Dạy con giữ gìn phẩm giá, giữ gìn phẩm giá cho con (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Nuôi dạy một đứa trẻ là việc vô cùng khó khăn, là bố mẹ - chúng ta không thể biết chúng ta sai lầm khi nào bởi chúng ta là những nạn nhân của một nền giáo dục tồi tệ với các phương pháp giáo dục còn tồi tệ hơn. Nhưng chúng ta phải thay đổi tư duy, phải học để hiểu, không được phép để những di chứng tổn thương lặp lại trên con cháu mình. Chúng ta, đa số đều bị ba mẹ vô tình làm tổn thương phẩm giá, hãy đừng để điều đó xảy ra với con cháu của mình. (Nguyễn Thị Bích Ngà)


" Phẩm giá con người bất khả xâm phạm” -Immanuel Kant.

Điều này có nghĩa bất cứ ai, ở đâu, dưới ý thức hệ nào, không phân biệt màu da, giới tính, giàu có hay bần cùng, học thức hay dốt nát, theo tôn giáo này hay theo tôn giáo khác, ý thức chính trị nầy hay ý thức chính trị khác, hễ là người đều có nhân phẩm bất khả xâm phạm.

Phẩm giá, hay còn gọi phẩm cách, nhân cách, là giá trị con người. Đây là một khái niệm chỉ giá trị về tinh thần. Con người thể hiện phẩm cách của mình và cảm nhận phẩm cách của người khác thông qua thái độ, hành vi ứng xử.

Người như thế nào được gọi là người có phẩm giá?

Không phải người có nhiều tiền, ăn mặc sang trọng, đi xe xịn, ở nhà đẹp, tiêu tiền như nước là người có phẩm giá. Người có phẩm giá là dù giàu hay nghèo, trong bất kỳ môi trường sống nào cũng cố gắng ứng xử một cách tự trọng, giữ gìn những quy tắc đạo đức, nhân bản trong ứng xử và tôn trọng người khác.

Ngày nay, khi xã hội nháo nhào vì các giá trị vật chất, người ta ít nghĩ và nói đến phẩm giá-giá trị tinh thần. Người ta đánh giá nhau qua khối lượng vật chất mà một người sở hữu. Tuy vậy, việc đánh giá đó chỉ đem lại sự ngưỡng mộ và nịnh bợ hoặc ghen ghét nhất thời, không có giá trị bền vững bởi khi vật chất mất đi sự ngưỡng mộ cũng tan biến. Một người có phẩm giá tuy nghèo nhưng cái phẩm giá là cái bên trong, của anh ta, duy nhất, bền vững và luôn được tôn trọng.

A. Maslow - một trong những người tiên phong của trường phái tâm lý học nhân bản, nổi tiếng với học thuyết “thang nhu cầu Maslow” mô tả những nhu cầu của con người từ thấp nhất là về sinh lý (thức ăn, nước uống, thở, tình dục...,) cho đến nhu cầu an toàn, rồi nhu cầu thuộc về một nhóm hay cộng đồng (nhu cầu xã hội,) tiếp đó là nhu cầu được yêu thương, quý trọng, tôn trọng và cao nhất là nhu cầu thể hiện bản thân. Maslow cho rằng những nhu cầu bậc cao hơn sẽ không xuất hiện nếu những nhu cầu bậc thấp chưa được thỏa mãn và những nhu cầu cơ bản này sẽ hối thúc con người hành động khi chúng chưa được thỏa mãn.

Xã hội Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ, xét cho cùng, chưa thời kỳ nào người nghèo - những người ở tầng thấp nhất của thang nhu cầu Maslow - được quyền bình đẳng, tôn trọng phẩm giá. Khi đói khát, con người tìm cách thỏa mãn các nhu cầu ăn, uống và các nhu cầu về tinh thần tạm thời bị quên đi. Nhưng nếu họ cũng được đáp ứng những nhu cầu cơ bản thì họ cũng có nhu cầu được yêu quý và sống tự trọng.

Những gia đình có giáo dục, dù nghèo hay giàu, vẫn luôn dạy con cháu trong nhà về phẩm giá và giữ gìn phẩm giá. Ông bà ta có những câu thành ngữ, "Nghèo cho sạch, rách cho thơm," hoặc "giấy rách phải giữ lấy lề." Điều này chứng minh, cho dù nghèo, con người vẫn cần sống tự trọng và ứng xử sao cho người khác phải tôn trọng mình.

Người Việt những thập niên gần đây có còn nhiều nhà dạy con giữ gìn phẩm giá và biết giữ gìn phẩm giá cho con? Đau lòng khi nói ra, nhưng tôi e là không. Nhiều người Việt bây giờ kể cả khi đã không còn phải lo lắng về các nhu cầu sinh lý, cũng không quan tâm đến việc sống tự trọng. Các giá trị đạo đức xã hội đã bị đảo lộn, hư hao và triệt tiêu đến mức khi nói đến phẩm giá thì người ta cười khẩy, bảo, "Nó có ra tiền không?"

Nhà trường vẫn bêu tên học sinh yếu kém hay nghịch phá vào các dịp chào cờ đầu tuần. Vẫn kêu tên học sinh giữa lớp để nhắc nhở nó đang thiếu tiền học phí. Có những trường hợp có những em không được tham gia vào buổi ăn uống sinh hoạt nào đó vì không có tiền đóng góp. Dày đặc những clip, hình ảnh thầy cô đánh đập, hành hạ, chửi mắng học sinh như những con thú. Chúng ta không thể kỳ vọng vào việc con trẻ được tôn trọng phẩm giá và dạy cách giữ gìn phẩm giá trong một môi trường mà những người làm công tác giáo dục không hề quan tâm đến nỗi tủi nhục, xấu hổ, đau khổ và bị phân biệt đối xử của trẻ.

Ta lại quay về với gia đình, nơi trẻ bắt đầu những bài học đầu tiên trong đời. Trẻ có thực sự được tôn trọng phẩm giá và dạy cách giữ gìn phẩm giá hay không? Người ta quên luôn rồi.

Ta có thể dễ dàng bắt gặp những ông bố, bà mẹ đem con ra la mắng, đánh đập trước mặt người khác. Họ có thể ngang nhiên nói với người khác về đứa con của mình, "Cái thằng này chả được cái tích sự gì. Nuôi chỉ tổ tốn cơm." Hoặc mắng con là "con đĩ" khi trẻ còn chưa hiểu khái niệm đĩ là gì. Ta thấy, bố mẹ, ông bà, thầy cô, người lớn, đều có thể nhân danh "dạy bảo, yêu thương" để sỉ nhục một đứa trẻ, người khác.

Vô hình chung, điều này đã giết chết phẩm giá của người bị sỉ nhục. Một đứa trẻ, một con người khi thường xuyên bị đối xử tồi tệ bằng hành vi, lời nói, không được tôn trọng phẩm giá sẽ không thể sống tự tin và tự trọng được. Họ sẽ hụt hẫng, thiếu khuyết trong tâm hồn và tìm cách lấp đầy khoảng trống đó bằng cách lao vào tìm kiếm các giá trị ngoại thân.

Dạy con giữ gìn phẩm giá, trước tiên, bố mẹ phải biết giữ gìn phẩm giá của con mình.

Trong những bài viết về giáo dục con trẻ, tôi không hề đề cập đến hai chữ phẩm giá, nhưng những bài học dạy con đó chính là dạy con cách sống tự lập, tự trọng, giữ gìn lối sống nhân bản, yêu thương, cách ứng xử với cộng đồng như chia sẻ, tôn trọng, trách nhiệm...thông qua đó thể hiện và chứng minh mình là người có phẩm giá. Trong loạt bài Nền tảng giáo dục gia đình, tôi cũng phê phán rất nhiều và kêu gọi thay đổi tư duy trong cách dạy con của nhiều người Việt. Khi bố mẹ nhận ra để thay đổi tư duy thì những đứa trẻ mới có cơ hội được dạy bảo đúng cách.

Bạn tôi có đứa con đang ở độ tuổi mới lớn, cái tuổi ẩm ương ham chơi lười học, làm gì cũng đổ vỡ hoặc qua loa cho xong để còn chơi hoặc nghĩ linh tinh đủ thứ trong đầu. Bé nổi loạn, hay cãi hỗn, thỉnh thoảng lại đòi bỏ nhà đi khi không vừa ý điều gì hoặc khi bị ép buộc phải theo khuôn phép nào đó. Lần nào cũng chỉ lang thang quán net, qua nhà họ hàng, rồi được tìm đem về. Có lần, bạn tôi không kềm chế được, đánh con. Thằng bé lại đòi bỏ nhà đi. Bạn cho con lựa chọn đi hay ở nhà, nếu ở nhà thì phải theo khuôn phép. Thằng bé chọn đi. Nhưng nó sợ hãi, không dám đi và viện cớ này nọ. Bạn tôi nhất quyết đuổi thằng bé đi ra khỏi nhà.

Biết chuyện, tôi bảo, "Bạn sai rồi. Khi con đi khỏi nhà sẽ có hai trường hợp xảy ra:

1. Nó là đứa có cá tính mạnh nên nó sẽ đi luôn. Ở trường hợp này, nó sẽ được đời dạy nó, chắc chắn là rất khó nên người trong môi trường xã hội này, nguy hiểm nhiều hơn. Nhưng cho dù sau này nó là người thành đạt hay thằng ăn cướp thì nó vẫn có phẩm giá của nó. Có thể cha con bạn sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau hoặc không thể yêu thương nhau nữa nhưng thằng bé vẫn là người có phẩm giá.

2. Nó là đứa nhút nhát, không dám đi luôn, chỉ loanh quanh đợi người nhà kiếm về hoặc tự mò về. Nếu đói khát tự mò về thì nó bị đặt vào cái tình thế bắt buộc phải lựa chọn giữa việc quy phục bạn hoặc chết đói. Nó chọn quy phục vì sinh tồn, không phải vì yêu thương, nó sẽ hận bạn, đó là một tổn thương không dễ gì xóa đi được. Và điều đau đớn hơn là, khi bạn đẩy nó ra khỏi nhà là bạn đã thò tay bóp cổ cái phẩm giá trong nó, nó chọn quy phục khi quay về, đồng nghĩa với việc nó tự giết chết phần phẩm giá đang ngắc ngoải của chính nó. Sau này, khi lớn, nó sẽ nhu nhược trong những vấn đề tự thân nhưng lại dễ hung hăng trong cách ứng xử với người. Bạn nên tìm con về và cần nói chuyện thẳng thắn với con. Phân tích, nói nhiều về việc cần sống tự trọng để chuẩn bị cho việc trở thành một người có phẩm giá sau này. Sẽ khó, nhưng vẫn còn kịp để sửa."

Không một người nào lựa chọn sinh ra. Tất cả chúng ta được sinh ra bởi ý muốn của người khác với mục đích duy trì nòi giống. Nhưng kể từ khi tượng hình chúng ta đã có nhân cách và không ai được quyền nhân danh bất cứ điều gì xúc phạm nhân cách của chúng ta. Hãy yêu con trẻ bởi, trước tiên, chúng là chính chúng, sau đó hãy hướng dẫn chúng để chúng sinh tồn và trưởng thành như một NGƯỜI đúng nghĩa với các giá trị yêu thương, nhân bản, tự trọng, biết tôn trọng người khác.

Có lần, con gái tôi hỏi, “Mẹ, nếu con là con của một bà mẹ khác thì sao nhỉ?” Tôi hơi bất ngờ. Rõ ràng con đâu lựa chọn được ai là mẹ của con. Nếu được lựa chọn, có thể con sẽ lựa chọn được sinh ra bởi một bà mẹ khác. Tôi cười, “Mẹ không biết. Nhưng mẹ nghĩ, nếu con là con của một bà mẹ khác thì có thể con sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn mà cũng có thể là sẽ tồi tệ hơn. Ai biết được?!” Con suy ngẫm một chút, rồi cười hì hì, “Con chắc là không có bà mẹ nào có thể chịu đựng được con như mẹ đâu!” Tôi cười to, “Biết đâu đó, nhỉ!? Mẹ không phải là một người mẹ hoàn hảo, mẹ cũng không biết phải làm mẹ như thế nào, nhưng mẹ luôn cố gắng học để có thể trở thành người mẹ. Ổn hén?!”

Nuôi dạy một đứa trẻ là việc vô cùng khó khăn, là bố mẹ - chúng ta không thể biết chúng ta sai lầm khi nào bởi chúng ta là những nạn nhân của một nền giáo dục tồi tệ với các phương pháp giáo dục còn tồi tệ hơn. Nhưng chúng ta phải thay đổi tư duy, phải học để hiểu, không được phép để những di chứng tổn thương lặp lại trên con cháu mình. Chúng ta, đa số đều bị ba mẹ vô tình làm tổn thương phẩm giá, hãy đừng để điều đó xảy ra với con cháu của mình.

Một xã hội có nhiều con người biết giữ gìn phẩm giá thì xã hội đó mới được tôn trọng và con người trong xã hội đó mới có thể ngẩng cao đầu tự hào tôi là người Việt, không như hiện nay. Hiện nay sao thì các bạn biết rồi, thiết nghĩ không cần nói thêm.

12.8.2019