động nhẹ nhàng và làm bài tập thầy cô giáo giao qua mạng. Những trẻ em không đi học và ở nhà được cảnh báo tuyệt đối hạn chế tiếp xúc với ông bà cao tuổi.
-Người cao tuổi trên 70, người có bệnh nền và phụ nữ có mang được khuyên nên ở trong nhà trong 12 tuần.
-Dịch vụ Y tế Công (NHS) trong tuần này sẽ liên hệ 1,5 triệu người có nguy cơ rất cao và yêu cầu họ không ra khỏi nhà trong 12 tuần. Những người trong diện này gồm những người bị một số loại ung thư nhất định, bệnh về hô hấp nặng và những người đã cấy tạng.
Chính phủ đang mở các trung tâm trên toàn quốc để phân phối thực phẩm và thuốc men đến tận nhà cho những người này, với sự tham gia của chính quyền địa phương, các nhà thuốc và quân đội Anh.
-Đưa người vô gia cư vào khách sạn ở London và các đô thị lớn để giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người này cũng như lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Getty Images
Dòng chữ động viên các nhân viên tuyến đầu ở Manchester bên ngoài văn phòng của tổng đài cấp cứu 999
Các chính sách nâng cao khả năng chống dịch của NHS
Chính phủ Anh đang gặp rất nhiều chỉ trích vì sự chậm trễ trong công tác phòng chống dịch. Các câu chuyện của các bác sỹ, y tá, chưa được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, chưa được xét nghiệm và phải cách ly tại nhà tiếp tục gây áp lực cho chính phủ phải khẩn cấp giải quyết tình trạng này.
NHS cho biết từ thứ Năm tuần trước, thêm 2,6 triệu khẩu trang và 10.000 chai cồn rửa tay được gửi tới các bệnh viện ở London, nơi dự tính sẽ lên đỉnh dịch trước các vùng khác ở Anh từ 3-4 tuần.
Christopher Furlong
Y tá ở một trạm xét nghiệm drive through (không ra khỏi xe hơi) tại Wolverhampton chờ người tiếp theo tới thử
Trang phục bảo hộ cũng được tiếp viện hàng ngày. Từ tuần này, quân đội Anh được điều động để giúp cho việc phân phối và quản lý đồ bảo hộ cho các nhân viên tuyến đầu.
Tình trạng thiếu máy thở cho các bệnh viện cũng là vấn đề lớn cho các bệnh viện Anh.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock từ cuối tuần trước đã kêu gọi các hãng sản xuất "làm càng nhiều máy thở càng tốt" để tăng cường cho hệ thống y tế.
Nhiều công ty Anh, từ các đội chế tạo xe F1 cho tới các hãng sản xuất máy hút bụi, đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ.
Sáng nay 23/3, các hãng cho biết chỉ trong vài ngày tới, họ sẽ đưa các prototype máy thở vào sản xuất hàng loạt, Sky News đưa tin.
Chính phủ cũng tuyên bố đã đạt thỏa thuận mua hàng ngàn giường cấp cứu (ICU units) của các bệnh viện tư, tăng khả năng đối phó với những ca nặng.
Muốn làm mạnh tay, phải ra luật mới
Chính phủ Anh đang đưa ra một dự luật để Quốc hội thông qua nhằm tăng quyền đặc biệt cho các cơ quan chức năng chống dịch Covid-19.
Luật mang tên Coronavirus Bill mà thực chất là luật về tình trạng khẩn cấp, sẽ có hiệu lực hai năm.
Tuy thế, có vẻ như các dân biểu trong Hạ viện Anh muốn họ có quyền xem xét lại luật sáu tháng một lần.
Getty Images
Sau khi các trường học trên toàn quốc đóng cửa từ cuối ngày thứ sáu 20/2, trẻ em Anh làm quen với các hình thức học online ở nhà
Hôm thứ Hai 23/03, Nghị viện Anh sẽ có cuộc thảo luận cuối ngày về dự luật này và thông qua trong tuần.
Chính phủ của thủ tướng Boris Johnson muốn nhà nước có quyền:
- Đóng cửa sân bay, cảng biển
- Cho cảnh sát quyền bắt giữ người mắc virus corona để áp dụng cách ly cưỡng bức
- Biên phòng Anh có quyền giữ người nhập cư mắc virus corona
Ngoài ra là hàng loạt biện pháp khẩn cấp liên quan đến hoạt động của hệ thống y tế, tòa án, nhà tù, cung ứng thực phẩm, thuốc men.
Cho đến nay, ở Anh, nền kinh tế thị trường hoạt động không liên quan nhiều đến quyền của các cơ quan như cảnh sát, quân đội, và mọi vụ bắt giữ đều phải có lệnh của tòa án.
Nhưng với luật về tình trạng khẩn cấp được ban bố nay mai, quân đội và cảnh sát sẽ có quyền can thiệp nhiều vào các hoạt động nói trên.
Tương tự như vậy, các cảng biển, phi trường ở Anh là do các công ty tư nhân vận hành và cảnh sát chỉ có nhiệm vụ đảm bảo an ninh.
Getty Images
Trung tâm thành phố Cardiff, xứ Wales, vắng vẻ hôm 23/3
Anh ra tay khi đã quá muộn?
Nhiều ý kiến cho rằng Anh đã chủ quan và bỏ lỡ nhiều tuần đề chuẩn bị chống dịch tốt hơn.
Mặc dù chính phủ Anh đã có bước thay đổi đáng kể về chiến lược chống dịch và trong hơn một tuần qua đã tăng dần các chính sách cứng rắn, các biện pháp mới có tác động tới mức nào chỉ có thể ghi nhận sau 2-3 tuần tới.
Trong khi Thủ tướng Boris Johnson, Bộ trưởng Y tế, các chuyên gia y tế và NHS tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện nghiêm lời khuyên và hướng dẫn của chính phủ, ý thức tuân thủ kém của một bộ phận nhỏ dân Anh có thể khiến lãnh đạo Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cưỡng chế các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội.
Liệu Anh có đóng cửa sân bay, cảng biển hay phong tỏa các thành phố lớn hay toàn quốc như một số quốc gia châu Âu khác? Hãy chờ xem câu trả lời trong một vài ngày tới.
Nguồn: BBC Tiếng Việt