Đồng Tâm, giọt nước sắp tràn ly? (Việt Hoàng)


Đất nước Việt Nam đang cần một giải pháp mới thay thế cho giải pháp cộng sản đã bị thực tế chứng minh là đã thất bại hoàn toàn trên mọi địa hạt trong suốt 75 năm cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Trí thức và người dân Việt Nam thay vì lên án và chỉ trích đảng cộng sản thì hãy tìm hiểu và ủng hộ cho một giải pháp mới của một tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một gợi ý để người dân Việt Nam nghiên cứu và tham khảo. (Việt Hoàng)



Biến cố Đồng Tâm xảy ra hôm 9/1/2020 đã đi vào lịch sử Việt Nam thời cộng sản. Hơn 1000 cảnh sát cơ động (có tin nói là 3000) đã tấn công vào làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội lúc 3-4 giờ sáng với kết quả 4 người chết trong đó có 3 cảnh sát cơ động và ông Lê Đình Kình, cựu bí thư xã Đồng Tâm, một đảng viên có 58 tuổi đảng. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 cảnh sát cơ động vẫn chưa rõ ràng, thông tin một chiều từ báo chí đảng, vừa không đủ độ tin cậy vừa không thuyết phục vì nếu bị rơi xuống giếng trời và bị người dân tẩm xăng thiêu chết thì miệng của giếng trời phải đen kịt vì khói, các bức ảnh mới chụp cho thấy không hề có vết khói như vậy. Trong khi đó xác chết của cụ Lê Đình Kình lại có quá nhiều bạo lực, phía dưới đầu gối chân trái gần như bị đứt lìa, có một vết đạn ngay tim và đầu bị nhiều vết thương…

Biến cố này đã gây ra một cơn bão trong dư luận và mạng xã hội Việt Nam. Các ý kiến nhiều đến mức mà chúng tôi không biết phải nói gì, viết gì. Điều quan trọng nhất mà sự kiện Đồng Tâm mang lại đó là sự quan tâm sâu sắc của người dân Việt Nam. Hiếm có một sự kiện nào được bàn luận và tranh cãi sôi nổi như vậy. Hầu như mọi người Việt Nam dùng mạng xã hội đều biết và quan tâm đến vụ việc này. Nhiều bài viết và các cuộc phỏng vấn của đài báo quốc tế với các đảng viên và quan chức Việt Nam đã được thực hiện và gần như là 100% những người được hỏi đều cho rằng nhà nước đã sai hoàn toàn khi sử dụng bạo lực quá mức dẫn đến cái chết của ông Lê Đình Kình. Đây là một sự thay đổi rất lớn trong tâm thức nhiều đảng viên cộng sản tiến bộ. 

Lập luận được đa số người Việt Nam ủng hộ ông Lê Đình Kình và phản đối chính quyền chia sẻ và đồng tình đó là cần xử lý vụ việc theo pháp luật, tức là đưa ra tòa để tòa phán quyết xem ai đúng ai sai. Nếu ông Lê Đình Kình bị tòa phán là sai thì khi đấy mới tiến hành bắt giữ và nếu ông Kình chống trả thì mới cưỡng chế và nếu cưỡng chế thì cũng phải đàng hoàng, giữa ban ngày ban mặt chứ không thể dùng một đội quân đông đảo đánh úp vào ban đêm như vậy. Đất nước đã hòa bình 45 năm và dân làng Hoành không phải là “thế lực thù địch” nên hành động đánh úp giữa đêm tối như vậy là không thể chấp nhận. Ông Kình cho đến lúc chết vẫn là đảng viên cộng sản và chưa hề bị một tòa án nào kết tội.

Vụ Đồng Tâm đã âm ỉ từ lâu và tưởng chừng đã giải quyết êm đẹp khi ông chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (năm 2017) từng cam kết 3 điều trong đó có “Cam kết trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực, khách quan và đúng pháp luật việc khu vực đất đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân Đồng Tâm, theo quy định của pháp luật”, thế nhưng hồi kết của nó là bạo lực của “chuyên chính vô sản” dẫn đến cái chết của 4 mạng người. 

Nhiều người dân Việt Nam đã bàng hoàng và phẫn nộ khi chính quyền hành động như vậy. Ngay cả những ngưới vốn dĩ ôn hòa và ít lên tiếng nhất cũng đã lên tiếng phản đối chính quyền một cách gay gắt. Sự kiện này đã gây ra một chấn động dữ dội trong dư luận Việt Nam. Thực ra thì vụ việc Đồng Tâm cũng giống như hàng ngàn hàng vạn vụ cưỡng chết đất đai xảy ra trên đất nước Việt Nam trong hàng chục năm qua điển hình như Tiên Lãng, Dương Nội, Văn Giang, Thủ Thiêm, vườn rau Lộc Hưng…Bản chất khủng bố và cướp bóc của đảng cộng sản đâu có gì thay đổi? Ngày xưa nghèo thì họ cướp của người giàu nay giàu rồi thì họ cướp của người nghèo. Ngay cả chính quyền là thứ phải thuộc về nhân dân cũng bị họ cướp đoạt và giữ rịt lấy từ năm 1945 đến giờ huống hồ gì mấy miếng đất.

Trong hàng ngàn bài viết về Đồng Tâm mà chúng tôi đều thấy hay, có lý có tình thì vẫn còn thiếu một thứ là giải pháp cho vấn đề. Vì là những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp trong một tổ chức chính trị dân chủ cho nên chúng tôi cố gắng để không bị cảm xúc nhất thời chi phối và mặt khác luôn cố gắng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề thay vì chỉ đưa ra vấn đề. Làm thế nào để những sự kiện đau lòng như Đồng Tâm không còn xảy ra trên đất nước Việt Nam? Việc quyên góp tiền bạc giúp đỡ gia đình cụ Kình là cần thiết, ấm áp tình người và có tính liên đới giữa những con người trong một quốc gia, một hành động đẹp và đáng trân trọng. Việc đề nghị chính quyền khởi tố những người đã tấn công vào làng Hoành và giết chết cụ Kình cũng đặt chính quyền Việt Nam vào thế khó…Nhưng câu hỏi đặt ra là có thể trông chờ vào sự nghiêm minh của luật pháp dưới chế độ cộng sản không? Rõ ràng là không. Ngay cả tiền phúng điếu cụ Kình vẫn bị chính quyền vu khống là tiền tài trợ cho khủng bố và phong tỏa tài khoản thì còn mong chờ gì ở chính quyền này? Hơn nữa các tòa án Việt Nam không hề được độc lập, các thẩm phán đưa ra phán quyết theo chỉ thị của đảng thay vì tuân thủ luật pháp và lương tâm. Nên nhớ, điều kiện tiên quyết để người dân tuân thủ luật pháp đó là “luật phải đúng, nếu luật không đúng thì không phải là luật”. Luật pháp đúng là một sự cố gắng chân thành để văn bản hóa những giá trị đạo đức trong xã hội được đa số người dân đồng tình và tôn trọng. Bất cứ một điều luật nào mà bị nhiều người dân phản đối đều phải được xem xét lại và thay đổi.

Có ý kiến cho rằng phải yêu cầu chính quyền Việt Nam xóa bỏ điều 53 hiến pháp Việt Nam (2013) qui định “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý” thì sẽ chấm dứt được các vấn nạn trên. Điều này đúng một phần vì vấn đề sở hữu đất đai thuộc về thể chế chính trị và muốn thay đổi điều luật 53 thì phải thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam và đó là chuyện của các tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Nếu vẫn còn “một mình một chợ” độc quyền lãnh đạo đất nước như bây giờ thì đảng cộng sản không thể nào thay đổi được bất cứ điều gì. Trong bài viết cách đây 8 năm ông Nguyễn Gia Kiểng đã nói “Đảng cộng sản Việt Nam đã chết”. (1) Ý kiến của ông Kiểng đã được không ít trí thức Việt Nam chia sẻ và đồng ý đó là: “…Đừng mất thì giờ và công sức cho những kiến nghị với Đảng, hay trăn trở tìm cách chấn chỉnh Đảng. Vô ích và vô duyên. Giải pháp cho đất nước chỉ có thể tìm thấy ngoài đảng cộng sản”.
 
Bản chất của vụ việc Đồng Tâm không có gì mới vì cũng chỉ là thu hồi cưỡng chế đất đai, đây là một “chuyện thường ngày ở huyện” tại Việt Nam nhưng nó đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của xã hội trong đó có cả những đảng viên và công chức của đảng cộng sản, điều này phản ánh một sự chín muồi trong dư luận Việt Nam về một sự thay đổi? Đảng cộng sản Việt Nam đang rất lúng túng, ông Trần Quốc Vượng, thường trực ban bí thư, có lẽ nói đúng “…cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta” (2) Sự kiện Đồng Tâm và trước đó là việc kết án bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn 14 năm tù và cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son án chung thân (được giảm từ án tử hình do Viện kiểm sát đề nghị) trong khi doanh nhân Phạm Nhật Vũ chỉ bị 3 năm tù…đang làm phân hóa nội bộ đảng cộng sản hơn bao giờ hết. 

Đất nước Việt Nam đang cần một giải pháp mới thay thế cho giải pháp cộng sản đã bị thực tế chứng minh là đã thất bại hoàn toàn trên mọi địa hạt trong suốt 75 năm cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Trí thức và người dân Việt Nam thay vì lên án và chỉ trích đảng cộng sản thì hãy tìm hiểu và ủng hộ cho một giải pháp mới của một tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một gợi ý để người dân Việt Nam nghiên cứu và tham khảo.

Việt Hoàng (22/1/2020)