Điểm tin Châu Á - Thương chiến Nhật - Hàn (RFI)

Tổng thống Moon Jae In (G) trong cuộc gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc, tại Nhà Xanh, Seoul, ngày 10/07/2019/Yonhap via REUTERS


Hàn Quốc lo ngại tranh chấp xuất khẩu kéo dài với Nhật Bản


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào hôm nay, 10/09/2019, cảnh báo là việc Nhật cấm xuất khẩu linh kiện thiết yếu cho ngành điện tử Hàn Quốc sẽ còn kéo dài và gây nên « tình trạng khẩn cấp chưa từng có ».

Tổng thống Moon Jae In đưa ra lời cảnh báo trên trong buổi tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, từ Samsung Electronics, SK Group cho đến Huyndai Motor Co và Lotte Group, để bàn về quyết định cấm xuất khẩu của Nhật.

Ông Moon còn cho là tranh chấp thương mại hai bên sẽ nghiêm trọng hơn. Theo ông, Seoul đang nỗ lực giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao và hy vọng được Tokyo đáp ứng, có điều là « không thể loại trừ khả năng tình hình xấu này sẽ kéo dài ».

Tổng thống Hàn Quốc cho là « cần phải có một kế hoạch đáp trả chung, có phối hợp giữa chính quyền và lãnh vực tư nhân trong tình trạng khẩn cấp chưa từng có » mà Hàn Quốc đang lâm vào, đồng thời hứa là chính quyền sẽ hỗ trợ các công ty bị tác hại.

Ông Moon Jae In cũng bác bỏ lập luận của các viên chức chính phủ Nhật, giải thích rằng Tokyo chỉ xuất khẩu những linh kiện nhạy cảm qua các quốc gia đáng tin cậy. Thủ tướng Shinzo Abe nói thẳng là nghi ngờ Seoul mua linh kiện Nhật để rồi xuất sang Bắc Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc cũng thúc giục Nhật không nên đi quá xa dẫn đến tình trạng không lối thoát.

********************

Hàn Quốc cầu viện Mỹ trong tranh chấp thương mại với Nhật


Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha tối qua 10/07/2019 khi nói chuyện điện thoại với đồng nhiệm Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cảnh báo rằng việc Nhật Bản hạn chế xuất nguyên liệu cho ngành công nghệ cao Hàn Quốc có thể ảnh hưởng đến cả các công ty Mỹ.


Ngoài cuộc điện đàm này, đại diện của bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, ông Kim Hyun Chong hôm nay bất ngờ đến Washington, để trình bày về xung đột thương mại giữa Seoul và Tokyo với Nhà Trắng và Quốc Hội Mỹ.

Ngoại trưởng Kang nhấn mạnh với đồng nhiệm Mỹ là việc Nhật gây khó khăn cho Hàn Quốc có thể làm rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây thiệt hại cho các công ty Mỹ. Bên cạnh đó còn gây ra hậu quả không mong muốn cho quan hệ hữu nghị Hàn-Nhật, và sự hợp tác ba bên Nhật-Mỹ-Hàn.

Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ cảm thông với tình hình, và sẽ tiếp tục việc hợp tác, tăng cường liên lạc giữa Washington, Seoul và Tokyo. Trong khi đó hôm qua cựu đại sứ Nhật tại Mỹ Ichiro Fujisaki khi trả lời Reuters lại nói rằng « không cần Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian ».

Tuần trước sau khi tư pháp Seoul buộc Nhật bồi thường cho những lao động bị cưỡng bức thời Đệ nhị Thế chiến, Tokyo thông báo sẽ áp dụng những thủ tục ngặt nghèo trong việc xuất khẩu nhiều nguyên liệu cho công nghệ cao, khiến các tập đoàn Hàn Quốc sản xuất chất bán dẫn Samsung Electronics, SK Hynix phải khốn đốn. Đảng Dân Chủ cầm quyền ở Hàn Quốc hôm nay loan báo dành ngân sách 300 tỉ won (225 triệu euro) để hỗ trợ.

********************

Hàn Quốc có thể trả đũa việc Nhật hạn chế xuất nguyên liệu

Seoul hôm nay 04/07/2019 cảnh báo có thể trả đũa, nếu Tokyo nhất quyết hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu cần thiết cho các công ty công nghệ cao Hàn Quốc.

Bộ trưởng Tài Chính Hàn Quốc, ông Hong Nam Ki hôm nay tuyên bố « không loại trừ việc áp đặt các biện pháp tương ứng chống lại Nhật », vì Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) mất rất nhiều thời gian để giải quyết tranh chấp. Ông cũng cho rằng xung đột thương mại sẽ gây thiệt hại cho cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản.


Tập đoàn Samsung Electronics Co và SK Hynix Inc, đứng đầu thế giới về chip điện tử và là các nhà cung ứng cho Apple cũng như Hoa Vi, có thể bị thiếu nguyên liệu nếu các hóa chất cần thiết cho việc sản xuất chip và màn hình điện thoại thông minh bị giới hạn bởi các thủ tục phức tạp của Nhật.

Các nhà xuất khẩu phải xin phép cho từng đơn hàng, và thủ tục này mất đến 90 ngày. Việc hạn chế được cho là áp dụng từ hôm nay, trong khi Nhật Bản chiếm 70 - 90% lượng xuất khẩu các nguyên liệu này sang Hàn Quốc.

Quyết định trên của Nhật diễn ra trong bối cảnh tư pháp Hàn Quốc liên tục ra các bản án buộc các tập đoàn Nhật Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp. và Mitsubishi Heavy Industries Ltd. phải bồi thường hàng trăm ngàn đô la cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời Đệ nhị Thế chiến. Phía Nhật nhấn mạnh rằng vấn đề đã được giải quyết xong trong thỏa ước năm 1965, nhưng tư pháp Hàn Quốc cho rằng thỏa thuận này không liên quan đến những người bị buộc làm việc tại các nhà máy Nhật.


********************

Nhật hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng sang Hàn Quốc

Theo AFP, hôm nay 01/07/2019, Nhật Bản thông báo siết chặt điều kiện xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều loại hóa chất dùng cho sản xuất chíp điện tử, màn hình điện thoại thông minh hoặc máy thu hình. Nguyên do của quyết định bắt nguồn từ những bất đồng do lịch sử để lại về Chiến tranh Thế giới thứ 2.


Theo Bộ Thương Mại và Công Nghiệp Nhật, quy định mới có hiệu lực từ ngày thứ Năm (04/07) tới. Thông cáo của bộ giải thích : « Việc kiểm soát xuất khẩu là dựa trên cơ sở quan hệ tin cậy giữa các quốc gia. Nhưng sau các tham khảo với các bộ liên quan, rõ ràng quan hệ tin cậy giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang bị xấu đi đáng kể ».

Các biện pháp hạn chế của Nhật liên quan đến 3 loại sản phẩm cũng như việc chuyển giao công nghệ liên quan đến các linh kiện bị cấm xuất khẩu.

Các nhà xuất khẩu Nhật mỗi lần chuyển hàng đến hàn Quốc đều phải xin giấy phép. Thời hạn cho thủ tục này kéo dài khoảng 90 ngày.

Dù Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ, nhưng lịch sử thời Nhật chiếm đóng Triều Tiên 1910-1945 đã để lại những bất đồng và hiềm khích đến giờ vẫn chưa thể giải quyết hết.

Các hiềm khích lại bùng lên khi gần đây tư pháp Hàn Quốc ra phán quyết đòi các công ty Nhật bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động. Tokyo phản đối vì cho rằng vấn đề đó đã được giải quyết bằng hiệp định nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1965. Tuy nhiên, tư pháp Hàn Quốc nhiều lần cho rằng hiệp định trên không tính đến vấn đề lao động khổ sai trong các nhà máy của Nhật.