Đập thủy điện gây tranh cãi của Lào bắt đầu hoạt động (VOA Tiếng Việt)

Biến đổi khí hậu cùng với việc hàng loạt đập thủy điện đã và đang tiếp tục được xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong sẽ hủy hoại đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa và là khu vực có diện tích trồng cây ăn trái cũng như nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước. Chính quyền cộng sản không những không có giải pháp mà còn là nguyên nhân.  Quản lý kém cỏi, tham nhũng cùng chính sách phân biệt vùng miền, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang bị bỏ quên trong khi tình hình rất cấp bách.

Người dân biểu tình và kiện công ty điện ở Thái Lan vào năm 2014 vì đã đồng ý mua điện từ đập Xayaburi của Lào.

Đập thủy điện đầu tiên ở hạ lưu sông Mekong bắt đầu đi vào hoạt động thương mại tại Lào hôm 29/10 giữa lúc dân làng ở Thái Lan biểu tình phản đối, vì cho rằng đập Xayaburi và nhiều công trình khác đang được thi công sẽ phá hủy sinh kế của họ trong tương lai, theo Reuters.

Đập Xayaburi 1.285 megawatt khởi sự hoạt động vào lúc mà nhiều khu vực trên dòng sông Mekong bị khô nước mặc dù đang ở cuối mùa mưa. Các nhà thầu và điều hành con đập nói con đập này không liên quan gì đến dòng chảy của con sông trở nên khô cạn.

Đập Xayaburi là dự án đầu tiên trong số ít nhất chín dự án thủy điện đang được xây dựng hoặc dự kiến xây dựng ở hạ lưu sông Mekong tại Lào.

95% năng lượng sản xuất từ đập Xayaburi sẽ được bán cho Thái Lan với mức giá trung bình 2 baht (0,066 USD) mỗi đơn vị.

Một loạt các công trình xây dựng đập mới đã lót đường và sẽ đẩy nhanh các cuộc tranh chấp về an ninh lương thực và nguồn nước, sau nhiều năm lo lắng về 11 con đập hiện hữu do Bắc Kinh xây ở thượng nguồn sông Mekong đang làm tắc nghẽn dòng sông, vốn là sinh kế của hàng triệu người Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam từ bao đời nay.

Được xây dựng từ chín năm trước, trị giá dự án lên đến 135 tỷ baht (4,47 tỷ USD), đập Xayaburi do các công ty và ngân hàng Thái Lan tài trợ. Con đập đã gây tranh cãi từ khi mới bắt đầu xây dựng.
Hôm thứ Ba, các nhà sư Thái Lan ở bên bờ phía Thái Lan của sông Mekong đã tụng kinh và làm lễ cầu phước cho dòng sông.

Các nhà hoạt động của Nhóm Freedom Mekong trước đó đã cảnh báo là sông này đang đứng trước nguy cơ trở thành một dòng sông chết.