Trung Quốc và Miến Điện thắt chặt quan hệ khiến Ấn Độ lo lắng (Minh Anh)

Ấn Độ ngày càng lo ngại về những ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng truyền thống của New Delhi. Một Pakistan đồng minh của Trung Quốc cũng đã gây cho người Ấn rất nhiều phiền toái từ phía tây.

20/01/2020 - 15:38
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) cùng lãnh đạo Miến Điện tới dự lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, Naypyidaw, ngày 17/01/2020
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) cùng lãnh đạo Miến Điện tới dự lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, Naypyidaw, ngày 17/01/2020 Myanmar News Agency/Pool via REUTERS

Trong hai ngày thăm chính thức Naypiydaw, ngày 17-18/01/2020, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, đã ký kết nhiều thỏa thuận phát triển hạ tầng cơ sở, trong đó có một tuyến đường sắt, một cảng nước sâu, một đường ống dẫn khí, nối các vùng Tây Nam Trung Quốc đến tận vịnh Bengal.

Không phải ngẫu nhiên ông Tập Cận Bình chọn Miến Điện để mở màn cho chuyến công du nước ngoài đầu năm 2020. Cũng như Pakistan, Sri Lanka và Bangladesh, đất nước của bà Aung San Suu Kyi là một mắt xích quan trọng trong dự án Một Vành Đai Một Con Đường (BRI).

Với chính quyền Naypiydaw, Trung Quốc là một « lá chắn » quan trọng giúp Miến Điện chống đỡ với sức ép của quốc tế trong hồ sơ người Rohingya.

Còn với Bắc Kinh, Miến Điện là cánh cửa ngỏ cho phép Trung Quốc dễ dàng thâm nhập Ấn Độ Dương. Việc ký kết nhiều thỏa thuận liên quan đến cơ sở hạ tầng có thể giúp Trung Quốc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía Tây Nam thuận lợi hơn. Và đây quả là một mối đe dọa lớn đối với Ấn Độ.

Thứ nhất là về mặt chiến lược. Hơn bao giờ hết Ấn Độ phải gia tăng cảnh giác Trung Quốc. Sau cảng Gwadar ở Pakistan (ở phía Tây), Hambantota của Sri Lanka ở phía Nam, Trung Quốc có thể sẽ gia tăng sự hiện diện ở sườn phía đông Ấn Độ với việc xây dựng cảng nước sâu Kyaukpyu của Miến Điện. Tuy được dùng với mục đích thương mại, nhưng không có gì ngăn cản một ngày nào đó hải quân Trung Quốc tiếp cận những cảng nước sâu này.

Nếu như eo biển Malacca từng được xem như là một chiếc nhiệt kế để đo lường thế cân bằng sức mạnh hải quân giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong tương lai, thì nay giả thuyết này có nguy cơ không thể trụ vững. Ấn Độ tuy đã tiến các quân cờ chặn chốt phía tây cản trở đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng lại quên rằng Bắc Kinh vẫn có thể dùng chiến thuật « Hành lang Kinh tế » của dự án BRI để tấn công « bọc hậu », cô lập New Dehli với các nước láng giềng trong vùng Vịnh và lấn tiến ra Ấn Độ Dương.

Thứ hai là trên phương diện đối ngoại. Việc Bắc Kinh thắt chặt quan hệ với Naypiydaw rất có thể sẽ cản trở mong muốn xích lại gần Miến Điện của Ấn Độ. Trong những năm gần đây, Miến Điện và Ấn Độ có những hợp tác quân sự chặt chẽ, nhằm bình ổn vùng biên giới phía đông bắc. Theo phân tích của giới quan sát được trang mạng Livemint, nhật báo tài chính của Ấn Độ trích dẫn lại, việc Trung Quốc hỗ trợ kinh tế và cung cấp nhiều khoản ưu đãi khác cho Miến Điện rất có thể tạo ra một áp lực cho mối quan hệ Ấn Độ - Miến Điện.

Cuối cùng, vẫn theo trang mạng Livemint, áp lực của phương Tây sẽ càng đẩy Miến Điện vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh như trường hợp của Cam Bốt và Lào. Đây sẽ là một điều bất lợi cho khối ASEAN. Với việc lôi kéo được Naypiydaw, Bắc Kinh sẽ có thêm được một đồng minh. ASEAN khó mà có được một tiếng nói chung thống nhất hay một lập trường cứng rắn chống Trung Quốc trong các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.