TT Trump thề phủ quyết nghị quyết Thượng viện về tường biên giới (Reuters)

Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm, 15/3, khiển trách Tổng thống Donald Trump bằng cách bỏ phiếu chấm dứt tuyên bố về tình trạng khẩn cấp ở biên giới của ông. 12 đảng viên Cộng hòa đã đứng về phía đảng Dân chủ trong nghị quyết này. Tổng thống Trump nhanh chóng tuyên bố ông sẽ phủ quyết. (Reuters)

Cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 59 thuận-41 chống thể hiện việc hai đảng không công nhận quyết định của ông Trump nhằm vô hiệu hóa Quốc hội và lấy ngân quỹ đã được phân bổ cho các chương trình khác rồi điều chuyển để trả cho bức tường biên giới Hoa Kỳ-Mexico mà ông Trump hứa sẽ xây dựng trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016.

Tổng thống Trump viết trên Twitter ngay sau cuộc bỏ phiếu: “PHỦ QUYẾT!”

Một phụ tá ban lãnh đạo Hạ viện cho biết nhiều khả năng sẽ có một cuộc bỏ phiếu vào ngày 26/3, khi các nhà lập pháp trở lại làm việc sau một tuần nghỉ, để bác bỏ hành động phủ quyết mà ông Trump tuyên bố.

Nghị quyết của quốc hội khó có thể trở thành luật vì có đủ số đảng viên Cộng hòa trong Hạ viện và Thượng viện để duy trì quyền phủ quyết của ông Trump, trong khi phải đạt được thế đa số 2/3 ở cả hai viện mới bác bỏ được hành động phủ quyết của tổng thống. Vấn đề này rốt cuộc có thể phải đem ra định đoạt tại các tòa án.

Dù hiển hiện mối đe dọa là tổng thống sẽ phủ quyết, các thượng nghị sĩ và chuyên gia pháp lý cho rằng quốc hội đã gửi ra một thông điệp mà các thẩm phán có thể trích dẫn trong một số vụ kiện chống lại tuyên bố về tình trạng khẩn cấp của ông Trump.

Thượng nghị sĩ Angus King, một trong hai thượng nghị sĩ độc lập tại Thượng viện nói: “Đó là một tuyên bố pháp lý quan trọng. Tuyên bố này nói với tòa án rằng việc này rõ ràng không được Quốc hội phê chuẩn. Bằng cách bỏ phiếu cho nghị quyết này, Quốc hội tái khẳng định là chúng tôi không ủng hộ việc chi tiêu này”.

Peter Shane, một giáo sư luật tại Trường Luật Moritz thuộc Đại học Bang Ohio, đồng ý.

Giáo sư nói: “Kết quả bỏ phiếu của Quốc hội, ngay cả khi bị phủ quyết, củng cố cho quan điểm của tòa án cho rằng cái gọi là tình trạng khẩn cấp thực ra là một kiểu lách luật trước nhánh lập pháp. Cơ quan lập pháp là cơ quan hợp hiến quản lý việc chi tiêu liên bang, song họ không thấy thuyết phục về tình trạng khẩn cấp, và đã từ chối cấp tiền để xây tường”.

(Reuters)