Các nước châu Á “báo động tối đa” về virus viêm phổi từ Trung Quốc (Thanh Phương)
Nhiều dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc trong những năm gần đây, có thể đây là hậu quả của chính sách tăng trưởng bằng mọi giá, bất chấp môi trường, sức khỏe...
21/01/2020 - 14:56
Một tấm bảng thông báo cho hành khách về nguy cơ dịch bệnh từ Vũ Hán tại sân bay Narita, Nhật Bản ngày 16/01/2020. STR / JIJI PRESS / AFP
Từ Bangkok đến Hà Nội, từ Hồng Kông đến Sydney, nhiều nước vùng châu Á-Thái Bình Dương đang được đặt trong tình trạng báo động tối đa, tăng cường các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp tính, tương tự như dịch SARS năm 2003. Cho tới nay đã có 6 ca tử vong tại Trung Quốc do con virus bí ẩn, mà nay được xác nhận là có thể lây từ người sang người. Hiện giờ, các ca nhiễm bệnh đã được phát hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và mới nhất là Đài Loan.
Đầu tiên là ngay tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố xem dịch viêm phổi lần này như là dịch SARS (Viêm phổi cấp tính nặng) năm 2003, có nghĩa bất cứ người nào có triệu chứng bệnh đều phải bị cách ly.
Tại Hồng Kông, nơi mà người dân vẫn còn bị ám ảnh bởi dịch SARS năm 2003 khiến hàng trăm người chết, nhà chức trách cho biết họ đang trong tình trạng “báo động cực kỳ cao”. Sân bay Hồng Kông, một trong những sân bay có đông hành khách nhất thế giới, thì vẫn có máy đo thân nhiệt toàn bộ những người đến sân bay này. Nhưng bây giờ họ yêu cầu mọi hành khách đến từ Vũ Hán phải điền một bản khai tình trạng sức khỏe, và những người nào che giấu các triệu chứng sẽ bị phạt 6 tháng tù. Đường biên giới trên bộ giữa Trung Hoa lục địa và Hồng Kông cũng đang được giám sát chặt chẽ hơn bình thường.
Trong khi đó tại Thái Lan, nhà chức trách đã đặt máy đo thân nhiệt toàn bộ các hành khách từ những nơi có nguy cơ cao ở Trung Quốc nhập cảnh tại các sân bay Bangkok, Chiang Mai, Phuket và Krabi. Những hành khách nào có dấu hiệu bị sốt sẽ bị cách ly trong 24 tiếng đồng hồ để theo dõi. Chính quyền Bangkok đặc biệt lo ngại là vì một phần tư số chuyến bay quốc tế từ Vũ Hán, trung tâm điểm của dịch bệnh, là đến Thái Lan. Theo dự kiến, mỗi ngày có khoảng 1.300 hành khách từ Vũ Hán đến Thái Lan vào dịp Tết Nguyên Đán và chính phủ Bangkok muốn bằng mọi giá tránh dịch bệnh ảnh hưởng đến mùa du lịch cao điểm tại Thái Lan.
Những nước khác có các chuyến bay từ Vũ Hán cũng đang thi hành các biện pháp tương tự như Singapore, Úc, nơi vừa phát hiện trường hợp đầu tiên nghi bị lây nhiễm virus corona mới tại bang Queensland.
Cho dù không có đường bay trực tiếp từ Vũ Hán đến Hà Nội, tình hình cũng rất đáng quan ngại đối với Việt Nam. Vì Việt Nam tiếp đón rất nhiều du khách Trung Quốc, mỗi ngày có hàng chục chuyến bay từ Trung Quốc đến sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, cho nên nguy cơ lây lan rất lớn. Theo báo chí trong nước, hiện nay sân bay Nội Bài bố trí nhân viên trực kiểm dịch y tế quốc tế 24/24h, sử dụng 4 máy đo thân nhiệt tại khu vực nhập cảnh và xuất cảnh quốc tế. Ngoài biện pháp đối với các hành khách nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay, bộ Y Tế Việt Nam còn ra lệnh tăng cường giám sát được biên giới phía Bắc, nơi có nhiều người qua lại giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Các nước châu Á-Thái Bình Dương buộc phải thi hành những biện pháp phòng ngừa gắt gao như vậy, bởi vì nếu để lọt một người từ Trung Quốc mang virus vào trong nước thì sẽ rất khó ngăn chận sự lây lan. Theo một bác sĩ ở đại học King’s College London, dường như là virus có thể lan truyền qua không khí khi người bệnh hắt xì hơi hoặc ho. Mặt khác, theo nhận định của các bác sĩ tại University of Hong Kong, số người nhiễm bệnh ở thành phố Vũ Hán trên thực tế rất có thể đã lên tới hơn 1.300 ca, cao hơn rất nhiều so với con số chính thức là gần 300. Bây giờ lại sắp đến Tết, với cả trăm triệu người sẽ di chuyển trên toàn Trung Quốc để về sum họp với gia đình, như vậy là nguy cơ lây lan sẽ rất cao.
Hiện giờ, theo các chuyên gia y tế, tỉ lệ tử vong của virus corona mới có vẻ tương đối thấp so với dịch SARS trước đây. Nhưng đây là một chủng virus hoàn toàn mới, còn nhiều bí ẩn và dịch bệnh chỉ mới bộc phát, chưa biết là nó sẽ tiến triển như thế nào.
Nguồn: RFI Tiếng Việt