Hồng Kông: Người biểu tình bác bỏ kêu gọi đối thoại của chính quyền (Thanh Hà)

Bản chất của các chế độ độc tài là không nhượng bộ và luôn chọn giải pháp đàn áp. Họ chỉ nhượng bộ khi không thể đàn áp được nữa. Việc chính quyền Hong Kong rút lại dự luật dẫn độ đã quá muộn. Nếu họ làm việc đó cách đây 3 tháng thì mọi chuyện đã kết thúc trong êm đẹp. Bây giờ yêu cầu của người dân đã khác, họ muốn được bầu cử tự do để chọn ra một chính quyền dân chủ và độc lập với Bắc Kinh. Đây là một cơn ác mộng đối với Trung Quốc. Sau tất cả những gì xảy ra thì việc hòa giải và đối thoại giữa người biểu tình và chính quyền Hong Kong e rằng rất khó để thực hiện. TQ chỉ còn mỗi cách là nhượng bộ người dân rồi đến đâu thì đến. 



Một ngày sau khi thông báo chính thức rút lại dự luật dẫn độ, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông tổ chức họp báo hôm 05/09/2019 kêu gọi nối lại đối thoại và chấm dứt bạo động.
Những cử chỉ hòa hoãn của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) không thuyết phục được đa số người biểu tình, bởi chính quyền chỉ nhượng bộ 1 trong số 5 đòi hỏi của phong trào đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông.

Đặc phái viênStéphane Lagarde từ Hồng Kông gửi về phóng sự ngắn sau đây :

"Cuộc cách mạng trong thời đại của chúng ta", "Giải phóng Hồng Kông", trên đây là những biểu ngữ xuất hiện trở lại trước Nghị Viện Hồng Kông, vài giờ sau thông báo chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ. 

Trong cuộc họp báo không được chuẩn bị trước vào khuya hôm qua (04/09), những người lên tiếng phát biểu đeo mặt nạ và đội mũ bảo hiểm của công trường tuyên bố : không hài lòng với thông báo của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Họ giải thích, thông báo này tựa như người ta "dùng băng keo dính để băng bó cho người bị thương nặng ".

Cô Jina làm việc cho một công ty đa quốc gia tại một trong những tòa cao ốc bằng kính trong khu vực cho rằng "nếu như ba trước tháng đây, lãnh đạo Hồng Kông rút dự luật dẫn độ, tất cả các bên sẽ hài lòng. Giờ đây, chúng ta đã trông thấy những cảnh tượng cảnh sát đánh đập thường dân trong xe điện. Thành thử cần tiếp tục đấu tranh vì công lý".

Đấu tranh vì công lý, là động lực thúc đẩy sinh viên một trường kỹ sư dân sự suốt mùa hè vừa qua liên tục chiếm đóng những con lộ đông người mua bán tại khu Wanchai, cách không xa các văn phòng chính phủ. 

Chiều qua, nhiều tiếng còi xe chào đón tin chính quyền rút lại dự luật dẫn độ. Tom 21 tuổi, coi đây là một tin vui. Anh nói : ''Đây là một tin vui, chúng tôi đã đấu tranh nhiều để có được thành quả này". 

Một kết quả tốt nhưng chưa đủ, theo như ghi nhận của ông Andy Yep. Nay đã 70 tuổi và nghỉ hưu, thỉnh thoảng ông đi đá bóng ở sân vận động tại trung tâm thành phố. Ông nói : "Hồng Kông đang trở thành đất dụng võ của cảnh sát. Đâu đâu cảnh sát cũng có mặt, từ ở tầu điện ngầm đến trước cửa trường học. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã sai lầm nghiêm trọng".

Riêng có giới doanh nhân dường như sẵn sàng tha thứ những sai lầm nói trên. Số này tỏ ra hài lòng về quyết định rút lại dự luật dẫn độ và đang nóng lòng chờ đợi kinh tế Hồng Kông hoạt động trở lại". 

Bắc Kinh "tôn trọng và ủng hộ" rút lại dự luật dẫn độ

Trong buổi họp báo chiều 05/09/2019, lãnh đạo Hồng Kông bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga một lần nữa nhắc lại : quyết định chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ không cần được đem ra Nghị Viện để thảo luận hay biểu quyết.

Đây là "sáng kiến" của chính quyền Hồng Kông để thoát khỏi bế tắc. Bà Lâm đồng thời bác bỏ nghi vấn cho rằng chính quyền đưa ra quyết định này do Bắc Kinh chỉ thị. Tuy nhiên, lãnh đạo đặc khu hành chính nhấn mạnh là Trung Quốc "tôn trọng và ủng hộ" việc rút lại dự luật, nguyên nhân đẩy một phần dân chúng Hồng Kông liên tục xuống đường trong gần ba tháng vừa qua.

Tờ báo Anh Ngữ China Daily số ra ngày 05/09 cho rằng với việc chính quyền Hồng Kông rút lại dự luật dẫn độ, người biểu tình Hồng Kông "không còn lý do gì tiếp tục đi theo con đường bạo động".

RFI