Virus corona : Nếu xảy ra dịch, châu Phi sẽ khó chống đỡ - Tạp chí tiêu điểm (Minh Anh)

Những lo ngại về khả năng ứng phó với dịch covid - 19 của châu Phi, nếu dịch bệnh xảy ra ở lục địa đen vì tình trạng y tế yếu kém nói chung của châu lục này.

13/02/2020 - 09:56
Cảnh sát và bgười dân đeo khẩu trang trên đường phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Ảnh chụp ngày 13/02/2020.
Cảnh sát và bgười dân đeo khẩu trang trên đường phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Ảnh chụp ngày 13/02/2020. Reuters

Từ Trung Quốc, sang Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Thái Lan rồi đến cả Pháp, Anh, Đức hay Mỹ…, danh sách các nước có công dân bị nhiễm virus corona mới, giờ có tên gọi chính thức là Covid-19, mỗi ngày thêm dài. Nhưng tại châu Phi, tính đến ngày 12/02/2020, chưa có một ca nhiễm nào được phát hiện.

Trong khi đó, tại những nơi khác, nơi nào có người Trung Quốc đi qua, hay có người từ Trung Quốc về ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Tại sao châu Phi cho đến giờ này vẫn tránh được dịch bệnh ? Đó là do may mắn ? Đối với ông John Nkengasong, Trung Tâm Phòng Chống Các Dịch Bệnh (CDC), không có gì là chắc chắn cả : « Có nhiều khả năng đã có một số ca tại châu Phi, nhưng vẫn chưa được phát hiện ».

Do vậy, nỗi lo lắng dịch bệnh bùng nổ tại châu Phi mỗi ngày một lớn, bởi một lẽ đơn giản, có ít nhất là 13 nước châu Phi (Nam Phi, Algéri, Angola, Côte d’Ivoire, Ethiopia, Ghana, Kenya, quần đảo Maurice, Nigeria, Ouganda, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Tanzania và Zambia) duy trì các mối liên hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc.

Cường quốc kinh tế châu Á này là đối tác thương mại hàng đầu của châu lục đen, như nhận xét tóm tắt của giáo sư Jean-Pierre Cabestan, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc học, hiện đang giảng dậy tại trường đại học Baptist Hồng Kông, khi trao đổi qua điện thoại với ban Tiếng Việt RFI :

« Trung Quốc hiện diện đông đảo ở châu Phi, điều đó không có gì là mới cả. Sự có mặt của người Trung Quốc đã được tăng cường kể từ những năm 2000. Ngày nay, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu tại châu Phi, cho dù Liên Hiệp Châu Âu gồm 27 nước có nhiều trao đổi thương mại hơn với châu Phi. Nhưng Trung Quốc rất tích cực trên bình diện thương mại và trong các dự án cơ sở hạ tầng mà nước này thực hiện, thông qua các khoản tín dụng do Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc cung cấp.

Với tư cách là nhà đầu tư, Trung Quốc không bằng châu Âu và Mỹ, nhưng Trung Quốc rất tích cực trên bình diện chính trị và ngoại giao. Ít có quốc gia châu Phi nào phản đối Trung Quốc, nhất là tại các tổ chức quốc tế.

Ngược lại, các quốc gia châu Phi này lại là một nhóm ủng hộ viên mà Trung Quốc có thể trông cậy rất nhiều ở Liên Hiệp Quốc, và trong các tổ chức quốc tế khác. Tiến triển mới nhất gần đây chính là việc Bắc Kinh mở một căn cứ hải quân cho Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc tại Djibouti cách nay khoảng hơn hai năm.

Điều đó chứng tỏ là Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến an ninh châu Phi. Họ muốn bảo vệ một cách tích cực các lợi ích, an ninh của mình, nghĩa là các dự án đầu tư, các doanh nghiệp của Trung Quốc và cả công dân Trung Quốc đang sinh sống tại châu Phi. »

Không hồi hương kiều dân : Vì tình bạn hay sợ Trung Quốc ?

Theo các số liệu chính thức công bố năm 2018, có khoảng 81.562 sinh viên châu Phi đang theo học tại Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành tại Trung Quốc, các nước châu Phi lại có hai luồng phản ứng trái ngược: Một số tạm ngưng các chuyến bay nối với Trung Quốc, cấm nhập cảnh du khách Trung Quốc, và tổ chức hồi hương các kiều dân của mình. Số khác thì vẫn tiếp tục các hoạt động hàng không với Trung Quốc, không tổ chức hồi hương bất chấp nỗi lo lắng, sợ hãi của gia đình các kiều dân, thậm chí còn tỏ tình liên đới hay sự tin tưởng vào chính quyền Bắc Kinh, vào lúc ngày càng có nhiều lời chỉ trích nhắm vào giới lãnh đạo Trung Quốc trong cách xử lý khủng hoảng dịch tễ này.

Liệu có nên xem đấy như là một áp lực của Trung Quốc đối với những nước châu Phi đó ? Hay phải chăng đó là một dấu hiệu về tình hữu nghị thật sự giữa Trung Quốc với các những nước châu Phi này ? Giáo sư Jean-Pierre Cabestan giải thích :

« Tôi không nghĩ đây là vấn đề tình hữu nghị. Đây có lẽ là vấn đề khả năng chăm lo cho kiều dân của nhiều nước châu Phi hiện đang học tập và làm việc tại Trung Quốc, nhất là khả năng cách ly, hay phát hiện loại virus viêm phổi mới mà người ta gọi là virus corona.

Vấn đề của các nước châu Phi chính là họ không đủ khả năng y tế như tại nhiều nước phát triển. Chính vì thế mà các nước châu Phi có sinh viên, kiều dân đang sinh sống ở Trung Quốc muốn những người này ở lại đó, bởi vì họ sẽ được phát hiện bệnh và đương nhiên được cách ly tốt hơn nếu để họ trở về châu Phi.

Do người dân châu Phi không có văn hóa cách ly, mà cũng không quen đeo khẩu trang một khi bị lây nhiễm, tôi nghĩ là đối với các kiều dân châu Phi, ở lại Trung Quốc an toàn hơn là trở về nước, vì như vậy có nhiều rủi ro dịch bệnh lan truyền tại những khu vực thiếu thốn hay không có các cơ sở an toàn dịch tễ. »

Trung Quốc ho, thế giới chảy nước mũi, châu Phi cũng cảm gió ?

Trong bối cảnh dịch bệnh không ngừng lan rộng, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Trung Quốc đều bị ngưng trệ, để dồn lực cho cuộc chiến chống virus corona. Chỉ có điều « Trung Quốc ho, cả thế giới cũng chảy nước mũi ». Giới chuyên gia lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài, kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái. Một viễn cảnh không mấy gì sáng sủa cho nhiều nước trên thế giới, kể cả phương Tây, đang phải đối mặt với nhiều làn sóng bất bình của người dân trong nước.

Tránh được dịch bệnh, liệu rằng châu Phi có tránh được những hậu quả kinh tế do virus corona mới để lại hay không ? Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Cabestan nhận định :

« Còn quá sớm để đưa ra nhận định. Ethiopia Airlines, hãng hàng không quan trọng nhất của châu Phi, vốn có nhiều chuyến bay đi và đến từ châu Á, vẫn duy trì các chuyến bay nối Trung Quốc và Ethiopie cho đến khi nào có thông báo mới. Rất nhiều người Trung Quốc đi châu Phi đều phải quá cảnh ở Addis-Abebas.

Thế nhưng, quyết định này của Ethiopia đã bị nhiều nước tại châu lục chỉ trích, nhất là từ Kenya, dường như đã cho tạm ngưng các chuyến bay nối với Trung Quốc. Tóm lại, ở châu Phi mỗi nước phản ứng theo một cách. Tôi cho rằng Ethiopia đã có những tính toán : duy trì các chuyến bay vẫn có lợi hơn, dù rằng họ không thể tiến hành kiểm tra sức khỏe, bất kể là ở Trung Quốc hay là tại nơi đến Addis.

Về hậu quả kinh tế, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận. Nhưng hệ quả đầu tiên chính là giá bán nguyên liệu bị sụt giảm, bất kể là dầu hỏa, đồng, hay các loại khoáng sản khác. Đây là những tác động tiêu cực cho các nước châu Phi nào có xuất khẩu nguyên liệu sang Trung Quốc ».

Vẫn theo nhà nghiên cứu Trung Quốc học, bất chấp dịch bệnh, các hoạt động trao đổi mậu dịch giữa châu Phi và Trung Quốc vẫn được tiếp tục. Trước mắt, cuộc sống thường nhật của người dân châu Phi vẫn diễn ra bình thường, không lo sợ bị khan hiếm hàng hóa.

Năng lực phòng chống của châu Phi đến đâu ?

Tuy nhiên, dịch bệnh chưa được phát hiện cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với việc châu lục đen này được « miễn dịch ». Ngay khi dịch virus corona được chính thức thông báo, nhiều nước châu Phi, rút kinh nghiệm từ bài học đau đớn dịch « Ebola », đã chuẩn bị những phương án phòng chống sớm. Trái với một số ý kiến lạc quan của nhiều chuyên gia, Jean-Pierre Cabestan không mấy lạc quan về khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng của châu Phi trong trường hợp dịch virus corona lan đến châu lục:

« Nước châu Phi duy nhất có thể đối phó với dịch bệnh một cách hiện đại và hiệu quả chính là Nam Phi. Những nước khác lại không được trang bị tốt. Ngoài ra, có một nước khác hiện đang huy động với sự hỗ trợ của Pháp, nhất là từ Viện Pasteur của Pháp, đó chính là Senegal. Tôi tin là quốc gia Tây Phi này đã được chuẩn bị tốt để đối phó với dịch bệnh. Dù vậy, cũng không nên trông đợi nhiều quá, tôi nghĩ là tình hình sẽ khó khăn hơn nếu dịch bệnh lan rộng ở châu Phi ».

Dịch bệnh virus corona lần này gợi nhắc lại trận dịch Ebola, bắt nguồn từ quốc gia Tây Phi Guinéa vào tháng 12/2013, rồi lan nhanh ra nhiều nước khác làm cho gần 20.000 người chết (theo ước tính của Tổ Chức Y Tế Thế Giới) trong tổng số 28.000 ca lây nhiễm. Thế giới cũng phải mất hơn 18 tháng để chiến đấu chống lại virus Ebola. Cuộc chiến này đã để lại một chấn thương tâm thần sâu đậm trong tâm trí người dân châu Phi.

« Phòng bệnh hơn chữa bệnh ». Trong nỗ lực đó, một mô phỏng khoa học đã được thực hiện nhằm đưa ra những dự báo về những ổ dịch mới đề phòng virus corona mới du nhập vào châu lục do những mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Kết quả dự báo cho thấy Ai Cập, Algeri và Nam Phi là những nước dễ bị phơi nhiễm nhất của châu lục.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, giáo sư trường đại học Baptist Hồng Kông, đã tham gia vào tạp chí hôm nay.