Carlos Ghosn: Cựu lãnh đạo Nissan trốn thoát khỏi Nhật thế nào? (BBC Tiếng Việt)

Cuộc đào thoát khỏi Nhật của cựu lãnh đạo Nissan Carlos Ghosn diễn ra không khác gì một bộ phim trinh thám.

Carlos Ghosn, cựu lãnh đạo Nissan đã bỏ trốn khỏi Nhật nơi ông đang chờ ngày ra tòa
AFP
Carlos Ghosn, cựu lãnh đạo Nissan đã bỏ trốn khỏi Nhật nơi ông đang chờ ngày ra tòa
Ông từng là một trụ cột chính của ngành công nghiệp xe hơi với vị trí đỉnh cao ở Nhật Bản.

Rồi ông trở thành một trong những nghi phạm hình sự nổi tiếng nhất của đất nước này. Và bây giờ, ông là một kẻ chạy trốn quốc tế.

Carlos Ghosn, cựu chủ tịch và là triệu phú của tập đoàn Nissan, đã dành nhiều tháng để chuẩn bị ra tòa về các cáo buộc sai trái tài chính. Ít nhất, đó là những gì chính quyền Nhật Bản tin và điều tra.


Hồi tháng Tư, ông trả 1 tỷ yên (6,8 triệu bảng; 8,9 triệu USD) để được tại ngoại hầu tra.

Ông bị theo dõi bởi một camera an ninh suốt 24 giờ được lắp đặt bên ngoài nhà của mình. Ông cũng bị hạn chế sử dụng công nghệ, và bị cấm đi ra nước ngoài.

"Chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Tôi chết lặng", luật sư của ông là Junichiro Hironaka nói với các phóng viên ở Tokyo ngay sau khi biết về chuyến bay của ông Ghosn. "Tôi muốn hỏi ông ấy, 'Làm sao ông lại có thể làm điều đó với chúng tôi?'."

Một câu hỏi quan trọng khác là: làm thế nào ông ta làm được điều đó?

Lối thoát âm nhạc?

Kênh truyền hình Lebanon MTV đưa tin rằng ông Ghosn đã trốn khỏi nơi cư trú ở Tokyo với sự hỗ trợ của một nhóm bán quân sự đội lốt nhóm nhạc công.

Tin cho hay nhóm nhạc đã tới biểu diễn tại nhà của ông và ngay sau khi họ kết thúc, người đàn ông 65 tuổi này đã trốn trong một hộp nhạc cụ lớn, sau đó được đưa đến một sân bay địa phương.

Nếu điều này thực sự xảy ra, thì ông Ghosn, người có chiều cao 167cm có thể đã phải nằm ép trong tư thế rất chật chội.

Theo câu chuyện của MTV, sau đó ông được đưa bằng máy bay sang Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi đến Lebanon bằng máy bay riêng.

Đài truyền hình không cung cấp bằng chứng cho giả thuyết này, vốn đã và đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.

Nhưng việc ngụy trang cho một bộ phim gián điệp không phải là chuyện lạ lẫm gì với ông Ghosn.

Vào tháng Ba, trong một nỗ lực tránh mặt các nhà báo, ông đã rời khỏi nhà tù bằng cách cải trang thành công nhân xây dựng. Người ta đã phát hiện ra ngay và ông bị chế giễu trên truyền thông; luật sư của ông đã xin lỗi ngay vì "kế hoạch nghiệp dư này".

Vai trò của bà Carole Ghosn

Vụ bỏ trốn của cựu CEO từ Tokyo đến Beirut được lên kế hoạch tỉ mỉ trong khoảng thời gian vài tuần, theo tờ Wall Street Journal.

Hồi tháng 3/2019 ông rời nhà tù khi cải trang là công nhân xây dựng
Getty Images
Hồi tháng 3/2019 ông rời nhà tù khi cải trang là công nhân xây dựng

Tờ báo trích dẫn một số nguồn tin không xác định, cho biết một nhóm đã được điều động cẩn thận để thực hiện âm mưu này.

Nhóm này được cho là bao gồm các đồng phạm ở Nhật Bản, những người đã vận chuyển ông Ghosn từ nhà của ông và lên một chiếc máy bay phản lực riêng để bay tới Istanbul. Từ đó, ông tiếp tục hành trình đến Beirut, nơi ông hạ cánh vào đầu giờ sáng ngày 30/12.

Trang web theo dõi máy bay FlightRadar24 cho thấy một máy bay phản lực tư nhân Bombardier Challenger hạ cánh xuống bay quốc tế Beirut-Rafic Hariri ngay sau 04:00 giờ sáng giờ địa phương. Ông Ghosn sau đó đã gặp vợ mình là Carole, người sinh ra ở thành phố này và tham gia rất nhiều vào vụ việc này, tờ Wall Street Journal cho biết.

Một loạt báo đưa tin Carole Ghosn là nhân vật chính đằng sau kế hoạch để lo tiền tại ngoại cho chồng mình cũng như vụ trốn khỏi Nhật Bản.

Bà đã nói chuyện với chồng mình trong hơn một giờ vào ngày 24/12, luật sư Nhật Bản của ông Ghosn nói.

Cặp đôi trước đó đã bị cấm gặp gỡ hoặc liên lạc theo các điều kiện qui định của việc tại ngoại nghiêm ngặt đối với ông Ghosn.

Sau khi chồng mình đến Lebanon, bà Ghosn nói với tờ Wall Street Journal rằng cuộc đoàn tụ của họ là "món quà tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi". Bà không bình luận về cáo buộc liên quan đến việc dính líu của mình vào vụ giúp chồng đào thoát.

Đầu năm nay, bà nói với BBC: "Tôi muốn chồng tôi trở lại. Tôi muốn ông ấy ở bên tôi. Tôi biết ông ấy vô tội."

Carlos Ghosn lớn lên ở Lebanon, sở hữu nhà ở đó và là một nhân vật nổi tiếng. Ông thậm chí còn xuất hiện trên một trong những con tem bưu chính của nước này.

Ông đã nhiều lần phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào.

Ba hộ chiếu

Hiện vẫn còn các câu hỏi về giấy tờ mà ông Ghosn sử dụng để nhập cảnh vào Lebanon. Ông có ba hộ chiếu - Brazil, Pháp và Lebanon - nhưng nhóm pháp lý của ông cho rằng họ giữ tất cả các hộ chiếu này khi ông rời Nhật Bản.

Người ta không biết liệu ông Ghosn có giữ hộ chiếu kép hay không - vì đôi khi các doanh nhân được phép có hai hộ chiếu cùng nội dung.

Tờ báo Le Monde của Pháp nói rằng ông đi bằng thẻ căn cước; những người khác đã đưa tin rằng ông đã sử dụng hộ chiếu Pháp hoặc một danh tính giả với giấy tờ giả mạo. Bộ Ngoại giao Lebanon chưa cho biết ông Ghosn vào đất nước họ bằng hộ chiếu nào, nhưng khẳng định rằng ông vào nước này một cách hợp pháp.

Vụ việc về chuyến bay đào thoát cho ông Ghosn gây ra đã gây ra phản ứng từ Nhật Bản. Một chính trị gia Nhật Bản hỏi liệu ông "có sự hỗ trợ của nước nào đó" hay không. Một cựu thống đốc của Tokyo đã thẳng thắn hơn, cáo buộc Lebanon liên quan trực tiếp.

Ông Ghosn sinh trưởng tại Beirut và là nhân vật có uy tín.
AFP
Ông Ghosn sinh trưởng tại Beirut và là nhân vật có uy tín.

"Chính phủ không liên quan gì đến quyết định của [ông Ghosn] tới đây," Bộ trưởng Lebanon Salim Jreissati được New York Times dẫn lời. "Chúng tôi không biết làm sao ông ta đến đây được."

Không có thỏa thuận dẫn độ giữa Nhật Bản và Lebanon, điều đó có nghĩa là tương lai của phiên tòa xét xử ông Ghosn hiện đang đầy rẫy những điều không chắc chắn.

Nhật Bản viện trợ hàng triệu cho Lebanon và có thể sẽ muốn ông Ghosn trở lại.

Nhưng chắc chắn rằng họ sẽ phải trả lời các câu hỏi về việc làm thế nào mà một nghi phạm "có sừng có mỏ" như vậy lại có thể ra khỏi Nhật.