Chính trị Nga : Putin công bố dự luật thành lập Hội Đồng Nhà Nước (Tú Anh)

Chính trương Nga đang có những diễn biến nhanh chóng đáng ngạc nhiên. Có vẻ Putin đã thiết kế một lộ trình cho tương lai của chính ông, nhưng nếu lộ trình đó đóng góp dân chủ hóa nước Nga thì đó là điều đáng mừng. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng như vậy, vì nước Nga có các chính đảng đối lập tương đối mạnh và đảng Nước Nga Thống Nhất của Putin đang có uy tín xuống rất thấp thúc đẩy Putin đưa ra một giải pháp lấy lòng dư luận và có lợi cho ông.

21/01/2020 - 12:09
Tổng thống Nga Vladimir Putin lúc đọc bài diễn văn thường niên loan báo việc tu chính Hiến Pháp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lúc đọc bài diễn văn thường niên loan báo việc tu chính Hiến Pháp. Alexey Nikolsky/Kremlin via REUTERS

Năm ngày sau khi tổng thống Putin thông báo ý định sửa đổi Hiến Pháp, Hạ Viện Nga đã nhận được bản dự luật tu chính với một loạt biện pháp như là tăng cường thẩm quyền Quốc Hội trong việc bổ nhiệm thủ tướng, giới hạn nhiệm kỳ tổng thống không được quá hai lần sáu năm.

Tuy nhiên, điểm được chú ý nhất là thành lập Hội Đồng Nhà Nước với quyền hành rộng rãi bao gồm chính sách đối ngoại, đối nội, kinh tế và xã hội.

Sự kiện chủ nhân điện Kremlin tăng tốc cải tổ Hiến Pháp bị đối lập chỉ trích là kế hoạch « thái thượng hoàng ».

Từ Matxcơva, thông tín viên Daniel Vallot phân tích :

Từ một tuần nay, tổng thống Putin thúc đẩy chính trường Nga cải cách với một nhịp độ hối hả, dồn dập, chính phủ từ chức, bổ nhiệm thủ tướng mới, thông báo cải cách Hiến Pháp và liền sau đó, không đầy một tuần sau, dự luật đã đến Hạ Viện trong khi nhiều người nghĩ rằng phải ít nhất mấy tuần lễ.

Các tu chính án được công bố trên cổng thông tin của viện Douma vào trưa thứ Hai 20/01/2020 xác định những điều mà Putin đã nói trong thông điệp đầu năm vào thứ Tư tuần trước : Quốc Hội có trọng lượng hơn trong việc chỉ định thủ tướng, tổng thống chỉ được tối đa hai nhiệm kỳ…

Tu chính quan trọng nhất liên quan đến Hội Đồng Nhà Nước : định chế này sẽ được tăng cường nhưng trong bản dự thảo của tổng thống Putin không nói rõ ai là người sẽ điều hành. Điều này cho phép công luận Nga tin chắc là Putin, sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024, sẽ nắm cơ quan này để duy trì ảnh hưởng trên đỉnh cao quyền lực.

Lịch trình cải cách đã tăng tốc và người ta biết rằng viện Douma sẽ bắt đầu xem xét các tu chính án kể từ thứ Năm tới. Về phần cử tri Nga, đến tháng Tư là họ có thể tham gia trưng cầu dân ý .

Đối lập Nga cho biết sẽ tổ chức biểu tình lớn chống dự án tu chính Hiến Pháp vào cuối tháng Hai. Nhà đối lập Alexei Navalny cho rằng cần phải chống lại âm mưu « chiếm đoạt quyền lực » để « cầm quyền mãn đời » của Vladimir Putin.