Ủy ban của Nghị Viện Châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA (Thanh Phương)

Nếu EVFTA được thông qua,  nó sẽ khiến kinh tế Việt Nam gắn bó với khối Liên Âu hơn, điều này có lợi cho Việt Nam cũng như tiến trình dân chủ hóa của chúng ta hơn. Vì càng gắn bó với các nước dân chủ, áp lực về nhân quyền lên chính quyền cộng sản Việt Nam càng lớn. Nhưng chúng ta hy vọng nghị viện châu Âu sẽ coi vấn đề dân chủ nhân quyền như một điều kiện để thông qua EVFTA, nhằm buộc Hà Nội cải thiện tình trạng nhân quyền một cách nhanh chóng và có thực chất.

21/01/2020 - 13:06
Ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, bộ trưởng Thương Mại Rumani Stefan Radu Oprea và bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng trong buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30/06/2019.
Ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, bộ trưởng Thương Mại Rumani Stefan Radu Oprea và bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng trong buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30/06/2019. Reuters

Hôm nay, 21/01/2020, trong cuộc họp tại Bruxelles, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị Viện Châu Âu đã thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (EVIPA).

Sau khi khuyến nghị được thông qua, hai hiệp định nói trên theo dự kiến sẽ được biểu quyết để phê chuẩn trong phiên họp toàn thể của Nghị Viện Châu Âu vào giữa tháng 2 tới. Nếu được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn, EVFTA sẽ có hiệu lực một tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau là quá trình thủ tục về pháp lý đã kết thúc. Nhưng còn hiệp định EVIPA sẽ vẫn còn cần phải được nghị viện của từng nước thành viên EU thông qua. Quá trình này có thể kéo dài tới vài năm.

Trước cuộc họp của Ủy ban Thương mại Quốc tế một số nghị sĩ châu Âu đã bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Hôm qua, trên mạng xã hội Twitter, nghị sĩ Anna Cavanizzi, thuộc đảng Xanh, tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống khuyến nghị, bởi vì theo bà, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn rất đáng lo ngại, chính quyền đàn áp tàn bạo đối với giới bất đồng chính kiến, đặc biệt là từ năm 2016. Nghị sĩ Cavanizzi cũng nhắc lại là các tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch, đã kêu gọi Nghị Viện Châu Âu hoãn phê chuẩn cho đến khi chế độ Hà Nội thực hiện đầy đủ các cam kết về nhân quyền.

Vụ đụng độ giữa công an và dân làng tại Đồng Tâm càng khiến cho các nghị sĩ châu Âu quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam thêm quan ngại. Hôm 18/01, nghị sĩ Saskia Bricmont, một thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế, viết trên Twitter: "Làm sao vào tháng Hai tới, Nghị Viện Châu Âu có thể phê chuẩn một hiệp thương mại tự do và bảo hộ đầu tư với một quốc gia khủng bố và đàn áp người dân như vậy?"