Ai miệt thị quốc thể?(Trân Văn)

Việc công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào nhiều nước bị soi mói, dè chừng, nhiều người bị từ chối nhập cảnh là điều để người Việt Nam, đặc biệt là chính quyền Việt Nam phải cảm thấy hỗ thẹn. Thay vì tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ để cải thiện tình hình, chính quyền cộng sản Việt Nam lại ra lệnh cho bộ máy tuyên truyền ngụy biện theo kiểu nói lấy được.


Hôm qua (28 tháng 10 năm 2019), trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Việt Nam khóa 14, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự luật sửa Luật Xuất nhập cảnh. Chưa rõ tại sao đa số cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức chỉ đưa tin, không tường thuật các đại biểu Quốc hội đã bàn bạc như thế nào (1).

Nhân sự kiện vừa kể, tờ Tuổi Trẻ có một bài bình luận về chuyện xuất cảnh của công dân Việt Nam. Theo đó, càng ngày càng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ (ví dụ Đài Loan) từ chối cấp visa nhập cảnh vào xứ họ cho công dân Việt Nam. Có những quốc gia vừa nới rộng việc cấp visa cho công dân Việt Nam như Nam Hàn (cấp visa có thời hạn sử dụng năm năm cho công dân Việt Nam đang cư trú tại một số địa phương nhất định ở Việt Nam) đã vội vàng đặt định thêm yêu cầu để siết lại (2).

Dù muốn hay không thì thực tế vẫn chỉ ra: Giá trị sử dụng của hộ chiếu Việt Nam rất thấp. Thiên hạ rất cẩn trọng đối với việc mở cửa cho công dân Việt Nam vào nhà của họ, cho dù là chỉ vào để học, để chơi. Không phải tự nhiên mà “rớt visa” trở thành cụm từ phổ biến trong sinh hoạt xã hội ở Việt Nam!

***

Cách nay khoảng ba tuần, sau khi Henley & Partners công bố Henley Passport Index (HPI) 2019 (bảng xếp hạng giá trị sử dụng passport của các quốc gia trên thế giới năm 2019), VOA giới thiệu một bài bàn về “Quyền lực hộ chiếu” và vị thế Việt Nam khi hộ chiếu Việt Nam hạng 90, giá trị sử dụng thua cả Campuchia - hạng 88 (3)…

Chỉ ba ngày sau, tờ Công an nhân dân có bài phản bác, gọi sự so sánh về giá trị sử dụng của hộ chiếu Việt Nam là “lố bịch”. Theo đó, HPI chỉ là “kênh tham khảo”. Hộ chiếu chỉ là “một căn cứ của thủ tục hành chính, không phải cơ sở hệ trọng đánh giá văn minh và vì vậy, không thể dựa vào thứ hạng này để nói Việt Nam lạc hậu, tồi tệ”.

Cũng theo tờ Công an nhân dân thì giá trị sử dụng của hộ chiếu hoàn toàn phụ thuộc vào quốc gia cấp hộ chiếu, mỗi quốc gia sẽ dựa trên “điều kiện cụ thể để đưa ra quy định có thể tăng hay giới hạn độ mở của hộ chiếu, cho phép công dân đi đến bao nhiêu quốc gia mà không cần visa”. Với cách lập luận này thì hộ chiếu Việt Nam có giá trị sử dụng thấp hơn nhiều quốc gia khác chỉ vì chính quyền Việt Nam căn cứ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam chưa tăng “độ mở của hộ chiếu”!

Tờ Công an nhân dân nhấn mạnh: “Không thể nói hộ chiếu đi được nhiều quốc gia thì nước đó văn minh, tiến bộ hơn nước có hộ chiếu đến được ít quốc gia hơn”. Không hiểu như thế, nói khác đi là “suy diễn, quy chụp” thể hiện rõ “ý đồ xuyên tạc, chống phá, mượn cớ xếp hạng hộ chiếu để bôi nhọ đất nước, đưa ra những đòi hỏi phi lý”, đồng thời cảnh cáo, không thể lợi dụng HPI để “miệt thị, bài bác, phê phán từ vấn đề hộ chiếu đến vấn đề thiêng liêng là quốc thể - dân tộc, đất nước Việt Nam” (4).

***

Khu vực Đông Nam Á có mười quốc gia, trên thực tế, giá trị sử dụng của hộ chiếu Việt Nam chỉ hơn Lào và Myanmar. Cần khẳng định là trong sinh hoạt xã hội tại ba lân bang: Brunei, Malaysia và Singapore, dân chúng không có khái niệm “đậu visa” hay “rớt visa”. Tư cách công dân của ba quốc gia này cho phép họ đến Anh hay bất kỳ quốc gia nào tại châu Âu, Nam Hàn, Đài Loan,… bất kỳ lúc nào họ muốn mà không cần phải xin và chờ được chấp thuận như công dân Việt Nam!

Chưa rõ tại sao tờ Công an nhân dân khẳng định, giá trị sử dụng của hộ chiếu chỉ phụ thuộc vào quốc gia cấp hộ chiếu? Cho dù cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam dành rất nhiều chữ để giới thiệu nỗ lực của ngành công an nói riêng và chính quyền Việt Nam nói chung trong việc cải cách thủ tục hành chính cả ở lĩnh vực xuất cảnh (đối với công dân Việt Nam), lẫn lĩnh vực nhập cảnh (đối với công dân các quốc gia khác) nhưng thực tế mà tờ Tuổi Trẻ ghi nhận - phản ánh cho thấy, thiên hạ không chịu… chứng!

Theo tờ Tuổi Trẻ: “Chưa bao giờ cơ hội đi nước ngoài cho người Việt được mở rộng như hiện nay. Hộ chiếu thậm chí còn được cấp qua mạng. Nhưng trở ngại không nằm ở trong nước, mà tại nước người Việt muốn đến: Không được cấp thị thực (visa) nhập cảnh. Rớt visa là chuyện thường gặp, đó là cửa ải khó khăn mà nhiều người không thể vượt qua”. Các viên chức ngoại giao phụ trách việc xét - cấp visa cho công dân Việt Nam vào xứ sở của họ vẫn thản nhiên lắc đầu, thậm chí… nhiều hơn trước!

***

Cho dù với nhiều người Việt, “hạnh phúc” chỉ quẩn quanh ở việc mình và thân nhân được ăn no, mặc ấm, có một chỗ để chui ra, chui vào, đau bệnh có tiền chữa chạy, con cái được đến trường, tương lai ổn định, an lành,… nhưng “hạnh phúc” vẫn ngoài tầm với. Đó là lý do người Việt đã, đang và sẽ còn lũ lượt xuất cảnh cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp để mưu cầu “hạnh phúc” cho chính họ và thân nhân của họ. Rời Việt Nam đi làm thuê ở nước ngoài, kể cả Lào, Campuchia (5),… trở thành sinh lộ cho hàng triệu người.

Đưa công dân Việt Nam đi làm thuê ở ngoại quốc đã trở thành “chiến lược” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền. Vài năm gần đây, năm nào Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cũng khoe đã “vượt chỉ tiêu” đề ra hàng năm, đưa 100.000 công dân Việt Nam đi làm thuê ở ngoại quốc (6).

Thay vì cảm thấy xấu hổ do quản trị - điều hành kém, không tạo ra đủ việc làm, hoặc việc làm không tạo ra cho công dân đủ mức thu nhập cần thiết để họ nuôi thân và nuôi gia đình, phải đưa công dân đi làm thuê ở ngoại quốc, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam lại xem đó vừa như một thứ thành tích, vừa như một lọai đặc ân.

Đó là lý do công dân muốn đi làm thuê ở ngoại quốc phải thế chấp nhà cửa, ruộng vườn, phải vay ngân hàng để đóng cho đủ mức phí đã được ấn định và phải nộp một phần thu nhập mà họ kiếm được từ các hãng xưởng ở ngoại quốc cho những doanh nghiệp đại diện đảng, nhà nước ban bố đặc ân.

Đó là lý do công dân Việt Nam đi làm thuê ở ngoại quốc thi nhau từ bỏ vị thế hợp pháp, chọn việc trở thành ngoại nhân cư trú và làm việc bất hợp pháp, nhiều công dân khác tìm đủ mọi cách, kể cả dùng “chuyên cơ” chở Chủ tịch Quốc hội, hoặc sẵn sàng đổi mạng để “được” sống và mưu sinh bất hợp pháp trên xứ người! Đó cũng là lý do giá trị sử dụng của hộ chiếu Việt Nam rất thấp dù hệ thống chính trị, hệ thống công quyền liên tục khẳng định “tiềm lực, vị thế và uy tín” quốc gia chưa bao giờ “được” như hiện nay (7).

***

Giống như giới lãnh đạo Việt Nam, ngày 7 tháng 10, song song với việc chỉ trích kịch liệt những người bàn luận về giá trị sử dụng của hộ chiếu Việt Nam là “lố bịch”, tờ Công an nhân dân còn khuyến cáo tất cả phải nhớ: Dân tộc Việt Nam kiên cường, oanh liệt trong chiến đấu, nay đổi mới vươn lên, giành được những thành tích hết sức quan trọng, vừa thể hiện tri thức, thông minh, sự cần cù, chịu khó, sáng tạo, vừa thân thiện, hiếu khách, bè bạn quốc tế tin tưởng, con người của dân tộc đó hãnh diện, tự hào!

Chưa đầy ba tuần sau, ngày 23 tháng 10, cả thế giới rúng động, bàng hoàng trước sự kiện Anh Quốc phát giác 39 người thảm tử trong một container dùng để vận chuyển hàng đông lạnh. Tuy chưa có thông tin chính thức về danh tính, quốc tịch của các nạn nhân nhưng thiên hạ tin rằng, nhiều người trong số đó là công dân Việt Nam. Những tin nhắn của Phạm Thị Trà My (8), những tâm sự của Bùi Thị Nhung (9), gia cảnh của một số người mà người ta tin cũng là nạn nhân,… có giúp cho người Việt nào hãnh diện, tự hào?

Chú thích

Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.