Sạt lở ở miền Tây: Dân mất nhà, mất đất...(RFA Tiếng Việt)
Tình trạng sạt lở đất ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng. Đây là hậu quả của việc khai thác cát bừa bãi vì lợi ích trước mắt.
Ngoài phục vụ cho ngành xây dựng trong nước, trước đây, chính quyền cộng sản vì hám lợi còn cho khai thác xuất khẩu cho Singapore để họ lấn biển. Thậm chí, có nguồn tin nói rằng, cát Việt Nam còn được bán cho cả Trung Cộng để xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa mà Trung Cộng cướp được của Việt Nam.
Hàng chục căn nhà đã trôi tụt xuống sông do sạt lở nghiêm trọng trong những năm gần đây ở An Giang. Photo: RFA
Sạt lở tại QL 91, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú
Một ngày cuối năm 2019, chúng tôi đã có mặt tại An Giang, chạy dọc theo quốc lộ 91 thuộc tỉnh An Giang là con sông Hậu, nhưng đến đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, chúng tôi phải dừng lại vì gặp phải bảng cảnh báo này.
Các phương tiện giao thông không thể tiếp tục qua QL91 được bởi đoạn đường này đã bị sạt lở rất nghiêm trọng, đoạn đường dài 85m đã bị cuốn trôi, chưa kể các vết nứt xung quanh. Đây là tuyến giao thông huyết mạch từ TP Long Xuyên đi TP Châu Đốc và các huyện thị khác của tỉnh An Giang, đồng thời là tuyến giao thông chính đi Campuchia… Một người dân An Giang cho biết:
Ở đây sạt lở dưới kia một lần, là mười năm sau là sạt lở ở đây. Khi mà đi kiểm tra lòng sông là nó còn nhiều lỗ nữa chứ không phải hai lỗ này không. Trên kia cũng có, dưới này cũng có.
Đây sợ là dĩ nhiên phải sợ rồi. Ai cũng sợ hết. Lúc nó lở cái đây là 12h đêm, là bắt đầu nó sụp đó. Trước đó nó nứt, nó cũng báo cáo với mình trước khi nó lở là nó nứt trước rồi xong xuôi khoảng chừng ba bốn ngày sau là bắt đầu nó sụp xuống.
Theo người dân mô tả với chúng tôi thì thường những nơi trước khi sạt lở sẽ xuất hiện những vết nứt trên mặt đất.
Người dân cho biết thêm, phía cơ quan chức năng có đến xử lý điểm sạt lở này nhưng rồi gần đây cũng bó tay và không quan tâm đến nữa…
Sạt lở ở xã Vĩnh Trường huyện An Phú và xã Châu Phong thị xã Tân Châu
Trước tình hình sạt lở ngày một nghiêm trọng, ngày 16-8-2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư đã ký một lúc hai quyết định khẩn cấp về tình trạng sạt lở bờ sông Hậu đoạn chảy qua xã Vĩnh Trường, huyện An Phú.
Người dân Vĩnh Trường cho biết điểm sạt lở khoảng 300 mét này là do bị ‘phá cho hư’ vì lúc đầu chỉ là một điểm sạt lở nhỏ nhưng sau đó các chuyên gia và kỹ sư tư vấn đến xử lý, cuối cùng điểm sạt lở càng lớn hơn.
Người dân sống tại đây (không muốn nêu tên) cho biết tại điểm này, ba căn nhà đã bị tuột xuống sông, ông nói:
Nó sụp góc cột, nó sụp một góc nhà xong rồi từ từ nó nghiêng cái nhà luôn.
Cũng do sạt lở mà hiện nay ở xã Châu Phong, nhiều căn nhà gần như bỏ trống, có nơi bị mất hoàn toàn, có nơi nhà chỉ còn trơ móng. Người dân Châu Phong thấy chúng tôi đến ghi hình, cho biết mỗi lần sạt lở là đất sụt vô từ 5 đến 6 thước và mỗi năm mất khoảng 5 đến 7 thước đất.
Mỗi lần sạt lở đất sụt vô chừng 5-6 thước Photo: RFA
Theo lời hai người dân Châu Phong vừa kể, chúng tôi phát hiện quanh khu vực này, nơi nào cũng cắm bảng cảnh báo sạt lở.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn An Giang thì từ năm 2016 đến tháng 7-2019, đoạn này đã xảy ra 6 vụ sạt lở và 1 vụ rạn nứt, với tổng chiều dài 1.124 m; trong đó sạt lở mới nhất vào cuối tháng 7-2019 với chiều dài 40 m, ăn sâu vào đất liền 10 m. Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp-PTNT tỉnh An Giang trong một lần nhận định về tình trạng sạt lở với truyền thông trong nước ông nói sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Người dân sống nơi đây cũng thừa nhận:
Khu sạt lở này lâu rồi, 5-10 năm nay rồi. Đường này ra ngoài mé sông tút ngoài kia kìa. Dãy nhà này đút đít sông mà dỡ hết trơn rồi. Nó có cái đường tuốt ngoài kia kìa.
Một trong những cách mà chính quyền địa phương áp dụng để giảm sạt lở đó là chỉnh sửa dòng chảy. Tuy nhiên, với người dân sống nơi đây thì việc chỉnh sửa của địa phương không mang lại kết quả tốt đẹp. Họ cho rằng thay vì chỉnh sửa dòng chảy thì chính quyền nên hạn chế tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông Hậu xem ra khả thi hơn.
Nó liên quan tới chuyện khai thác cát đó. Hồi đó tui làm bên Long Thuận hen, Long Thuận bên Hồng Ngự là cũng khai thác cát. Người ta đi nó lở đất của người ta 1-2 công đất luôn. Lấy cát riết mà lở…cây cối này nọ là đi xuống sông hết trơn. Một người dân Châu Phong cho chúng tôi biết.
Trong khi đó, theo truyền thông trong nước đưa tin, mới đây dựa trên thông tin quan trắc của sở Tài nguyên Môi trường tỉnh An Giang, Sở đã kết luận nguyên nhân sạt lở chính yếu là do độ sâu lòng sông thay đổi và do dòng chảy tác động.
Sạt lở ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chưa rõ nguyên nhân
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nhiều căn nhà ven kênh 28 cũng đã bị cuốn xuống sông. Nơi này người dân vẫn chưa rõ nguyên nhân sạt lở. Phía chính quyền cũng chỉ xuống đo đạc lòng kênh rồi thôi.
Trước tình trạng sạt lở ở nhiều nơi, giữa những lo âu đó, người dân mong muốn phía chính quyền địa phương cần nhanh chóng khắc phục các điểm sạt lở và đưa ra các phương án an toàn cho người dân sinh sống. Họ cho biết:
Giờ nhà nước phải mua ruộng hay sao đó, làm đường xá đàng quàng, thổi cát vô, phân lô, rồi mới tiến hành cho mình vô trỏng. Giải tỏa ở đây. Đáng lẽ vậy là phải giải tỏa từ lúc đầu. […] Phía sau này có đường tránh đó, thành ra mấy ổng từ từ cho mình đi. Kỳ lở dưới kia, lở xong là mấy ổng cấp tốc làm một con đường để cho xe đi liền nếu không để tắc nghẽn sao. Bây giờ trên đây mấy ổng kinh nghiệm rồi mấy ổng làm đường phía trong này nè, khi sạt lở đây là có con đường cho xe chạy.
Tới chân lộ con lộ này đi mấy hồi, nó lở cấp tốc luôn. Con lộ này lở rồi thì cái này mấy hồi. Đi chừng hai ba tiếng đồng hồ là xong phim vụ này – cái tuyến dân cư mình nè. Bởi vậy tui nhu cầu là nhà nước phải tranh thủ mần sớm sớm chừng nào tốt chừng nấy. Hiện bây giờ nước cạn nè, mần dễ mần, dễ làm bờ kè nè.
Và khi khắc phục tình trạng này, cần nghiên cứu rõ nguyên nhân gây ra sạt lở để ngăn chặn. Có thực sự là do dòng nước hay không? Hay là do khai thác cát làm lòng sông lõm sâu, gây ra sạt lở, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu vấn nạn khai thác cát trong kỳ 2 của loạt phóng sự này.
Nguồn: RFA Tiếng Việt