LHQ tổ chức Diễn đàn Thế giới đầu tiên về người tị nạn (Thu Hằng)

Vấn đề di dân ngày càng phổ biến trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, đây là điều mà thế giới phải thích ứng.
Có một thực tế là, ở các nước phương Tây, rất nhiều ngành nghề mà người bản xứ không muốn làm vì thu nhập thấp; nhưng khi những người nhập cư từ các nước nghèo đến làm, và nhờ chăm chỉ, tiết kiệm, nhiều người thành công và vươn lên, lại bị quy trách nhiệm cho tình trạng thất nghiệp của dân bản xứ.
Chính điều này là một phần lí do khiến các đảng cực hữu đang lên điểm và tác động đến chính sách về nhập cư của các chính phủ phương Tây.
Những chính sách mà tổng thư kí Liên Hiệp Quốc Antoni Guterres nói  "được tiến hành dựa trên nỗi sợ hơn là căn cứ vào thực tế".

Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres chủ trì Diễn đàn Thế giới đầu tiên về người tị nạn.
Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres chủ trì Diễn đàn Thế giới đầu tiên về người tị nạn. ©REUTERS/Carlo Allegri

Cách đây tròn một năm, ngày 17/12/2018, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Công ước quốc tế về di dân và tị nạn dù bị các đảng cánh hữu hoặc cực hữu nước ở nhiều nước phương Tây phản đối.

Một năm sau, Liên Hiệp Quốc tìm cách biến lời nói thành hành động khi tổ chức Diễn đàn Thế giới đầu tiên về người tị nạn ngày 17/12/2019, đồng thời để huy động nguồn tài chính cho các chương trình hỗ trợ di dân.

Thông tín viên RFI Jérémie Lanche tường trình từ Genève :

« Đây là cuộc họp quan trọng nhất chưa từng được Liên Hiệp Quốc tổ chức về chủ đề di dân. Diễn đàn này diễn ra vào lúc thế giới chưa bao giờ có nhiều người phải di tản đến như vậy : Chỉ riêng năm 2018 có 71 triệu người, trong đó có 26 triệu người tị nạn.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, từng là Cao Ủy tị nạn, Antonio Guterres, hy vọng nhận được những cam kết về mặt tài chính từ các Nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời đề nghị họ cải thiện điều kiện tiếp đón người tị nạn. Tuy nhiên, lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi.

Tổng thư ký phát biểu : Những làn sóng di dân an toàn, có trật tự và chính quy có lợi cho mọi bên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường nghe thấy những điểm sai sự thật nguy hiểm về vấn đề người nhập cư. Chúng ta cũng thấy những khó khăn mà họ phải đối mặt và đó là kết quả của những chính sách được tiến hành dựa trên nỗi sợ hơn là căn cứ vào thực tế.

Rất nhiều nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ đến dự Diễn đàn. Thủ tướng Đức Angela Merkel, sau khi đã thông báo, cuối cùng không có mặt. Ngược lại, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có ý định sử dụng diễn đàn để chỉ trích chính sách nhập cư của châu Âu. Ankara có thể dọa các đối tác là mở cửa đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nếu không được châu Âu hỗ trợ. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc lại đang cố tìm cách tránh một cuộc tranh cãi mới về vấn đề di dân ».