Sẽ có phố Phạm Toàn, trường Đại học Hoàng Tụy và đường Nguyễn Thanh Giang (Phạm Đình Trọng)

Mười lăm năm trước, lí tưởng dân chủ đưa tôi đến gặp Tổng biên tập tờ đặc san Tổ Quốc Nguyễn Thanh Giang. Từ đó tôi có nhiều kỉ niệm, có thêm hiểu biết về một tài năng quí, một nhân cách đẹp để tôi càng gần gũi, yêu quí Nguyễn Thanh Giang như một người anh. Tôi không thể không viết về người anh thân yêu đó. (Phạm Đình Trọng)


Liền hai tháng giữa năm 2019 đất nước ta, nhân dân ta mất đi ba nhà văn hóa tên tuổi, ba tâm hồn lớn. Cuối tháng sáu, ngày 26, mất nhà văn, nhà khoa học giáo dục Phạm Toàn. Giữa tháng bảy, ngày 14, mất nhà toán học Hoàng Tụy. Cuối tháng bảy, ngày 28, mất nhà khoa học địa chất, nhà khoa học chính trị và nhà thơ Nguyễn Thanh Giang.
Là nhà văn hóa, nhà khoa học đích thực nên Phạm Toàn, Hoàng Tụy, Nguyễn Thanh Giang cùng những trí tuệ lớn, những tâm hồn đẹp của tinh hoa Việt Nam như Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, Hoàng Minh Chính, Hà Sỹ Phu, Nguyễn Gia Kiểng… còn là những nhà tư tưởng khai sáng cho nhân dân trong tăm tối của thống trị cộng sản.

Đã có nhiều bài viết chân thực, xúc động của nhiều trí thức, nhiều tên tuổi về tài năng, trí tuệ và nhân cách Phạm Toàn, Hoàng Tụy. Không tiếp cận được đầy đủ trí tuệ và những đóng góp to lớn của nhà văn hóa Phạm Toàn đã mang lại triết lí giáo dục đúng đắn và sức sống mới cho nền giáo dục nước nhà đang suy vi, tôi cũng có hai bài viết về con người nghệ sĩ Phạm Toàn.
Nhà giáo Phạm Toàn. Nguồn: VNE
Mười lăm năm trước, lí tưởng dân chủ đưa tôi đến gặp Tổng biên tập tờ đặc san Tổ Quốc Nguyễn Thanh Giang. Từ đó tôi có nhiều kỉ niệm, có thêm hiểu biết về một tài năng quí, một nhân cách đẹp để tôi càng gần gũi, yêu quí Nguyễn Thanh Giang như một người anh. Tôi không thể không viết về người anh thân yêu đó. Nhưng tôi không thể dứt ra khỏi mạch tư duy của một bài viết đang dang dở.
GS Hoàng Tụy. Nguồn: Người Quảng Phía Nam
Để món nợ bài viết về anh Nguyễn Thanh Giang trong tim nhưng tôi phải thưa ngay rằng trên đất nước thân yêu của chúng ta, nhiều công trình, cơ sở văn hóa, nhiều vùng đất, nhiều đường phố đang phải mang những cái tên đen tối, những cái tên đọc lên phải rùng mình ghê sợ. Trong khi chúng ta có nhiều tên tuổi sáng đẹp lại không được người đời ghi nhớ.

Những người mang thảm họa cộng sản về tàn phá đất nước, li tán dân tộc, giết hại người dân Việt Nam đã trở thành những nhà lãnh đạo đất nước độc tài gây nên một thời đẫm máu bạo lực chuyên chính vô sản. Những kẻ cuồng tín giáo điều, hôn mê hận thù giai cấp, say máu chuyên chính vô sản đã mang thuốc nổ gài vào giữa cuộc sống bình yên của thành phố nhộn nhịp đông vui đã được nhà nước chuyên chính vô sản tôn phong là những anh hùng. Tên những nhà lãnh đạo độc tài và tên những anh hùng khủng bố đã trở thành tên gọi nhiều nơi chốn trên đất nước Việt Nam hôm nay.

Những cái tên mang nợ máu với dân, là tội đồ của lịch sử Việt Nam sẽ được lịch sử công bằng và nghiêm khắc phán xét, sẽ bị đời đời lên án phải bị loại bỏ khỏi đời sống văn hóa đất nước để thay bằng những tên tuổi là niềm tự hào của tâm hồn, trí tuệ và khí phách Việt Nam như Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Hộ, Trần Lâm, Lê Hiếu Đằng, Hạ Đình Nguyên…

Vì vậy sẽ có phố Phạm Toàn, trường đại học Hoàng Tụy và đường Nguyễn Thanh Giang. Và đường Nguyễn Thanh Giang chính là đường Trung Văn thuộc Từ Liêm, Hà Nội hiện nay, nơi có nhà số sáu khu tập thể Địa Vật Lý, nơi nhà khoa học Nguyễn Thanh Giang đã sống những năm tháng sôi động đầy ý nghĩa và đã viết để lại cho mai sau những tác phẩm mang dấu ấn tài năng của tâm hồn và trí tuệ Nguyễn Thanh Giang: Nhân Quyền Và Dân Chủ Ở Việt Nam, Suy Tư Và Ước Vọng, Giữa Đông Và Tây, Sứ Mệnh Công Dân, Những Mẩu Quặng Dọc Đường, Đêm Dày Lấp Lánh, Người Đội Số Phận.

29/7/2019