Suy thoái tư tưởng chính trị trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam (Nguyễn Quang Hồng)

Lời tòa soạn : Ngày 8/3/2019, Tạp Chí Đảng cộng sản Việt Nam cho đăng bài viết nói về sự suy thoái tư tưởng chính trị trong hàng ngũ đảng viên Đảng cộng sản do Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Hồng, Trường Đại học Vinh biên soạn. Bài viết phản ánh trung thực tình trạng bỏ đảng, xa đoàn và rời chính trị của đảng viên sau khi nghỉ hưu xin nghỉ sinh hoạt Đảng vì những lý do khác nhau trở thành phổ biến và là mối quan tâm, nếu không muốn nói là tiếng còi báo động, nỗi lo âu của Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay. Gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay nếu không vì những quyền lợi vật chất do những chức vụ mà Đảng ban cho còn có gì để hấp dẫn giới trẻ lẫn người già ? Nội dung những phân tích của ông Nguyễn Quang Hồng khá trung thực và khách quan. Chúng tôi cho đăng lại dưới đây nguyên văn bài viết để quý độc giả am tường. (Nguyễn Văn Huy)
Sự suy thoái tư tưởng chính trị - Nhìn từ vấn đề cán bộ, đảng viên nghỉ hưu xin nghỉ sinh hoạt Đảng vì lý do sức khỏe
TCCSĐT - Trên cơ sở tiếp cận nguồn tài liệu của một số đảng bộ địa phương, bài viết đề cập vấn đề một số cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu lấy lý do sức khỏe để xin thôi không tham gia sinh hoạt Đảng. Từ đó, đề xuất đánh giá khách quan, toàn diện về một vấn đề xã hội đã và đang diễn ra, góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
suythoai1
Đảng viên tham gia ý kiến tại sinh hoạt chi bộ Khối Trung Yên, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh. tỉnh Nghệ An - Nguồn : baonghean.vn
Khi tiếp cận các tài liệu, văn kiện này để phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, chúng tôi thấy nổi lên một vấn đề rất đáng quan tâm.
Đó là từ năm 1991 đến năm 2017, có không ít cán bộ, đảng viên xin nghỉ sinh hoạt Đảng, sau khi nghỉ hưu vì lý do sức khỏe và một số lý do khác. Vấn đề này rất ít được các tài liệu, văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp đề cập tới, nếu có, cũng chỉ chiếm một tỷ lệ hết sức khiêm tốn, thậm chí có nhiều đảng bộ, từ năm 1991 đến năm 2017, không hề nhắc đến thực tế đó, cho dù, có việc một số cán bộ, đảng viên sau khi nhận quyết định nghỉ hưu được một vài năm đã vin vào lý do sức khỏe yếu để xin thôi sinh hoạt Đảng tại các chi bộ, đảng bộ địa phương nơi mình cư trú. Thật khó để xác định lý do sức khỏe mà những cán bộ, đảng viên này đưa ra là thật hay chỉ là một nguyên cớ thiếu tính thuyết phục đối với các cán bộ, đảng viên cùng sinh hoạt trong một chi bộ, đảng bộ, rộng hơn là với cộng đồng dân cư sống trên cùng một thôn, xóm, ngõ, ngách hay phường, xã... 
Cho dù trong Điều lệ Đảng và các văn bản hiện hành của Đảng không có điều khoản nào bắt buộc cán bộ, đảng viên, vì lý do sức khỏe, bệnh tật thường xuyên vẫn phải tham gia sinh hoạt Đảng, tuy nhiên, vấn đề cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu, lấy lý do vì sức khỏe yếu, ốm đau, bệnh tật hoặc một số lý do khác để xin nghỉ sinh hoạt Đảng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước là một vấn đề lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống chính trị - xã hội đã diễn ra thời gian qua, cần được nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống, nhằm giải quyết vấn đề đã và đang đặt ra trong công tác xây dựng Đảng. Điều này càng trở nên cấp thiết hơn, khi mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều năm qua đã, đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chỉnh đốn Đảng, nhằm loại bỏ những cán bộ, đảng viên không đủ phẩm chất đạo đức, lập trường chính trị ra khỏi bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, lấy lại niềm tin của đại bộ phận quần chúng nhân dân đối với Đảng. Do đó, tiến hành khảo sát, nghiên cứu thực trạng một số ít cán bộ, đảng viên ở các chi bộ, đảng bộ trên khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, lấy lý do sức khỏe không bảo đảm để xin nghỉ sinh hoạt Đảng trong suốt phần đời còn lại thực sự là một vấn đề bức thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn không chỉ trước mắt mà cả lâu dài.
Vấn đề đặt ra ở đây là : Liệu thực trạng cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu lấy lý do sức khỏe để xin nghỉ sinh hoạt Đảng, hay ra khỏi Đảng có phải là những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái tư tưởng chính trị, trong từng cán bộ, đảng viên hay không ? Tuy số liệu thống kê chưa đầy đủ, nhưng thử hỏi : trong số hàng ngàn cán bộ, đảng viên xin nghỉ sinh hoạt Đảng ở tất cả các chi bộ, đảng bộ thuộc 63 tỉnh, thành phố của cả nước từ năm 1991 đến nay, tỷ lệ cán bộ, đảng viên vì ốm đau, bệnh tật thường xuyên, sức khỏe không cho phép để tham gia sinh hoạt Đảng tại các chi bộ, đảng bộ là bao nhiêu, hay lý do sức khỏe chỉ là một trong số ngàn lẻ lý do để họ xin nghỉ sinh hoạt Đảng ? 
Thực tế đó đã tồn tại nhiều năm qua nhưng các cấp ủy ở các địa phương vẫn chưa có các giải pháp, biện pháp cụ thể, hữu hiệu để có thể ngăn chặn, đẩy lùi. Điều đáng quan tâm là trong số đó, có cả những cán bộ, đảng viên, từng giữ cương vị này, cương vị khác trong hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng trước khi họ nghỉ hưu và điều kiện kinh tế gia đình thuộc vào diện hộ khá, hộ giàu, con cái thành đạt trong cuộc sống... 
Vậy, vì sao, thay vì gương mẫu tham gia sinh hoạt Đảng tại các chi bộ cơ sở nơi họ cư trú, tiếp tục cống hiến cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước bằng những việc làm cụ thể, họ lại xin nghỉ sinh hoạt Đảng ? Động cơ, mục đích của số ít cán bộ, đảng viên này khi lấy lý do sức khỏe để xin nghỉ sinh hoạt Đảng là gì ? Và, liệu họ có nghĩ tới những ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đối với các chi bộ, đảng bộ và cộng đồng cư dân nơi họ sinh sống khi họ không còn đứng trong hàng ngũ của Đảng nữa hay không ? Đây có phải là một trong những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái tư tưởng chính trị hay không ? Giải pháp nào để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đó ?...
Từ thực tế trên, chúng tôi cho rằng cần phải tiến hành, khảo sát, nghiên cứu một cách toàn diện về thực trạng cán bộ, đảng viên xin nghỉ sinh hoạt Đảng nói chung và cán bộ, đảng viên nghỉ hưu lấy lý do sức khỏe để xin nghỉ sinh hoạt Đảng nói riêng trên phạm vi cả nước.
Cần xem xét một cách nghiêm túc, thẳng thắn vấn đề, cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu xin nghỉ sinh hoạt Đảng vì những lý do khác nhau, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể, hữu hiệu, sát hợp với từng chi bộ, đảng bộ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thực trạng trên./.
PGS,TS. Nguyễn Quang Hồng
Trường Đại học Vinh
Nguồn : Tạp Chí Cộng Sản điện tử, 08/03/2019