Tàu khảo sát Hải Dương 8 cách bờ biển Việt Nam 155 km (RFA)

Đây là cách mà thằng anh chúc mừng "quốc khánh" thằng em. Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng các áp lực ngoài biển Đông lên Việt Nam. Không thể không tính tới nguy cơ là trong tương lai áp lực sẽ lan sang cả thương mại và đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trong tình trạng như vậy chỉ có hậu thuẫn từ hơn 100 triệu người dân Việt Nam cũng như từ cộng đồng quốc tế mới có thể giúp Việt Nam đương đầu hiệu quả với Trung Quốc. Chỉ có một chính quyền dân chủ, do dân chúng bầu lên và chịu trách nhiệm trước dân chúng, mới có thể có được sự hậu thuẫn đó. 

Hình minh họa đường đi của tàu Hải Dương 8 trong tháng 7 vừa qua ở vùng biển Việt Nam


Vào sáng sớm ngày 1/9, đội tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ còn cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận, miền trung Việt Nam khoảng 155 km, theo dữ liệu theo dõi tàu biển của trang Marine Traffic.

Như vậy chỉ trong vòng khoảng 1 tuần, nhóm tàu này đã tiến sâu thêm 30 km vào vùng biển Việt Nam.

Hôm 24/8, Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh của Trung Quốc chỉ cách bờ biển Phan Thiết của Việt Nam khoảng 185 cây số.

Như vậy, đến lúc này nhóm tàu Hải Dương 8 đã ở trong vùng biển của Việt Nam được gần 2 tháng, tính từ ngày đầu tiên là 3 tháng 7.

Đồng thời từ giữa tháng 6 đến nay, Trung Quốc cũng điều tàu hải cảnh đến quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô 06.1.

Chính phủ Việt Nam từ hôm 19/7 đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ các tàu khỏi vùng thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định các tàu của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng nước thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này từ vẽ ra trên biển, gọi đây là vùng nước lịch sử. Tuy nhiên tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này. Trung Quốc không chấp nhận phát quyết của tòa.

Trong các tháng qua, nhiều nước trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc, và Ấn Độ đều đã lên tiếng quan ngại về hành động này của Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26/8 gọi hành động của Trung Quốc là bắt nạt các nước láng giềng. Còn Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó xác định Bắc Kinh đang gây sức ép đòi Hà Nội phải bỏ các hợp tác khai thác dầu khí với các công ty ngoài khu vực chỉ để khai thác với các công ty thuộc nhà nước Trung Quốc.

Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực để đảm bảo tự do hàng hải và các hoạt động kinh tế ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói những phát biểu của Washington là thiếu suy nghĩ, và không có căn cứ nhằm chống lại Trung Quốc, bóp méo sự thật và gây nhầm lẫn giữa đúng và sai. 

Nguồn tin: RFA