Nước thải công nghiệp đang “bức tử” các dòng sông tại Việt Nam (Hòa Ái-RFA)
Truyền thông trong nước, vào đầu tháng 5 năm 2018 dẫn lời của ông
Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, thuộc Bộ Tài
nguyên-Môi-trường cho hay Việt Nam có 3 lưu vực sông bị ô nhiễm trọng
điểm và ngày càng nghiêm trọng, bao gồm lưu vực sông Cầu, lưu vực sông
Nhuệ-sông Đáy và lưu vực sông Đồng Nai. Còn Tiến sĩ Trương Mạnh Tiến,
Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, cho rằng nếu Việt Nam không có
các giải pháp kịp thời thì hơn 2000 dòng sông có nguy cơ trở thành dòng
sông chết. (RFA)
Các nhà khoa học một lần nữa lên tiếng cảnh báo về tình trạng báo
động hàng ngàn con sông ở Việt Nam đang chết dần bởi nước thải công
nghiệp, qua thông tin mới nhất liên quan sông Cái lớn ở Đồng bằng Sông
Cửu Long bị đổi màu nước đen ngòm hơn 1 tuần qua.
Người dân khốn đốn vì sông ô nhiễm
Truyền thông quốc nội, trong những ngày đầu tháng 5, đồng loạt đăng
tải thông tin về đời sống người dân địa phương gặp nhiều khó khăn do
sông Cái Lớn, chảy qua khu vực huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu
Giang bị đổi màu nước đen ngòm và bốc mùi hôi khi thời tiết nắng nóng.
Dân chúng sinh sống dọc theo sông Cái Lớn phản ánh với truyền thông
rằng toàn thị xã Long Mỹ bị cúp nước bắt đầu từ sáng ngày 03/05, trong
khi nhiều hộ nuôi cá và nuôi ếch bị chết hàng loạt do nước sông ô nhiễm.
Báo Dân Trí Online dẫn lời của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Long
Mỹ cho biết tình trạng sông Cái Lớn bị ô nhiễm xảy ra hơn nửa tháng qua
và Nhà máy nước phải cúp nước sinh hoạt vì không thể lấy nước từ nguồn
nước ô nhiễm trên sông Cái Lớn.
Vào ngày 06/05, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh hậu Giang, ông Lê Tiến
Châu cho báo giới biết qua kết quả kiểm tra ban đầu đã phát hiện việc xả
thải của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ là một trong những nguyên
nhân gây ra ô nhiễm nước ở sông Cái Lớn và các cơ quan chức năng tiếp
tục điều tra để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm này.
Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Hậu Giang cũng cho biết nước sông Cái
Lớn bị ô nhiễm nghiêm trọng và kết quả quan trắc nước mặt trên đoạn sông
Cái Lớn cho thấy có nhiều chỉ số vượt quy định cho phép so với Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mặt nước.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu,
thuộc Đại học Cần Thơ nói với RFA về nguyên nhân sông Cái Lớn bị ô
nhiễm:
“Tôi nghĩ rằng vùng Long Mỹ là vùng nước không chảy được nên khi
nước thải ô nhiễm từ một nhà máy đổ ra mà nước trên sông không chảy được
thì có khả năng làm cho nước bị đen hay gây ô nhiễm như vậy. Đây chỉ là
một giả thuyết thôi vì tôi cũng chưa chắc chắn là từ một nhà máy sản
xuất đường hay còn nguyên nhân nào khác, do tôi chưa có đầy đủ số liệu
về vụ việc này.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý
môi trường nước thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định
rằng với quy mô nhà máy của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ thì việc
xả thải gây ô nhiễm đến mức nước sông Cái Lớn bị đen ngòm thì có thể bị
tích lũy từ vài tuần đến vài tháng, với mức độ ngày càng tăng dần.
Đài RFA ghi nhận trong lúc cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang đang điều
tra để tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Cái Lớn chỉ bởi từ mỗi
việc xả thải của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ hay không thì trước
đó Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cùng người dân ở
huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang lên tiếng cáo buộc rằng nước thải của
nhà máy giấy, thuộc Công ty TNHH Lee & Man sẽ hủy hoại môi trường
của sông Hậu Giang.
Hồi tháng 1 năm 2017, tờ Diplomat, cũng dẫn lời cảnh báo của Tiến sĩ
Lê Anh Tuấn cho rằng nhà máy sản xuất giấy này có thể gây ô nhiễm trên
diện tích rộng hai dòng chính của sông Cửu Long là sông Tiền và sông
Hậu. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn giải thích thêm với RFA:
“Thật ra nhiều nhà khoa học đã cảnh báo đây là vùng rất nhạy cảm
trong lãnh vực môi trường. Ở vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn
nhất Đồng bằng Sông Cửu Long thì theo tôi là không nên đặt các nhà máy
có nguy cơ gây ô nhiễm như nhà máy sản xuất giấy hay nhà máy sản xuất
đường như vậy. Mặc dù có đặt thì phải có việc giám sát môi trường rất
chặt chẽ, tức là tất cả nước xả thải phải được xử lý hoặc là phải đạt
được tiêu chuẩn theo quy định về môi trường trước khi được phép xả thải
ra ngoài các nguồn nước.”
Thế nhưng, theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Anh Tuấn và của giới chuyên
gia tại Việt Nam thì các con sông ở Việt Nam bị ô nhiễm một phần do quản
lý không tốt trong việc kiểm soát nước thải của các nhà máy công
nghiệp.
Báo động 2000 con sông đang chết
Thảm họa Công ty Vedan xả thải ra sông Thị Vải hồi năm 2008, gây ô
nhiễm nghiêm trọng cho cả lưu vực sông kéo dài đến 40 km được cho là một
bài học quý giá trong việc bảo vệ sông ngòi trước xu thế Việt Nam đẩy
mạnh công nghiệp hóa. Mặc dù vậy, một thập niên sau đó, dân cư địa
phương dọc sông Thị Vải, từ Đồng Nai cho đến Bà Rịa-Vũng Tàu cho RFA
biết rằng Công ty Vedan không còn xả thải nghiêm trọng như trước, nhưng
các doanh nghiệp khác cũng đang xả thải và nguồn nước bị ô nhiễm khiến
cho thủy sản nuôi bị chết trong vài năm trở lại đây.
Truyền thông trong nước, vào đầu tháng 5 năm 2018 dẫn lời của ông
Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, thuộc Bộ Tài
nguyên-Môi-trường cho hay Việt Nam có 3 lưu vực sông bị ô nhiễm trọng
điểm và ngày càng nghiêm trọng, bao gồm lưu vực sông Cầu, lưu vực sông
Nhuệ-sông Đáy và lưu vực sông Đồng Nai. Còn Tiến sĩ Trương Mạnh Tiến,
Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, cho rằng nếu Việt Nam không có
các giải pháp kịp thời thì hơn 2000 dòng sông có nguy cơ trở thành dòng
sông chết.
Cùng trong thời gian đầu tháng 5 năm 2018, Bộ Tài nguyên-Môi trường
cho biết vừa có văn bản trả lời về tình trạng ô nhiễm nguồn nước và số
lượng các dòng sông “chết” ngày càng tăng. Bộ Tài nguyên-Môi trường ghi
nhận chất lượng môi trường nước tại các lưu vực sông bị suy thoái ở
nhiều nơi, đặc biệt các đoạn sông chảy qua khu công nghiệp, làng nghề và
khu vực đô thị và hậu quả của nguồn nước bị ô nhiễm gây ra nhiều bệnh
tật cũng như tác động trực tiếp đến đời sống và phát triển kinh tế-xã
hội.
Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng cho biết một trong những giải pháp đưa
ra là bắt buộc tất cả các khu, cụm công nghiệp xây dựng mới phải hoàn
thành hệ thống xử lý nước thải trước khi đi vào hoạt động; đồng thời tập
trung vào công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, xử lý
nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tiến sĩ Hồ Long Phi đưa ra nhận xét của ông về các biện pháp xử lý,
chế tài đối với những doanh nghiệp vi phạm trong việc xả thải gây ô
nhiễm môi trường, kể cả gây ô nhiễm nguồn nước sông ngòi:
“Theo tôi thì luật môi trường có đủ, nhưng có điều là các địa
phương nhiều khi quá đặt nặng vấn đề kinh tế, họ muốn thu hút công ăn
việc làm và muốn thu hút đầu tư thì họ mới giảm nhẹ chứ căn cứ đúng theo
luật định thì có đủ (biện pháp chế tài), tuy nhiên địa phương có muốn
áp dụng hay không. Tại vì nhiều khi áp dụng thì doanh nghiệp chạy sang
chỗ địa phương khác mà nơi đó dễ dãi hơn, do doanh nghiệp luôn đặt lợi
nhuận lên trên hết thành ra chỗ nào ‘nới tay’ thì họ làm thôi. Tóm lại
cái gì cũng có hai mặt, lãnh đạo địa phương đôi khi coi trọng mặt này
thì bỏ quên mặt kia. Thế còn về luật thì tôi nghĩ không thiếu.”
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài
nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt
Nam), trong một cuộc phỏng vấn với Báo mạng thiennhien.net, hồi năm 2015
từng kêu gọi tình trạng các dòng sông đang suy kiệt về mặt sức khỏe,
suy thoái về nguồn nước cần phải được nhìn nhận lại vì vấn đề sông ngòi,
với hơn 3000 con sông chính là sự bảo đảm tồn vong và phát triển của
con người Việt Nam trong tương lai.