Điểm tin Châu Á - Thái Lan, Miến Điện tiếp tục gây lo ngại về nhân quyền (RFI)

Một nhóm người Rohingya trên một con đường gần Shah Barir Dip, Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 03/12/2017/Ed JONES/AFP


Cao ủy Nhân Quyền LHQ tố cáo Miến Điện tiếp tục đàn áp người Rohingya


Tình trạng người Rohingya Miến Điện tiếp tục tồi tệ. Hôm qua, 10/07/2019, trong kỳ họp thứ 41 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, phủ cao ủy Nhân Quyền đã cập nhật tình hình người Rohingya tại bang Rakhine và tại các trại tị nạn ở Bangladesh.

Nếu như đời sống của người tị nạn tại Cox’s Bazar, Bangladesh, được ghi nhận nhìn chung bảo đảm, thì triển vọng hồi hương của cộng đồng Rohingya gần như là vô vọng. Trong thời gian gần đây lại xảy ra thêm nhiều bạo lực nhắm vào người Ronhingya còn ở lại trong nước. Chính quyền Miến Điện bị tố cáo không thực tâm tạo điều kiện để người tị nạn trở về như cam kết.

Thông tín viên Jérémy Lanche tường trình từ Genève :

« Làng mạc bị đốt phá, người bị bắt đi biệt tích, hãm hiếp… Liên Hiệp Quốc lo ngại về mức độ bạo lực kéo dài tại bang Rakhine. Khoảng 126.000 người Rohingya phải bỏ nhà đi tị nạn trong nước. Đối với họ, cũng như đối với hơn 700.000 người chạy sang Bangladesh, dường như không thể hồi hương. Phó Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, Kate Gilmore, tố cáo một thủ đoạn của chính quyền Miến Điện :

‘‘Tại tiểu bang Rakhine, nhân viên chính quyền đến từng nhà một để cập nhật danh sách thành viên các hộ gia đình. Họ sẽ gạch tên những người không có mặt ở nhà. Đối với nhiều người Rohingya, danh sách này là tài liệu chính thức duy nhất chứng minh quyền sở hữu hay gốc gác xuất thân của họ. Không có bằng chứng này, đối với người tị nạn, không thể có chuyện được trở về Miến Điện’’.


Đối với những người Rohingya nào vẫn ở lại bản quán, tình trạng cũng rất mong manh. Chính quyền Miến Điện buộc họ phải làm chứng minh thư. Có điều là họ sẽ phải đăng ký là người Bangladesh, chứ không được khai là người Rohingya. Người Rohingya cũng phải thông báo ngày nhập cảnh vào lãnh thổ Miến Điện, cho dù trên thực tế họ sinh ra trên đất Miến Điện. Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Miến Điện chấm dứt chính sách này và công nhận những người thuộc cộng đồng thiểu số Hồi Giáo Rohingya là công dân Miến Điện ».

********************

Thái Lan bỏ luật truy tố thường dân ra tòa án quân sự


Sinh viên, Sirawith Seritiwat, nhà tranh đấu chống tham nhũng, bị cảnh sát bắt giữ khi tham gia biểu tình phản đối dự thảo Hiến Pháp do phe quân đội soạn thảo, Bangkok, Thái Lan, ngày 01/05/2016/REUTERS/Jorge Silva/File Photo
Tướng Pryut Chan-O-Cha, thủ lĩnh tập đoàn quân sự Thái Lan, nay nắm ghế thủ tướng, đã hủy bỏ hàng chục đạo luật độc đoán ban hành sau cuộc đảo chính. Trong số này có luật sử dụng tòa án quân sự để xét xử thường dân. Tuy nhiên, do thiếu tự tin, chính quyền hậu đảo chính vẫn duy trì biện pháp giam giữ tùy tiện.

Theo AFP, Công báo Hoàng gia Thái ngày 09/07/2019 cho biết, kể từ nay, những vụ án đang thụ lý ở tòa án quân sự phải được chuyển qua tòa án dân sự.

Tướng Chan-O-Cha, thủ tướng Thái Lan từ sau cuộc bầu cử Quốc Hội hậu đảo chính vào tháng Ba vừa qua, đã ra lệnh hủy bỏ hơn một chục đạo luật được ban hành từ năm 2014, trong đó có luật dùng tòa án quân sự trấn áp thường dân. Hơn 2000 nạn nhân đã bị tuyên án vì có quan điểm chống tập đoàn tướng lãnh hay bị cáo buộc tội khi quân.

Quyết định mới này chỉ làm cho các hiệp hội nhân quyền lo lắng hơn. Quân đội vẫn có quyền khám xét nhà cửa và tạm giam nơi bí mật đến 7 ngày bất cứ người nào bị cáo buộc vi phạm « an ninh quốc gia ».

Theo Anon Chawalawan, thuộc tổ chức Luật Gia Thiện Nguyện Ilaw, « chính quyền Chan-O-Cha dường như không chắc chắn sẽ thành công trong việc kiểm soát các nguyên tắc sinh hoạt dân chủ, cho nên họ thủ một lá bài cho phép trấn áp các cuộc biểu tình lớn bằng biện pháp triệu tập, tạm giam » những người đối lập.

Trong tháng qua, nhiều công dân Thái bị tấn công vì có lập trường chống đảo chính. Điển hình là Sirawith Seritiwat, một trong những lãnh đạo sinh viên bị nhiều người đánh đập giữa ban ngày tại thủ đô Bangkok, theo tin của AFP. Tiếp theo đó, 8 Facebooker do tố cáo cảnh sát tổ chức hành hung, đã bị truy tố với nguy cơ mỗi người lãnh án đến 5 năm tù.

********************

Đến lượt vợ cựu chủ tịch Interpol bị Trung Quốc âm mưu bắt cóc ?

Hình ảnh đầu tiên của cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) kể từ khi mất tích vào cuối tháng 9/2018/HANDOUT / Tianjin No.1 Intermediate Court / AFP

Sau vụ ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), chủ tịch tổ chức cảnh sát quốc tế có trụ sở tại Lyon bị mất tích năm ngoái, liệu tình báo Trung Quốc có toan bắt cóc luôn vợ của ông này ? Tư pháp của Pháp hiện đang tìm kiếm câu trả lời.


Cuối tháng 9/2018, chủ tịch Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ bỗng dưng bị mất tích khi đang đi Trung Quốc. Đến ngày 07/10/2019, Interpol nhận được đơn từ chức của ông, và vài giờ trước đó Bắc Kinh loan báo ông Mạnh đã bị bắt vì tội tham nhũng. Nay theo thông tin của báo Le Monde, cơ quan tư pháp Lyon đang mở lại hồ sơ về một âm mưu bắt cóc người vợ ông này là bà Grace Meng.

Luật sư của bà là Emmanuel Marsigny hôm 26/2 đã nộp đơn kiện, sau khi Viện Công tố Lyon hồi tháng 10 năm ngoái đã cho ngưng cuộc điều tra sơ khởi vì « tội phạm có tổ chức với âm mưu bắt cóc ». Vị luật sư bày tỏ sự ngạc nhiên, vì sao cuộc điều tra của cảnh sát hình sự Lyon với nghi vấn chính quyền Trung Quốc có nhúng tay vào, lại bị xếp hồ sơ. Ông nhấn mạnh đến một loạt những hoạt động khả nghi nhắm vào thân chủ mình, trong những ngày sau khi ông Mạnh Hoành Vĩ bị mất tích.

Từ những người khách bí ẩn, cuộc điện thoại đe dọa…

Ngày 08/10/2018, một người đàn ông châu Á lái chiếc xe hơi hiệu BMW mang bảng số ngoại giao đến trước nhà hai vợ chồng ông Mạnh ở Lyon. Cuộc viếng thăm này được camera an ninh của căn biệt thự ghi lại. Liệu có phải đến lượt người vợ ông Mạnh Hoành Vĩ bị tình báo Trung Quốc mưu toan bắt cóc để « đưa vào một nơi bí mật » như ông chồng ?

Câu hỏi này giờ đây được nghiêm chỉnh đặt ra, trong khi cả chính quyền Pháp lẫn Interpol hồi đó dường như đều không muốn can thiệp, coi vụ này như là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Tuy nhiên vào thời điểm đó, cuộc tiếp xúc kỳ lạ trên không phải là duy nhất đối với bà Mạnh.

Như tờ Libération đã tiết lộ, ngay từ ngày 05/10/2018, bà Mạnh đã tỏ ra thận trọng, quyết định đi mướn phòng tại khách sạn Marriott thay vì ở nhà. Một cặp nam nữ người châu Á mà cho đến nay vẫn chưa rõ danh tính, đã vào sảnh khách sạn. Hai người này cố gắng tìm hiểu số phòng của bà nhưng không thành công. Một hôm trước đó, khi bà Mạnh vừa đăng ký được một số điện thoại và chỉ có vài người biết, bà nhận được một cuộc gọi từ một người nói tiếng Hoa, đe dọa rằng « đã có hai ê-kíp giám sát bà ».

Theo biên bản của cảnh sát hình sự mà Le Monde đọc được, cuộc gọi này là từ một điện thoại mua ở Lycamobile, với một thẻ sim trả tiền trước, dưới một cái tên giả, một số hộ chiếu mà chính quyền Pháp không biết đến.

Số điện thoại mới của vợ chủ tịch Interpol mà người bí mật này gọi đến, chỉ có bốn thành viên trong ê-kíp của chồng bà biết. Bởi vì bà mua điện thoại mới vào ngày 26/09/2018, ngay sau hôm nhận được tin nhắn cuối cùng của ông Mạnh Hoành Vĩ hôm 25/9, lúc đó đang ở Trung Quốc. Ông nhắn « Chờ tôi gọi lại », rồi sau đó gởi biểu hiện emoticon hình con dao. Bà chỉ sử dụng số điện thoại này sau khi gói thuê bao của bà được phía Trung Quốc chi trả, vài ngày trước đó bất ngờ bị cắt.

…Đến vị doanh nhân có máy bay riêng, ê-kíp giúp việc « bốc hơi »

Lãnh sự Trung Quốc ở Lyon đã nhiều lần cố gặp bà Mạnh nhưng không thành công, với lý do để « giúp đỡ và cho biết thông tin » về ông Mạnh Hoành Vĩ. Một doanh nhân Trung Quốc mà bà Mạnh đã từng tư vấn trong quá khứ bỗng dưng xuất hiện, đề nghị bà đi Cộng hòa Sec vào đầu tháng 10. Người này nói rằng cần tham vấn về một dự án đầu tư, và bà sẽ được đi bằng máy bay riêng. Họ gặp nhau tại khách sạn Sofitel ở Lyon, nhưng bà Mạnh từ chối đề nghị.

Ít lâu sau, doanh nhân này lại gạ bà Mạnh về những vụ làm ăn khác, lần này ở những nước khác, đặc biệt là Thụy Sĩ. Vì sao ông ta liên tục đưa ra những đề nghị như vậy ? Không thể hiểu được. Cảnh sát Pháp không điều tra về nhân thân của doanh nhân này, về lý do và thời gian có mặt trên đất Pháp, lịch bay của phi cơ riêng ông ta…

Một chi tiết đáng ngờ nữa là ê-kíp giúp việc cho ông Mạnh Hoành Vĩ với tư cách chủ tịch Interpol, đã biến mất sau ngày 04/10/2018. Trợ lý riêng của gia đình ông Mạnh tên là Jiange, được đại sứ quán Trung Quốc triệu hồi về. Xia Xin, thư ký của ông Mạnh Hoành Vĩ biến đi không tăm tích. Còn Kwok Ka Chun, một nhà phân tích người Hồng Kông làm việc với cựu chủ tịch Interpol thì lấy « lý do cá nhân » để quay về nước.

Rõ ràng là có những mệnh lệnh từ chính quyền trung ương ở Bắc Kinh. Ngoài ra, vào đầu tháng 10/2018, một phái đoàn Trung Quốc do một người tên Liao Jinrong dẫn đầu đã đến trụ sở Interpol ở Lyon. Vì lý do gì ? Cuộc điều tra sơ khởi chưa thể làm rõ.

Chính để làm sáng tỏ những vùng xám này, mà luật sư của bà Mạnh yêu cầu tiến hành các cuộc điều tra. Trong số đó có việc tìm hiểu kỹ hơn xung quanh chiếc điện thoại, danh tính của kẻ đã tìm đến nhà ông Mạnh Hoành Vĩ, hay những chuyến đi của doanh nhân Trung Quốc có máy bay riêng.

Ngang nhiên bắt cóc chủ tịch Interpol : Chưa có tiền lệ !

Bà Mạnh, lấy tên là « Grace » chứ không dùng tên tiếng Hoa, đã được chấp nhận cho tị nạn tại Pháp vào đầu tháng Năm. Trong thông cáo ngày 6/7 vừa rồi, bà Grace Meng loan báo đã kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye. Bà tố cáo Interpol đã « thất bại trong việc bảo vệ và hỗ trợ » gia đình bà, « đồng lõa với các hành động tùy tiện của một trong những quốc gia thành viên là Trung Quốc ».

Về phía tư pháp Trung Quốc, vào tháng Sáu đã cho đưa lên kênh truyền hình nhà nước CCTV một tấm ảnh của ông Mạnh Hoành Vĩ, trông gầy đi hẳn, trong phiên xử ông ở tòa án Thiên Tân (Tianjin). Ông bị buộc tội « từ chối áp dụng các quyết định của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc », và « xài tiền công quỹ không cần đếm, một cách vô đạo đức, để thỏa mãn cuộc sống đế vương của gia đình ».

Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, ông Mạnh Hoành Vĩ đã thú nhận việc nhận số tiền hối lộ 14 triệu nhân dân tệ (1,8 triệu euro). Tuy nhiên tình trạng không tôn trọng quyền được biện hộ cũng như cưỡng bức nhận tội là đặc tính của hệ thống điều tra hình sự Trung Quốc.

Với việc ông Mạnh Hoành Vĩ lên làm chủ tịch Interpol, Trung Quốc đã có được một trong những chức vụ đứng đầu một tổ chức quốc tế, bất chấp sự phản đối kịch liệt vào thời đó của các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền, và sự nghi ngại của các nước thành viên.

Chín tháng sau vụ ông Mạnh bị bắt, câu hỏi vẫn còn nguyên vẹn. Trung Quốc, đang trên đường tìm kiếm uy tín trên thế giới, lấy lý do gì để ngang nhiên bắt cóc một chủ tịch của tổ chức cảnh sát quốc tế ?